LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

ẤN DẤU CỦA TIỀN QUÂN NGUYỄN VĂN THÀNH

 Nguyễn Công Việt

Quân đội nhà Nguyễn có tiền thân từ thời các chúa Nguyễn. Trong thời kỳ chiến tranh với nhà Tây Sơn, quân đội là lực lượng căn bản để thành lập nhà Nguyễn; và sau này, khi nhà Nguyễn đã giành quyền thống trị, thì quân đội trở thành một bộ phận của nhà nước phong kiến Việt Nam đương thời.

Thời Gia Long - Nguyễn Ánh cho đến giai đoạn đầu triều Minh Mệnh, tướng lĩnh trong quân đội giữ vị trí then chốt trong chính quyền nhà Nguyễn. Hầu hết các Tướng đứng đầu Năm quân đều là những đại thần quan trọng của triều đình. Chức vụ và quyền hạn của tướng lĩnh hơn hẳn các văn quan, mặc dù phẩm trật có ngang nhau. Sự biến đổi nhanh chóng từ những đại tướng cầm quân trong chiến trận trở thành viên quan cai trị về mặt hành chính các cấp là một đặc trưng nổi bật của tổ chức hành chính, quan chế đầu thời Nguyễn.

Những tướng theo phò Nguyễn Ánh như Nguyễn Văn Nhân mới ở chức Khâm sai cai cơ, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Phong giữ chức Cai đội, còn Lê Văn Duyệt chỉ là một hoạn quan. Trải hơn 20 năm vào sinh ra tử, khi chiến tranh chấm dứt, những tướng lĩnh trung thành với họ Nguyễn nói trên may mắn vẫn còn sống sót. Nguyễn Văn Thành làm đến chức Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây đại tướng quân, tước quận công. Nguyễn Văn Nhân được phong chức Khâm sai chưởng hữu quân Bình Tây tướng quân. Lê Văn Duyệt từ một quan thái giám trở thành một vị tướng tài ba, năm 1802 được phong chức Khâm sai chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân. Còn người em ruột Lê Văn Duyệt là Lê Văn Phong giữ chức Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách.

Các tướng khi được phong chức bao giờ cũng được nhận bộ Ấn Kiềm. Ấn Kiềm ở đây biểu thị cho quyền lực của viên tướng và pháp lệnh của vương triều, bên trong thì đối với quân đội và bên ngoài thì đối với dân chúng.

Thời kỳ còn chiến tranh, vàng - tiền dồn cho chiến đấu, nên Ấn của các tướng lĩnh cao cấp cũng chỉ được làm bằng đồng. Sử liệu đã giúp ta biết được Ấn của năm tướng đứng đầu Năm quân đều được làm bằng đồng. Phần núm trên ấn chạm đúc hình con kỳ lân, mặt dấu hình vuông, kích thước 2 tấc 1 phân 6 ly.

Năm viên tướng đứng đầu Năm quân được dùng ấn có chạm kỳ lân. Trọng lượng và thể tích của quả ấn này rất lớn, chỉ sau một số Bảo Tỷ của Hoàng đế Nguyễn. Từ khi những chiếc ấn đó ra đời cho đến nay, đã trải qua biết bao phen binh hỏa, thời gian tuy chưa phải là nhiều, với trên dưới 200 năm, nhưng những hiện vật quý báu đó hầu hết đã bị chôn vùi.

Hiện vật tuy đã mất, nhưng dấu tích vẫn còn. Ở kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và kho sách Châu bản triều Nguyễn của Cục Lưu trữ, hiện vẫn còn lưu giữ đầy đủ nguyên bản một số hình dấu nói trên. Trong cuốn Công văn cựu chỉ(2), dấu của Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây đại tướng quân Nguyễn Văn Thành vẫn nổi bật với màu son đỏ. Dấu hình vuông, có kích thước 9,3x9,3cm, viền ngoài để rộng 1,2cm không khắc họa tiết trang trí. Bốn chữ triện bên trong xếp theo hai hàng, nét khắc sâu đậm, với lối triện tự vuông vức. Đó là bộ chữ "Tiền quân chi ấn" 前 軍 之 印. Dấu được đóng ở đoạn cuối dòng ghi niên hiệu "Gia Long nguyên niên bát nguyệt sơ thất nhật". Trước trang có hình dấu là trang có dòng chữ Hán "Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây đại tướng quân quận công" 欽 差 掌 前 軍 平 西 大 將 軍 郡 公.

Việc khẳng định con dấu này là của Nguyễn Văn Thành là chính xác. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi lại: "Cho Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây Tiền tướng quân Nguyễn Văn Thành làm Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây đại tướng quân điều bát chư đạo Bộ binh Quận công(3). Con dấu "Tiền quân chi ấn" của Đại tướng Nguyễn Văn Thành được đóng vào ngày mồng 7 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802) trong một văn bản chữ Hán ngắn gọn nói về huyện Lạc Thổ, Phủ Thiên Quan, xứ Thanh Hoa Ngoại(4).

Nguyễn Văn Thành theo phò Gia Long Nguyễn Ánh từ năm 1778, khi còn ở chức Cai đội. Nguyễn Văn Thành là người có học, văn võ kiêm toàn, cùng Nguyễn Ánh qua bao thăng trầm, lập nhiều chiến công. Năm 1787 được thăng Khâm sai Tổng nhung Cai cơ hiệu úy Tiền chi dinh Trung quân. Đến năm 1801 được phong chức Khâm sai chưởng Tiền quân Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công, hơn hẳn các tướng đứng đầu Năm quân. Khi Nguyễn Ánh đã hoàn thành việc thống nhất đất nước, Nguyễn Văn Thành được phong làm Tổng trấn Bắc Thành. Bắc Thành được thiết lập vào tháng 9 năm 1802 với tổ chức hành chính gồm 11 trấn cùng các đạo, phủ. Đó là các trấn: Sơn Tây, Kinh Bắc, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hải Dương, An Quảng, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ và Cao Bình (chỉ gồm 1 phủ là phủ Cao Bình). Trong đó 5 trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ gọi là Nội trấn; 6 trấn còn lại gọi là Ngoại trấn.

Sử cũ chép: "Lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc, phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng đều được tùy tiện mà làm rồi sau đó mới tâu lên(5). Nguyễn Văn Thành từ một đại tướng cầm quân với ấn "Tiền quân chi ấn" đã trở thành một đại quan cai trị một miền Bắc Hà rộng lớn, với chức năng quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành được lĩnh nhận bộ ấn Kiềm với ý nghĩa khác hẳn ấn của Đại tướng quân. Đó là ấn Bắc Thành tổng trấn, Sáu chữ Triện trong dấu là Bắc Thành tổng trấn chi ấn 北城總鎮之印 (Ấn của Tổng trấn Bắc Thành). Quận công Nguyễn Văn Thành giữ ấn này đến năm 1810 sau đó Vua Gia Long triệu ông về kinh đô Huế nhận chức Trung quân và chức Tổng tài trong việc biên soạn bộ Hoàng Việt Luật lệ và Quốc triều thực lục.


NGUYỄN CÔNG VIỆT



CHÚ THÍCH

(1). Công văn Cựu chỉ, sách chữ Hán, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu A.3032.

(2). Đại Nam thực lục chính biên, Tập II, Nxb. Sử học, H. 1963, tr.424. Đoạn này trong Đệ nhất kỷ, Q.XIV. Nguyên văn: "Tân Dậu, năm thứ 22 (1801)" tức trước năm Gia Long thứ nhất một năm.

(3). Lạc Thổ, Thiên Quan, xứ Thanh Hoa Ngoại, nay thuộc Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

(4). Đại Nam thực lục chính biên, tập III, tr. 80. Sđd.

(5). Khi làm Tổng trấn Bắc Thành, Nguyễn Văn Thành nhiều lần dâng sớ điều trần những việc đúng đắn như: Xin đặt kinh diên giảng quan; định luật mới để quan lại; dân chúng theo điều tốt bỏ điều xấu; đặt Sử quan để làm quốc sử; đặt Ngự sử đài để nghiêm phép nước v.v..