NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Văn tế là một thể loại văn vần có thành tựu khá sớm trong nền văn học nước ta. Nói đến văn tế, ta thường nghĩ ngay đến các bài văn tế thời danh như: Văn tế thập loại chúng sinh của cụ Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục Tỉnh của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hay Văn tế Phan Chu Trinh, Văn tế Nguyễn Thái Học của cụ Phan Bội Châu. Tuy nhiên, trước đó khá lâu vào tháng Chạp năm 1802, Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã đưa thể văn vần này lên đến đỉnh cao phát triển của nó với Văn tế tướng sĩ trận vong.
Nhận định về tác phẩm này, nhà văn hóa Phạm Quỳnh viết: “Lời đáng ghi vào vàng đá truyền đến muôn đời, khi gióng giả như nhip trống trong quân, khi tơi bời như ngọn cờ dưới nguyệt, khi mịt mù như cơn gió lốc thổi dấu kẻ tha hương, khi lập lòe như đám lửa trơi soi chừng cổ độ, khi hùng tráng như tiếng gươm tuốt giữa trận, khi lâm ly như vượn khóc trên ngàn”. Quả thật một lời tán thưởng không gì sánh kịp. Phải chăng văn tế tướng sĩ trận vong đã đạt được giá trị tuyệt vời như thế;
Tiền quân Nguyễn Văn Thành sinh năm Đinh Sửu (1757 ), tiên tổ của ông người Quảng Điền, phủ Thừa Thiên, tằng tồ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Sử cũ ghi: Nguyễn văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ. Năm 1773 , ông cùng cha là Nguyễn Văn Hiền ra tận đất Phú Yên ngày nay để theo Định vương Nguyễn Phúc Thuần chống Tây Sơn. Khi quân Tây Sơn đánh úp Phú Yên vào tháng 7 năm Ất Mùi 1775 thì cha ông bấy giờ là Cai đội tử trận, ông theo một viên quan váo giúp việc giữ đất Phan Rí; sau ông được chúa Nguyễn Phúc Ánh triệu về. Từ đó , ông lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 1801, ông lãnh ấn Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân, tước Quận công.
Ông là người văn võ toàn tài. Ngoài việc tham gia nhiều chiến trận với quân Tây Sơn, ông từng giúp nước Xiêm đánh bại Miến Điện âm mưu xâm lược nước này. Năm 1802, sau khi thống nhất được sơn hà, vua Gia Long phong cho ông làm Tổng Trấn Bắc thành, ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc. Sau mấy năm được sự coi sóc của ông, đất Bắc Hà được yên trị.
Tuy là một võ tướng, Tiền quân Nguyễn Văn Thành lại rất coi trọng việc học. Cùng thời gian sửa sang lại Bắc thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiên trúc có giá trị văn hóa và thẩm mỹ, công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Năm 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung quân, rồi được giao giữ chức Tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (thường được gọi là luật Gia Long).
Với cuộc đời chinh chiến gần ba chục năm ròng rã, ông đã đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với bao nhiêu binh lính. Chính đó là nguồn tư liệu phong phú, là kho thể nghiệm tràn bờ và là suối xúc cảm sâu sắc để ông viết thành công bài văn tế trên.
Ngay từ đầu Tiền quân đã cho ta biết được cuộc chiến oai hùng nhưng không thiếu phần dai dẳng đau thương của 25 năm chinh chiến dưới trướng của vua Gia Long:
Trời Đông Phố (1) vận ra Sóc Cảnh (2), trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay;
Nước Lô Hà (3) chảy xuống Lương Giang (4), nghĩ mấy kẻ điêu linh từ thuở nọ.
Tất nhiên, trong một cuộc chiến bao giờ cũng có nhiều người một đi không trở lại cho một khúc khải hoàn ca vang dội. Vẫn biêt hòn tên mũi đạn trên chiến trường có thiên vị gì ai, thế nhưng không ai đã an ủi được các tử sĩ một cách tài tình như ông với những câu sau:
“Cho hay sinh là ký, mà tử là quy;
Mới biết mệnh ấy yểu, mà danh ấy thọ”.
Vâng, ai cũng biết sống gởi thác về (sinh ký tử quy) nhưng ở đây các anh ra đi (mệnh yểu) mà tên tuổi vẫn còn sống mãi trong lòng những người ở lại (danh thọ): Những người con trung cang của Tổ quốc, đọc văn tế của ông ta cảm thấy như một lời nhắn nhủ cho chính bản thân mình: Danh thơm của một con người mới có giá trị hơn việc sống dài lâu. Sau này Quang Dũng với bút pháp tân kỳ hơn cũng đã nói lên cái hình ảnh ra đi hào hùng như thế của người lính trận:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành” .
Với văn phong cổ điển hơn, ông Nguyễn Văn Thành đã viết:
“Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh liệt, cái sinh không, cái tử cũng không;
Nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình, ngàn năm một hội tao phùng, phận thủy có, phận chung sao không có.
Không còn gì để nói cho đầy đủ hơn cái phận người hùng trên chiến trận. Cái tử hay không có phận chung hưởng là tất yếu. Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn /Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”. Đó là kết cục bi thương của một đời tử sĩ. Họ đã vì cái gì mà can đảm hào hùng đến thế ? Vẫn vì một lý do đơn giản mà ta đã nói trên:
“Dấn thân cho nước, son sắc một lòng;
Nối nghĩa cùng thấy, tuyết sơn mấy độ” .
Tình nghĩa cũng như trách nhiệm đều vẹn toàn. Song trong cái bi ấy vẫn có cái hùng tráng vì họ đã chấp nhận khi lao vào vòng nguy hiểm:
“…Phận truy tùy, ngẫm lại cũng có duyên;
Trường tranh đấu, biết đâu là mệnh số” .
Với vô số trải nghiệm chiến trường, Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã mô tả được cái cảnh gian nguy ác liệt ở nơi cái sống kề bên cái chết của một đời chinh chiến. Nào “Chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận” hay “bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng” là những cảnh tượng hào hùng và sống động nhất của cuộc chiến đầy gây cấn, gan góc từng được mô tả trong văn học cổ điển khi mà vũ khí chỉ là gươm giáo kiếm cung, có lẽ đây là những dòng thơ tràn đầy xúc cảm:
“….Nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu;
Mở suối bắc cầu, riêng phần lao khổ.
…Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, ót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay;
Kẻ thời bắt mũi thuyền toan bắt giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.
…Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương;
Mặt chinh phụ vẽ nét gian nan, lắp lóe lửa trơi, soi chừng cổ độ”.
Đọc qua những câu thơ trên, ta không khỏi nhớ lại những âm hưởng bùi ngùi của Chinh Phụ ngâm mà Đặng Trần Côn đã viết trước đó khá lâu: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa / Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao …/ Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/Mặc chinh phu trăng dõi dõi soi/Chinh phu tử sĩ mấy người/Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn …/Trong trướng gấm có ai chăng nhỉ ?/Mặt chinh phu ai vẽ cho nên …”
Thế nhưng mỗi thể văn có ưu thế riêng của nó. Qua văn tế này, ta lại cảm nhận được cùng một văn tứ đó nhưng bi thiết hơn ở thể văn lục bát. Văn biền ngẫu sử dụng phép đối nghiêm chỉnh và nhịp ngắt trắc bằng khắt khe vừa là một thử thách gian nan cho người viết về mặt nội dung vừa làm câu văn có một vẽ đẹp quý phái về mặt hình thức. Trong văn biền ngẫu, câu văn dài ngắn tùy tác giả, có thể tứ lục, có thể cách cú hay gối hạc khiến một bài văn tế có được sự uyển chuyển gợi cảm chứ không gò bó như các thể văn khác.
Ta hãy đọc tiếp để thấy cái tài hoa của võ tướng này khi khắc họa tiếp cuộc đời đầy bi hùng của người lính chiến :
Ôi !
Cùng lòng nhân nghĩa, khác số đoản tu,
Nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ.
Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình hài;
Những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu xem nửa phút như không, ơn dầy đội cũng cam trong phế phủ.
Phận dù không gác khói đài mây;
Danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.
Thiết vì thuở theo cờ trước gió, thân chẳng quản ngàn sương đệm giá, những chờ xem cao thấp bức cân thường;
Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, kiếp đã về cõi suối làng mây; nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ.
Vâng, đó là tấm lòng thông hiều rất chí tình của một người chủ trương với các thủ hạ của mình. Vâng, đó là nỗi niềm khó nói nên lời của bậc cha anh khi nhìn lại những đóng góp tử sinh của các người con trung nghĩa. Vâng, còn có chăng cũng chỉ là “đoái là tiếc …” hay “những là khen …” mà ngậm ngùi thôi.
Toàn bộ bài văn tế chiến sĩ trận vong của Tiền quân Nguyễn Văn Thành còn có nhiều điều trầm thống nữa cho chúng ta khám phá. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là nét tài hoa của nhà võ tướng kiêm văn quan này.
Mọi trường chinh chiến cũng không phải chỉ toàn cảnh đau khổ. Những người lính chiến trong chiều dài của cuộc đấu tranh sống bên nhau còn nảy sinh những tình đồng đội rất thắm thiết. Nói như Chính Hữu viết sau này: “Đêm nay rừng hoang sương muối / Đứng bên nhau chờ giặc tới / Đầu súng trăng treo”.
Là một người cổ điển hơn, ông Nguyễn Văn Thành lại sử dụng một hình ảnh khác, không kém phần cuốn hút. Ta hãy xem ông viết gì?
“Bản chức nay,
Vâng việc biên phòng,
Chạnh niềm viễn thú.
Dưới trướng nứt mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh;
Trong nhà rõ vè áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu vung trước gió.
Bâng khuân kẻ khuất với người còn;
Tưởng tượng thầy đâu thì tớ đó.
Vâng, đó là chén rượu rót đầu ghềnh.
Hãy tưởng tượng một buổi quân nhàn trên sườn núi. Người lính chiến cởi áo bào, treo gươm trên cành cây bên suối. Những lao nhọc củ nhịp quân hành hay những căng thẳng của trò chém giết đã trôi qua. Khói thuốc súng dù có làm lem chiến bào, gươm quân địch có chém sướt giáp trụ, thì giờ đây cũng là lúc để tâm tình chuyện riêng tư của một đời người thế tục. Không còn là tướng, không còn là quân mà chỉ là những con người như nhau trên cõi thế. Chén rượu được nâng lên và ta hãy cùng nhấp. Tình cảm huynh đệ chi binh đó cỏn đeo đuổi mãi kẻ còn sống này cho nên dù “sực nức mùi chung đỉnh” vẫn phải “sực” “đoái” “tiếc” và “chạnh” nhớ về những ngày chung chia gian khổ.
Hơn thế nữa, người còn sống phải làm nhiều công việc hơn nữa mới đủ tạ ơn những người đã hy sinh:
“Buổi chinh chiến hoặc oan hay dẫu chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu dương cho;
Hội thăng bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già mẹ yếu, vợ góa con côi, an tập hết cũng ban tồn tuất đủ”.
Tương truyền, khi Tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc bài văn tế trên; chung quanh đài lễ mây mù khói nổi, vang vọng tiếng gươm đao chát chúa và tiếng ngựa hí cuồng. Trên không trung, từng luồng gió rít ngang, nghe mơ hồ tiếng than vãn nhớ thương lẫn tiếng chân người rầm rập đi qua. Khi văn tế kết thúc, trời quang, mây mù tan hết, cảnh vật chung quanh trở nên tĩnh lặng như cũ. Phải chăng đây là oan hồn của bao nhiêu binh lính và lương dân đã bỏ mình trong chiến trận, hiển linh để nghe bài văn tế giải oqn cho họ?
Quả nhiên, Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã để lại cho chúng ta một tác phẩm văn học giá trị về mọi mặt. Mời các bạn hãy tìm đọc lại toàn bộ bài văn tế thời danh nói trên.