LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Bàn về ý nghĩa và tính biểu tượng của “Khuê văn các” trong khu Văn miếu – Quốc tử giám Thăng Long do Nguyễn Văn Thành xây dựng năm 1805

PGS.TS Tường Minh - Viện Sử học

Sách Quốc sử di biên 國 史 遺 編 là bộ sử viết bằng chữ Hán, ghi chép các sự kiện diễn ra vào triều Nguyễn, bắt đầu từ đời vua Gia Long (1802-1819), qua đời vua Minh Mệnh (1820-1841) đến đời vua Thiệu Trị (1841-1847), do Thám hoa Phan Thúc Trực (1808-1852) biên soạn vào khoảng niên hiệu Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852). Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực ghi chép về sự kiện xây Khuê Văn Các như sau: “乙 丑,嘉 隆 四 年,八 月… 誠 郡 公 建  奎 文 閣  于 懷 德 學 堂,在 文 廟 前,方 井 之 外。雲 耕 陳 伯 覧 献 賦”[1]. (Phiên âm: Ất Sửu, Gia Long tứ niên, bát nguyệt… Thành quận công kiến Khuê Văn Các vu Hoài Đức học đường, tại Văn Miếu tiền, Phương tỉnh chi ngoại. Vân Canh Trần Bá Lãm hiến phú). (Dịch nghĩa: Tháng 8 năm[2] Ất Sửu, niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805), Quận công Nguyễn Văn Thành xây Khuê văn các tại Học đường phủ Hoài Đức, phía ngoài của giếng Vuông (tức Thiên Quang tỉnh – Giếng Thiên Quang – TG) trước cửa Văn Miếu. Trần Bá Lãm ở Vân Canh dâng bài Khuê văn các phú).

            Chúng ta đều biết Văn Miếu kinh đô Thăng Long được xây dựng lần đầu tiên vào mùa Thu, tháng 8 năm Canh Tuất (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử - Tăng Tử - Tử Tư - Mạnh Tử). Từ đó trở đi, nhà nước quân chủ Việt Nam quy định nghi lễ bốn mùa cúng tế tại Văn Miếu kinh đô. Đến năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông lại dựng Quốc Tử giám, chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào học.

            Văn Miếu và Quốc Tử giám được xây dựng đã chính thức mở đầu cho nền giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói việc thành lập Văn Miếu – Quốc Tử giám là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần tự lập, tự cường, tinh thần chủ động vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao văn hóa trong khu vực của cha ông ta. Đồng thời, Văn Miếu – Quốc Tử giám cũng là những bằng chứng rất cụ thể, rất thuyết phục về một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng học vấn, đề cao tri thức, và tôn thờ văn hóa.

Từ đời Lý, Trần, Lê đến đời Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, mặc dầu triều đại này lên thay triều đại kia, dòng họ này thay dòng họ kia trị vì đất nước, nhưng không một triều đại nào, một dòng họ nào phá bỏ khu Văn Miếu – Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, ngược lại, triều đại mới, dòng họ mới lên nắm quyền đều trùng tu và mở rộng quy mô. Đó là một sự thực, thể hiện sự trân trọng di sản khu di tích Văn hóa – Lịch sử này của tiền nhân. Đặc biệt, những danh sĩ, những người yêu quý văn hóa dân tộc dưới thời quân chủ coi trọng và sùng kính Văn Miếu, cũng giống như các tín đồ phật tử sùng kính ngôi chùa và tín đồ Kytô giáo ngưỡng mộ nhà thờ của họ.

Do đó, từ khi được xây dựng cho đến ngày nay, Văn Miếu Thăng Long – Hà Nội luôn luôn được các bậc Minh vương, Thánh chúa và các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa dành nhiều tài năng và trí tuệ, công sức và tiền của để trùng tu, tôn tạo sao cho đẹp đẽ hơn, đường hoàng hơn. Chúng ta có thể kể ra đây một vài đợt trùng tu, tôn tạo lớn trong lịch sử vài trăm năm qua.

Năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483), vua Lê Thánh Tông sai đại trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử giám. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Mùa xuân, tháng giêng năm Quý Mão (1483): Sửa nhà Thái học. Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ của nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra. Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ Tiên thánh (tức Khổng Tử - TG), đông vũ và tây vũ chia ra thờ các Tiên hiền và Tiên nho; điện Canh Phục để làm nơi túc yết[3]; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh Luân. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chỗ giảng dạy cho các học sinh. Lại đặt thêm Kho bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong 3 xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm”[4].

Việc trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử giám, sau thời vua Lê Thánh Tông có thể nêu những lần trùng tu được sử sách coi là có quy mô đáng kể dưới đây:

Tháng 11 năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), vua Lê Tương Dực “sai Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang tu sửa điện Sùng Nho ở Quốc Tử giám, làm 2 nhà giải vũ, 6 gian nhà Minh Luân, phòng bếp, phòng kho, làm mới hai nhà bia bên đông, bên tây, mỗi gian đặt một tấm bia bên tả, một tấm bia bên hữu”[5].

Tháng 5 năm Vĩnh Thọ thứ 5 (1662), vua Lê Thần Tông sai Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Yên quận công Phạm Công Trứ trông coi lo liệu toàn bộ công việc trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử giám. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bấy giờ, điện đường và cung tường trong ngoài của nhà Quốc học nhiều chỗ giột nát, hoang rậm, Công Trứ sửa sang thêm, nên quy mô chế độ dần dần lại lộng lẫy… Từ đấy, Nho phong được thêm phấn phát, nhân tài nhiều người thành đạt”[6].

Sau đúng 100 năm, vào tháng 9, năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762), sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết sự kiện: “Sửa lại nhà Quốc Tử giám”[7]. Không lâu sau lần sửa chữa trên, Học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) đã phác tả Văn Miếu – Quốc Tử giám như sau: “Cửa Đại Thành 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói đồng. Đông vũ và Tây vũ mỗi dãy đều 7 gian. Đằng sau có cửa nhỏ 1 gian, điện Canh Phục 1 gian, 2 chái. Nhà bếp 2 gian. Kho tế khí 3 gian 2 chái, cửa Thái học 3 gian, có tường ngang lợp bằng ngói đồng. Nhà bia phía đông và phía tây mỗi dãy đều 12 gian. Kho để ván khắc sách in 4 gian. Ngoại nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường. Cửa hành mã ngoài tường ngang 3 gian. Nhà Minh luân 3 gian 2 chái, cửa nhỏ bên tả và bên hữu 1 gian, có tường ngang. Nhà giảng dạy ở phía đông và phía tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian, ở phía đông nhà Minh Luân 3 gian, phòng học của học sinh tam xá ở phía đông và phía tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người”[8].

Từ mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), đất Bắc Hà đã thuộc về nhà Tây Sơn. Vua Quang Trung định đô ở Phú Xuân (Huế), Văn Miếu – Quốc Tử giám Thăng Long trở thành Văn Miếu Bắc thành.

Đến đầu triều Nguyễn, Kinh đô cũng chuyển vào Phú Xuân, triều đình nhà Nguyễn làm lễ tế Khổng Tử tại Văn Miếu cũ ở Long Hồ, dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). Năm 1803, vua Gia Long cho đổi Văn Miếu Thăng Long gọi là Văn Miếu Bắc thành, khu nhà Quốc Tử giám xưa, đổi gọi là đền Khải Thánh (thờ Khổng Thúc Lương Ngột và Nhan Thị - cha mẹ Khổng Tử), sau lại đổi làm nhà học của phủ Hoài Đức. Biển treo trước cổng lớn, trước đề là Thái học môn 太 學 門 (Cửa nhà Thái học), đổi làm Miếu môn 廟 門 (Cửa miếu thờ). Các quan ở Bắc thành vẫn xuân thu nhị kỳ cúng tế, nhưng quanh năm không khỏi cảnh khói lạnh hương tàn.

Tôi muốn điểm qua một quá trình dài hàng mấy trăm năm, tiền nhân chúng ta trùng tu, tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử giám, để thấy rằng công việc ấy có chủ đích là: tôn trọng văn hóa và khuyến học. Và vào đầu triều Nguyễn, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê văn các, cũng không ngoài mục đích nói trên.

Ngày nay công trình văn hóa - nghệ thuật Khuê văn các, được Nguyễn Văn Thành xây dựng vào tháng 9 năm 1805 vẫn còn đấy. Khuê văn các, tức Gác khuê văn, là một lầu vuông có 8 mái. Gác dựng trên một nền vuông cao được lát gạch Bát Tràng. Kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo và thanh thoát. Tầng dưới không xây tường, chỉ có 4 trụ gạch, 4 bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ, trừ phần mái lợp bằng ngói thường và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát.

Sàn gỗ tầng trên của Khuê văn các có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Cả bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều trổ một cửa tròn, có những thanh gỗ chống tỏa ra 4 phía. Cửa tròn và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng phát ra từ ngôi sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào, có treo một tấm biển sơn son thiếp vàng viết 3 chữ đại tự 奎 文 閣 - Khuê văn các (Gác Khuê văn). Dòng lạc khoản đề: 嘉 隆 四 年 春 - Gia Long tứ niên, xuân (Làm tấm biển vào mùa Xuân, năm Gia Long thứ 4 - 1805). Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. Cả 4 đôi câu đối đều rất hay và có ý nghĩa ca ngợi văn hóa dân tộc. Bốn đôi câu đối ấy như sau:

1. Nguyên văn:         奎 星 天 朗 人 文 闡

璧 水 春 深 道 脉 長

Phiên âm:       Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển

Bích thủy[9] xuân thâm đạo mạch trường.

            Dịch nghĩa:

                        Sao Khuê chiếu sáng giữa trời, văn chương của người ta được rạng tỏ.

                        Trường Thái học đượm sắc xuân, mạch của đạo Nho còn dài lâu.

            2. Nguyên văn:         熙 朝 粉 飭 隆 文 治

                                                傑 閣 珍 藏 集 大 觀

            Phiên âm:                   Hy triều phấn sức long văn trị

                                                Kiệt các trân tàng tập đại quan.

            Dịch nghĩa:

                        Đời thịnh điểm tô hưng vượng nền văn trị

                        Gác báu lưu tàng hội tụ vẻ đẹp tươi.

2. Nguyên văn:         城 臨 北 斗 迴 元 氣

                                    月 霽 秋 潭 照 古 心

Phiên âm:       Thành lâm Bắc Đẩu[10] hồi nguyên khí

                        Nguyệt tễ thu đàm chiếu cổ tâm.

 

Dịch nghĩa:    Sao Bắc Đẩu sáng kinh thành, tụ hồi nguyên khí

                        Đầm thu đọng bóng trăng soi rọi tấm lòng xưa.

4.  Phiên âm:             聖 賢 一 統 圖 書 府

                                    文 獻 千 秋 禮 義 邦

 

Phiên âm:       Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ

                        Văn hiến[11] thiên thu lễ nghĩa bang.

Dịch nghĩa:    Phủ đồ thư, một mối thánh hiền.

                        Nước lễ nghĩa, nghìn năm văn hiến.

Khuê văn các nhỏ nhắn, xinh xắn, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng ở giữa những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong xanh, in bóc gác lung linh.

Khuê văn các xứng đáng với lời ngợi ca là Viên ngọc sáng trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử giám Hà Nội.

Tuy nhiên, ý nghĩa của Khuê văn các không phải chỉ có như vậy! Theo chúng tôi, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành khi dựng Khuê văn các tại Văn Miếu Kinh đô Thăng Long xưa, là ông muốn gửi gắm vào trong đó những ý tưởng, những mong ước hết sức sâu sắc, mà ngày nay chúng ta cần lý giải cho thấu đáo.

Trước hết, hãy nói về mặt phong thủy. Người xưa khi tạo dựng một công trình dù to lớn, quy mô như: thành phố, cung điện, lâu đài, lăng tẩm, thành quách… dù nhỏ bé như: nhà cửa, ngôi mộ, v.v…, họ đều hết sức quan tâm tới các yếu tố của phong thủy.

Về phong thủy thì ứng với Khuê văn cácThiên Quang tỉnh 天 光 井 (Giếng Thiên Quang). Thiên Quang là Ánh sáng của bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xưa có ý muốn nói con người sẽ thu nhận được tất cả những gì gọi là tinh túy của vũ trụ, để soi sáng tri thức, nâng cao phẩm giá, tô điểm nền nhân văn. Giếng Thiên Quang quanh năm đầy nước. Mặt nước bằng phẳng trở thành một tấm gương soi bóng gác Khuê văn và những cây cổ thụ, do đó cảnh trí như được nhân đôi vẻ mỹ quan, ngoạn mục. Đôi khi, gió thổi nhẹ khiến cho mặt nước hơi gợn sóng lăn tăn, lúc ấy bóng gác Khuê văn cũng lung linh, lay động nhẹ nhàng, cảnh sắc càng trở nên vô cùng đẹp mắt.

Giếng Thiên Quang hình vuông, người xưa quan niệm hình vuông tượng trưng cho yếu tố Âm, chỉ Đất, cửa hình tròn của Khuê văn các tượng trưng cho yếu tố Dương, chỉ Trời. Như vậy, tinh hoa của cả Trời và cả Đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa – giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.

Nhưng cũng không phải chỉ có thế, ở đây còn có hàm ý về sự “Hội ngộ của Sơn Thủy”. Người xưa theo cái nhìn phong thủy cho rằng: “高 一 寸 為 山,低 一 寸 為 水” – Cao nhất thốn vi sơn, đê nhất thốn vi thủy (Nghĩa là: Cao một tấc cũng gọi là núi, sâu một tấc cũng gọi là sông). Theo đó, thì giếng Thiên Quang chính là yếu tố Thủy, còn Gác Khuê văn là yếu tố Sơn. Nguyễn Văn Thành cùng các danh sĩ Bắc Hà đồng thời với ông tạo dựng Khuê văn các trong khu Văn Miếu – Quốc Tử giám, còn hàm ý tạo nên yếu tố Sơn để tương ứng với yếu tố Thủy (tức giếng Thiên Quang) đã có từ trước đó, mong sao Văn Miếu – Quốc Tử giám mãi mãi trường tồn bền vững. Vì theo cái nhìn phong thủy thì: SơnThủy có quan hệ mật thiết không thể tách rời. Thủy không có Sơn để nương tựa, Khí 氣 sẽ phân tán; Sơn không có Thủy dựa ở bên cạnh, Khí sẽ bế tắc.

Còn vì sao Tổng trấn Nguyễn Văn Thành lại đặt tên cho công trình kiến trúc của mình là Khuê văn các 奎 文 閣, chứ không phải là Khuê văn lâu 奎 文 楼  chẳng hạn? Theo tôi có hai lý do: Thứ nhất bởi chữ Các về mặt tu từ học trang trọng hơn chữ Lâu. CácLâu cùng để chỉ một cái lầu trên cao. Nhưng chữ Các, thường thường được đi đôi với chữ Đài 臺, thành Đài các 臺 閣, ngày xưa dùng để gọi vị quan Thượng thư, đứng đầu một trong Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) dưới thời quân chủ, hay dùng để chỉ người quý phái. Còn chữ Lâu, thuần túy chỉ để chỉ cái lầu trên cao mà thôi, thí dụ: Hoàng Hạc lâu, Tĩnh Bắc lâu, v.v…

Thứ hai, trong Khổng Miếu 孔 廟 ở Thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cũng có một công trình kiến trúc có tên là Khuê văn các 奎 文 閣. Ở đây, cũng không loại trừ khả năng Nguyễn Văn Thành và các bạn hữu văn chương của ông đã mô phỏng tên công trình kiến trúc của Trung Quốc để đặt tên cho công trình kiến trúc văn hóa của mình. Khuê văn các của Trung Quốc được xây dựng trong Khổng Miếu, vị trí ở khoảng giữa cửa Đồng Văn với Thập tam ngự bi đình (Đình 13 tấm bia ngự bút của các ông vua Trung Hoa). Khuê văn các này được xây đựng dầu tiên vào năm Thiên Hỷ thứ 2 (1018) đời vua Tống Chân Tông (998-1023), mới đầu có tên là Tàng Thư lâu 藏 書 楼 (tức Lầu chứa sách). Đến niên hiệu Minh Xương thứ 2 (1191) đời vua Kim Chương Tông, được trùng tu và đổi tên thành Khuê văn các. Đến niên hiệu Hoằng Trị thứ 13 (1500) đời vua Minh Hiến Tông xây mở rộng thêm thành 3 tầng lầu, cao 23,35 mét, cửa tiền 7 gian, chiều sâu 5 gian.

Qua đó, chúng ta thấy về hình dáng cũng như quy mô kiến trúc thì có sự khác nhau giữa Khuê văn các của Trung Quốc với Khuê văn các của Việt Nam. Khuê văn các của Trung Quốc là một lầu gác 3 tầng, còn Khuê văn các của Việt Nam chỉ là một lầu gác 1 tầng với 4 cột nâng đỡ bằng gạch ở dưới.

Sao Khuê, chữ Hán là Khuê tinh 奎 星 hoặc Khuê tú 奎 宿, là một ngôi sao trong chùm 28 vì sao Nhị thập bát tú 二 十 八 宿 trên bầu trời. Các nhà thiên văn học cổ đại Trung Hoa phân các sao trên bầu trời thành: Nhị thập bát tú (28 vì sao). Từ đó lại phân làm 4 phương, mỗi phương 7 vì sao:

- Đông phương (chùm Thanh Long), có 7 vì sao là: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

- Bắc phương (chùm Huyền Vũ), có 7 vì sao là: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.

- Tây phương (chùm Bạch Hổ), có 7 vì sao là: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Tuy, Sâm.

- Nam phương (chùm Chu Tước), có 7 vì sao là: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

Người xưa cho rằng sao Khuê chủ về văn chương. Điều này được nói đến đầu tiên trong Viện thần khế sách Hiếu Kinh: 奎 主 文 昌 - Khuê chủ văn xương. Nghĩa là: Sao Khuê chủ về sự đẹp đẽ, thịnh vượng của văn chương.

Khuê văn các, tức gác Khuê văn trong Văn Miếu – Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội là một kiến trúc nằm trong cụm công trình: Cửa Bí văn: 賁 文 門 Bí văn mônKhuê văn các 奎 文 閣 – Cửa Súc văn: 畜 文 門 Súc văn môn. Cửa Bí văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ của Thánh Dực bên trái. Bí văn 賁 文, có nghĩa trang sức nên vẻ đẹp rực rỡ. Ý nói văn chương trau chuốt sáng sủa, có sức truyền cảm, thuyết phục con người. Cửa Súc văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Đạt Tài bên phải. Súc văn 畜 文 có nghĩa là văn chương hàm súc, phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. Hai cửa này cùng với Khuê văn các đồng thời mở đầu cho khu vực thứ ba của quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử giám: khu vực giếng Thiên Quang và Vườn Bia Tiến sĩ thời Lê - Mạc.

Như trên đã nói sao Khuê chủ về văn chương. Văn chương cổ điển phương Đông mỗi khi ca ngợi vùng đất, nhân vật có tài văn chương thường ví với vẻ đẹp của sao Khuê.

Trong tập thơ Quỳnh uyển cửu ca (Chín bài ca ở vườn Quỳnh) của vua Lê Thánh Tông (1442-1497), có bài thứ 4:

Ngự chế: Dư tĩnh tọa thâm cung hà tư cổ tích, Quân minh thần lương, dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật.

Cao Đế anh hùng cái thế danh

Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành.

Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo

Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.

Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển

Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.

Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự

Bát bách Cơ Chu lạc thái bình.

Dịch nghĩa:

Bài thơ Ngự chế: Ta ngồi trong chính điện nghĩ tới các bậc vua sáng, tôi hiền đời xưa và cơ nghiệp thịnh trị ngày nay, ngẫu tác một bài thơ.

Đức Cao Đế[12] là bậc anh hùng đệ nhất thiên hạ

Đức Văn Hoàng[13] trí dũng kế thừa cơ nghiệp.

Ức Trai[14] trong lòng rạng rỡ vẻ văn chương

Vũ Mục[15] đầy bụng chứa chất binh giáp.

Mười anh em họ Trịnh[16] đều vẻ vang phú quý

Hai cha con họ Thân[17] đều hưởng thụ ân vinh.

Cháu hiếu Hồng Đức[18] nay kế thừa nghiệp lớn

Vui hưởng đời thái bình như nhà Cơ Chu[19] dài tám trăm năm[20].

Ở bài thơ trên, câu thứ 3, vua Lê Thánh Tông viết:

抑 齋 心 上 光 奎 藻

Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo

(Ức Trai trong lòng rạng rỡ vẻ văn chương)

Đó là nhà vua hết sức coi trọng tài văn chương của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi, bởi lẽ nhà vua đã đem vẻ rạng rỡ của sao Khuê để so sánh với ông.

*

*          *

Trong bài Lậu thất minh 陋 室 銘 (Bài minh về “Căn nhà quê mùa”), Lưu Vũ Tích (772-843) có viết 2 câu nổi tiếng:

山 不 在 高,有 仙 則 名

水 不 在 深,有 龍 則 靈

Phiên âm:       “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh

                          Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh…”

Dịch nghĩa:

Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh

Nước không tại sâu, có rồng thì hóa linh.

Sau này, hai câu trên của Lưu Vũ Tích được sử dụng như là thành ngữ, muốn thể hiện một chân lý: sự vật hoặc công trình kiến trúc không cần to lớn, miễn là nó gắn với những nhân vật nổi tiếng, thì cũng rất đáng để người đời trân trọng. Người Trung Quốc thường truyền tụng câu chuyện rằng: Ngôi chùa Hàn San 寒 山 寺 - Hàn San tự, ở phía Tây, cách phủ thành Tô Châu chừng 10 dặm, vốn là ngôi chùa nhỏ, không có tiếng tăm gì. Sau này, vì Trương Kế viết bài Phong Kiều dạ bạc 楓 橋 夜 泊 (Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều), có 2 câu 3 – 4 như sau:

姑 穌 城 外 寒 山 寺

夜 半 鐘 聲 到 客 船

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thành đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa:    Ngoài thành Cô Tô, tiếng chuông chùa Hàn San

                        Nửa đêm vọng đến bên thuyền khách.

Cái tiếng chuông chùa Hàn San đêm hôm ấy, còn vọng lại mãi mấy nghìn năm, gây cảm hứng bâng khuâng cho người đọc muôn thuở. Vì thế ngôi chùa Hàn San nổi tiếng như một danh lam đệ nhất của đất nước Trung Quốc rộng lớn.

Trở lại với Khuê văn các do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành xây dựng vào tháng 9 năm 1805, chúng ta thấy Gác tuy không to lớn, đồ sộ, nhưng được mọi người hết sức tán thưởng.

Trong vòng mấy chục năm qua, trên phương diện thông tin đại chúng, người ta thường chọn 4 công trình kiến trúc dưới đây:

1. Chùa Một Cột xây năm 1049 dưới triều vua Lý Thái Tông

2. Khuê văn các do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành xây năm 1805

3. Cột cờ Thăng Long (Hà Nội) do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành xây năm 1805

4. Tháp Rùa (Hồ Hoàn Kiếm): xây năm 1884

làm biểu tượng cho Thành phố Hà Nội.

            Nhưng UBND Thành phố Hà Nội đã lựa chọn Khuê văn các làm Biểu tượng chính thức của Thủ đô Hà Nội trong Dự thảo Luật Thủ đô. Luật Thủ đô đã được Quốc hội nước ta thông qua ngày 21-11-2012. Luật Thủ đô có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013.

            Chúng tôi thiết nghĩ Danh nhân lịch sử Nguyễn Văn Thành không chỉ đóng góp có một việc xây Khuê văn các, mà ông còn góp nhiều công sức tô điểm cho Thành phố Nghìn năm văn hiến này. Vì thế, chúng tôi cho rằng: tên ông xứng đáng được đặt cho một đường phố tại Thành phố Hà Nội: “Đường Nguyễn Văn Thành”.

            Lẽ nào một Danh nhân Lịch sử đã tạo nên một công trình kiến trúc độc đáo được lấy làm Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, lại không được hậu thế chúng ta tri ân, đặt tên cho một con đường tại nơi đây?./.

 

Viết tại Bạch Liên thư trai

Tháng 11 – 2013

T. M.

 

 


[1]. Phan Thúc Trực: Quốc sử di biên (Thượng – Trung – Hạ). Nxb Khoa học xã hội, H. 2010. Phần chữ Hán: Tập Thượng, tờ 46b, tr. 677.

[2]. Tháng 8 năm Ất Sửu (9-1805): Trước đây, có một vài tác giả chép sự kiện này vào tháng 7 năm Ất Sửu (8-1805) là thiếu chính xác.

[3]. Túc yết: Trước ngày chính tế một ngày, các quan chức được tham dự vào hành lễ, đều tề tựu tại Văn Miếu túc trực, để sáng sớm hôm sau hành lễ.

[4]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục, H. 1998, tập 1, tr. 1161, 1162.

[5]. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, H. 1998, tập 2, tr. 63.

[6]. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 2, tr. 260.

[7]. Đại Việt sử ký tục biên. Nxb Khoa học xã hội, H. 1991, tr. 272.

[8]. Lê Quý Đôn toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, H. 1997, tập 2: Kiến văn tiểu lục, tr. 58, 59.

[9]. Bích thủy: Từ Nguyên giải thích: “卽 泮 池。楊 師 道 詩 圓 池 数 壁 水”- Tức Phán trì: Dương Sư Đạo thi: “Viên trì sổ Bích thủy” (Bích thủy, tức là Phán trì, thơ của Dương Sư Đạo có câu: “Hồ tròn như Bích thủy). Bích thủy, hay Phán thủy, Phán trì đều là tên trường học đời xưa, ở đây chỉ nhà Thái học – Quốc Tử giám.

[10]. Bắc Đẩu: còn gọi Bắc Cực 北 極. Tên một ngôi sao sáng nhất trong chùm Tiểu Hùng tinh ở phương Bắc. Văn chương cổ dùng sao Bắc Đẩu để tượng trưng cho ngôi Vua, hay cho những bậc Đại Nho tiêu biểu cho làng Nho trong nước. Sách Luận Ngữ có câu: “Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Sao Bắc Đẩu ở yên tại chỗ của nó, mà các sao khác đều chầu về).

[11]. Văn hiến: từ này xuất hiện lần đầu tiên trong sách Luận Ngữ. Đại Nho đời Nam Tống là Chu Hy (1130-1200) chú: “Văn, điển tịch dã; Hiến, hiền dã” (Văn là thư tịch, Hiến là người hiền tài). Từ Nguyên: bộ Văn, tập Mão.

[12]. Cao Đế: Thái Tổ Cao hoàng đế, tức vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) (1428-1433).

[13]. Văn Hoàng, tức Thái tông Văn hoàng đế, chỉ vua Lê Thái Tông (1434-1442).

[14]. Ức Trai: tên hiệu của Nguyễn Trãi (1380-1442).

[15]. Vũ Mục: tức Vũ Mục hầu, tên thụy của Tư mã Lê Khôi, cháu gọi Lê Lợi bằng bác.

[16]. Mười anh em họ Trịnh: Trịnh Khả, Trịnh Bá Quát, Trịnh Công Lộ, Trịnh Công Ngô, Trịnh Quý Đạt, Trịnh Quý Địch, Trịnh Tế, Trịnh Giang...

[17]. Hai cha con họ Thân: Cha là Thân Nhân Trung, con là Thân Nhân Tín nối đời đỗ Tiến sĩ.

[18]. Hồng Đức là niên hiệu thứ 2 (1470-1497) của Lê Thánh Tông.

[19]. Nhà Chu do Chu Võ vương dựng lên. Vua nhà Chu họ 姬, nên gọi nhà Cơ Chu.

[20]. Nhà Chu, gồm: Tây Chu (1122-700 tr. Cn), Đông Chu (770-255 tr. Cn): dài hơn 800 năm.