LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Bài học đắt giá từ việc di dời Lăng Tổng Trấn Bắc Thành-Nguyễn Văn Thành

Nguồn huongthuy.thuathienhue.gov.vn (cập nhật 11h30, 05/10/2015)

Là một đô thị trẻ và đang trong quá trình chuyển mình theo sự phát triển chung của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vai trò được xác định là động lực phía Nam của thành phố Huế trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Hương Thủy có những  cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức. 

Cơ hội phát triển nhiều mặt kinh tế, xã hội, thách thức trong quy hoạch và bảo tồn, bảo lưu những giá trị văn hóa, lịch sử mà địa phương đang có. Và bài học đầu tiên, trước khi là thị xã Hương Thủy, đó chính là việc nhường đất của một lăng mộ danh nhân cho một cơ sở của trường giao thông vận tải.

Trước khi Hương Thủy là một thị xã, việc quy hoạch mang tính chức năng đã được tỉnh thực hiện ở một số địa phương, với những phân khu chức năng. Ví dụ như quy hoạch khu công nghiệp Phú Bài, quy hoạch tiểu khu công nghiệp Thủy Phương, quy hoạch đô thị Đông Nam Thủy An… Việc quy hoạch đã góp phần tạo nên một diện mạo cơ bản cho Hương Thủy trước khi trở thành thị xã. Với tiểu khu công nghiệp Thủy Phương, ngoài quy hoạch các cơ sở sản xuất kinh doanh, ở đó còn có các cơ sở đào tạo nghề, thực hành.

Và ở tiểu khu công nghiệp có tính phức hợp này, một vấn đề đã nảy sinh. Đó là sự hy sinh của một di tích cho cơ sở thực hành lái xe của trường Trung học giao thông vận tải Thừa Thiên Huế: mộ của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817), một khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Với nhiều người, Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành vẫn còn là cái tên xa lạ và chưa được lịch sử ghi nhận như một vị tướng văn võ toàn tài. Điều này cũng giống như chưa có sự ghi nhận xứng đáng về vai trò và vị thế của vị minh chủ mà ông phò tá – Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Lần giở những trang sử, Nguyễn Văn Thành có cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy. Ông là người đã viết “Văn tế chiến sỹ trận vong” nhằm truy điệu các chiến sỹ chết trận trong cuộc xung đột Nguyễn Ánh – Tây Sơn, tháng 12 năm 1802. Ông cũng là người đã cho tu bổ Văn miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long, cho dựng Cột cờ Hà Nội, dựng Khuê Văn Các trong khu Văn miếu Quốc tử giám (Khuê văn các được Nhà nước chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội năm 2010). Đồng thời, ông còn là tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ , còn gọi là bộ luật Gia Long, một trong hai bộ cổ luật còn lại của nước ta cùng với bộ luật Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông. Tài năng của ông là như thế nên vua Gia Long mới phong ông làm Tổng trấn Bắc Thành, một trong hai trấn quan trọng ở hai đầu đất nước đầu thời nhà Nguyễn, Bắc Thành và Gia Định. Bên cạnh đó, Gia Long còn cử ông giữ những chức danh quan trọng khác của Triều đình Nhà Nguyễn.

Thế nhưng, khi thực hiện quy hoạch cơ sở thực hành của trường Trung học GTVT tỉnh, ngôi mộ của quan Tổng trấn bị nằm trong khu đất của cơ sở này. Và kết quả là năm 2003, mộ ông phải dời qua một ngọn đồi phía Đông Bắc của tiểu khu công nghiệp Thủy Phương, ở xứ Cây Bòng. Một ngôi mộ của một danh tướng, danh thần như Nguyễn Văn Thành bị thay thế bằng một ngôi mộ nhỏ, xây bằng đá hoa cương với kiểu dáng như hiện nay. Đó là một điều đáng tiếc.

Khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cùng chúng tôi về thăm ngôi mộ hiện nay của quan Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, ông không khỏi bùi ngùi.

Đứng bên tấm bia trước lăng, ông tâm sự: “Một danh tướng văn võ song toàn như quan Tổng trấn mà bị dời chỉ vì một cơ sở trường lái, giờ nằm ở đây quả là buồn. Tại sao khi quy hoạch cơ sở đó không chọn một mảnh đất khác gần đó hoặc xê dịch qua chỗ khác một tý ? Điều này sẽ trả lời sao với hậu thế khi lịch sử ngày càng sáng tỏ nhiều vấn đề.”

Điều đó đặt ra một vấn đề với quy hoạch đô thị hay bất cứ cơ sở hạ tầng nào cho sự phát triển đô thị. Đó là vai trò của việc tham vấn các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa khi quá trình quy hoạch, xây dựng vấp phải những di tích lịch sử văn hóa. Khi trao đổi vấn đề này với một nhà nghiên cứu thuộc Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (xin được dấu tên), ông cũng đắn đo: “Dường như cơ chế tham vấn các nhà nghiên cứu chưa được đặt ra khi tiến hành quy hoạch gặp những cơ sở văn hóa lịch sử. Không riêng mộ ngài Nguyễn Văn Thành mà cả một số nơi khác.”

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, khi có sự tham vấn thì giải pháp vấn đề đã không phải đưa đến kết quả không tốt như vậy. Bởi lẽ, quy hoạch và xây dựng không có nghĩa là cứ bất chấp để làm mới, xây mới, xây đè lên tất cả hay phá bỏ những giá trị lịch sử văn hóa để nhường chỗ cho những công trình mới. 

Với thị xã Hương Thủy, vấn đề xảy ra với lăng quan Tổng trấn Bắc Thành là bài học đắt giá trong quá trình phát triển đô thị. Bởi lẽ, chuyển đổi và phát triển đô thị từ cái gốc là những ngôi làng cổ, những khu dân cư có gốc nông nghiệp, Hương Thủy có “đất” để tiến hành quy hoạch và xây dựng theo ý tưởng, chủ trương của mình. Nhưng, làm sao để hài hòa được giữa bảo tồn những gì từng tồn tại ở vùng đất với những công trình mới, đáp ứng nhu cầu phát triển là bài toán cần giải quyết. Nếu không, Hương Thủy sẽ trẻ mà không có chiều sâu./.    

Theo huongthuy.thuathienhue.gov.vn