LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với việc đắp đê và trị thủy vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XIX

PGS.TS. Đinh Quang Hải - Viện Sử học

Trong quá trình lịch sử, để mở rộng phạm vi hoạt động và sinh sống của mình, người Việt đã ngày càng tiến xuống vùng đồng bằng châu thổ. Cư dân đầu tiên tập trung ở đây gồm hai thành phần: nông nghiệp và ngư nghiệp. Quá trình tiến xuống đồng bằng của cư dân Việt cũng bước theo và phụ thuộc vào các bước thay đổi và biến dịch của dòng chảy sông Hồng và các phân lưu của nó.

            Vào thời kỳ đầu Công nguyên đến thế kỷ X, dòng chảy sông Hồng qua các nhánh như sông Đáy và sông Cà Lồ là rất quan trọng. Các trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước thời kỳ này cũng nằm bên các dòng sông đó: Phong Châu (tức thành phố Việt Trì ngày nay), Cổ Loa, Hoa Lư.

            Vào năm 1010, sự kiện dời đô từ vùng ven núi Hoa Lư ra Thăng Long, trung tâm của đồng bằng sông Hồng, vào thời Lý đánh dấu một cuộc chinh phục và khai thác đồng bằng một cách quy mô và ào ạt hơn. Bắt đầu từ đây, những con đê đầu tiên được đắp. Sách Đại Việt sử ký toàn thư lần đầu tiên chép: “Mùa Xuân, tháng 2 năm Mậu Tý (1108) đắp đê ở phường Cơ Xá”[1]. Đê Cơ Xá, tức là đoạn đê sông Hồng ở phường Cơ Xá, nay khoảng gần cầu Long Biên (Hà Nội). Ở đó còn bãi Cơ Xá thuộc Hà Nội.

            Sang thời Trần, một trào lưu khai hoang, lập điền trang tư nhân của vương hầu, quý tộc được Nhà nước cho phép và khuyến khích. Sách Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10 năm Bính Dần (1266) xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đó”[2]. Đồng thời, từ đời Trần với một hệ thống đê sông được đắp một cách quy mô. Sách Toàn thư chép: “Tháng 3 năm Mậu Thân (1248), lệnh cho các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ bể, để ngăn nước lũ tràn ngập”[3].

            Sang thời Lê sơ (1428-1527), công cuộc khai thác đồng bằng sông Hồng được tiến hành khẩn trương hơn ở vùng phía Nam, với việc triều đình cho đắp một hệ thống đê sông và đê biển. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông cho đắp các đê ở ven biển từ phía Bắc cửa Thần Phù đến bờ phía Nam cửa Cờn, để chống nước mặt, vì thế người ta gọi là “Đê Hồng Đức[4].

            Sang triều Nguyễn, nhất là ở những thập niên đầu, vấn đề trị thủy sông Hồng được đặt ra một cách rất cấp bách đối với những vị quan cai trị vùng đất này. Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802), được trao chức Tổng trấn Bắc thành, thì tháng 8 sau, vào tháng 5 năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Văn Thành đã tấu về triều đình Phú Xuân rằng: “Thế nước sông Nhị Hà (tức sông Hồng – TG) rất mạnh, đê bên tả, bên hữu ven sông thuộc Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ nhiều chỗ vỡ lở, xin thuê dân sửa đắp để chống lụt mùa thu. Lại thủy đạo các trấn nhiều chỗ ứ tắc, xin hạ lệnh cho trấn thần tùy thế khơi vét”. Vua theo lời tâu.

            Sau đó, triều đình Phú Xuân chi ra hơn 80.400 quan tiền để thuê dân đắp 7 đoạn đê mới ở Bắc thành[5]. Rõ ràng việc làm trên đây của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành là thể hiện ý thức trách nhiệm cao của một người đã hiểu rất rõ vùng đất mà mình cai quản. Hơn một nơi nào hết trên đất nước ta, người Việt sinh sống trên đồng bằng sông Hồng chọn cây lúa nước là cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp của mình, vì thế công việc chống hạn và chống lụt thường xuyên được đặt ra. Mà một trong công việc đầu tiên để đạt mục đích trên là đắp đê chống lũ lụt.

Đến đầu thế kỷ XIX, đồng bằng châu thổ sông Hồng dường như đã được khai thác hết. Sự mở rộng đồng bằng về phía biển, đòi hỏi các đê sông cũng kéo dài thêm. Các con đê ngăn mặn, các con đê sông và những làng mạc định cư trồng lúa nước với mật độ dân cư đông đúc đã có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi bộ mặt cảnh quan đồng bằng, làm biến đổi hệ sinh thái vùng châu thổ. Đó là nguyên nhân làm cho vấn đề trị thủy vùng đồng bằng sông Hồng vào đầu thế kỷ XIX trở nên gay gắt hơn trước.

            Hệ sinh thái vùng châu thổ sông Hồng bị biến đổi, khiến cho nhiều dòng sông bị thu hẹp lại, bị bồi lấp, gây ra tình trạng ứ tắc, từ đó nên đê vỡ thường xuyên. Sử triều Nguyễn chép khá nhiều vụ thiên tai kiểu này.

            Tháng 7 năm Quý Hợi (1803): Bắc thành nước to, đê vỡ, lúa ruộng ngập mất, nhà dân bị trôi mất nhiều. Hạ chiếu cho thành thần vận chở gạo chia đi chẩn cấp. Lại sai các trấn thần khám xét phân số lúa ruộng tổn thương để tâu lên[6]

            Một câu hỏi được đặt ra vào đầu thế kỷ XIX để trị thủy sông Hồng thì nên đắp đê hay nên bỏ đê?

            Tháng 10 năm Quý Hợi (1803), trong lần Bắc tuần của mình, vua Gia Long đã ban lời chiếu gửi quan lại và sĩ thứ ở Bắc thành hỏi về lợi hại của việc đê, như sau: “Làm lợi bỏ hại là việc trước tiên của chính trị. Xét xưa sánh nay, phải sao cho đúng lẽ. Những huyện ở ven sông trong địa phương các ngươi từ trước đã lập đê điều để phòng nước lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê điều vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và súc vật cũng bị hại. Bọn ngươi, người thì sinh ở nơi đó, người thì làm việc ở nơi đó, thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê hay bỏ đê, cách nào lợi, cách nào hại, cho được tỏ bày ý kiến. Lời nói mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng”[7].

            Cuộc “trưng cầu ý dân” này chưa thu được ý kiến nào trình bày vấn đề một cách có lý lẽ và hệ thống. Ngay sau đó, vua Gia Long đi thăm xã Thanh Khúc (huyện Thanh Trì), xem đường đê, quan dân đều dâng phong thư, có người nói đắp đê thì lợi, có người nói bỏ đê thì lợi. Vua Gia Long cho rằng dư luận phân vân, chưa biết thế nào là đúng. Bèn sai Hộ bộ Nguyễn Văn Khiêm đi khắp các đường xem dòng sông uốn khúc thế nào, nước phân hợp thế nào, vẽ thành đồ bản để dâng lên[8].

            Sau lần ấy cho đến hết đời mình, vua Gia Long không trở lại vấn đề này một lần nào nữa, cũng không thấy ai đưa ý kiến về giải pháp bỏ đê nữa. Mặc dù, vua Gia Long là người đầu tiên đặt vấn đề “đắp đê hay bỏ đê” trong lịch sử trị thủy đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng chính ông vua này trong thời gian cầm quyền gần 20 năm (1802-1819) của mình, đã cho đắp đê một cách quy mô và cũng là người đầu tiên ban hành một bản điều lệ đê chính cho Bắc thành và đặt chức quan chuyên trách vấn đề này.

            Có thể nói, vào thời kỳ Nguyễn Văn Thành giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành thì giải pháp “đắp đê” vẫn được coi là giải pháp tối ưu. Chính vì thế, sử nhà Nguyễn ghi chép khá nhiều lần Nguyễn Văn Thành, với tư cách vị quan đứng đầu Bắc thành nhận được lệnh của triều đình Phú Xuân phải tổ chức nhân dân đắp đê phòng lụt.

            Tháng 3 năm Giáp Tý (1804): Nguyễn Văn Thành thuê dân đắp 8 đoạn đê mới ở Bắc thành, chi tiền hơn 89.000 quan[9].

            Tháng 2 năm Bính Dần (1806): Nguyễn Văn Thành thuê dân đắp 12 đoạn đê mới ở Bắc thành, chi tiền hơn 95.200 quan[10].

            Tháng 12 năm Đinh Mão (1807): Nguyễn Văn Thành thuê dân đắp 10 đoạn đê mới ở Bắc thành, chi tiền hơn 84.000 quan[11].

            Tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1809): Nguyễn Văn Thành thuê dân đắp 3 đoạn đê mới và đắp thêm 2 đoạn đê cũ ở Bắc thành, chi tiền là 87.000 quan[12].

            Ngoài việc đắp các đoạn đê mới và củng cố các đoạn đê cũ bị sạt lở, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành còn kiến nghị lên triều đình nhà Nguyễn cần có những biện pháp chủ động và hữu hiệu hơn trong việc trị thủy sông Hồng. Chính vì thế, vào tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1809), vua Gia Long đã cho thiết lập cơ quan Đê chính ở Bắc thành. Sách Đại Nam thực lục cho biết như sau: “Đặt Đê chính Bắc thành, sai Binh bộ Đặng Trần Thường làm Tổng lý, Tham tri Công bộ là Nguyễn Khắc Thiệu làm Tham lý. Trước nay công việc đê điều thuộc về Hộ tào[13], thành thần cho rằng việc hộ rất bề bộn, sợ khó kiêm coi được, tâu xin đặt quan để giữ việc ấy. Vua bèn cho Thường và Thiệu lãnh làm. Dụ rằng: “Sông có đê, đời sống của dân quan hệ ở đó, bọn ngươi phải kính cẩn nhé!”[14].

            Sau đó, triều đình quy định việc đê điều ở các trấn thuộc Bắc thành cứ tháng 10 hằng năm quan phủ huyện phải lần lượt đến khám, quan Đê chính khám lại. Đê nào nên sửa đắp thì giao cho phủ huyện lấy dân ở những nơi thế nước đến được mà làm, công trình lớn thì sai người hiệp cùng trấn thần thuê dân làm; đều khởi công vào khoảng 2 tháng: Giêng và hai, hạn tới tháng 4 thì xong. Quan Đê chính khám đúng sự thực, do thành thần làm sổ vẽ bản đồ tâu lên[15].

            Tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1809), triều đình nhà Nguyễn ban Điều lệ Đê chính cho Bắc thành. Bản Điều lệ này có tất cả 8 điều là: 1. Làm sổ chung; 2. Khám xét; 3. Công việc tiến hành; 4. Tính giá đắp đê; 5. Giám đốc, trông coi đốc suất; 6. Bảo vệ tu bổ đê; 7. Phòng và hộ đê; 8. Răn cấm[16].

            Trong 8 điều trên, theo chúng tôi có 4 điều dưới đây là quan trọng và thiết thực hơn cả:

            1. Công việc tiến hành: Phàm đắp đê mới và sửa đê cũ rộng từ 5 thước trở lên và làm cống mới, những việc ấy là công trình lớn, đều phải lượng nhân công vật liệu và số tiền công nên chi bao nhiêu, quan Đê chính chép đưa cho quan trấn rồi sai các phủ, huyện mộ dân làm phu khoán. Việc sửa đắp đê cũ rộng từ 4 thước trở xuống và tu bổ công cũ là công trình nhỏ, chỉ sai dân chỗ nào mà thế nước chảy đến ứng dịch. Công việc đều bắt đầu từ tháng Giêng, tháng 2. Công việc nhỏ hạn 1 tháng làm xong, thượng tuần tháng 3 thì quan Đê chính đến khám nghiệm. Công trình lớn thì 2 tháng làm xong, thượng tuần tháng 4 thì quan Đê chính đến khám nghiệm. Nếu có chỗ nào sơ lược, làm không đúng cách thức, tùy theo nặng nhẹ mà kết tội, bắt phu khoán làm đền. Quan Đê chính phải vẽ bản đồ và làm sổ, quan Tổng trấn phải ghi những số tiền đã chi tiêu tâu lên hết.

            2. Tính giá tiền: Ở thượng lưu, trung lưu sông Cái, mặt đê rộng 2 trượng[17], chân rộng 7 trượng, cao 1 trượng, 2 thước[18], mỗi trượng lấy đất chứa trên mặt bằng 54 đống làm hạn. Ở hạ lưu thì mặt đê rộng 1 trượng 5 thước, chân rộng 5 thước, cao 1 trượng, mỗi trượng lấy đất chứa 32 đống 5 thước làm hạn. Những sông vừa, mặt đê rộng 1 trượng 2 thước, chân rộng 4 trượng, cao 1 trượng, mỗi trượng lấy đất chứa 26 đống làm hạn. Những sông nhỏ, mặt đê rộng 9 thước, chân rộng 3 trượng, cao 9 thước, mỗi trượng lấy đất chứa 17 đống 5 thước 5 tấc làm hạn. Chỗ bùn lầy, sâu từ 1 thước đến 4 thước mỗi trượng dùng 46 cây gỗ, 6 cây tre tươi. Bùn lầy sâu 5 – 6 thước trở lên, mỗi trượng phải dùng 73 cây gỗ, 6 cây tre tươi, đều chi tiền mua dùng để làm cọc cốt đê, cánh phên, cầu dài, cầu ngang, cùng cừ gỗ, sách gỗ hai bên. Lại sai dân đào hết bùn lầy đi, đến đất chắc mới cho đắp làm. Phàm đắp đê mới hay sửa đê cũ, về công trình lớn thì đóng đất bốn bề mỗi bề dài 1 trượng, sâu 1 thước làm một đống. Xem lấy đất gần xa khó dễ để định tiền công thuê. Như ngoài chân đê 5 trượng hai bên có thể lấy được đất thì tiền công bớt đi. Nếu chỗ lấy đất được có một bên, hay bị hồ ao gián cách thì tiền công tăng lên.

            Đê ở sông Cái tính để lại mỗi trượng 3 quan, đê ở sông nhỏ, tính để lại mỗi trượng 1, 2 quan, đợi sau có phải đắp đê hay không sẽ chiếu số trả lại. Làm cống nước, đào đất cũ đi và lấy đất lấp đầy lên, cứ mỗi đống đất cấp cho 6 tiền. Mua gỗ lim, cây dài 12 thước, ngang 1 thước, trị tiền 22 quan. Cứt sắt, đá trẩy, mỗi 100 cân trị giá 3 tiền. Mây chão mỗi 100 cân trị giá 4 tiền. Lấy sắt cống rèn đanh, thiếu phải mua thêm mỗi 100 cân trị giá 12 quan. Than gỗ 100 cân trị giá 1 quan. Cây gỗ làm chày, hai đầu bọc sắt, mỗi cây dài 4 thước 3 tấc, ngang 3 tấc, trị giá 1 tiền 30 đồng, nện chày mỗi ngày 2 tiền.

            3. Bảo vệ tu bổ đê: Đê và cống đã làm xong, đều sai phu khoán phòng giữ, đê hạn 3 năm, cống hạn 5 năm, trong hạn ấy có chỗ nứt lở sụt đổ thì phải làm đền. Quan trấn và người trông coi đốc suất đều tùy theo nhẹ nặng mà luận tội. Quan Đê chính cũng bị phạt. Nếu đê vì nước lên mạnh quá sức người không thể chống giữ được thì miễn tội.

            4. Phòng hộ đê: Hằng năm cứ đến tháng 4 nước sông lên to, quan trấn chia nhau đi khám xét. Đoạn nào xung yếu, khiến phủ huyện bắt dân đắp phụ ngay. Chỗ nào nước chảy xói mạnh quá thì đốc quân và dân để sẵn nhiều sọt đất và cây gỗ để tùy thế chống giữ. Đoạn nào thế khó giữ được thì báo ngay cho thành, để phái thêm quan và binh góp sức chống giữ. Ở ngoài chân các đê sông lớn cách 5 trượng hoặc 7 trượng, mỗi trượng trồng 6 cây tre để chống sóng dữ và khi khuyết vỡ thì lấy mà chống chữa, không quan hệ đến việc chống chữa thì không ai được chém tre ấy[19].

            Nghiên cứu những quy định của Điều lệ Đê chính Bắc thành trên đây cho ta thấy, nhờ tham khảo kinh nghiệm và luật lệ của các triều đại trước và phát triển thêm trong tình hình mới, bản Điều lệ Đê chính thời Gia Long này rõ ràng là chi tiết, chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn. Những quy định về kỹ thuật đào đắp đê và làm cống, quy chuẩn hóa giá thành thuê khoán và các vật liệu dùng vào việc đê và cống… chứng tỏ, Nhà nước Nguyễn đã kiểm soát rất chặt chẽ và trực tiếp công cuộc trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ.

            Điều lệ Đê chính Bắc thành được ban hành vào tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1809), thì chỉ vài tháng sau, vào tháng Giêng năm Canh Ngọ (1810), Nguyễn Văn Thành có tang mẹ, nên ông xin phép vua Gia Long cho về quê chịu tang. Vua Gia Long chuẩn y và cho Nguyễn Hoàng Đức làm Tống trấn Bắc thành thay Nguyễn Văn Thành[20].

            Những quy định về Điều lệ Đê chính Bắc thành ban hành vào cuối năm 1809, Nguyễn Văn Thành sẽ không có điều kiện trực tiếp tổ chức thi hành, song cũng cần ghi nhận công lao của ông trong việc hình thành và soạn thảo bản Điều lệ này.

            Ngày nay, các đoạn đê tại vùng hạ lưu sông Hồng và các sông nhánh của nó được Nguyễn Văn Thành tổ chức đắp hiện vẫn còn đấy. Chúng là những bằng chứng cụ thể và sinh động của việc cha ông ta đấu tranh để hạn chế sự phá hoại của thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sự bình yên cho làng xóm người Việt.

            Và theo chúng tôi, những con đê ấy còn có thể được coi như những tượng đài để ghi nhớ những công lao của Nguyễn Văn Thành, thời kỳ 8 năm ông làm Tổng trấn Bắc thành./.

Đ.Q.H.

 

 


[1]. Đại Việt sử ký toàn thư (Từ đây gọi tắt là Toàn thư). Nxb Khoa học xã hội, H. 1998, tập 1, tr. 285.

[2]. Toàn thư. Sđd, tập 2, tr. 36.

[3]. Toàn thư. Sđd, tập 2, tr. 21.

[4]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục, H. 1998, tập 1, tr. 1054, 1055. (Từ đây gọi tắt là Cương mục).

[5]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 561.

[6]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 567.

[7]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 572, 573.

[8]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 573.

[9]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr.  592.

[10]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 655.

[11]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 713, 714.

[12]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 749.

[13]. Đầu triều Nguyễn tại Bắc thành đặt 3 tào là: Hình - Hộ - Binh, do một viên Tham tri đứng đầu. Tào là cơ quan giống như Bộ tại triều đình Phú Xuân.

[14]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 744.

[15]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 744.

[16]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 764, 765.

[17]. Một trượng: ước chừng 3,6 mét.

[18]. Một thước: ước chừng 0,36 mét.

[19]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 764, 765.

[20]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 780.