LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với sự nghiệp chấn hưng việc học, việc thi vào đầu triều Nguyễn

PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn - Viện Sử học

Khi nói đến công việc chấn hưng khoa cử của Vương triều Nguyễn thời kỳ đầu thành lập, có lẽ trước hết phải kể tới công lao của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành.

            Nhưng trước khi đi sâu vào nội dung chính này, tôi muốn nhìn lại một chút tình hình khoa cử (tức là việc học, việc thi) dưới triều Tây Sơn (1788-1802).

            Sau khi đánh tan quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung và các đại thần của triều Tây Sơn, phần lớn là Tiến sĩ triều Lê, trong khi bắt tay vào xây dựng vương triều mới trên các mặt đối nội, đối ngoại, đã chú ý tới việc học, việc thi, và điều đó được nói rõ trong Chiếu lập học, do Ngô Thì Nhậm thay vua Quang Trung viết. Qua nội dung Chiếu lập học, chúng ta biết triều Tây Sơn chú trọng nhiều đến việc lập nhà xã học, trường học hàng phủ và có tổ chức thi Hương.

            Theo học giả Trần Văn Giáp trong Lược khảo về khoa cử Việt Nam từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ (1918): “Khi triều Tây Sơn đuổi họ Trịnh cũng có mấy lần mở khoa thi Hương ở Thanh và Nghệ, phép thi chỉ có 2 kỳ, kỳ đệ nhất Chế nghĩa; kỳ đệ nhị Văn sách, ai đỗ gọi là Tuấn sĩ” (Tuấn sĩ là kẻ sĩ có tài đức).

            Gần đây, trong một tiểu luận nghiên cứu về Giáo dục thi cử triều Tây Sơn (đăng trên Tạp chí Hán Nôm), Tiến sĩ Nguyễn Thúy Nga đã phát hiện một số tư liệu quý giá, và qua đó tác giả đã xác định rõ dưới triều Tây Sơn, đời vua Quang Trung tổ chức được một khoa thi Hương; đời Cảnh Thịnh tổ chức được một kỳ thi Điện, hai kỳ Khảo khóa: người đỗ gọi là Thượng khóa sinhHạ khóa sinh.

            Kết quả ở đời Quang Trung có 5 người đỗ (Tuấn sĩ), đời Cảnh Thịnh có 20 người đỗ.

            Tuy nhiên có thể khẳng định, phép học và phép thi Hương triều Tây Sơn vẫn phỏng theo khoa cử triều Lê. Mặc dù, trong một tờ Chiếu của vua Gia Long (năm 1807) nói về phép thi Hương, thi Hội, có viết:

            “Từ khi Tây Sơn nổi loạn, phép cũ hủy bỏ, sĩ khí vì thế mà bế tắc…”[1].

            Trong một tờ Tâu của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, thì nói: “Ở Bắc Hà từ sau loạn lạc (chỉ nhà Tây Sơn ra Bắc), kẻ đi học tự học lấy ở nhà, hết thảy đều tập theo lề lối đời Lê cũ…”[2].

            Trong định kiến thù hận chính trị của triều Nguyễn thì thành tựu khoa cử triều Tây Sơn không có gì.

            Nếu nhận định về lịch sử giáo dục khoa cử thời Nguyễn từ 1802 đến khoa thi cuối cùng năm 1919 có thể nói trong khoảng 10 năm đầu (1802-1812) chỉ là giai đoạn sơ khởi, nhưng quan trọng, vì nó đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh của giáo dục Nho học thời Minh Mệnh (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847).

            Vương triều Nguyễn khi mới được thiết lập, có nhiều vấn đề quan trọng, khó khăn trong đối nội, đối ngoại cần tập trung giải quyết trước, còn việc học hành, thi cử, tuyển chọn người tài chưa phải là vấn đề bức bách nhất.

            Cuối năm 1802, sau khi thu phục được Bắc thành, Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Ngay năm sau, Nguyễn Văn Thành (cùng ba viên quan khác) dâng lên Gia Long bản trình bày ba điều, trong đó, điều 3,  “là chọn hiền tài để bổ làm quan chức”.

            Gia Long hạ chiếu nói: “… Nay việc binh mới định, việc nước đương làm, triều đình làm việc nên có thứ tự hoãn, cấp, trẫm sẽ thong thả bàn, lần lượt thi hành[3].

            Năm Gia Long thứ 3 (1804), vua Gia Long ra Bắc vì có việc bang giao với nhà Thanh, khi sắp trở về Huế, Gia Long triệu Nguyễn Văn Thành gặp mặt, Nguyễn Văn Thành liền tâu, xin cho chuẩn định học quy, đặt thêm chức trợ giáo để chỉnh đốn sĩ tập, rèn nuôi kẻ sĩ. Gia Long chuẩn theo lời tâu đó.

Đọc Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện (mục Nguyễn Văn Thành, Q21) chúng ta thấy Nguyễn Văn Thành quả là người có tâm huyết đối với công việc mở mang nền giáo dục khoa cử.

Với tư cách Tổng trấn cai quản trong, ngoài 11 trấn ở Bắc thành và toàn quyền quyết định mọi việc, vào tháng 7 năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Văn Thành cho dựng nhà Đốc học ở Quốc Tử giám, xin lấy Phan Đăng Ưng làm Đốc học chánh đường, Nguyễn Viết Ưng làm Đốc học giáp phó đường (phó thứ nhất), Trương Chí Lý làm Đốc học ất phó đường (phó thứ hai).

Một vấn đề quan trọng khi thực hiện việc học hành, thi cử là phải có những phép tắc, quy củ làm chuẩn mực.

Đến năm 1804, Nguyễn Văn Thành dâng biểu tâu lên Gia Long xin ban học quy (tức phép tắc học tập) ở các thành và dinh trấn trên toàn quốc.

Trong tờ Tấu, viết: “Hiện nay Thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò để phục vụ quốc gia. Đó thực sự là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục và tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó mà chuyên nghiệp, để cho việc giảng dạy, khảo khóa noi theo[4].

Vua Gia Long chuẩn y lời tâu của Nguyễn Văn Thành, sai Tham tri Bộ Hình Nguyễn Thế Trực và quan Quốc Tử giám[5] Nguyễn Viết Ứng soạn ra những bài mẫu mới về kinh nghĩavăn sách để ban bố thi hành.

Rõ ràng trong khi xây dựng nền giáo dục Nho học thời kỳ đầu triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thành đã có vai trò của một nhà kiến trúc sư tài giỏi và tâm huyết. Vì mới xây dựng chế độ học hành thi cử, ngoài học quy, Nguyễn Văn Thành còn chú trọng tăng cường người lãnh đạo giáo dục khoa cử ở các trấn.

Trước kia ở các trấn có đặt chức Đốc học, đến nay (1804) ông tâu trình xin đặt thêm chức Trợ giáo và thu nạp các người đỗ Hương cống triều Lê sung vào chức vụ đó, như cử Dương Vịnh làm Trợ giáo Sơn Nam Thượng, Nguyễn Khắc Tráng làm Trợ giáo Sơn Nam Hạ, Trần Danh Phác làm Trợ giáo Hải Dương, Nguyễn Lý làm Trợ giáo Sơn Tây, Vũ Cơ làm Trợ giáo Kinh Bắc.

Bắc thành vốn là cái nôi lâu đời của khoa cử Nho học, có nhiều danh sĩ nổi tiếng. Vào đầu triều Nguyễn, ở Bắc thành còn nhiều người đỗ Tiến sĩ, Hương cống thời Lê, vẫn sống ẩn dật nơi thôn dã, Nguyễn Văn Thành muốn thu dùng họ đồng thời nỗ lực khôi phục việc học, việc thi cử ở Bắc thành sau hàng trăm năm bị đình đốn.

Để ổn định và phát triển việc học, việc thi, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã cấp lương cho Đốc học (ngang lương Tri phủ) và Trợ giáo (ngang lương Tri huyện) ở các trấn Bắc thành.

Đầu năm 1807, triều đình bàn về phép thi cử. Bộ Lễ được giao nhiệm vụ tham khảo điển cố, bàn định điều lệ, quy thức thi Hương, thi Hội rồi tâu lên.

Vua Gia Long ban Chiếu nói: “Nhà nước cầu nhân tài, tất do đường khoa mục. Các triều trước chế độ khoa cử đời nào cũng có tiến hành. Từ khi Tây Sơn nổi loạn, hủy bỏ phép cũ, sĩ khí vì thế mà bế tắc. Nay thiên hạ đại định, Nam Bắc một nhà, cầu hiền chính là việc cần kíp. Đã từng xuống sắc chỉ bàn định phép thi: kỳ thứ nhất thi Kinh nghĩa; kỳ thứ hai thi Chiếu, Chế, Biểu; kỳ thứ ba thi thơ, phú; kỳ thứ tư thi văn sách. Lấy tháng 10 năm nay (Đinh Mão - 1807) mở khoa thi Hương, sang năm Mậu Thìn (1808) mở khoa thi Hội. Bọn học trò các ngươi đều nên dùi mài việc học, để đáp lại ơn tôn chuộng nghề văn”.

Tờ Chiếu này có thể xem như Chiếu lập học của vương triều Nguyễn.

Trong tờ Chiếu có nói tới mở khoa thi Hội, tức là tập trung cử nhân các tỉnh về Kinh đô thi Hội, gọi là Hội thí. Song vì đất nước mới yên sau một thời gian dài chiến tranh, người đỗ đạt văn học còn ít nên việc thi Hội phải đình lại, mà chỉ tổ chức thi Hương.

Trong chủ trương chấn hưng việc học, việc thi cử, ý kiến của Nguyễn Văn Thành có những lúc khác với triều đình.

Theo Đại Nam thực lục (sách đã dẫn), vào năm Gia Long thứ 6 (1807), quan Bắc thành (Nguyễn Văn Thành) tâu: “Ở Bắc Hà từ sau loạn lạc, kẻ sĩ học tự học lấy ở nhà, hết thẩy đều tập theo lề lối đời Lê cũ. Gần đây đã ban bố học quy, nhưng học tập ngày một kém. Nếu nhất luật theo đó mà lấy thì sợ kẻ thực học cùng người sơ học không lấy gì mà phân biệt nhau. Xin châm chước văn thể cũ của nhà Lê, đừng quá câu nệ so đo, thì ngõ hầu những người vốn chăm nghiệp học mới được phấn chấn, mà những kẻ vô tài thì không thể cầu may”.

Ý kiến trên của Tổng trấn Bắc thành không được vua Gia Long vừa lòng và ban Chiếu trả lời rằng: “Mở khoa thi lấy học trò là chính sách lớn của triều đình. Sửa định văn thể cần có thể thức sẵn. Năm trước ban bố học quy, việc đã nhất định. Gần đây học quan đôn đốc, học trò giảng tập, không phải không lâu rồi. Gián hoặc có kẻ tập mà không suy xét, đó là tại người dạy và người học chẳng cố gắng mà thôi. Nay nếu cứ uốn theo lời ngươi nói thì chính thể còn ra thế nào? Vậy hạ lệnh cho các học quan lưu ý dạy bảo cho kịp kỳ thi”.

Tờ tâu của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nói trên vào tháng 4 năm Đinh Mão (1807). Đến tháng 6 cùng năm, triều đình định phép thi Hương cụ thể như sau:

- Từ Nghệ An trở ra, có 6 trường thi: Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, Hải Dương.

Ngoài những quy định chặt chẽ về tư cách đối với thí sinh, triều đình cũng quy định nhiệm vụ các quan trường theo phẩm trật, từ Đề điệu, Giám thí, Giám khảo đến Phúc khảo, Sơ khảo…

Về nội dung chương trình thi:

Kỳ thứ nhất: Kinh nghĩa 5 đề, Truyện nghĩa 1 đề.

Kỳ thứ hai: Chiếu, Chế, Biểu, mỗi loại một đạo.

Kỳ thứ ba: một bài thơ Đường luật, một bài phú thể 8 vần.

Kỳ thứ tư: Văn sách một đạo.

Người trúng Tứ trường là Hương cống, Tam trường là Sinh đồ (Hương cống thì được ban mũ áo và cho ăn yến. Từ năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), Hương cống gọi là Cử nhân; Sinh đồ gọi là Tú tài).

Nói chung phép thi Hương đầu triều Nguyễn cũng theo phép thi như triều Lê.

Vào tháng 10 năm Đinh Mão, niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), triều Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hương đầu tiên – mở đầu cho lịch sử khoa cử triều Nguyễn.

Kết quả của cả 6 trường thi từ Nghệ An trở ra đến trấn Hải Dương, lấy đỗ 62 người (Trường Nghệ An 8 người, Trường Thanh Hoa 2 người, Trường Kinh Bắc 7 người, Trường Sơn Tây 20 người, Trường Sơn Nam Thượng 20 người, Trường Hải Dương 5 người).

Trong số người đỗ Hương cống đầu tiên của triều Nguyễn có nhà sử học Ngô Cao Lãng, tác giả sách Lịch triều tạp kỷ…, Cao Huy Diệu (Thủ khoa), từng làm Đốc học Thăng Long, Thượng thư, tác phẩm có Cấn Trai thi tập.

Năm Nhâm Thân (1812) sau khi Nguyễn Văn Thành đã được triều về Kinh đô Huế làm việc, chúng ta thấy vào tháng 3 ông lại dâng 6 điều lên vua Gia Long, trong đó điều 4 “Xin mở khoa thi Hương để cổ động sĩ tử”.

Đến tháng 6, có chiếu dụ lấy năm sau là năm Quý Dậu (1813) mở khoa thi Hương. Tại Quảng Đức, Bình Định, Gia Định, Nghệ An, Thanh Hoa, Thăng Long, Sơn Nam Thượng, đều đặt trường thi. (Học trò Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam thì hợp thi ở trường Quảng Đức. Học trò Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì hợp thi ở trường Bình Định. Học trò Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên thì hợp thi ở trường Gia Định. Học trò Kinh Bắc, Sơn Tây, Hoài Đức, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, hợp thi ở trường Thăng Long. Học trò Sơn Nam Hạ, Hải Dương, Yên Quảng, hợp thi ở trường Sơn Nam Thượng).

Thời gian các trường tổ chức thi cũng khác nhau. Thí dụ hai trường Thanh Hoa, Nghệ An thi tháng 3. Hai trường Quảng Đức, Gia Định thi tháng 7. Hai trường Thăng Long, Sơn Nam Thượng thi tháng 10.

Học sinh các trường Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đi thi được cấp lương ăn đi đường.

Như vậy, kỳ thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn năm 1807 là thi Hương ở 11 trấn trong, ngoài của Bắc thành. Còn kỳ thi thứ hai năm 1813 được tổ chức trên toàn quốc, từ Nam ra Bắc, theo một quy thức thi thống nhất.

Trong thành tựu quan trọng của sự nghiệp chấn hưng việc học, việc thi vào đầu triều Nguyễn, có công lao đóng góp to lớn của quan Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành mà lịch sử đã ghi nhận và ngày nay chúng ta cũng hết sức trân trọng, đánh giá cao công lao ấy./.

 

 


[1]. Đại Nam thực lục. Bản dịch của Viện Sử học, tập 1. Nxb Giáo dục, 2004.

[2]. Đại Nam thực lục. Sách đã dẫn.

[3]. Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2. Bản dịch, Nxb Thuận Hóa, 1993.

[4]. Đại Nam thực lục, tập 1. Bản dịch, sách đã dẫn.

[5]. Ở Kinh đô Huế, năm 1803, vua Gia Long cho xây dựng Quốc học đường. Năm 1820, vua Minh Mệnh đổi tên thành Quốc Tử giám.