LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

HAI VỤ NGHI ÁN TRONG LỊCH SỬ PHONG KIẾN VIỆT NAM (Tiếp theo)

Tác giả Đào Trinh Nhất

(Trích trong tác phâm: Con trời ngã xuống đất đen)

Tượng Quận Công Nguyễn Văn Thành tại Đình Tân An - Bình Dương

Lịch sử nước nào cũng có những vụ án bí mật, li kỳ, tuy đã kết thúc từ trăm năm, ngàn năm trước, nhưng mà hậu thế sau này mỗi khi mở lại hồ sơ, vẫn phải ngờ vực phân vân, sự khúc trực, thị phi chả biết lấy đâu làm định luận.

          Người này bảo xử thế là phải, người kia cho là bất công; Tôi nhận thấy chỗ bi thảm, oan khiên ông lại có cảm giác khoái ý; Chẳng qua chúng chỉ tùy quan niệm riêng mà xét định, cũng như đứng ở lũy mình cho lũy đằng trước là giặc thế thôi, còn có cái lý tưởng lịch sử bên trong để làm chỗ dựa, thì chúng ta thường bỏ qua, không kể đến.

          Xã hội càng văn minh, hình như lịch sử càng có nhiều nghi án nhiều hơn. Ai xem bộ “Les grands Procès de l’histoie” (Những vụ án lớn trong lịch sử) của Henri - trạng sư đại danh và có chân trong Hàn lâm viện Pháp - tất đã nhận thấy trong lịch sử các nước Âu châu ngày xưa, có biết bao nhiêu nghi án lạ lùng, mà lẽ thị phi đến nay dư luận còn xét, còn bàn, còn tìm chứng cứ thêm mãi.

          Người nào muốn sưu tầm những vụ án lớn trong lịch sử Đông phương mà viết thành sách, có lẽ vài ba chục quyển vẫn chưa đủ. Đất nước chúng ta có lịch sử trên bốn ngàn năm với nhiều triều đại phong kiến lúc thịnh, lúc suy…không thiếu gì nghi án nên chép.

          Ở đây xin thuật lại hai vụ nghi án vào hồi cận đại, có lẽ bí mật, lí thú và bi thảm nhất….

VỤ ÁN CHA CON QUẬN CÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH - KHAI QUỐC CÔNG THẦN ĐỜI GIA LONG.

Hội Thảo Khoa học tại Văn Miếu Quốc Tử giám-Hà Nội

Xem trong Liệt truyện, Văn Thành vốn người Thừa Thiên, nhưng tổ phụ di cư vào Gia Định đã hai ba đời. Thuở trẻ hào phóng, tính tình khảng khái, theo học văn chương sau chuyển đi học võ, thường lập trí cầm quân phá giặc, cứu nước an dân, chứ không thích bo bo ngồi nhà, làm con mọt sách.

Văn Thành theo giúp Nguyễn Phúc Ánh ngay từ khi Ngài mới vào Gia Định, khởi binh đánh nhà Tây Sơn.

Những trận đánh hai bên lúc thắng, lúc thua ở Long Xuyên, Bình Định. Những bữa ăn khoai trừ cơm ở Phú Quốc, vua tôi đều có nhau.

Khi giữ Sài Gòn, lúc đánh Qui Nhơn, hai mươi năm huyết chiến, lập nên rất nhiều công trạng. Khi Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long phong Văn Thành làm Khâm sai Tiền quân Chưởng Cơ, ngôi thứ và sự tin dùng ở trên tất cả chư tướng.

Ấn Tiền Quân và Ấn Tổng trấn Bắc Thành của Quận Công Nguyễn Văn Thành

Sau này Gia Long trừ xong Tây Sơn, ra đến Bắc Hà lại phong Văn Thành tước Quận công, bổ nhiệm ra làm Bắc thành tổng trấn (bao gồm 11 trấn: 5 trấn nội và 6 trấn ngoại từ Ninh Bình lên khắp tỉnh biên giới giáp Trung Quốc), giao phó hết thảy công việc thu phục nhân tâm, sửa sang chính trị ở miền Bắc cho Quận Thành đảm nhiệm.

Lúc ấy lòng dân Bắc Hà còn đang nồng nàn thương nhớ nhà Lê; những cựu thần nghĩa sĩ rắp ranh tôn phù dòng cũ, khôi phục triều xưa vẫn còn ẩn hiện khắp nơi, giờ muốn cho người ta phải thuận lòng và chịu nhìn nhận cuộc đời đổi mới thay triều đổi họ thật không phải việc dễ.

Thế mà Quận Thành nhận chức Tổng trấn chỉ có mấy năm dùng nhiều giải pháp mềm mỏng khôn khéo, xếp đặt mọi việc, xứ Bắc được yên trị và hàn gắn lần hồi những vết thương mấy chục năm binh đao gây nên. Quận Thành chẳng những là một viên tướng đánh trận giỏi mà còn là một nhà chính trị tài ba.

Năm 1810, Quận Thành được thăng làm Trung quân đô tướng, chức quan to nhất bên hàng quan võ. Cao hoàng định sửa lại hình luật nước ta cho được hợp thời và nhất trị, nhân biết Văn Thành có học thức, tài năng bèn giao cho chủ trương thực hiện việc ấy. Quận Thành tham khảo luật Càn Long nhà Thanh mà làm ra Hoàng Việt Luật lệ (luật Gia Long). Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển 398 điều, là bộ sách lớn, tập hợp các điều luật, rất rõ ràng và phong phú. Hoàng Việt luật lệ so với Luật Hồng Đức, pháp điển hệ thống đầy đủ hơn, nội dung tỷ mỉ xác thực, cách dùng từ ngắn gọn súc tích, điều quy định tinh tế hơn.

Trong Luật ấy có khoản “Yêu thư yêu ngôn” chép lại đúng y Thanh luật. Bốn chữ vắn tắt mà phạm vi rất to, mục đích cốt để kiềm chế dư luận: Phàm những thơ từ sách vở, lời nói, câu văn, có ý chỉ trích xa xôi hay động phạm bóng bẩy đến chính trị đến triều đình, đến thời cuộc đều coi là yêu thư, yêu ngôn, bị trừng trị nặng, có thể đi tới cực hình. Một tiếng nói không giữ gìn, một chữ dùng không cẩn thận, người ta muốn bẻ ngay ra cong cho vào mặt luật ấy cũng được.

Cụ lớn làm luật, người được nếm mùi cay đắng của điều khoản “yêu thư yêu ngôn” trước hết, lại chính là cậu ấm nhà ta.

Quận Thành có người con tên là Nguyễn Văn Thuyên, học giỏi, đỗ cử nhân rất sớm, được chọn làm phò mã lấy Công chúa là Trưởng nữ của Vua Gia Long; giá như con nhà khác, có cha làm quan đầu triều hiển hách như thế, lại là phò mã đương triều tất đã ra làm quan, chẳng đi tri huyện, tri phủ ngay thì cũng làm chủ sự viên ngoại ở một bộ nào đó là ít. Nhưng Cử Thuyên vẫn nhàn tản ở nhà, nhất định tránh đường sĩ hoạn, vì sợ thiên hạ dị nghị mình nhờ cậy quyền, thế.

- Tại sao anh chưa xin bổ. Nhiều người cầu ở địa vị anh mà không được; một người bạn đồng khoa hỏi.

- Người ta được sống tiêu dao tự chủ ngày nào, sung sướng ngày ấy! Cử Thuyên gật gù đáp;

Tính khí rất hào phóng, không chịu được những sự câu thúc, Cửt Thuyên thường xa lánh mọi việc xã giao phiền phức ở trong thành, ra cất mấy gian nhà tre ngoài cửa Đông Ba, lấy chỗ ngày ngày tụ họp bạn danh sĩ, cùng nhau ngâm thơ uống rượu làm vui. Cử Thuyên mê thích bè bạn văn chương bằng mấy người mê thích công danh hay nhan sắc. Nghe thấy tiếng ai học giỏi văn hay, cũng cố tìm đến kết giao. Có khi danh sĩ ở xa hàng ngày đường, thì tự gửi thơ xướng họa để làm quen, rồi xuất tiền lộ phí, hoặc cho người đi mời rước vào tận Kinh đô chơi, không ngại tốn kém.

Lúc bấy giờ ở Thanh Hóa có Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Khuê đều nổi tiếng là Ái châu danh sĩ. Cử Thuyên nghe lấy làm hâm mộ, làm một bài thơ tỏ ý khao khát cầu hiền, sai tên Nguyễn Trương Hiệu đem ra Thanh, ân cần mời hai người ấy vào Kinh, ngâm vịnh làm thơ với mình một độ cho được thỏa thích.

Bài thơ thất ngôn bát cú như sau:

          Văn đạo Ái châu đa tuấn kiệt,

          Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.

          Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,

          Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.

          U-cốc hữu hương thiên lý viễn,

          Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.

          Thư hồi được đắc Sơn trung tể,

         Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.

Nghĩa là:

           Ái-châu nghe nói lắm người hay,

           Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

           Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,

           Ngựa kỳ Ký-Bắc biết lâu thay.

           Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

          Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

           Sơn tể phen này dù gặp gỡ,

           Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

(Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược - dịch Nôm).

Trước khi lên đường, Trương Hiệu đến từ biệt Nguyễn Hữu Nghi, một người bạn thân.

- Chà! Anh đi Thanh Hóa thật à? Bạn hỏi. Qua truông nhà Hồ, phá Tam Giang phải cẩn thận không thì vợ ở góa, con mồ côi đấy!

- Chú nói sao nghe rợn cả tóc gáy, tôi hết muốn đi – Trương Hiệu nhăn mặt đáp:

- Việc vua việc quan sai khiến, dù sống chết cũng phải đi chứ - Hữu Nghi nói. Có điều sóng thần ở Tam Giang và cọp dữ ở truông nhà Hồ, xưa nay nổi tiếng, tôi nói thật mà!

- Nào có việc vua việc quan gì đâu! Cậu cử Thuyên nhà tôi sai đem một bài thơ cho hai ông đồ ở ngoài Thanh đấy thôi.

- Trời ơi! Chỉ có một bài thơ mà phải sai người dong ruổi gian nan thế ư?

- Thật thế!

- Bài thơ hẳn là văn hay tứ lạ lắm, mới bõ công bắt người ta lội suối trèo non, đi về mấy tháng… đâu anh đưa tôi xem thử nào.

- Đây, chú mày xem rồi giảng cho anh nghe với. Thuở nhỏ anh học được chữ nào, ông thánh đòi lại mất cả rồi. Anh nghe hình như trong bài thơ này có ngụ ý tứ cao kì lắm thì phải.

Trái lại với Trương Hiệu, Hữu Nghi biết chữ ít nhiều, xem bài thơ của Thuyên đến hai câu kết, bỗng biến sắc mặt vừa lắc đầu, vừa lẩm bẩm những tiếng chết, chết luôn miệng.

- Có chuyện gì mà dữ dội thế, hả chú. Trương Hiệu giật mình, hỏi bạn.

- Có chuyện gì hả! Có chuyện anh muốn tru di tam tộc, nên mới lĩnh mệnh cầm bài thơ này đi! Hữu Nghi đáp và thở dài.

- Vì sao?

- Vì họ hẹn nhau mưu làm phản, mà sai anh mang tin đi chứ sao! Mưu phản là tội chết cả ba họ; cố nhiên kẻ làm thơ là chủ mưu, mà anh đem bài thơ tức là đồng lõa, anh không thấy sự nguy hiểm à?

- Không! Nhưng bài thơ nói những gì mà bảo họ hẹn nhau mưu phản?

- Chết nỗi người ta lợi dụng anh học kém, cho nên sai anh tự đi rước lấy mũi gươm kề cổ… Này nhé!... sáu câu trên vứt đi không kể chi; quan hệ ở hai câu kết: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, tá ngã kinh luân chuyển hóa ki”; Mười bốn chữ ấy đủ buộc vào tội tử hình, từ người làm cho đến kẻ đưa, thân tộc nội ngoại có bao nhiêu nhân mạng cũng bị chém hết!

- Hai câu ấy có nghĩa quan hệ ra sao mà to chuyện thế! Chú nói làm tôi hết cả hồn!

- Ồ! Phải học tốn cơm gạo nhiều lắm, mới hiểu được cái dụng ý sâu sắc của người ta… Để tôi giảng sơ cho anh nghe...

Nói về Tả quân Lê Văn Duyệt, về tài năng, công nghiệp, chức vị so với Trung quân Nguyễn Văn Thành hai người chả kém gì nhau, nhưng Cụ Thành tự cho mình xuất thân con nhà danh giá, (Cha là Nguyễn Văn Hiền được Chúa Nguyễn phong chức “TIỀN MINH NGHĨA CÔNG THẦN”) văn võ kiêm toàn có phần coi thường Tả quân Lê Văn Duyệt là thái giám xuất thân, chỉ biết việc võ mà thôi, không có học thức văn chương; nói chuyện chữ nghĩa với ông ta như thể mời trâu ăn mứt, chả hiểu mùi vị dở ngon gì cả!

Tả quân ghìm sự căm tức trong lòng đã lâu, chỉ mong có dịp báo thù cho bõ ghét. Người ta nói Hữu Nghi chính là bộ hạ của Tả quân Duyệt, có trách nhiệm dán tai mắt vào mọi sự cử động của Quận Thành; bởi vậy Hữu Nghi kết giao thân mật với Trương Hiệu.

Hôm nay, Hữu Nghi vớ được bài thơ của cử Thuyên, sung sướng hơn bắt được vàng, tức tốc đem Trương Hiệu lại tố giác với Lê Văn Duyệt.

Nắm được tang chứng quí hóa này, Duyệt reo mừng thích chí:

- Phen này lão Thành mạt kiếp, còn chê người ta học dốt nữa thôi! Biết chữ mà con dại cái mang thế này thì biết chữ làm gì cho khổ! Ta vơi bụng chữ, vụng làm thơ, lại hóa yên thân!

Chỗ này chúng tôi muốn đánh một dấu ngoặc để thuật một chuyện bên Tây lí thú, tương tự mà nhà đại văn hào Alexandre Dumas đã chép.

Dưới triều vua Louis XIV, ông Baisemeaux làm thống đốc coi ngục Bastille – vâng, đời quân chủ ngày xưa bên Pháp, ông quan cai quản lâu đài Bastille, giam tù quốc sự, có hàm thống đốc – ông không biết chữ, nhưng có nhiều quân công, nên được nhà vua giao cho cái nhiệm vụ quan trọng ấy.

Trong ngục thuở ấy có giam một chàng thanh niên mười tám tuổi, đã làm thơ chế diễu quan tể tướng đương triều.

Một hôm ông Baisemeaux có khách vào thăm; nhân đưa khách đi xem nhà ngục lộng lẫy mênh mông như một thế giới mà ông cai trị như thể vua con. Khi đi qua phòng giam chàng thanh niên kia, nghe chàng kêu gào “má ơi, má hỡi!” nghe thật thảm thiết….Chàng gọi khách và nói: “Ừ, họ muốn hành tội tôi thì hành đi; họ chặt cái bàn tay tôi đã cầm bút viết bài thơ phúng thế, vì tôi viết bằng tay; nhưng họ phải trả tôi về với má tôi. Mẫu tử phân li, nhớ thương đòi đoạn!” Khách động lòng trở gót đi ra, miệng nói lẩm bẩm:

- Người ấy thật đáng thương!

- Ờ tình cảnh đó đáng thương thật! Ông Baisemeaus đáp. Nhưng lỗi ở cha mẹ nó ông ạ!

- Tại sao thế! Khách hỏi.

- Phải chính lỗi ở cha mẹ hắn ta! Quan thống đốc Bastille trả lời một cách thản nhiên. Ai bảo người ta cho hắn học chữ La tinh làm gì?... Ông xem đó, biết chữ nhiều là có hại. Tôi đây chẳng biết chữ nghĩa gì cho nên tôi không ở tù.

Tả quân nhà ta có thể tự hào như thế tức thời đem sự vụ vào cung tâu vua.

Gia Long đã có sẵn mối ngờ vực Cụ Thành, hai câu thơ kết của Thuyên không khác gì chai dầu trút vào đống lửa. Vua ngẫm nghĩ: Ta đãi Thành quá hậu thế mà cha con hắn có tâm phản nghịch à?

Sự thật, ngài là ông vua anh minh, đã trải nhiều phong trần lịch duyệt, tự nhiên thừa biết Cử Thuyên là một gã ngông cuồng sính chữ, nhất thời hào hứng mà làm ra bài thơ ấy thôi, chứ không có ác ý nào, và chẳng có điều gì đáng chấp, đáng tội.

Cổ lai, có ai mưu phản mà lại làm thơ rồi bỏ ngỏ, sai người cầm đi bao giờ!

Song nhà vua đang muốn tước bớt thế lực công thần, cho khỏi có hậu hoạ; lại thêm Tả quân Duyệt tư hiềm cá nhân thêu dệt vào đó, thành chuyện con chuột đẻ ra quả núi.

Nguyễn Văn Thuyên bị bắt hạ ngục, vua sai Tả quân Duyệt tra xét vụ này.

Quận Thành lo sợ thất sắc, thấy rõ cái chết sừng sững đến nơi.

Phần đông triều thần đón biết ý vua, xúm lại buộc tội Quận Thành định làm Tào Tháo. Ai xem truyện Tam quốc cũng thấy họ Tào dụng tâm khôn ngoan, muốn đoạt ngôi nhà Hán, nhưng còn sợ thiên hạ chê mình là phản thần, cho nên để việc ấy cho con là Tào Phi làm. Người ta so sánh như thế mục đích là cố trói chết Quận Thành vào tội chủ mưu phản nghịch. Người ta nhân thằng trọc đầu, cố túm lấy kẻ có tóc.

Chọi với rìu búa dư luận hăm dọa tứ phía, Quận Thành chỉ còn mong chờ vào một khí giới thiêng liêng đó là sự độ lượng hải hà của đức vua.

Hôm sau vào chầu, Quận Thành nắm lấy ngự bào Vua Gia Long khóc lóc kêu oan:

- Thần theo phò bệ hạ từ nhỏ, trải bao gian truân, một niềm trung nghĩa, bệ hạ đã biết. Nay không tội gì mà người ta lại vu oan để giết thần, bệ hạ nỡ lòng nào bỏ thần không cứu cho đành!

- Vô lễ! Ta cấm nhà người từ nay không được vào chầu nữa!

Gia Long trừng mắt uy nghiêm, chỉ phán có thế rồi giật tay Quận Thành hầm hầm bỏ về cung.

Lời phán ấy không khác gì bản án xử tử.

Biết thân trách chẳng khỏi nào, thà mình tự xử trước còn hơn, Quận Thành về nhà, lập tức uống thuốc độc quyên sinh.

Cử Thuyên ở ngục, năm bảy phen bị đem tra tấn thảm khốc; Duyệt bắt phải thú nhận có ý mưu phản, nhưng Thuyên một mực kêu oan. Ông thét mắng rầm rĩ.

- Không mưu phản sao lại mong gặp Sơn trung tể tướng để giúp mình xoay đổi thời cơ ? Hừ…hay chữ để tế thế an bang, phò vua giúp nước chứ hay chữ để mưu phản à?

Quả thế chứng tích rành rành, còn chối cãi gì được nữa, Thuyên bị án chém, chiếu theo khoản “yêu thư yêu ngôn” mà cụ lớn nhà ta đã lấy trong luật Càn Long bên Tàu, đem vào luật mới nước Nam.

Đồng thời bị chém, bị đày liên lụy mấy chục người nữa, có lẽ, hai danh sĩ xứ Thanh chưa được thấy mặt mũi bài thơ Thuyên gửi cho mình thế nào đã bị mất mạng.

Chỉ có một bài thơ mà trong bài thơ chỉ có mười bốn chữ, gây nên tai vạ tày đình đến thế.

Ngay đời bây giờ ai biết rõ nội tình vụ án cũng thương hại cho Quận Thành chết oan. Người này lại bảo tại Văn Thành không biết noi dấu Phạm Lãi, Trương Lương, công thành thân thoái đến nỗi phải làm Tử Tư hối lại cũng đã quá muộn rồi...    

Ban biên tập website:honguyenquancong.com