Tham luận Hội thảo:" Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội" của Tiến Sĩ Nguyễn Thị Bình
Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất linh thiêng nghìn năm văn hiến, đã vận động và biến chuyển không ngừng trên từng chặng đường lịch sử. Từ một ngôi làng nhỏ hiền hòa bên bờ sông Cái, Thăng Long - Hà Nội sớm trở thành một vùng đất trọng yếu hội tụ bốn phương, kinh đô của các vương triều suốt từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII. Thăng Long cũng trở thành một đô thị phồn hoa sầm uất bậc nhất cả nước. Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã tồn tại như một thành thị tiêu biểu nhất của Việt Nam bao gồm hai bộ phận chính là Thành và Thị. 1. Thành Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX: cấu trúc và tổ chức quản lý Năm 1804, lấy lý do Bắc thành không còn là kinh đô của cả nước, “thể chế xây thành của Tây Sơn không họp quy củ”1 nên triều đình nhà Nguyễn sai phá bỏ thành cũ và đến năm 1805, hoàn thành xây dựng một thành mới. “Năm Gia Long thứ 4 (1805), cho xây lại thành Thăng Long ở ngay vị trí cũ, kích thước có thu hẹp lại hơn trước. Thành hình vuông vắn, chu vi thành đo được 1.285 trượng 6 thước 8 tấc (xấp xỉ 5.142 m. Chu vi này trong những cuốn địa chí, được ghi rất khác nhau). Tường thành xây bằng gạch hộp, chân thành có hai lớp, trên là đá ong, dưói là đá tảng xanh. Tường cao 1 trượng 1 thước, dày 4 trượng. Thành có 5 cửa: ba cạnh Đông, Tây và Bắc mỗi cạnh một cửa, cạnh phía nam có hai cửa Đông Nam và Tây Nam. Đường vào cửa xuyên qua tường thành, trên xây vòm, trên nóc công có lầu canh, gọi là thú lâu. Tại mỗi thú lâu có một cơ binh, thay nhau canh gác ngày đêm”2. Đến triều Minh Mạng (1831), đổi làm tỉnh thành Hà Nội, hạ thấp tường thành xuống 1 thước 8 tấc, chiều cao chỉ còn khoảng 3,7m. Hai cửa Tây và Tây Nam đều bị xây bịt kín. Thành Thăng Long - Hà Nội đời Nguyễn được xây theo kiểu Vauban. Đặc điểm của kiểu thành này là những đoạn tường thành không thẳng, xây Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 1Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, tr.166. 2Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập Một, Nxb. Giáo dục. 46 thêm những pháo đài ụ bắn lồi ra ở phía trước, để có thể quan sát và tiêu diệt những ai đến gần bờ tường thành. Một số tác giả Pháp cho là thành do Olivier de Puymanuel - cố vấn quân sự người Pháp của Nguyễn Ánh - vẽ thiết kế. Nhưng A. Masson, trong cuốn sách của mình, đã phản bác lại với lý do là Puymanuel đã chết năm 1799, ba năm trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi. Vì vậy, việc xây thành Thăng Long - Hà Nội chỉ là dựa theo ý tưởng của Puymanuel và các quan chức Việt Nam đã điều chỉnh lại, tuân theo những nguyên tắc của thuật phong thủy. A. Masson cho đây là “sự hợp tác Pháp - Việt đầu tiên”1 ở Hà Nội, có thể đã có những ý kiến tham vấn của một số người Pháp phục vụ dưói triều Gia Long như Chaigneau, Vannier, de Forsans, Despiau2. Tòa thành hình vuông, mỗi cạnh dài hơn lm, chung quanh có một hào nước rộng (khoảng chừng 15m - 20m), quãng hào phía bắc trùng với đoạn sông Tô Lịch lúc đó. Hào sâu chừng 5m nhưng mực nước dưới hào chỉ có độ lm. Bên ngoài mỗi cửa thành, có một đoạn dương mã thành (còn gọi là giác thành hay mang cá) có một ngách rộng một trượng (4m) gọi là nhân môn (phải qua cửa này mới đi tới cửa chính được). Từ ngoài đi vào phải qua hai cầu: một xây ngang hào ở ngoài cửa dương mã, một xây ngang hào ngoài cửa thành chính. Chân thành xây bằng đá ong và đá xanh, tường thành chủ yếu xây bằng gạch hộp. Bên trong thành có quần thể điện Kính Thiên được xây lại năm 1816, đến đời Thiệu Trị đổi thành điện Long Thiên. Toàn thể quần thể trung tâm thành Hà Nội hình chữ nhật, kích thước 350mx120m, nằm dọc theo trục bắc nam của thành, hơi lệch về hướng tây bắc - đông nam, trong khi hướng chung của thành lại là bắc đông bắc - nam đông nam là tuân theo những nguyên tắc xây dựng theo thuật phong thủy. Những kiến trúc chính gồm 3 công trình: cửa Đoan Môn, điện Kính Thiên và Hậu Lâu. Những kiến trúc này có thể có từ đời Lê nhưng đều được xây dựng lại đầu triều Nguyễn, trở thành hành cung của các vua thời Nguyễn khi ra thăm Bắc Hà hoặc tiếp sứ thần Mãn Thanh. Góc đông bắc của Thành có nhà ngục. Phía đông nam Thành có chuồng voi và ao tắm. Khu vực phía đông của Thành là dinh các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Đề đốc, Lãnh binh, Án sát. Khu vực phía Tây là dinh quan Bố chính và các kho vũ khí, kho tiền, kho lương thực. Ở rải rác các nơi trong thành là rất nhiều nhà tranh dùng làm trại lính. Người ta ước tính có khoảng chừng 3.000 quân đóng ở trong thành. 1André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888, Nxb. Hải Phòng, tr.55. 2Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Kinh tế - xã hội Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII- XVIII-XIX, Nxb. Hà Nội. 47 Về mặt tổ chức quản lý, trong những năm đầu thời Gia Long, chế độ trấn được duy trì và đặt dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình mà đứng đầu là nhà vua. Điều này gây ra nhiều sự bất cập. Theo lời bàn của một số quan đại thần, nhân chuyến tuần du ra Bắc năm 1802, vua Gia Long cho triệu Nguyễn Văn Thành đến hành tại để bàn xếp đặt công việc Bắc Thành. Vua Gia Long đã: “Lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc. Phàm những việc cất nhắc quan lại, xử quyết kiện tụng, đều được tùy tiện mà làm, rồi sau mới tâu lên”1. Nguyễn Văn Thành 阮 文 誠 (1758-1817), là người Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (Huế). Nguyễn Văn Thành có tài võ nghệ thao lược đã theo cha tòng quân chúa Nguyễn chống Tây Sơn, lập được nhiều công lao từ đầu cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn (1802). Trước khi rời Thăng Long về Phú Xuân, vua Gia Long dụ Nguyễn Văn Thành rằng: “Công việc Bắc Thành, ủy hết cho khanh, khanh nên cố gắng”. Văn Thành vâng mệnh, nhân đó tâu rằng: “Việc binh việc dân và việc lý tài ở Bắc Thành ba điều ấy rất quan trọng, phải xếp đặt rất nhiều, thần xin ngày ghi từng việc, mỗi tháng đóng thành tập đệ tâu một lần”2. Đây là một biện pháp khôn khéo, linh hoạt của Gia Long trong buổi đầu nhằm thực hiện việc quản lý đất nước, đồng thời đảm bảo sự tồn tại an toàn của vương triều. 2. Diện mạo khu phố Thị - buôn bán ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX Là một bộ phận gắn kết không tách rời trong cấu trúc đô thị, khu phố Thị - buôn bán là một phần tất yếu của Thăng Long - Hà Nội. Khu dân cư đông đúc do hoạt động buôn bán mang lại này có dạng tam giác, đáy dựa vào bờ bắc hồ Hoàn Kiếm, một cạnh dựa vào sông Hồng, một cạnh dựa vào thành Hà Nội. Những người nước ngoài đến Hà Nội từ trước thế kỷ XIX đã rất ngạc nhiên khi tiếp cận vối đô thị cổ truyền kiểu phương Đông không hề có một cấu trúc hợp nhất do được tạo thành từ các làng nghề theo kiểu phường hội - tái tạo lại mô hình tổ chức làng xã với những đình, đền, chùa và những ngành hàng chuyên biệt. Họ đã ghi chép, mô tả khu phố buôn bán này một cách tỉ mỉ, chi tiết và sống động. Với những ký họa về Hà Nội của các học giả phương Tây cùng những tài liệu đa dạng khác như địa bạ, bản đồ cho phép chúng ta có thể phục dựng bức tranh diện mạo, kiến trúc khu vực phố buôn bán ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX. 1Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập Một, Nxb. Giáo dục, tr.528. 2Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập Một, Nxb. Giáo dục, tr. 529. 48 Từ kết quả điều tra khảo sát các di tích hiện nay tại khu vực phố cổ Hà Nội kết hợp vói thư tịch cổ, bản đồ, chúng ta có thể xác định địa danh hành chính của khu vực này trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX. 76 tuyến phố cổ Hà Nội đến đầu thế kỷ XIX nằm trọn vẹn trong các tổng: Tả Túc, Hữu Túc, Tiền Túc, Hậu Túc và Tiền Nghiêm. Năm 1824,Minh Mạng sai Bộ Hộ xét danh hiệu các tổng, xã, thôn, phường các địa phương, những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đôi đi1. Theo tinh thần này, phủ Hoài Đức - chủ yếu là ở huyện Thọ Xương - có khá nhiều thôn, phường, trại được đổi tên. Khoảng đời Minh Mệnh (muộn nhất là thời điểm lập địa bạ - 1837) tên gọi các tổng đều đã được đổi: tổng Tả Túc đổi tên thành tổng Phúc Lâm, tổng Hữu Túc đổi tên thành tổng Đông Thọ, tổng Tiền Túc đổi tên thành tổng Thuận Mỹ, tống Hậu Túc đổi tên thành tổng Đồng Xuân, tổng Tả Nghiêm đổi tên thành tổng Kim Hoa (sau đổi thành Kim Liên), tổng Hữu Nghiêm đổi tên thành tống Yên Hòa, tổng Tiền Nghiêm đổi tên thành tổng Vĩnh Xương, tổng Hậu Nghiêm đổi tên thành tổng Thanh Nhàn. Từ những thông tin biến đổi địa danh hành chính kết hợp với thông tin vị trí giáp giới trong tư liệu địa bạ, chúng ta có thể tạm thời xác định phạm vi của các thôn/phưòng nửa đầu thế kỷ XIX tương ứng với các con phố thuộc khu vực phố cổ Hà Nội ngày nay như sau: Có những con phố nằm trọn vẹn trong một đơn vị hành chính thôn/phường, ví dụ như phố Hàng Gai nằm trọn vẹn trong phường Diên Hưng thuộc tổng Đông Thọ vào đầu thế kỷ XIX. Bên cạnh đó có những con phố thuộc 2 - 3 đơn vị hành chính thôn/phường, ví dụ như phố Hàng Khoai một phần thuộc thôn Huyền Thiên, một phần thuộc thôn Vĩnh Trù của tổng Đồng Xuân. Cảnh quan tự nhiên của khu phố cố Hà Nội được phản ánh rõ nét trong tư liệu địa bạ, bao gồm các loại hình đất đai và không gian tự nhiên. Trong cơ cấu đất đai của khu phố buôn bán Hà Nội, loại hình đất ở chiếm tỉ lệ lớn nhất, tiếp đó là đất thờ cúng. Ngoài ra, nơi đây không tồn tại loại hình đất trồng trọt canh tác mà chỉ có những loại hình đất mộ địa. Một nét nổi bật trong cảnh quan tự nhiên khu phố buôn bán Hà Nội chính là mật độ dày đặc của những ao, hồ, sông, ngòi. Trong phạm vi khu vực 36 phố phường tồn tại một chuỗi hồ ao nhỏ lọt vào giữa những dãy nhà quay ra mặt đường. Chuỗi ao hồ này thông với nhau bằng những con ngòi. Có thể kể tên các hồ ao trong khu vực này là: hồ Hàng Cân, Hàng Bồ, hồ ở sau Hàng Thiếc, Hàng Quạt, hồ ở sau Hàng Bông, Hàng Hòm, hồ Ilàng Than, hồ vây quanh đền Huyền Thiên ở Hàng Khoai. Chỉ có hai hồ ở phố Hàng Chiếu, Ngõ Gạch và hồ ở phố Trần Quang Khải có diện tích lớn hơn 1 mẫu. Hồ lớn nhất trong khu vực phố cổ là hồ Hàng Đào, còn có tên gọi là hồ Thái Cực, thông 49 với hồ Hoàn Kiếm. Đến đầu đời Nguyễn, xung quanh hồ Thái Cực hình thành những đường phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Tre... Được đặt tên là Cầu Gỗ vì trong con phố này có chiếc cầu gỗ bắc ngang qua lạch nước thông giữa hai hồ Thái Cực và Hoàn Kiếm để người dân đi lại cho thuận tiện. Hẳn rằng do mật độ dày đặc của hệ thông sông, ngòi, hồ, ao nên Hà Nội được mệnh danh là “thành phố sông hồ”. Qua tư liệu địa bạ1 chúng ta có thể thấy, những cột mốc, những vật làm giới hạn địa giới của các đơn vị hành chính - tức là đường “tua” ôm lấy các phường, trại, thôn phản ánh phần nào quang cảnh tự nhiên của khu vực phố cổ. Có rất nhiều vật - trở thành vật giới hạn cho các khu vực hành chính này. Vật dùng làm ranh giới nhiều nhất, theo thứ tự là: Thành Đại La, quan lộ, đường lớn, đường nhỏ, ao hồ, sông ngòi, nhà cửa dân cư, rồi lũy rào dân cư... Tuỳ theo mỗi khu vực mà mật độ các vật làm giói đó khác nhau. Những tường gạch, quan lộ, luỹ Đại La... là sản phẩm do con người xây dựng - chứng tích rõ rệt của cảnh quan sinh thái có sự can thiệp của con người. Quang cảnh đường phố, chợ trong khu phố buôn bán ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX được miêu tả: Đường phố nơi đây lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người qua kẻ lại, buôn bán trao đổi. Tuy nhiên, sự chật hẹp và bảo trì kém của các đường phố làm cho lưu thông gặp rất nhiều khó khăn và những đường phố người An Nam ở không hề được lát đá. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ là bùn lầy ngập ngụa, trong đó lẫn lộn cả đủ mọi thứ rác rưởi mà dân chúng đã đổ, vứt ra ngay giữa đường phố. Hồi ký của Bonnal - trú sứ đầu tiên ở Hà Nội - càng khẳng định tính chính xác của những mô tả trên: Đường sá của thành phố ở trong một tình trạng tồi tệ… dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối hoặc không có lối thoát. Ngoài ra, mái hiên của những ngôi nhà tranh dùng để che mưa nắng cho những gian bày hàng của những người buôn bán thì lại làm cho lối đi thực tế bị thu hẹp lại, đến nỗi những khách bộ hành phải khó nhọc lắm mới đi lại được và một khi có những toán phu khiêng kiệu đi qua thậm chí khi một người cưỡi ngựa đi vào phố thì những khách bộ hành bắt buộc phải lội bì bõm trong lớp bùn sâu có chỗ tới một bộ2. Các tuyến đường trong khu phố người bản xứ không được lát gạch nên chỉ một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm dềnh lên những đám bùn pha lẫn đủ loại rác mà người dân vứt ra đường. Tuy nhiên, ở các phố có thương nhân Hoa kiều cư trú, đường sá thường được giữ gìn khá hơn: Trong các phường giàu có, như ở phố Mã Mây... do các Hoa kiều ở, đường phố được giữ gìn cẩn 1Phan Huy Lê (2010), Địa bạ cổ Hà Nội, 2 tập, Nxb. Hà Nội. 2Bonnal (1925), Au Tonkin (1873-1886), Hanoi, p.176. 50 thận... lòng đường gồ lên theo kiểu mui rùa, được lát bằng những viên đá hộc, mỗi bên có đào một rãnh hẹp và sâu, dùng để thoát nước mưa và nước cống. Phố phường Hà Nội xưa là một không gian thuần nhất với nhà cửa hai bên, giữa là mặt đường bằng đất có rải lát gạch, có cổng ngăn cách biên giới của mỗi phường trên suốt chiều ngang của phố. Ở đầu các phố chính người ta xây các cổng phố bằng gạch có thể đóng được, có những chòi canh dùng làm trạm gác, thậm chí có phố cứ cách nhau mỗi quãng khoảng độ 10m lại có một cổng đóng. Các cổng phố ở khu vực buôn bán được Hocquard mô tả rõ nét trong Một chiến dịch ở Bắc Kỳ: Các phố Hà Nội hoàn toàn ngăn cách nhau bởi những chiếc công lớn choáng hết chiều ngang phố và được đóng lại vào ban đêm. Hai bên cổng dán các thông cáo của lính tuần và lệnh của Tổng đốc. Cổng ngăn các phố với nhau và có cách đóng mở rất độc đáo: một bức tường đá chạy thẳng từ bên này sang bên kia phố. Trên bức tường đó trổ ra chiếc cửa hình chữ nhật bao quanh bởi bốn thanh gỗ vững chắc đẽo vuông. Thanh trên và thanh dưới của chiếc khung đó khoét những lỗ cách đều nhau dùng để tra những thanh gỗ tròn thẳng đứng song song nhau. Các lỗ ở trên khá sâu để có thể kéo các gióng từ dưới lên vừa đủ để đầu dưới thoát ra lấy lối cho mọi người qua. Cách đóng mở cho phép mở to hay mở nhỏ tuỳ theo số gióng bị tháo ra. Hai bên các cổng vào phố Tàu được khoét lỗ châu mai giống như ở tường thành. Những chiếc cổng này cực kỳ vững chắc và người ta bố trí ở phía trên một hành lang nhỏ cho người canh gác. Một khi các cổng này đóng lại thì không thể nào vào được các phố Tàu1. Như vậy, cổng phố được hiểu như là công trình tự vệ mang phong vị của làng quê ở giữa chốn đô thành. Những cổng phố như là hình ảnh thu nhỏ của cổng làng, mang tính chất khép kín, riêng tư, ôm ấp ở trong nó một không gian đặc thù. Những cổng này đã chia cắt tủn mủn các đoạn phố vốn đã ngắn và nhỏ hẹp ở khu vực 36 phố phường. Trước năm 1888, khu phố buôn bán Hà Nội được ví như cái chợ khổng lồ ở ngoài trời, đông đúc và náo nhiệt nhất là vào những ngày có chợ phiên. Cứ sáu ngày lại có một phiên chợ Hà Nội. Lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm mũ tới phố Hàng Mũ, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy. Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông trong đó người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, 1Hocquard (1999), Une campagne au Tonkin, Paris, p.86. 51 ong ong tiếng của số người gấp đôi sô người ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gi, chỉ cần thời tiết tốt1. Những ngày phiên chợ, đàn bà, con trẻ từ các làng mạc phụ cận kéo đến buôn bán ở giữa đường phố gồng gánh mang theo nào chuối nào ổi, rồi vải, bưởi quýt, dứa, tùy theo mùa. Những dân chài đến từ sáng sớm, bày bán cá tươi, cua, những người khác bán vôi tôi, trầu cau, tất cả những gì cần thiết để têm trầu, hàng mắm muối bán cá khô và những vại chứa một mùi nồng nặc xông lên tận mũi họng, những người bán hàng thịt pha chặt thành từng miếng những con lợn quay, có cả những lợn sữa để nguyên con và để làm đẹp mắt, người ta đã trang trí cho nó những bông hoa, những người bán thuốc bán những cây cỏ thảo dược, những thợ gốm bày ra các bình đất đủ mọi loại kích cỡ và những bộ ấm chén pha chè nhỏ tí xíu2. Nhìn chung, cảnh quan đường phố thị của khu phố cổ Hà Nội trước thời kỳ Pháp thuộc sầm uất và hỗn độn, mang đậm dấu ấn của một đô thị truyền thông có nguồn gốc từ những làng quê, kẻ quê. Toàn cảnh diện mạo nhà cửa ở khu vực 36 phố phường trước thế kỷ XX được ví như một bức tranh mất cân đối trong bố cục bởi một hệ thống những ngôi nhà hẹp chen chúc chồng xếp lên nhau, lô xô chiếm hết cả không gian và lối đi. Trong không gian, những ngôi nhà nối tiếp nhau nhưng tất cả đều cao thấp khác nhau. Những mái nhọn của những ngôi nhà cao nhất đã khống chế mái của những căn nhà thấp hơn, và dường như đè bẹp chúng. Dưới mặt đất, những mái nhà tranh sà xuống đất thấp. Mặt trên căn nhà trông ra đường phố thường chỉ là một tấm khung liếp cơ động, buộc ở bên trên và người ta nâng nó lên vào ban ngày, giữ nó nằm nghiêng nhờ vào hai cái gậy chống...3. Trước thời kỳ Pháp thuộc, mỗi ngôi nhà trong khu phố cổ đều được xây theo sở thích của từng người chủ, không bắt buộc theo một kiểu cách nào, song phần lớn đều có chung một điểm rất kỳ lạ mà Paul Bourde đã nhận ra: Theo nghi lễ An Nam, ở các phố cổ Hà Nội duy trì một diện mạo rất đặc biệt. Luật đặt vua quan cao hơn tất cả mọi người. Luật đó làm cho một người thiêng liêng đến độ chỉ cần nhìn vào người đó đã phạm tội. Luật còn đi tới chỗ cấm trổ cửa sổ quay ra những phố trong Hoàng thành vì một ngày nào đó con người thiêng liêng sẽ đi qua4. 1André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Nxb. Hải Phòng, tr.107-108. 2Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb. Hà Nội, tr.498, 499. 3Nguyễn Thừa Hỷ, Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Sđd, tr.494, 497. 4André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Nxb. Hải Phòng, tr.107. 52 Những ngôi nhà trong khu phố cổ thoạt nhìn không có vẻ gì là hấp dẫn vì chúng nối tiếp nhau nhưng không theo một chiều cao thống nhất, nhìn chung, mái nhà rất dốc, tiến nhô khá xa ra ngoài phố. Mái dựa vào hai bức tường bên, vượt cao lên khỏi mái, mỗi bên ít nhất 2m và kết thúc bằng những bậc thang, không ai có thể giải thích cho tôi lý do sự bố trí kỳ lạ này. Tôi thì cho rằng nó có mục đích để bảo vệ cho mái ngói trong những trận bão, rất hay xảy ra ở Bắc Kỳ trong những lúc chuyển gió mùa. Trên những mái nhà mốc rêu xanh vì thời gian và sự ẩm ướt đôi khi người ta thấy ở gò cao có đắp nối những hình trang trí đúc bằng thạch cao hoặc chạm trổ một vài hình đầu rồng bay. Đó đây, một bức tường quét vôi trắng được xây lên, trên đó không hiểu vì sao họ lại vẽ lên một bức tranh sơn kỳ dị, nổi trội lên và không phù hợp với quang cảnh đơn điệu mờ nhạt của các mái nhà1. Trong các phố buôn bán - thủ công đó, những ngôi nhà chen chúc nhau phần lớn đều có kiểu kiến trúc nhà ở - cửa hàng, nghĩa là gian ngoài giáp mặt phố dùng làm cửa hàng, còn những gian bên trong là nhà ở. Nhà trong phố được tạo thành từ một loạt các gian nhà nối tiếp nhau theo chiều sâu và ngăn cách với nhau bằng những khoảng sân trong. Gian đầu tiên thường là cửa hàng hay phòng khách, tùy thuộc vào nghề nghiệp của chủ nhà. Các gian tiếp theo là buồng ngủ, bếp… Các gian phòng thường hẹp chiều ngang và kẹp sát giữa hai bức tường hồi vươn cao trên mái ngói có dạng giật cấp theo kiểu bậc thang từ nóc nhà xuống đến ria mái với những môtíp trang trí hình lá được trát vữa làm từ vôi và mật2. Trên bình diện kiến trúc, mặt bằng của một số ngôi nhà cổ điển hình đều có một số đặc điểm như sau: Thứ nhất, những ngôi nhà đều tương đối hẹp chiều rộng nhưng sâu (nhà ở phố Phúc Kiến và Mã Mây). Thứ hai, mặt tiền các ngôi nhà đều được tận dụng để làm cửa hàng. Sau cửa hàng là nơi kê giường phản. Bếp đun nấu phần lớn đều được đặt ở tận trong cùng của ngôi nhà. Trong nhà có thể chứa thóc hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thứ ba, để tạo không gian thoáng, lấy ánh sáng nên ở giữa nhà đều có sân vườn tạo thành khoảng không. Tùy theo từng ngôi nhà mà có những thiết kế sân vườn khác nhau để lấy ánh sáng. Thứ tư, mật độ dày đặc đồ đạc trong nhà cho thấy phần nào biểu hiện của “tính đô thị” trong một bối cảnh đô thị hóa chưa thật sự mạnh mẽ. Những 1Hocquard (1999), Une campagne au Tonkin, Paris, p.30. 2Nguyễn Thừa Hỷ, Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Sđd, tr.494. 53 ngôi nhà ống được xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy nên hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Không có năm nào mà không có nhiều đám cháy. Claude Bourrin đã tường thuật lại trận cháy vào ngày 24/4/1888 ở phố Hàng Bạc mà ông đã chứng kiến. Nhưng cũng rất nhanh chóng, những ngôi nhà bị thiêu rụi chỉ cần khoảng 15 ngày sau thì khó có thể biết chuyện gì đã từng xảy ra bởi nó đã được xây dựng lại. Tóm lại, diện mạo Thăng Long - Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX mang đặc trưng của một đô thị phương Đông truyền thống, là sự hòa trộn sự cộng hưởng “màu sắc” của khu vực hành chính quan liêu, lối tổ chức hành chính theo kiểu làng xã với đặc tính buôn bán thị dân ở khu vực phố Hàng. Khu phố buôn bán phát triển dựa trên một mô hình kinh tế xã hội truyền thống được thể hiện qua tính hỗn hợp chức năng trong sử dụng không gian kiến trúc đô thị: nhà vừa làm nơi ở, nơi buôn bán, xưởng sản xuất thủ công. Đơn vị cơ sở của cấu trúc đô thị là những ngôi nhà ống liên kết tạo thành dãy phố buôn bán hẹp. Về phương diện hình thái, đây là yếu tố tạo nên nét đặc trưng đậm đà và riêng biệt của trung tâm lịch sử trong lòng đô thị. Về khía cạnh chức năng, khu vực 36 phố phường luôn là trung tâm nghề thủ công, buôn bán truyền thống và cư trú của người dân nội thành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. André Masson (2003), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Nxb. Hải Phòng.
2. Bonnal (1925), Au Tonkin (1873-1886), Hanoi.
3. Hocquard (1999), Une campagne au Tonkin, Paris.
4. Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Kinh tế - xã hội Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX, Nxb. Hà Nội.
5. Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb. Hà Nội.
6. Phan Huy Lê (2010), Địa bạ cổ Hà Nội, 2 tập, Nxb. Hà Nội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập Một, Nxb. Giáo dục.