LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

HỌ NGUYỄN HƯNG YÊN VÀ QUÁ TRÌNH ĐI TÌM CỘI NGUỒN

Nguyễn Quang Thái, Hậu duệ đời thứ bảy của Đức Quận Công Nguyễn Văn Thành (Chi nhánh Cụ Nguyễn Văn Thuyên)

       Tôi sinh năm 1941 tại làng Nghĩa Trai – xã Tân Quang – Huyện Văn Lâm – Tỉnh Hưng Yên (trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh), một miền quê yên ả thanh bình nằm sát Quốc lộ 5. Nơi đây chủ yếu làm nghề nông ngoài ra có thêm nghề phụ: trồng cây cảnh và bào chế và mua bán thuốc nam. Gia đình tôi các cụ đều dậy học chữ nho và làm thầy chữa bệnh, nên kinh tế gia đình cũng dư rả. Ngôi nhà của các cụ thời đó rất khang trang  gồm 5 gian nhà gỗ cổ, tường bằng ván gỗ, bàn thờ hoành phi câu đối bề thế …sân lát gạch rất rộng, có bể nước, bể cá, cây cảnh, hàng cau thẳng tắp trĩu quả. ...

Đại gia đình nhà ông Nguyễn Quang Thái Xuân Bính Thân 2016

        Người trong làng đều coi gia đình tôi là dân ngụ cư nên rất coi thường, một sự kiện nổi bật là cuối năm 1920, các cụ nhà tôi có chuyển 2 ngôi mộ từ Đàng Trong ra an táng ở cánh đồng Má Ỏ thuộc làng Nghĩa Trai có mời thầy Địa lý đặt mộ và cúng tế yểm mộ và làm lễ tạ mộ. Sự việc đến tai Chánh tổng, ông sai Trương tuần đến hoạnh họe và cụ Chánh Tổng phạt gia đình tôi rất nặng: phải lát gạch nghiêng đường làng một đoạn 3 mặt đường của đình và chùa dài khoảng 200 m dài. Thật là oan ức nhưng là dân ngụ cư nên cũng phải ngậm bồ hòn ...

          Để yên ổn làm ăn nơi đất người ông nội tôi đã có ý sắp xếp để bố tôi lấy con gái cụ Cháng Tổng (mặc dầu bố tôi đã hướng tới người khác) và hôn lễ đã trở thành sự thật, chúng tôi đã trở thành cháu ngoại cụ Chánh Đồng. Cho đến nay gia đình tôi hàng năm vẫn phải theo giỗ tết họ nhà Cụ Chánh.

         Từ khi chính thức là thông gia bên Cụ Chánh, gia đình tôi sinh sống được yên lành, mọi công việc được xuôn xẻ, vị thế của gia đình tôi với làng xóm được cải thiện rất nhiều. Bố tôi trở thành nhân vật quan trọng vì là người có học thức và con quan nên còn được chủ trì cho nhiều kỳ cúng Thành Hoàng tại Đình làng.

         Làng tôi không theo Tề, những năm sau 1948 chị cả tôi (sinh năm 1928) tham gia Việt Minh thoát ly trên Huyện Văn Lâm – chị hai thì tham gia công tác của làng, xã nên Uy tín với địa phương càng cao. Đến cuối năm 1949 (gần tết) trong một trận càn quét của lính Dõng và lính Pháp, chúng tìm thấy trong nhà tôi có một giấy chúc tết của Việt Minh Huyện. Mẹ tôi bị bắt giam ở Hỏa lò Hà Nội, các buổi tối chúng bắt bố tôi trói vào cột sát đường tầu để gác không cho Việt Minh phá đường ray tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng.

Ngôi nhà khang trang của gia đình tôi bị chúng phóng hỏa đốt cháy âm ỉ mấy ngày mới tàn,  cuốn gia Phả dòng họ cũng thành tro bụi, tổn thất quá lớn.

        Năm 1951 chị cả tôi công tác trên Huyện cũng bị giặc bắt giam ở Hỏa Lò Hà Nội, hàng ngày chúng bắt đi làm lao công ở nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện108 ngày nay). Rất may, đầu năm 1952 nhà tôi có ông Cậu (họ hàng bên mẹ tôi) là Nguyễn Văn Thanh lúc đó là Tỉnh trưởng tỉnh Hà Đông biết được bảo lãnh xin cho mẹ và chị tôi về nhà. Cả nhà lại đùm bọc chạy tản cư đi khỏi quê hương. Cậu còn hướng dẫn cho cả gia đình đi qua bên Pháp để định cư …do vậy nhà tôi chạy lên Chợ Nhông, xã Phú Sơn, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây làm thuốc Bắc và làm men bán cho người nấu rượu để chờ dịp đi Pháp. Thế rồi Chiến dịch Điên biên Phủ 1954 nổ ra, Việt Minh thắng lợi, quân Pháp rút quân về nước, chính quyền Cách mạng được thành lập hòa bình đã trở lại.

          Một số Cán bộ Khu Tả ngạn Tỉnh Hưng Yên ngày trước lên Phố Nhông thăm gia đình và chị tôi. Trong đó có ông Lê Đức Thịnh trước công tác ở văn phòng khu Tả ngạn nay về Phó chủ tịch UBHC tỉnh Hải phòng. Trưởng ty Thương nghiêp Hải Phòng xin cho bố tôi đi công tác bên cửa hàng Mậu dịch quốc doanh bán thuốc bắc tại huyện Bất Bạt, tỉnh  Sơn Tây nay là Ba Vì. Chị tôi được các anh xin cho đi công tác tại Công ty dược phẩm chuyên đi thu mua và chế biến thuốc nam dược. Năm 1959 tôi học hết phổ thông (lớp10/10) không được thi Đại Học, tôi xin đi làm tại xí nghiệp Thương nghiệp Huyện (nơi bố tôi đang công tác). Đến năm 1961 do có nhiều thành tích tôi được cử đi học tại Trường Thương Nghiệp Trung ương (Nay là Trường Đại Học Thương Mại). Tháng 4 năm  1965, Tôi tình nguyện đi bộ đội theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước. Tháng 2 năm 1967 chiến tranh lan rộng, tôi vào Nam chiến đấu. Ở chiến trường tôi và đồng đội được rèn luyện và trải qua nhiều gian khổ của cuộc chiến tranh. Trong một đợt công tác ngoài miền Bắc tôi được đơn vị cho nghỉ phép15 ngày, tôi có lên thăm lại cơ quan và nghỉ lại cửa hàng Mậu dịch quốc doanh với Bố. Hôm liên hoan chia tay tôi tại Cửa hàng để trở về đơn vị,  Chị Yến (nhân viên cửa hàng) liển hỏi Bố tôi: Quê Cụ chính gốc ở đâu hả cụ? Sau một hồi đắn đo suy nghĩ,  Bố tôi tâm sự cho mọi người cùng nghe...

       Quê các cụ nhà tôi ở tỉnh Thừa Thiên – Cụ Tổ là NGUYỄN VĂN THÀNH con trưởng của cụ là NGUYỄN VĂN …..(Tôi không nhớ tên) là Phò Mã của vua Gia Long, lấy Công chúa là ….(tôi không nhớ  tên). Bị thất thế nên chuyển ra Bắc Hà định cư tại Văn Lâm - Hưng Yên. Do con gái tôi hoạt động Cách mạng bị giặc bắt giam, gia đình lo toan chạy chọt để được ra tù. Năm1952 gia đình chúng tôi tản cư lên Phố Nhông, xã Phú Sơn, tỉnh Sơn Tây.

        Mọi người cười ồ lên vui vẻ và nói thế là cụ và các anh các chi là hậu duệ của Công chúa con vua nên trông ai cũng xinh đẹp và phong nhã lắm ….

 Họ hỏi làm quan cho triều Nguyễn cụ không sợ ảnh hưởng công tác à? bố tôi trả lời tôi đang chuẩn bị về hưu còn gì mà sợ ….

Còn tôi thì hỏi tại sao cụ Tổ nhà mình tên là THÀNH mà  Bác Quỳnh (chị tôi sinh năm 1931)  cũng lại đặt tên con là Phùng Đức Thành. Bố tôi trả lời: lúc đó đâu có nói cho chị con biết được mà tránh Húy; và cũng chính điều này tôi cứ nhớ mãi Cụ tổ nhà mình là NGUYỄN VĂN THÀNH chứ tên con trưởng cụ và công chúa thì không thể nhớ được sau nhiều năm dòng chiến tranh. Sau đó mọi người đi ngủ còn hai bố con tôi cứ tiếp tục nối dài câu chuyện. Bố tôi nói: sau khi bị án oan thất thế cụ Hằng (Cháu nội Cụ Nguyễn Văn Thành) còn nhỏ chỉ đi học chữ và học làm thuốc thôi đến khi lớn lên lấy vợ sinh con là cụ Trung; Do xã hội vẫn còn mặc cảm xa lánh nên Bà Công chúa cho bán hết tài sản để con trai là cụ Hằng đưa vợ con ra Bắc Hà định cư và làm ăn cho khỏi tai tiếng còn Công chúa thì đi tu ở chùa …..( Tôi không nhớ được tên chùa chỉ mang máng là chùa của Hoàng gia lập ra để các Công chúa lễ bái và Cung tần không con tu hành).

          Ra ngoài Bắc Hà (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) được mẹ căn dặn đi tìm anh trai ngoài Bắc, các cụ nhà tôi đã đi Đại từ Thái Nguyên, đi Sơn Tây, đi Nam Định, Thái Bình, Phủ lý, Hải Dương để tìm họ hàng bên nội …nhưng đều bặt âm vô tín. Cuối cùng tôi nói với bố: Bố cứ ghi lại để khi con xuất ngũ sẽ bố trí thời gian để đi tìm họ hàng. Hết nghỉ phép, tôi lại lên đường vào đơn vị trong lòng bao mối ngổn ngang chẳng dám nói với ai!  Bố tôi hai tháng sau cũng bàn giao công việc để nghỉ hưu;

       Đến tháng 9 năm đó 1967, chú em tôi Nguyễn Quang Vượng (sinh năm 1943) cũng từ đơn vị về nghỉ phép trước khi đi B, hai bố con có nhiều thời gian để trò chuyện . Bố tôi cũng kể : Cụ tổ nhà mình tên là  NGUYỄN VĂN THÀNH  làm quan trong triều đình nhà Nguyễn. Để tưởng nhớ cụ nên hoành phi treo trong nhà tôi viết bằng chữ Hán là:     PHÚC -  LỘC - THÀNH  thay cho Phúc - Lộc - Thọ như nhiều nhà thờ cúng …Bố tôi còn nói nhà cũ của mình ở Nghĩa Trai hoành phi cũng như thế nhưng khảm vào gỗ tấm  cơ. Ngay sau đó chú em tôi cùng bố kẻ lại hoành phi này thay cho cái cũ đã mờ. Quê tổ thì ở mãi đàng trong bây giờ là hai chính quyền đối kháng nên thông tin và giao thông rất khó khăn. Gia đình tôi lấy Nghĩa Trai Văn Lâm làm quê quán và cũng viết lại đôi câu đối để răn dạy con cháu:

         CỐ BẢN BỒI NGUYÊN CĂN ĐẠO NGHĨA

         PHỤNG GIA TƯ HIẾU BIỂU TÂM TRAI

        Bố tôi cũng kể cho chú em tôi tình tiết các cụ chuyển hai ngôi mộ của hai cụ từ đàng trong ra an táng ở cánh đồng Má Ỏ có cả thầy Địa lý và thầy cúng ra coi nơi cụ nằm và chỉ ra điểm tốt, điểm xấu của từng vùng, từng cánh đồng nơi an táng 2 ngôi mộ (sẽ có bài viết cụ thể của chú em tôi). Sự việc gia đình chú em tôi cũng dấu kỹ trong lòng chẳng trò chuyện với ai và vào chiến trường. Trước ngày trả phép thì bố tôi đột tử “ tai biến mạch máu não” về với tổ tiên khi mới 59 tuổi; Bố tôi ra đi đã để lại cho chúng tôi một di sản rất lớn đó là ghi chép lại tính năng tác dụng của các vị thuốc và những bài thuốc trị bệnh gia truyền của tổ tiên; Tuy nhiên, việc viết lại gia phả và mồ mả chưa kịp khai bút.

          30 tháng 4 năm 1975 Miền Nam được hoàn toàn ngày giải phóng thống nhất đất nước. Tổng cộng tôi đi bộ đội đã được 10 năm (có 8 năm ở chiến trường rất gian khổ ác liệt) vẫn còn sống trở về trong người đầy thương tích nhưng tâm hồn vẫn trong sáng lạc quan. Lúc này hơn bao giờ hết tôi nghĩ về gia đình, nghĩ về người cha thân yêu và những lời căn dặn của người. Tháng 9/1975 Tôi được cử đi tập huấn 3 tháng về công tác tài vụ do cục Tài Vụ bộ Quốc Phòng triệu tập (vì tôi đang giữ chức Trưởng ban tài vụ Sư Đoàn 8  thuộc Quân khu 8), tôi học rất nhàn nhã vì bản thân đã được đào tạo chính quy ở trường Thương nghiệp Trung ương, khi học sang phần sổ sách kế toán tôi xin phép được về đơn vị và đi thăm quê cha đất tổ ở Huế - Rất may cục phó Cục Tài vu bộ Quốc phòng chỉ huy đợt tập huấn Ông Lê Quang Sa lại là người Huế nên thông cảm cho đi cuối khóa về tổng kết.

          Mừng quá, tôi về đơn vị lấy xe Jep chiếm lợi phẩm mà Ban tôi đang quản lý và cậu lái xe là lính của Sư đoàn 7 bộ binh người Huế thông thạo địa hình. Tôi cũng nói sơ qua về các cụ nhà tôi và nhờ cậu ta hết lòng giúp đỡ. Chúng tôi đi đến Huế và cậu ta đưa tôi đến gặp nhiều người địa phương, mỗi người nói cũng từa tựa giống nhau họ nói là : Cụ Nguyễn Văn Thành  là quan nhất phẩm có công  dẹp loạn lập quốc và đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua lấy hiệu là Gia Long; con trưởng Cụ Thành là Nguyễn Văn Thuyên là Phò mà có âm mưu tạo phản nên dính trọng án (có người nói là bị xử trảm có người nói là bị chém đầu). Cụ Thành thì bức tử trong trại …nhưng đến đời Vua Tự Đức đã được minh oan và triều đình đã cho tìm con cháu của Ngài để bổ nhiệm chức vụ.

          Ôi! sao mà bi thảm đến thế … nước mắt tôi trào ra, thấy tôi khóc nhiều người cũng rơm rớm nước mắt và động viên an ủi tôi. Sau đó chúng tôi tìm hỏi Lăng mộ cụ để thắp nhang cầu nguyện nhưng không ai rõ ở đâu! Sau này tôi cũng nhiều lần đến Huế và chắp tay vái cụ. Có lần đi trên phố đường phố Huế thấy biển đề “ Nơi đón tiếp thành viên hoàng gia họ Nguyễn” tôi đã định vào tự giới thiệu và hỏi những chi tiết về dòng họ mình nhưng do tính trù trừ chư thực hiện được. Và cũng từ nay tôi không bao giờ dám kể lại vụ việc đau lòng này cho ai biết, ngay cả với vợ con, họ hàng và nghĩ rằng mình sẽ ghi lại tóm tắt trong gia phả để con cháu biết.

           Năm 1997 chú em ruột tôi là Nguyễn Quang Thịnh đi học ở Nhật Bản về đến thăm tôi và chuyển cho tôi toàn bộ tài liệu các giấy tờ và ảnh của các cụ để lại và nói với tôi: “Tên cụ Tổ nhà ta là Nguyễn Văn Thành làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn đời vua Gia Long, nhưng bị án oan, thất thế; Con cháu Ngài di cư ra ngoài bắc và ở Nghĩa Trai. Tôi mở gói tài liệu ra xem thì thấy có quển sổ hộ tịch của gia đình ở Huyện Văn Lâm , sổ trợ cấp cho mẹ tôi khi tôi đi B, vài chiếc ảnh đen trắng của các cụ và nhiều giấy tờ bằng giấy bản có đóng triện vuông màu đỏ đã hoen ố không thể dở ra được vì sẽ rách hết. Duy nhất là hai trang giấy Học sinh vàng ố thì còn đọc được (Chắc là ông nội hay bố tôi sao chép lại ) nhưng lại bằng chữ nho nên thôi xếp lại. Mãi sau này tôi mới nghĩ chắc là một bài thơ vì mỗi hàng đều 7 chữ. Thế là tôi đi nhờ ông Nguyễn Văn Quýnh là thầy đang dạy chữ nho cho người lớn ở Ninh Hiệp - Hà Nội dịch ra, rất may lại có cả ông Nguyễn Quang Toản là người Huế thông thạo về thơ và chữ hán cùng dich. Hóa ra đây là bài thơ HỒI TƯỞNG của cụ Hằng con cụ Thuyên cháu nội cụ Thành khi đã ra Bắc Hà được mấy năm . Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào đọc cũng ứa  nước mắt: ôi sao mà các cụ nhà mình oan trái, khổ sở thế...

     Đến tháng 2 năm 2002 tôi vào Sài gòn xây dựng và phụ trách kinh doanh ở 189 Cống Quỳnh, Quân 1 …đối diện cửa hàng tôi bên kia đường là tòa soạn báo Thanh niên nên tôi thường ngày đọc báo. Một hôm báo Thanh niên có đăng bài “Con Vua Hàm Nghi ở bên An-giê –ri về Việt Nam ở Cần thơ, có cả địa chỉ chi tiết thế là tôi lại đi Cần thơ để gặp cụ hỏi xem sao … Tôi đã đến nhà cụ 3 lần  (vì lúc đó tôi lại mở thêm một cửa hàng nhỏ ở số 37 Mậu Thân, tỉnh  Cần Thơ  nên có điều kiện thăm cụ). Nhà cụ đơn sơ lợp bằng lá dừa nước vách bằng các thanh tre đan lại, bàn thờ thật trang trọng. Cụ tuy già rồi nhưng rất minh mẫn trông rất quý phái, nói năng chậm rãi rất có cảm tình. Nói đến cụ Nguyễn Văn Thành làm quan đời Vua Gia long, cụ nói triều Nguyễn có 2 trọng án nổi tiếng và vụ Cụ Thành là một do bài thơ của con trai cụ gây ra. Cụ Thành đã được minh oan vào đời vua Tự Đức. Anh cứ yên tâm không lo ngại gì cả. Cụ kể với tôi nhiều chuyện về nghi lễ, phong tục của nhà vua và các quan triều, nhưng có một chuyện tôi quan tâm nhất đó là của hồi môn khi Công chúa đi lấy chồng chủ yếu là vải, lụa, tư trang , vàng ròng và nhiều bạc nén. Tôi nhớ lại khi tôi sinh cháu trai năm 1977, chị gái tôi có cho một cái vòng bạc lớn nói là bạc của các cụ ngày xưa để lại nay đánh thành 3 cái vòng để cho 3 cháu làm kỷ niệm chứ chị cũng không có đâu (cái vòng này hiện nay tôi vẫn còn giữ gìn như bảo vật). Tôi cũng nhớ lại năm 1964 tôi được cơ quan cho mua một cái xe đạp để đi công tác, thiếu tiền nên tôi sang cửa hàng xin bố cho bán 2 nén bạc mà bố tôi thường cất trong thùng quần áo. Bố tôi bảo đó là vật kỷ niệm của các cụ ngày xưa, không được bán. Bố sẽ cho anh tiền để mua xe...Khi nghe cụ con vua Hàm Nghi nói đến của hồi môn có Bạc nén, tôi tự hỏi số bạc bố tôi cất giữ có phải là của Hồi môn của Công chúa bà không nhỉ! Lời dặn dò của Bố đối với mấy anh em chúng tôi đều được cả ba anh em âm thầm suy nghĩ không ai nói với ai suốt mấy chúc năm qua chủ yếu là sợ ảnh hưởng đến công tác của mọi người. Đến tháng 9/2015 nhân ngày húy nhật của bố, trong lúc mấy anh chị em chúng tôi đang hóa vàng thì tự nhiên chú em Nguyễn Quang Vượng lại nói với mọi người là: Cụ tổ nhà mình tên là Nguyễn Văn Thành làm quan trong triều đình nhà nguyễn vì thất thế mới di cư ra Bắc và ở Nghĩa Trai, Văn Lâm, Hưng Yên, ngày đưa 2 ngội mộ của các cụ ở đàng trong ra Bắc có cả thầy Địa lý và thầy cúng đi theo để xem đất nơi an táng và làm lễ tạ. Sự việc mấy anh em đang định giữ bí mật, nay chú Vượng buột miệng nói ra cho cả nhà đều biết. Tôi và chú Vượng trao đổi chi tiết về việc dòng họ và cuối cùng là đồng thuận thông báo với hai chi họ ở Thái Nguyên và Uông Bí biết bí mật lâu nay. Rất may cho chúng tôi được biết ông Nguyễn Duy Hưng là Hiệu Trưởng của Trường Cao đẳng nghề TRẦN HƯNG ĐẠO thuộc Bộ LĐTB và XH đang ở Hà Nội cũng là Hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Thành và trang Website của dòng họ Nguyễn Quận Công do ông Hưng lập ra để cập nhật thông tin.

Hai anh em Ông Thái và Vượng về nhận Họ nhân ngày Giỗ Tổ (Đức Quận công NGuyễn Văn Thành)

           Chúng tôi đã gặp nhau và thống nhất rằng : Các cụ bên nhà tôi khi Cụ Thuyên mất còn nhỏ nên ở lại với Công chúa và đến khi lớn lên lập gia đình mới đi, các cụ bên ông Hưng đã lớn đi ra Bắc trước. Ông Nguyễn Duy Hưng chính là dòng trưởng tiếp tục lo công việc như trước đây:

                   Công đức tổ tiên thật sáng trong

                   Cháu con hậu duệ mãi vun trồng

                   Mặc cho thời thế luôn thay đổi

                   Truyền thống xưa – nay trọn một lòng

 

                                 Hà nội, ngày 30 tháng 5 năm2016

                                        Nguyễn quang Thái

 

HỒI TƯỞNG

 

(Cựu khứ kinh sư khởi mộ sầu

Cảm thương đông vũ hoài cô lâu

Thống tâm ai oán cố hương biệt

Ly cách Cố đo bái lệ châu)

********

Nhớ buổi đông tàn gió biệt ly

Là ta cất bước xa kinh kỳ

Trời đêm ảm đạm trùm dinh lạnh

Rời bỏ quê hương lủi thủi đi

 

Canh một lặng im trống vọng lầu

Mẹ già ngồi thức suốt canh thâu

Sông Hương nước chảy tràn dòng lệ

Linh mụ chuông buông dậy khối sầu

***

Trầm lắng đêm đông một mảnh tình

Thế thời gặp phải khúc điêu linh

Quay đầu nhìn lại cơ ngơi cũ

Nghèn nghẹn trong tim ai thấu mình

***

Đồng vọng xa đưa rộn tiếng gà

Lần hồi tách khỏi bến Đông Ba

Nhìn lên núi Ngự mưa che bóng

Ngó lại Nam Giao mắt lệ nhòa

***

Chua chát lao đao đến nỗi này

Trông vào Đại nội khói mây bay

Yên Ba leo lét đò tìm bến

Chở khẳm biệt ly một chuyến đầy

***

Tay dắt vợ hiền, cõng con thơ

Có ai đưa tiễn để mong chờ

Hoàng thành tầm tã mưa giằng giặc

Tứ phía mịt mùng tiếng gió đưa

***

Lâu lắm con chưa được trở về

Từ ngày cách biệt bước ly quê

Bắc Hà lận đận con đau lắm

Sương gió nơi đây cũng bộn bề

***

Mây nước muôn trùng cách núi sông

Bao nhiêu sông núi bấy nhiêu lòng

Rừng già mây khói ngăn tầm vọng

Con vẫn chưa về sầu gió đông

***

Thầm nghĩ ! mẹ buồn biết hỏi ai

Con đi biền biệt tháng năm dài

Tết về mong ngóng theo trường đoạn

Chuốc chén rượu sầu chẳng có ai

***

Nuốt cạn ly châu không một lời

Rượu tàn hồn lụy vẫn chơi vơi

Mắt nhìn thăm thẳm về phương ngoại

Có một cánh chim lạc cuối trời

***********************************

Dịch nghĩa: Nguyễn Quýnh (Ninh Hiệp – Gia Lâm)

Viết lại thành thơ: Quang Toản