LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Chi tộc họ Nguyễn xứ Đoài – Sơn Tây

Nguyễn Tiến Cảnh, Hậu duệ đời thứ sáu của Quận công Nguyễn Văn Thành;

Về quê Xứ Đoài – Sơn Tây hiện nay, chi tộc họ Nguyễn cũng chẳng còn mấy ai, một số ít các cháu sống ở Đường Lâm và ở Thị Xã Sơn Tây. Mỗi lần về quê chính là dịp đi tảo mộ các cụ mấy đời được quy tập và an táng tại nghĩa trang Thị Xã Sơn Tây, xưa gọi là nghĩa trang Đồi Sui. Hàng năm anh em chúng tôi nhân dịp Tết hoặc Thanh Minh sắm đủ bánh trưng, rượu, tiền vàng, hoa quả để về viếng mộ các cụ, mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu.

          Sơ lược về dòng tộc họ Nguyễn ở Xứ Đoài – Sơn Tây

          Hiện nay, tôi là trưởng tộc họ Nguyễn ở Xứ Đoài đang cùng gia đình cư trú tại tổ 43, cụm 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ba tôi là cụ Nguyễn Xuân Thưởng, sinh năm 1897 mất tháng 12 năm 1978. Cụ là một trong những người Việt Nam đầu tiên thi đỗ chủ sự dây thép (Bưu điện). Từ năm 1924, cụ đảm đương chức vụ chủ dây thép suốt 25 năm, đã tới các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Yên, Móng Cái, Quảng Châu Văn, Bắc Cạn. Từ năm 1937 đến cách mạng tháng 8 – 1945 làm chủ dây thép ở tỉnh Thái Nguyên, sau đó đi kháng chiến làm ở ủy ban tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1955 lúc đó cụ đã gần 60 tuổi về nghỉ hưu tại xóm Soi Râu, xã Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên đến ngày nay. Sinh thời cụ chỉ kể với con cháu là quê gốc nhà ta ở trong Quảng Trị rồi mới chạy ra Xứ Đoài – Sơn Tây. Cụ tổ có làm quan to thời nhà Nguyễn ở xứ đằng trong.

          Khi các bác của tôi qua đời tôi là thứ, nghiễm nhiên được làm trưởng tộc và tiếp quản một số giấy tờ trong đó có gia phả do ông Nguyễn Văn Sáu lập, ông Sáu nguyên là thẩm phán toàn án Thành Phố Hà Nội, mất năm 2007. Tờ gia phả này do ông Sáu sưu tầm từ gia phả và các tài liệu của cụ Nguyễn Xuân Thưởng, cụ Nguyễn Đức Chương và bà Thúy Hương. Hiện nay, một số tư liệu cũ của cụ Chương được cháu cụ là ông Lý Văn Tấn giữ gìn.

          Trong gia phả có nói rõ là cụ Nguyễn Văn Thành có tước Quận Công được vua Nguyễn tin dùng. Cụ bà vợ cụ Thành không biết tên tuổi quê quán ở đâu, chỉ biết hai cụ có một người con trai tên là Nguyễn Toản. Thông tin chỉ có ít ỏi về cụ tổ tại sao phải chạy ra Thanh Hóa rồi về Nam Định cuối cùng lập nghiệp tại xứ Đoài – Sơn Tây. Sau này cụ Toản có lấy vợ là bà Nguyễn Thị Hai sinh được một người con là cụ Nguyễn Văn Lộc. Nếu đức ông Nguyễn Văn Thành là đời thứ nhất, cụ Nguyễn Văn Lộc là đời thứ ba. Từ đây trở đi dòng tộc họ Nguyễn ở xứ Đoài rõ ràng. Nhưng đến nay ở quê gốc còn rất ít người ở lại, quê cũng không có đất để làm nhà thờ họ, mà họ Nguyễn sống khắp các tỉnh trong cả nước, trong đó một số định cư ở nước ngoài.

Hành trình đi tìm quê gốc ở Huế

          Hai vợ chồng tôi về Huế để tìm nguồn tộc và thân thể sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Thành là ai. Trước hết tôi đến tòa soạn báo Huế họ lại giới thiệu về ban nghiên cứu lịch sử Kinh thành Huế. Vào đây tôi trình bày tâm tư nguyện vọng và đã được các đồng chí nhiệt tình cung cấp tài liệu về cụ Nguyễn Văn Thành. Tuy nhiên tài liệu họ cung cấp chỉ có một số sự tích của cụ Thành trong thời Gia Long.

          Sang ngày thứ tư chúng tôi đi viếng Lăng Tự Đức thì cánh xe ôm cho địa chỉ để tìm tới khu nhà công chúa Ngọc Sơn có chồng là ông Thuận An – nhà sử học ở Huế. Thật không may ông Thuận An vừa đi cấp cứu về nên không ra tiếp vợ chồng tôi được. Chúng tôi cứ nấn ná tham quan khuân vườn của gia đình, rộng chừng 4200 – 4500m2 như nhà rườn, có ao cá lũy tre và rất nhiều cây cối. Với căn nhà nhỏ có một phần khiêm tốn, một khu đất rộng lớn vườn tược lối đi dạo, ao cá và một khu nhỏ ở góc vườn là nhà con gái của ông bà. Khu vườn nhà vẫn giữ được nét giản dị, thoáng mát, căn nhà thấp tầng rất đẹp. Thấy chúng tôi ở ngoài Hà Nội vào tìm gia tộc nên bà vợ nhiệt tình vào lần thứ hai gặp chồng nói về mong muốn của chúng tôi, nên sau cùng chúng tôi được nhà Huế học Thuận An cho một số địa chỉ liên lạc.

          Gặp người trông nom thờ cúng ngài Nguyễn Văn Thành

Lúc này đã 15h00 tôi có số điện thoại của anh Nguyễn Cảnh Thuận, mừng quá và hồi hộp tôi điện ngay cho anh Thuận, đầu dây bên kia nói “Tôi đang bận cúng cho người ta, anh cho địa chỉ khách sạn và hẹn nhau lúc 17h30”. Trước giờ hẹn, như có linh tính “thần giao cách cảm” nào đó tôi từ trong khách sạn đi ra trông thấy một người đi xe máy vào tôi tin chắc đây là người đang cần gặp. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, anh Thuận giới thiệu sơ bộ về ngài Nguyễn Văn Thành và chúng tôi nhanh chóng về từ đường ở nhà anh Thuận để thắp nhang khấn lậy ngài. Ở Huế tôi đã có một số tài liệu nói về ngài Nguyễn Văn Thành. Rồi vụ án cha con ngài với người con đầu là cụ Nguyễn Văn Thuyên đã dẫn đến gia đình con cháu ly tán khắp nơi.

          Anh em mừng mừng tủi tủi vừa gặp mặt nhau lần đầu sau gần 200 năm đã trải qua 5,6 đời người mà sao tôi vẫn cảm động, có cảm giác thân thương là người trong cùng họ tộc.

          Tâm linh dòng tộc họ Nguyễn: Lần đầu về viếng mộ tổ bà và mộ ngài Nguyễn Văn Thành.

Sáng sớm hôm sau ba chúng tôi theo taxi đến viếng mộ tổ Bà – người đã sinh ra Đức ngài. Ngôi mộ nằm ở vị trí đắc địa, theo tôi đây là vị trí đất rất tốt, ở ngang chừng núi, dưới có suối nước, cao ráo, thoáng mát. Ngôi mộ được đặt và xây theo hình con rùa to và rộng với một vòng thành khép kín. Ở phía sau ngôi mộ trên vòng thành có một vết nứt lớn theo anh Thuận khi còn nhỏ anh cùng anh em đi viếng mộ còn đuổi nhau luồn qua vết nứt này được. Qua thời gian vết nứt đang khép dần lại nay chỉ còn khoảng cách 10 – 15cm, theo các cụ nói khi vết nứt dần khép lại, dòng tộc của ngài cũng tìm về càng Đông.

          Sau khi viếng lăng mộ tổ bà, chúng tôi lại về viếng lăng mộ Đức Ngài tại nơi mới cải táng vì vị trí cũ đã bị một đơn vị Dạy lái xa thu hồi đất. Ngôi mộ mới được xây dựng bề thế, chiếm một khu đất rộng ở vị trí địa lý tốt, ngôi mộ của ngài sẽ phát trong những năm sau.

          Lần thứ hai về Huế, ngày 15/06/2013 tức ngày 08/05 Âm lịch tôi cùng người em trai là Nguyễn Tiến Bảo ở thành phố Thái Nguyên và con gái là Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang đã cùng đoàn của anh Nguyễn Duy Hưng chi họ Nguyễn Nam Định và Thái Bình đã về giỗ ngài (11/05 Âm lịch). Lễ giỗ tổ tại từ đường nơi anh Nguyễn Cảnh Thuận tổ chức trang nghiêm theo phong cách của nhà Phật. Hôm nay về quê xứ Huế dự lễ giỗ tổ, chúng tôi gặp lại anh em sống ở Huế và các tỉnh phía Nam tay bắt mặt mừng, già trẻ gặp nhau cùng nguyện chúng ta có chung một cụ tổ Đức ngài Nguyễn Văn Thành.

Sơ lược gia giả dòng họ Nguyễn ở xứ Đoài – Sơn Tây Sự hình thành gia phả

Ông Nguyễn Văn Mây (tức Lê Sáu) sinh năm 1917 mất ngày 18/09/2008 nguyên là thẩm phán tòa án thành phố Hà Nội. Là người có công thu thập thông tin từ nhiều nguồn để có tờ gia phả hôm nay. Hiện nay, trưởng tộc Nguyễn Tiến Cảnh đã có một số tài liệu còn lưu giữ được. Theo tài liệu do bác Nguyễn Đức Chương có gia phả lập ngày 27/03/1957 đã xác định quê gốc là ở Quảng Trị. Thời loạn lạc một chi ra Bắc Việt Nam cư trú ở Thanh Hóa rồi Nam Định mới về lập nghiệp tại xứ Đoài – Sơn Tây. Và theo ghi chép, kể lại của ba tôi là cụ Nguyễn Xuân Thưởng (sinh 1897, mất tháng 12 năm 1978) và của bà Thúy Hương đều xác định quê gốc ở Quảng Trị. Do chiến tranh loạn lạc họ tộc di tản đã được ông Sáu có tâm bỏ nhiều công sức để sưu tầm lập nên gia phả họ Nguyễn.

  Đời thứ nhất: Quận công Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817);

  Đời thứ hai: Nguyễn Toản chết năm 1845 (Cụ bà Nguyễn Thị Hai chết năm 1881)

  Đời thứ Ba: Nguyễn Văn Lộc (1841 - 1915) Cụ bà Nguyễn Thị Phượng (1830 – 1889)

 
   

 sinh thành được 2 người con trai và 4 người con gái.

Đời thứ tư: trưởng tộc là cụ Nguyễn Tấn Hy (1868 – 1945) làm ăn sinh sống tại Sơn Tây. Các cụ thuộc đời thứ 4 sinh được tất cả 21 người con có 9 người con trai và 12 người con gái.

Đời thứ năm: trưởng tộc cụ Nguyễn Xuân Thưởng (1897 - 1978)

Các cụ công cụ bà đời thứ năm sinh được 75 người con (30 người con trai, 45 người con gái). Đời thứ 5 đến nay còn sống cụ bà Nguyễn Thị Ân (1917) sống tại Sài Gòn và cụ bà Nguyễn Thị Hưng (1919) là vợ của cụ Nguyễn Xuân Thưởng đang sinh sống tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên.

Đời thứ sáu:

+ Trưởng tộc: Nguyễn Tiến Yên (1924 – 1955) mất tại Bắc Kinh – Trung Quốc, liệt sĩ chức vụ Đại đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam.

+ Trưởng tộc: PGS TS Nguyễn Tiến Nguyên (1940 – 2006) nguyên Viện trưởng viện năng lượng nguyên tử Việt Nam.

+ Nay trưởng tộc là ông Nguyễn Tiến Cảnh, sinh năm 1944, nguyên giám đốc Công ty in Thái Nguyên.

+ Đời thứ 6 hiện nay chưa tổng kết đầy đủ số lượng con cháu trong dòng họ Nguyễn xứ Đoài – Sơn Tây

Trên đây là một số câu chuyện về dòng họ Nguyễn và cảm tưởng của tôi. Mong nhận được sự góp ý cũng như sự đóng góp của anh em trong dòng tộc.

GIA  PHẢ  HỌ  NGUYỄN  XỨ  ĐOÀI

Gia phả bị thất lạc đã lâu năm. Theo ông Ngoại Nguyễn Đức Chương nhớ sơ qua và ghi lại ngày 27.03.1957 ( 26 tháng 2 năm Đinh Dậu) :

         “Các cụ Tổ Tiên làm quan tại triều thời nhà Nguyễn. Một cụ đã đi sứ nước Tàu, được phong “Lưỡng Quốc Quận Công. Các cụ Bà, một vài cụ đã được phong phẩm tước “Phu Nhân”.

          Thủy Tổ gốc tích đều do ở tỉnh Quảng Trị xuất phát. Thời tao loạn, một chi thiên ra Bắc, tức Bắc Việt,ở Thanh Hóa, rồi Nam Định, rồi lên tỉnh Sơn Tây, khởi thủy là Cụ Nguyễn Văn Thành.

NHỮNG NGÀY KỴ NHẬT CHÍNH

Các cụ NGŨ  ĐẠI  :         

         Tằng Tổ Khảo  ( Cụ Ông)   :  Nguyễn văn Thành

         Tằng Tổ Tỉ       ( Cụ Bà )    :  không rõ danh hiệu.

      đều là hai cụ phát tích tại Bắc Việt đầu tiên.

Các cụ  TỨ  ĐẠI  :

         Hiển Tổ Khảo  ( Ông )        :  Nguyễn văn Lộc

                   mệnh chung               :  26 tháng 4 ÂL thọ 74 tuổi.

         Hiển Tổ Tỉ       ( Bà )           :  Nguyễn thị Phượng

                   mệnh chung               :    8 tháng 4 ÂL

Các cụ  TAM  ĐẠI

         Hiển  Khảo (Cha sinh)    :  Nguyễn văn Hai, húy Kỳ, hiệu Phúc Tuy

                   sinh năm 1870  ( 26 tháng giêng năm Canh Ngọ )

                   ngày mất  :  15.6.1927 ( tức 16 tháng 5 Đinh Mão, 58 tuổi.

         Hiển Tỉ  (Mẹ sinh)     :  Nguyễn thị Quý

                   sinh năm 1869

                   ngày mất  :  20.3.1945 (tức 7 tháng 2 Ất Dậu,thọ 77 tuổi)

CÁC  CỤ  VỀ  BÊN  NGOẠI

 

         Ông ngoại  (sinh ra Mẹ )    :   Nguyễn văn Từ  

                   ngày mất                   :  1 tháng 5 ÂL

         Bà ngoại   (sinh ra Mẹ)       :   không rõ tên.

                   ngày mất                   :  10 tháng 1 ÂL

Hà Nội, tháng 11/2013