LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với việc sử dụng giới nho sĩ Bắc Hà sau năm 1802

PGS.TS Hà Mạnh Khoa - Viện Sử học

Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là người có trí thông minh, tài thao lược, văn võ toàn taì, là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, là Tổng trấn Bắc thành đầu tiên của Vương triều Nguyễn.

Kể từ ngày theo Nguyễn Ánh phục dựng cơ đồ của họ Nguyễn và cho đến khi triều Nguyễn được xác định, công nghiệp của Nguyễn Văn Thành đã khẳng định ông là một nhà quân sự-chính trị kiệt xuất. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu của vương triều (1802), Nguyễn Văn Thành được cử làm Tổng trấn Bắc Thành. Trong thời gian giữ chức vụ này (1802-1810), Nguyễn Văn Thành đã để lại những dấu ấn đậm nét trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến nói riêng và Bắc Thành nói chung, trong đó không thể không kể đến việc ông sử dụng các nho sĩ Bắc Hà để xây dựng và phát triển đất nước.

Vào những năm đầu của triều Nguyễn, nhất là  từ thời Gia Long cho đến đầu thời Minh Mệnh, xã hội Việt Nam chưa ổn định nên nhà Nguyễn bắt buộc phải áp dụng chính sách "tản quyền". Hoàng đế và triều đình trực trị khu vực Trung Kỳ và gián tiếp quản lý hai miền Nam, Bắc. Trên thực tế lúc bấy giờ chức Tổng trấn ở Bắc Thành và Gia Định thành được định đoạt mọi việc rồi sau mới tấu trình lên Hoàng đế.

Xác định vai trò vị trí của Bắc Hà và thành Thăng Long: “là nơi quan trọng, cần có trọng thần để trấn giữ mới được” và tin tưởng vào các phẩm chất quân sự, chính trị và văn hóa vốn có của Nguyễn Văn Thành, vua Gia Long đã: “Lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lê thuộc. Phàm những việc cất nhắc quan lại, xử quyết kiện tụng,đều được tùy tiện mà làm, rồi sau mới tâu lên”[1].

Vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền ổn định và có hiệu lực đối với Bắc Thành là việc tối quan trọng, nhưng có một việc không kém phần bức thiết là làm sao có thể thu phục được giới nho sĩ Bắc Hà. Như chúng ta đã biết, trước khi nhà Nguyễn được thiết lập, nho sĩ Bắc Hà phần lớn đều được đào tạo từ “cửa Khổng, sân Trình” của thời Lê - Trịnh và được trọng dụng.

Khi khởi nghĩa Tây Sơn trở thành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc, nho sĩ Bắc Hà vẫn có người tuyệt đối trung thành với nhà Lê, chống lại Tây Sơn và có không ít người theo Quang Trung - Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh và đến thời điểm năm 1802, khi triều Nguyễn được thiết lập liệu họ có cùng “phò” Gia Long hay không? Đó là một trong những vấn đề được Gia Long và các vua đầu thời Nguyễn rất quan tâm ngay trong những ngày đầu xác lập vương triều.

Trên thực tế, trong bất kỳ một triều đại nào, “nho sĩ” luôn có một vai trò và vị trí rất quan trọng, vì họ là “nguyên khí của quốc gia”, góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa của khu vực này và cả nước. Vua Gia Long cũng biết rõ điều đó và ngay từ khi mới lên ngôi, mặc dù Gia Long đã ban nhiều ân điển đối với tầng lớp này, nhưng có không ít người vẫn không chịu hợp tác.

Chính vì vậy, để chiêu dụ đối tượng này, khi vua Gia Long ra Bắc đã có Chiếu dụ các hào mục Bắc Hà: “Mới đây Tây Sơn gây biến, ngôi nhà Lê bị mất rồi. Bọn các ngươi ôm lòng trung căm giận đã lâu, chẳng chịu để giặc sai khiến. Nhiều người trốn lánh, nhóm họp ở núi rừng chưa biết về đâu. Nay bọn giặc đã trừ, phong tục văn chương cùng một mối. Người trí giả biết cơ, đừng nên chần chờ trông ngóng. Vậy đặc dụ rằng, phàm ai bị can phạm trước kia đều không xét hỏi, đều cho giải tán nghĩa binh, đem nộp khí giới, do địa phương sở tại làm biểu báo lên, trẫm sẽ tùy tài lục dụng. Các ngươi đều nên xét kỹ sự cơ, đừng để ăn năn về sau”[2]. Đồng thời vua Gia Long sai các quan văn võ, chia trị các trấn Bắc Thành. Mỗi trấn đặt một Trấn thủ, dùng chức Thống chế, Chưởng cơ, Cai cơ cho làm, và một Hiệp trấn, một Tham trấn, dùng chức Thiêm sự, Tham quân, Hàn lâm thị thư cho làm.

Đối với cựu thần nhà Lê và những “học trò”, trong Chiếu dụ, vua Gia Long cũng nêu rõ: “Mới đây giặc Tây Sơn can phạm đạo thường, làm cho trời đất tối đen trong lúc ấy có nhiều người ẩn náu, không muốn làm quan cho giặc, mà ôm đức giữ tài là để chờ thời. Nay đảng giặc dẹp yên, võ công cả định, chính là buổi chấn hưng văn hóa, xây dựng trị bình. Nhân tài trong đời há chịu cùng với cỏ cây mục nát sao ? Vậy nên báo cáo cho nhau, đều đến hành tại để cho bọn Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Lễ bộ Đặng Đức Siêu, Tán lý Đặng Trần Thường, Tham tri Phạm Như Đăng, Học sĩ Nguyễn Viên, lần lượt dẫn vào yết kiến. Ta sẽ nghe lời nói thử việc làm, tùy tài bổ dụng, cho người hiền được có vị, người tài được có chức, họp lòng nghĩ, chia mưu làm, để cùng nên đạo trị nước”[3].

Đối với những người ở Bắc Hà đã từng tham gia công cuộc phục dựng nhà Nguyễn để ghi nhận công lao này và thu phục nhân tâm, thể hiện chính sách đối với “các bề tôi trung nghĩa ở Bắc Hà”, trong lời Chiếu của vua Gia Long ghi rõ: “Khen thưởng người trung nghĩa là việc đầu của Nhà nước. Mới đây giặc Tây Sơn xướng loạn, hãm hại nhân dân, những người trung nghĩa ai cũng căm giận, hoặc đương thuở nhà Lê suy yếu liều mình đánh giặc, đến khi việc nước đã hỏng mà còn cầm quân chống giặc, hết lòng hết sức, không kể được thua. Khi trẫm mới thu phục Gia Định, quyết chí diệt thù, cũng đã biết rõ một tấm trung thành của bọn người, dù muôn dặm non sông, cũng chẳng cho là xa cách, hằng thông tin sứ, ứng nghĩa cũng nhiều. Có người nhóm họp binh sĩ hăng hái chống giặc, nhưng sợi tóc khó mang nổi nghìn cân, thế lực không thể địch nổi, hằng đánh vẫn hằng thua. Cũng có người tới chốn quân mạc, vâng chịu mệnh lệnh, nhưng khi làm không kín đáo, lại mắc tai vạ. Lòng ta rất thương xót. Nay đã diệt quân hung ác, cả định võ công, nghĩ đến những người trung nghĩa ấy chính nên khen thưởng. Vậy hạ lệnh cho các địa phương Bắc Thành và Thanh Nghệ, xét trước đây có ai theo nghĩa bỏ mình thì cho con cháu họ hàng đem việc bày tâu, xét ban tuất điển”[4].

Tất cả những việc là đó của vua Gia Long không ngoài mục đích chiêu dụ, khuyến khích “nho sĩ” hợp tác với vương triều Nguyễn. Để thực hiện được mục tiêu đó, tháng 6 năm nhâm Tuất (1802), khi ra đến Thăng Long, vua Gia Long đã: “Triệu Nguyễn Văn Thành đến hành tại. Thành ở trong hàng các tướng là người có chút học thức và biết thể thức chính trị, cho nên đặc biệt triệu đến”[5].

Có thể nói những chính sách của vua Gia Long đối với Bắc Hà thể hiện trong các “Chiếu” không thể không có sự “tham mưu” của Nguyễn Văn Thành và cũng không phải không có lý do khi vua Gia Long lại chọn Nguyễn Văn Thành giữ chức vụ quạn trọng này. Tháng 4 năm 1802, khi chuẩn bị tiến quân ra Bắc, Nguyễn Văn Thành dâng sớ nói: “Thần nghe các thánh vương đời xưa giết trừ  kẻ bạo loạn, bạo loạn đã trừ thì có thể làm chính trị kế tiếp lâu dài được. Nay nước nhà dựng lại, mọi việc bắt đầu, những chế độ về quan lại, lễ nghi và hình luật đều là việc đầu tiên của chính trị. Xin sắc cho bầy tôi tìm tòi điển cũ, châm chước bàn bạc để thi hành. Lại chín phủ từ Bình Thuận đến Bố Chính (Diên Khánh, Bình Khang, Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Điện Bàn, Thăng Hoa, Triệu Phong, Quảng Bình) và một châu (Bố Chính), dẫu đã đặt quan công đường mà chưa đặt binh vệ. Dinh thần chỉ coi việc dân, chợt có sự biến phải đợi triều đình điều động quân nơi khác đến, lâm cơ ứng việc, sợ không nhanh chóng. Nay sắp có việc Bắc phạt, xin hạ lệnh cho các dinh đều đặt tinh binh coi giữ và ở nơi quan trọng thì cho đại thần trấn trị mà kiêm lãnh dinh khác, khiến cho cánh tay và ngón tay giúp đỡ lẫn nhau, khi hoãn khi cấp đều sẵn sàng cả, như thế ngõ hầu không phải lo ở bề trong nữa”. Vua khen lời ấy là phải”[6] .

Tất cả những đường lối chính sách của nhà Nguyễn trong buổi đầu mới xác lập đối với Bắc Thành được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành thực thi rất hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực chiêu dụ và sử dụng các nho sĩ Bắc Hà. Với tài năng và uy tín của mình, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã chiêu dụ được rất nhiều nho sĩ Bắc Hà tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Tiêu biểu như:

- Nguyễn Huy Lượng (1759-1808). Dòng họ của ông rất nổi tiếng về khoa cử, nhưng ông chỉ đỗ Hương cống và được bổ làm Phượng nghi ở bộ Lễ (phụ trách xem xét các lễ vật cúng tế). Dù Nguyễn Huy Lượng đã theo Tây Sơn, nhưng khi nhà Nguyễn được thiết lập, ông được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành bổ làm Tri phủ phủ Xuân Trưởng, tỉnh Nam Định năm 1802.

- Vũ Trinh  (1759-1828), Vũ Trinh xuất thân trong một gia đình quan lại trí thức, ông nội Vũ Trinh là Vũ Miên đậu Tiến sĩ đời Lê, cha ông là Vũ Thiều đậu Hương cống, làm quan đến chức Tham nghị. Năm 17 tuổi, Vũ Trinh thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), được bổ làm Tri phủ Quốc Oai.

Năm 1802, Vũ Trinh được mời ra nhận chức Thị trung học sĩ.

Năm 1809, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Trở về nước, ông nhận lệnh hiệp cùng Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành và Trần Hựu soạn bộ Hoàng Việt luật lệ. Biết ông có tài, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho con là Nguyễn Văn Thuyên theo học ông.

- Pham Quý Thích (1760-1825). Ông đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Khi Tây Sơn ra Bắc, ông sống ẩn dật. Tuy đỗ đạt sớm và được giao nhiều chức vụ cao dưới thời Lê-Trịnh, nhưng ông chỉ thiết tha với việc dạy học và trước tác nên Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã đề xuất cho ông giữ chức Đốc học Bắc Thành.

- Cao Huy Diệu (1762-1820). Năm Gia Long thứ 6 (1807), Cao Huy Diệu đỗ Cử nhân. Ngay sau đó ông được cử là Tư nghiệp Quốc Tử giám và dưới thời Tổng trấn Nguyễn Văn Thành, ông là Đốc học Bắc Thành.

- Ngô Thì Vị (1774-1821), là con của Ngô Thì Sĩ, em Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Vị sinh ngày 17 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1774). Ông không đỗ đạt gì nhưng có tài năng và rất nổi tiếng. Năm 1802, Ngô Thì Vị được Gia Long thu nhận, cử làm Thiêm sự bộ Lại, rồi Hữu tham tri bộ Lại, tước Lễ Khê hầu, sau làm Hiệp trấn Lạng Sơn (1814-1817), Đề điệu trường thi Gia Định năm 1819. Ông hai lần đi sứ nhà Thanh, 1809 làm phó sứ và 1820 làm chánh sứ.

Trên đây là một số ví dụ về các nho sĩ Bắc Hà mà Nguyễn Văn Thành sử dụng trong thời gian ông làm Tổng trấn. Có thể nói việc chiêu dụ và sử dụng nho sĩ Bắc Hà là một việc không đơn giản, nhưng Nguyễn Văn Thành đã thực hiện khá thành công bởi ông không chỉ là một đại thần, một võ quan, mà còn là một nhà chính trị xuất sắc.

Năm 1786, khi đang ở nước Xiêm (Thái Lan) Nguyễn Văn Thành cùng với Nguyễn Ánh giúp quân Xiêm chống lại Miến Điện và được Xiêm ngỏ lời mang quân giúp Nguyễn Ánh lấy lại Gia Đinh. Trước sự việc này, Nguyễn Văn Thành khảng khái nói với Nguyễn Ánh rằng: “Vua Thiếu Khang[7] chỉ có một lữ còn dựng được cơ nghiệp nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc còn có thể làm được, chứ nếu mượn người ngoài giúp, đưa Di Địch vào trong tâm phúc thì sợ để lo về sau. Không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn”[8]. Vua khen phải, việc bèn thôi. Điều đó chứng tỏ ông không chỉ là một nhà quân sự mà còn là một nhà chính trị có tầm nhìn sâu sắc.

 Nguyễn Văn Thành còn là một người “hay chữ” nhất trong các tướng lĩnh cao cấp của Gia Long. Ông là người "biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi Thành đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, Thành cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích"[9].

Vào tháng Cháp năm 1802, tại Huế, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài "Văn tế Tướng sĩ trận vong". Bài văn đó là một áng văn chương nổi tiếng của văn học Việt Nam thời bấy giờ.

Cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt nhận xét về bài văn trên như sau: "Đầu thế kỷ 19, sau hơn 200 năm chiến tranh triền miên, hòa bình lập lại, ông Nguyễn Văn Thành đã thay mặt triều đình viết Văn tế tướng sĩ trận vong... là vừa để giải thoát những đau thương về tinh thần và tâm linh đè nặng tâm hồn dân tộc, vừa để hướng dẫn đời sống tâm hồn và đạo lý của những người đang sống[10]."

Cùng thời gian lãnh mệnh triều đình đứng ra coi việc xây dựng lại Bắc Thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh, lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.

Và vào năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long xuống chiếu xác định: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thể thiếu được. Phải giáo dục thành tài sau thi Hương, thi Hội lần lượt được cử hành thì người hiền tài nối nhau lên giúp việc. Đặt chức đốc học ở các trấn Bắc Thành, lấy học sĩ Nguyễn Đình Tứ làm Đốc học phủ Phụng Thiên, Lê Huy Sầm làm Đốc học Kinh Bắc, Ngô Xiêm làm Đốc học Tây Sơn, Vũ Đình Tử làm Đốc học Sơn Nam thượng, Nguyễn Huy Thảng làm Đốc học Sơn Nam hạ. (Đốc học Kinh Bắc kiêm Đốc học Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng ; Đốc học Sơn Tây kiêm Đốc học Hưng Hóa, Tuyên Quang, Đốc học Hải Dương kiêm Đốc học Yên Quảng)”[11]. Họ đều là những nho sĩ nổi tiếng của Bắc Hà.

Nguyễn Văn Thành cũng là người rất coi trọng việc học hành thi cử. Năm 1804, khi là Tổng trấn Bắc Thành, ông đã đề xuất lên triều đình: "Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo"[12]. Vua Gia Long thấy đề xuất đó rất hữu ích liền chấp thuận cho thực hiện. Và sau đó, năm 1807, vua Gia Long cho mở khoa thi Hương đầu tiên, phép thi phỏng theo phép thi cử đời Lê. Chỉ tính riêng các kỳ thi Hương đời Vua Gia Long từ 1807 đến 1819, riêng Thăng Long –Hà Nội, số người thi đỗ là 40 người trên tổng số  65 người của Bắc Thành và trên tổng số 255 người trong cả nước.

Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng trấn Bắc Thành chỉ trong một thời gian 8 năm (1802-1810), nhưng những gì ông đã làm đã để lại cho hậu thế nhiều kinh nghiệm quý giá. Đúng như Đại Nam Liệt Truyên ghi: "...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước..."[13].

Trong thời gian giữ chức Tổng trấn Bắc Thành, Nguyễn Văn Thành không chỉ sử dụng được các nho sĩ được đào tạo của thời kỳ trước mà ông còn có công rất lớn trong việc đề ra các chính sách và biện pháp để đào tạo các thế hệ nhân tài cho đất nước.

                                                                                   Hà Nội, tháng 11 năm 2013

 

 

 

 


[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, T1, Nxb Giáo dục, H.2004, tr 528.

 

[2]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, T1, Nxb Giáo dục, H 2004, tr 504.

[3]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1, tr 507.

[4]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1,  tr 507, 508.

[5]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1,  tr 505.

[6]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1,  tr 489

 

[7]. Thiếu Khang  trị vì từ năm 2079-2058 Tcn là vị vua thứ sáu của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người có công trung hưng nhà Hạ,

[8]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1, tr 225.

[9]. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện, Chính Biên-Sơ Tập, (Tái bản lần thứ 2), Viện Sử học VN, Nxb Thuận Hóa 2005, quyển 21,trang 411.

[10]. Võ Văn Kiệt: Lấy từ bi diệt hận thù, Báo Tuổi trẻ 08/08/2006.

[11]. Quốc sử quán triều Nguyễn: “Đại Nam thực lục”, Sđd T1, H 2004, tr 517.

[12]. Quốc sử quán triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Sđd T1, H 2004, tr 591.

[13]. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện, Chính Biên-Sơ Tập, (Tái bản lần thứ 2), Viện Sử học VN, Nxb Thuận Hóa 2005, quyển 21,trang 419.