Đan Duy - Ngày cập nhật: 03/11/2015, 15:35:00
Nguyễn Văn Thành, tước vị: Chưởng trung quân, Bình Tây đại tướng quân, Quận công - Tổng trấn Bắc Thành là một người con của làng Bác Vọng, vùng đất ven con sông Bồ yêu thương của tỉnh Thừa Thiên – Huế…
Chuyện xảy ra vào năm Ất Hợi 1815, con trưởng của Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, là Nguyễn Văn Thuyên cũng là phò mã của vua Gia Long thi đỗ hương cống, thường làm thơ, ngâm vịnh. Nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận nổi tiếng hay chữ, ông Thuyên làm ngay một bài thơ tặng. Bài thơ có hai câu cuối “Thư hồi được đắc Sơn trung tể/ Tá ngã kinh - luân chuyển hóa ky”; tạm dịch nghĩa là “Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay - đổi hội cơ này”. Chỉ có thế, vậy mà một số kẻ tị hiềm đã lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua. Việc kêu oan không được vua Gia Long minh xét. Đức Tiền quân Nguyễn Văn Thành bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi, còn con trai Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém. Và cũng như Ức Trai xưa, dù rất muộn màng, Đức Tiền quân đã được minh oan. Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Câu chuyện ghi chép lại rõ ràng trong chính sử để lại bao nỗi tiếc thương cho người đời.
Cũng ít người tường tận, Nguyễn Văn Thành là người con của Quảng Điền. Qua các đời, vùng đất này luôn xuất hiện bậc văn tài với văn trị, võ công oanh liệt. Đời Trần có Đặng Tất, Đặng Dung. Sang đời Lê có Cao Bách Tuế, Phan Tử Linh. Đặc biệt, đời Nguyễn, Quảng Điền có đến 14 vị được ghi tên họ, tiểu sử và công trạng trong sách “Đại Nam nhất thống chí”. Một trong số cái tên sáng giá là Nguyễn Văn Thành. Sử cũ chép lại, Nguyễn Văn Thành vốn người làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Khoảng những năm cuối thế kỉ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, tổ tiên ông đã dắt díu nhau di cư vào Nam. Người đầu tiên được biết đến là Nguyễn Văn Toán. “Đại Nam liệt truyện” cho biết rằng, Nguyễn Văn Toán đã định cư tại Gia Định nhưng không nói rõ là ở địa chỉ cụ thể nào. Con của Nguyễn Văn Toán là Nguyễn Văn Tính lập nghiệp tại Biên Hoà. Con của Nguyễn Văn Tính là Nguyễn Văn Hiền bỏ Biên Hoà mà về lại Gia Định, nơi ông nội là Nguyễn Văn Toán từng định cư. Nguyễn Văn Thành là con của Nguyễn Văn Hiền. Ông chào đời tại Gia Định vào năm Mậu Dần (1758). Bóng dáng quê xưa theo năm tháng cũng nhiều nhạt nhòa và phôi pha trong tâm hồn của bao kẻ được sinh ra nơi phương xa, nhưng với Nguyễn Văn Thành lại là trường hợp đặc biệt. Thừa Thiên với kinh đô Huế đã là nơi trở về, ghi dấu những tháng ngày vinh quang và cũng đầy cay đắng của ông.
Trở lại với những tháng ngày khởi nghiệp. Mười lăm tuổi, ông đã cùng cha từ Gia Định ra tận đất Phú Yên để theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chống Tây Sơn. Sau nhiều năm vào sống ra chết và một lòng cúc cung tận tuỵ, Nguyễn Văn Thành được Nguyễn Ánh tin dùng, phong dần tới hàng tướng lĩnh cao cấp nhất. Dưới thời Gia Long, Nguyễn Văn Thành là người đứng đầu Tiền quân, người đời vẫn thường gọi ông là Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Về tài cầm binh, ông nổi danh là vị tướng “phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”. (Thanh Long- Đường về cội nguồn).
Có công đầu giúp Nguyễn Ánh lấy lại giang sơn, vậy nên không có chi lạ khi sau này ông được Gia Long trọng dụng. Nhâm Tuất 1802, vừa mới nên ngôi, nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc Thành với nghìn năm văn hiến, đồng thời cũng là nơi chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử, trước khi trở lại Phú Xuân, vua Gia Long đã chọn Nguyễn Văn Thành để làm kẻ “gửi vàng” với chức Tổng trấn Bắc kỳ đầu tiên của vương triều Nguyễn. Cũng tháng Chạp năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Văn Thành được giao đứng chủ tế ở ngay Thuận Hóa trong lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn. Bài “Văn tế tướng sĩ trận vong” do chính ông soạn được xem là một áng văn chương tuyệt bút của văn học Việt Nam. Cũng gần như ngay lập tức, trong cương vị Tổng tấn Bắc Thành, vào năm Giáp Tý 1804 Tiền Quân Nguyễn Văn Thành đứng ra trông coi việc xây dựng lại thành Thăng Long, công trình này hoàn tất chỉ sau một năm, vào mùa thu năm Ất Sửu 1805. Cũng trong năm này, lại cho xây dựng Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội.
Canh Ngọ 1810, Nguyễn Văn Thành lại được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao chức Tổng tài trong việc soạn bộ “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là luật Gia Long), được coi là bộ luật hoàn chỉnh và đầy đủ nhất thời bấy giờ. Gần như cùng lúc, vào năm Bính Thân 1812, tiền quân Nguyễn Văn Thành lại được sung chức tổng tài trong biên soạn “Quốc sử thực lục”, một công trình văn hóa để đời của triều Nguyễn. Kiêm nhiệm cả hai chức Tổng tài cùng lúc, lịch sử nước Việt xưa nay hiếm. Tài năng toàn diện đến thế nên nhiều kẻ lo sợ và ghen ghét cũng không lạ trong bối cảnh xã hội Việt Nam phong kiến. Cái chết của ông do thế được xem như là một sự sắp đặt. Chỉ biết rằng, sau khi ông lìa đời (1817) thì có những công trình như “Quốc sử thực lục” phải đợi đến 4 năm sau việc biên soạn mới tiếp tục được biên soạn.
199 năm sau cái chết bị bức tử của Nguyễn Văn Thành, tôi mới được biết rằng khu lăng mộ của Nguyễn Văn Thành, vị đại quan quê quán ở làng Bác Vọng và công thần bậc nhất của triều Nguyễn đang ở một nơi không xa lạ nhưng lại ít người biết tới. Đó là vùng đồi của làng quê ven đô Dạ Lê Thượng (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy). Bóng dáng của làng quê Dạ Lê Thượng chỉ thấy thấp thoáng trong những tháng ngày ít ỏi Nguyễn Văn Thành làm việc ở kinh đô Huế. Vậy mà rồi, sau cái chết đầy u uất của vị đại quan, làng Dạ Lê Thượng lại vinh dự là nơi yên nghỉ ngàn thu của ông. Tôi đã nghĩ đến ở đây là ước nguyện của Tiền quân lúc sinh thời hay làng Dạ Lê Thượng như một bổng lộc được nhà vua cấp cho vị đại quan. Còn gặp tôi trong một buổi sáng tháng chín âm lịch tầm tã mưa rơi mới đây, ông Nguyễn Viết Truyền, 93 tuổi, là Trưởng làng Dạ Lê Thượng đã nhắc đến quan lớn Nguyễn Văn Thành như một ân nhân, sinh thời đã có nhiều giúp đỡ cho dân làng và họ đã ghi lòng tạc dạ công đức của ông. Câu chuyện hậu bàn, xin được tiếp tục rằng hằng năm vào ngày 10 tháng 5 và Rằm tháng 8 âm lịch đều tổ chức kỵ, chạp đức Tiền quân. Tiền quân Nguyễn Văn Thành được xem là vị khai khẩn của làng Dạ Lê Thượng. Và trên bức bia tiền ở khu lăng mộ mới còn ghi rõ sự phụng lập của dân làng với vị trưởng làng đương nhiệm là ông Nguyễn Viết Truyền.
Hôm cùng tôi ghé thăm khu lăng mộ mới của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã không khỏi ngỡ ngàng về sự tồn tại của lăng mộ của một vị đại quan là khai quốc triều Nguyễn trên đất làng Dạ Lê Thượng. Trong vị thế mới của một phố thị, Dạ Lê Thượng bây giờ đã là một phần quan trọng của phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Sự tồn tại của khu lăng mộ của một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Nguyễn Văn Thành như một điểm đến của làng trong việc phát triển du lịch, thu hút sự quan tâm của khách thập phương nghiên cứu về triều Nguyễn và tham quan kinh đô Huế. Đã nhìn thấy ở đây tấm lòng thành của những con dân làng Dạ Lê Thượng, nhưng xem ra vẫn còn quá ít những người và các cơ quan có chức năng thấu hiểu vị thế và tầm vóc của một bậc đại quan hiền tài như Nguyễn Văn Thành. Cho dù Tiền quân đã có được một khu lăng mộ mới khang trang nhưng tôi vẫn tiếc cho quyết định di dời và làm mới có phần vội vã. Nó đã làm phôi pha ít nhiều chất thiêng và những giá trị lịch sử, văn hóa của khu lăng mộ vị đại quan Nguyễn Văn Thành như một cơ duyên tồn tại ở làng Dạ Lê Thượng.
Cũng đã nhiều lần tôi tìm về Bác Vọng. Một thời là thủ phủ của xứ Đàng Trong, làng quê bên sông Bồ này còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử. Đó là ngôi chùa cổ Thiện Khánh mà người đời phỏng đoán ra đời và gắn liền với chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa sùng đạo Phật, đã làm công việc kỳ lạ khi năm 1812 đưa phủ chúa từ Phú Xuân về với Bác Vọng và định đô ở đó cho đến năm 1738. Làng quê Bác Vọng còn là nơi có miếu Bà Tơ gắn liền với huyền thoại trong những ngày đầu mở nước ở xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn hay miếu thờ và khu lăng mộ của nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ và mẹ là công chúa Tĩnh Hòa. Còn lại như bàng bạc trong đất trời linh thiêng nơi vùng quê Bác Vọng là linh hồn của bậc đại nhân như Đặng Dung với câu thơ để đời “Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”hay đại quan Nguyễn Văn Thành với công trạng hiển hách và cái chết xót lòng. Dấu tích về Nguyễn Văn Thành ở Huế còn lại còn có lăng mô của mẹ ông ở tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy và một nhà thờ dòng họ ở khu vực Xuân Phú, thành phố Huế. Trước đó, còn có ở đó một con đường Nguyễn Văn Thành trong Thành Nội. Ở Quảng Điền với thị trấn Sịa đang trong quá trình đô thị hóa hay ở làng quê xưa Bác Vọng của Nguyễn Văn Thành, cũng nên có một gì đó tưởng nhớ Nguyễn Văn Thành, một đền thờ ở Bác Vọng chẳng hạn, hay một con đường, một ngôi trường mang tên ông. Con người này lẫy lừng và đáng kính lắm thay!
Đan Duy