Nguyễn Văn Đăng, Mai Văn Được
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128)
1. Vài nét về cuộc đời đầy vinh quang nhưng oan nghiệt của Nguyễn Văn Thành
Nguyễn Văn Thành (1758-1817), quê gốc ở giáp Tây, xã Bác Vọng, tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong (nay là làng Bác Vọng Tây, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tiên tổ ông nhiều lần thay đổi nơi sinh sống.(1) Cha ông là Nguyễn Văn Hiền (? - 1775) khảng khái đảm lược, đã đem hương dũng phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần, được trao chức Cai đội. Trong một trận đánh với quân Tây Sơn tại hòn Tam Sơn, Nguyễn Văn Hiền đã dốc hết sức đánh địch, tử trận, được tặng Cai cơ. Đến thời vua Gia Long, ông được truy tặng Đặc tiến Tráng võ phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Chưởng doanh Hiền Đức hầu,(2) liệt thờ ở đền Hiếu Trung và miếu Trung Tiết công thần. Mẹ ông là bà Trần Thị Đàn (1740-1809), người ở thôn Bình Long, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Bình Tân, trấn Phiên An (Gia Định).(3)
Nguyễn Văn Thành có trang mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ.(4) Mới 15 tuổi (1773), ông đã theo cha đánh quân Tây Sơn. Khi cha mất, ông tìm đến Nguyễn Ánh năm 1777, coi Nguyễn Ánh như một minh chúa và dốc lòng thờ phụng, lập được nhiều chiến công. Năm 1801, ông lãnh ấn Khâm sai Chưởng Tiền quân,(5) Bình Tây Đại Nguyên soái, tước quận công. Ông là một trong những vị tướng trung thành hầu cận, giúp Nguyễn vương khôi phục quyền lực họ Nguyễn, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trên một lãnh thổ rộng lớn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Sau khi lấy được Bắc thành, tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng trấn(6) với lời dụ rằng: “việc Bắc thành đều giao cho ngươi cả”.(7) Trên cương vị mới, với quyền lực “tiền trảm hậu tấu”, ông đã có nhiều đóng góp cho tiến trình lịch sử dân tộc. Việc đầu tiên, ông cho chiêu tập dân xiêu tán ở Bắc thành về quê cũ làm ăn sinh sống, ổn định sản xuất. Ông có chính sách chiêu dụ hào kiệt, đãi hậu lễ đối với sĩ phu Bắc Hà. Nhờ đó đã thu hút được nhiều nhân tài ra giúp sức xây dựng đất nước, tiêu biểu có: Nguyễn Huy Lượng (1759-1808) làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Vũ Trinh(8) (1759-1828) nhận chức Thị trung Học sĩ, Phạm Quý Thích (1760-1825) giữ chức Đốc học Bắc thành, Ngô Thì Vị(9) (1774-1821) làm Thiêm sự Bộ Lại… Ông còn ra sức chấn hưng việc học; chấn chỉnh bộ máy quản lý và phong tục làng xã Bắc thành; cho đắp đê và trị thủy ở vùng đồng bằng Bắc Bộ; bảo vệ vùng biên giới phía bắc của Tổ quốc; xây dựng các công trình nổi tiếng như Kỳ Đài, Khuê Văn Các… (1803-1805) ở kinh thành Thăng Long.
Năm 1810, Nguyễn Văn Thành về Huế chịu tang mẹ, rồi lưu lại làm quan ở kinh đô. Năm sau, ông được sung làm Tổng tài biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ(10) và các bộ sử. Cùng năm đó, ông được giao làm Khâm sai Chưởng Trung quân. Ông dâng lên vua Gia Long sách Võ bị chí và sách Tứ di loại chí. Như vậy, Nguyễn Văn Thành chính là vị Tổng tài đầu tiên của cơ quan chép sử triều Nguyễn.(11)
Nguyễn Văn Thành là một người có tài năng, cho dù ở trên cương vị nào, nhiệm vụ nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc. Tuy vậy, cuộc đời ông lại rơi vào bi kịch. Cuối năm Ất Hợi (1815) xảy ra vụ án văn chương do con ông là Cử nhân, Phò mã Nguyễn Văn Thuyên gây ra khiến ông bị liên lụy. Nguyễn Văn Thuyên thích làm thơ, lấy thơ giao lưu bạn bè, nghe nói ở Thanh Hóa có Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ nên làm thơ kết giao bằng hữu. Trong thơ Thuyên làm có hai câu bị cho là có ý phản nghịch: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ”. Nghĩa là hồi này nếu được chúa trong núi, giúp ta xếp đặt chuyển cơ tạo hóa.(12) Từ bài thơ đó, Nguyễn Văn Thành bị nghi kỵ, rơi vào vòng luẩn quẩn bởi nhà vua “bạc đức” và triều thần chỉ một mực muốn hạch tội ông. Cuối cùng ông chọn cái chết để trở thành “tôi trung”. Ngày 11 tháng 5 năm Đinh Sửu (1817), Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử, lúc đó ông 60 tuổi.
Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt) nổi dậy chiếm giữ thành Phiên An. Con Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Hàm theo Lê Văn Khôi, làm Quản vệ năm khuông. Do đó, vua Minh Mạng “sai bắt cả thân thuộc lũ con [Nguyễn Văn] Thành là Thần, Nhâm, Chuân, Huyền, Hân đều phải tội bị giết”.(13)
Hơn 30 năm sau cái chết oan khuất của Nguyễn Văn Thành, năm Tự Đức thứ nhất (1848), Đông Các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn “dâng phong sự xin truy xét công trạng của [Nguyễn Văn] Thành, vua liền cho cháu [Nguyễn Văn] Thành là Loại làm chủ quân Cai đội. Lại chiếu rửa tội trước cho [Nguyễn Văn] Thành để khuyến khích người có công”.(14) Mặc dù đã được rửa tội nhưng từ vụ án văn chương đến vụ án tham gia nổi loạn của con Nguyễn Văn Thành đã đẩy dòng họ Nguyễn Văn Thành rơi vào thất tán. Vì vậy mà những dấu tích của Nguyễn Văn Thành còn lại trên đất Thừa Thiên Huế không nhiều và ít người biết đến. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ những dấu tích còn lại của ông trên chính mảnh đất quê hương như là một sự tri ân đối với một danh nhân, một người có công với dân với nước.
2. Những dấu tích liên quan đến Nguyễn Văn Thành trên đất Thừa Thiên Huế
2.1. Ở làng Dã Lê Thượng
Lúc sinh tiền, Nguyễn Văn Thành là một người nặng lòng với dân. Điều này không chỉ thể hiện qua tư tưởng “nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu” mà còn qua những việc làm cụ thể và bình dị của ông. Ở làng Dã Lê Thượng hiện nay vẫn còn câu chuyện truyền tụng về tấm lòng thương dân của ông. Các bậc cao niên trong làng kể lại rằng: “Khi Dã Lê tách xã thành Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng, làng Dã Lê Chánh chịu tách đinh chứ không chịu tách điền. Biết chuyện như vậy, Nguyễn Văn Thành mới chỉ cho dân làng Dã Lê Thượng biết sắp tới vua Gia Long sẽ đi ngang qua, dân làng hãy ra quỳ xin, ông sẽ tâu giúp. Dân làng nghe theo. Cuối cùng, vua cũng chấp nhận lời thỉnh cầu tách điền của dân làng Dã Lê Thượng. Đặc biệt, trong việc chia ruộng đất cho dân làng Dã Lê, Nguyễn Văn Thành có phần ưu ái làng Dã Lê Thượng hơn, chia cho làng Dã Lê Thượng ruộng cạn dễ canh tác, còn phần ruộng sâu chia cho làng Dã Lê Chánh. Do đó, dân làng Dã Lê Thượng mang ơn của ông”.(15)
Chính công ơn đó mà sau khi Nguyễn Văn Thành chết, người dân làng Dã Lê Thượng đã tâu xin được mang xác ông về chôn trong làng, tại đồi xứ Khê Lương (hiện nay là tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) để báo ân. Theo hậu duệ của Nguyễn Văn Thành thì trên ngọn đồi này còn có mộ của ông Nguyễn Văn Thuyên và cháu là Nguyễn Văn Chơn (tức Loại). Sau năm 1945, khu vực này trở thành khu đồn trú quân sự của Pháp và sau năm 1954 là của quân lính Việt Nam Cộng Hòa nên các phần mộ của hai ông này đã bị san phẳng.(16)
Năm 2003, khu vực mộ của Nguyễn Văn Thành phải giải tỏa để làm trường dạy lái xe ô tô của Trường Nghiệp vụ Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế. Do đó, làng Dã Lê Thượng cùng với hậu duệ của Nguyễn Văn Thành đã tiến hành cải táng tại xứ Cây Bòng(17) vào ngày 25 tháng 10 năm Quý Mùi (18/11/2003). Đến năm 2005 thì con cháu đóng góp tiền để xây mộ và Hội đồng làng Dã Lê Thượng đứng ra lo liệu việc xây dựng.
Hiện nay, tại vị trí mộ Nguyễn Văn Thành vẫn còn hai tấm bia được khắc vào thời điểm năm 1817. Hai tấm bia được làm bằng đá Thanh, kiểu nhún vai, không trang trí, có kích thước tương đương nhau, cao 1,2m, rộng 0,4m.
Bia tiền, nguyên văn chữ Hán: 越故欽差掌中軍平西大將軍誠郡公之墓 - Việt cố Khâm sai Chưởng Trung quân Bình Tây Đại tướng quân Thành quận công chi mộ.
Bia hậu, nguyên văn:
越南故欽差掌中軍平西大將軍郡公姓阮諱榮字誠先考贈明義功臣特進輔國上 將軍錦衣衛掌術事掌营諱賢謚忠勇阮公先妣依夫正室陳氏諱檀謚莊懿夫人公先世 原居順化處肇豊府廣田縣富屋總博望社西甲後從居嘉定城潘安鎮新平府新隆縣新 豊總平隆村以戊寅年十一月十三日生仕本朝扈從望閣至復嘉定受步道先鋒兼管烏 艚唐兵次陞掌前軍郡公調撥諸道步兵次受北城總鎮後改遷是秩于丁丑年仲夏月十 一日申時卒塟于富春京野梨上社山峒
公原配故鄭氏 生女媛继室武氏和生男荧(18)女青側室武氏利生男諝語鄭氏月 生女論阮氏花生男謐訓故丁氏春生男諄故武氏富生男原諴女嬌妾張氏清生男訢乃 阮氏仁生男任故鄭氏安生男党阮氏勤生男惠阮氏從生女婉阮氏遠生男宁該男諝荧 謐語訓原諄諴訢党惠任乃宁十四女媛論青嬌婉五女
歲在丁丑 年九月二十六日
嫡子荧謹誌
Phiên âm:
Việt Nam cố Khâm sai Chưởng Trung quân Bình Tây Đại tướng quân quận công, tính Nguyễn, huý Vinh, tự Thành. Tiên khảo tặng Minh Nghĩa công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng thuật sự Chưởng doanh, húy Hiền thụy Trung Dũng Nguyễn công. Tiên tỷ y phu chánh thất Trần thị, húy Đàn thụy Trang Ý phu nhân. Công tiên thế nguyên cư Thuận Hoá xứ, Triệu Phong phủ, Quảng Điền huyện, Phú Ốc tổng, Bác Vọng xã, Tây giáp. Hậu tòng cư Gia Định thành, Phiên An trấn, Tân Bình phủ, Tân Long huyện, Tân Phong tổng, Bình Long thôn. Dĩ Mậu Dần niên, thập nhất nguyệt, thập tam nhật sinh. Sĩ bổn triều hỗ tòng Vọng Các, chí phục Gia Định, thụ bộ đạo tiên phong kiêm quản Ô Tào Đường binh, thứ thăng Chưởng Tiền quân quận công, điều bát chư đạo bộ binh, thứ thụ Bắc thành Tổng trấn, hậu cải thiên thị trật. Vu Đinh Sửu niên, trọng hạ nguyệt, thập nhất nhật, Thân thời tốt, táng vu Phú Xuân kinh, Dã Lê Thượng xã sơn đồng.
Công nguyên phối cố Trịnh Thị Sáu, sinh nữ Viên; kế thất Võ Thị Hòa, sinh nam Huỳnh, nữ Thanh; trắc thất Võ Thị Lợi, sinh nam Tư, Ngữ; Trịnh Thị Nguyệt, sinh nữ Luận; Nguyễn Thị Hoa, sinh nam Mật, Huấn. Cố Đinh Thị Xuân, sinh nam Truân. Cố Võ Thị Phú, sinh nam Nguyên, Hàm, nữ Kiều. Thiếp Trương Thị Thanh, sinh nam Hân, Nãi; Nguyễn Thị Nhơn sinh nam Nhậm. Cố Trịnh Thị An sinh nam Đảng; Nguyễn Thị Cần, sinh nam Huệ; Nguyễn Thị Tòng, sinh nữ Uyển; Nguyễn Thị Viễn, sinh nam Trữ. Cai nam Tư, Huỳnh, Mật, Ngữ, Huấn, Nguyên, Truân, Hàm, Hân, Đảng, Huệ, Nhậm, Nãi, Trữ thập tứ. Nữ Viên, Luận, Thanh, Kiều, Uyển ngũ nữ.
Tuế tại Đinh Sửu niên, cửu nguyệt, nhị thập lục nhật.
Đích tử Huỳnh cẩn chí.
Dịch nghĩa:
Việt Nam cố Khâm sai Chưởng Trung quân Bình Tây Đại tướng quân quận công, họ Nguyễn, tên húy Vinh, tên tự Thành, thân phụ là Nguyễn công được tặng Minh Nghĩa công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng thuật sự Chưởng doanh, tên húy là Hiền, thụy là Trung Dũng. Thân mẫu là y phu chánh thất Trần thị, tên húy là Đàn, thụy là Trang Ý phu nhân. Đời trước ngài vốn định cư ở giáp Tây, xã Bác Vọng, tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Về sau cư trú tại thôn Bình Long, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, thành Gia Định. Ngài sinh ngày13 tháng 11 năm Mậu Dần. Làm quan bổn triều, theo hầu sang Vọng Các, đến khi thu phục Gia Định, được giữ chức bộ đạo tiên phong, kiêm quản Ô Tào Đường binh(19), rồi thăng Chưởng Tiền quân quận công, điều bát chư đạo bộ binh, sau giữ chức Tổng trấn Bắc thành, rồi đổi sang trật này. Ngài mất vào giờ Thân ngày 11 tháng Năm năm Đinh Sửu, táng tại gò đồi xã Dã Lê Thượng ở kinh đô Phú Xuân.
Bà chánh thất của ngài là cố Trịnh Thị Sáu, sinh nữ là Viên. Bà kế thất là Võ Thị Hòa, sinh nam là Huỳnh, sinh nữ là Thanh. Bà trắc thất Võ Thị Lợi sinh nam là Tư, Ngữ; bà (trắc thất) Trịnh Thị Nguyệt sinh nữ là Luận; bà (trắc thất) Nguyễn Thị Hoa sinh nam là Mật, Huấn; cố Đinh Thị Xuân sinh nam là Truân; cố Võ Thị Phú sinh nam Nguyên, Hàm, nữ Kiều. Thiếp Trương Thị Thanh, sinh nam Hân, Nãi; (thiếp) Nguyễn Thị Nhơn sinh nam Nhậm; cố Trịnh Thị An sinh nam Đảng; Nguyễn Thị Cần sinh nam Huệ; Nguyễn Thị Tòng sinh nữ Uyển; Nguyễn Thị Viễn, sinh nam Trữ. Nam gồm 14 người: Tư, Huỳnh, Mật, Ngữ, Huấn, Nguyên, Truân, Hàm, Hân, Đảng, Huệ, Nhậm, Nãi, Trữ. Nữ 5 người: Viên, Luận, Thanh, Kiều, Uyển.
Năm Đinh Sửu (1817) ngày 26 tháng 9. Con đích là Huỳnh kính ghi.
Cùng với việc nhận thi hài Nguyễn Văn Thành về chôn, dân làng Dã Lê Thượng lúc bấy giờ rước ông vào thờ ở miếu Khai khẩn, nằm cạnh đình làng (cách khoảng 100m). Nguyên miếu thờ 13 vị Khai khẩn của làng thuộc các họ Nguyễn Đình (4 vị họ Nguyễn Đình), Nguyễn Viết, Nguyễn Duy, Nguyễn Văn (4 vị họ Nguyễn Văn), Nguyễn Thanh, Nguyễn Tất, Nguyễn Công. Đến năm 1995, khi trùng tu xong đình làng, làng Dã Lê Thượng đã rước ông từ miếu Khai khẩn vào thờ ở gian tả trong đình. Giữa án tả thờ ông có ghi chữ: 中軍視事 - Trung quân thị sự.
Với việc đưa Nguyễn Văn Thành vào thờ tại miếu Khai khẩn, sau đó là đình làng đã cho thấy sự thừa nhận và biết ơn đối với công lao của ông, dân làng Dã Lê Thượng đã xem Nguyễn Văn Thành là một vị Tiên hiền, góp công vào việc tạo dựng cuộc sống mới của người dân nơi đây. Điều này cũng là một minh chứng cho truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta từ bao đời nay.
2.2. Từ đường Nguyễn quận công từ
Sau những biến động của gia đình, các con cháu Nguyễn Văn Thành người bị triều đình bắt xử trảm, người chạy trốn khắp nơi. Sau khi vua Tự Đức rửa tội cho và ban sắc gia ân cho Nguyễn Văn Thành thì việc thờ cúng ông ở trong dòng họ mới được công khai. Người nhận sắc gia ân của vua Tự Đức là Nguyễn Văn Loại (Chơn), cháu nội của Nguyễn Văn Thành. Chính dòng này đã phụng dựng từ đường thờ tự Nguyễn Văn Thành.(20)Từ đường thờ Nguyễn Văn Thành tại Huế(21) mang tên Nguyễn quận công từ, được dựng trên thửa đất của trưởng nữ Nguyễn Văn Thành là bà Nguyễn Thị Viên.(22) Thời gian ra đời của ngôi từ đường này không rõ, nhưng theo trí nhớ của các con cháu trong họ thì nguyên từ đường ở làng Bác Vọng, sau dời vào Huế xây kiểu nhà rường một căn hai chái, mái lợp tranh, xung quanh được làm bằng phên tre và nền đất.(23) Sau đó nó được trùng tu hai lần vào các năm 1956 và 1993.(24) Ngôi từ đường không lớn, có quy mô một gian hai chái, bên trong chia thành hai phần “tiền Phật, hậu linh”. Phần trước thờ Phật, án giữa thờ Tam thế Phật, án tả thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, án hữu thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Phần sau, án giữa thờ Nguyễn Văn Thành và bà Võ Thị Hòa, hai án tả hữu thờ các con cháu. Hiện trong từ đường còn lưu giữ bản sắc phong gia ân của vua Tự Đức cho Nguyễn Văn Thành,(25) nguyên văn:
承天興運皇帝制曰
朕惟功臣國家之元氣黜步人主之大權威威而柢柢惡惡而善善功過相衡瑕瑜不 相掩周官八議左傳十宥皆爲有功設也
前望閣功臣誠郡公阮文誠故忠節功臣掌奇阮文賢之子也一門忠義奕世懃勞羈
靮多年橐鞬百戰身爲大將爵至上公功名於景鐘書券存乎盟府嘉隆年間因其子不肖
坐累而終遺表一上聖懷大慟明命紹治年間恩施曠蕩漸次從寬深意蓋有在也朕仰追 先志緬懷元動爰命廷臣再三確究議以追復爵銜秩之元祀檢言尢協禮則宜之加恩阮 文誠著追復望閣功臣掌中軍平西大將軍郡公原衔又準于中興功臣廟列祀錫之誥命 用妥幽潛於戲石碏純臣不以子厚而沒於衞英公偉烈不以敬業而亡於唐令之宥過錄 功廣聖恩也成美意昭厚道蓄將才爲國家將來之報也隔世有辭九原可作雖往之日如 存之年
欽哉
嗣德貳拾壹年肆月拾柒日
Phiên âm:
Thừa thiên hưng vận, Hoàng đế chế viết.
Trẫm duy, công thần quốc gia chi nguyên khí, truất bộ nhân chủ chi đại quyền, uy uy nhi để để, ác ác nhi thiện thiện, công quá tương hành hà du bất tương yểm. Chu quan bát nghị Tả truyện thập hựu giai vi hữu công thiết dã.
Tiền Vọng Các công thần Thành quận công Nguyễn Văn Thành cố Trung tiết công thần chưởng kỳ Nguyễn Văn Hiền chi tử dã, nhất môn trung nghĩa, dịch thế cần lao, ky đích đa niên, thác kiện bách chiến thân vi đại tướng, tước chí thượng công. Công danh thượng ư cảnh chung thư khoán tồn hồ minh phủ.
Gia Long niên gian nhân kỳ tử bất tiêu tọa lụy nhi chung di biểu nhất thượng. Thánh hoài đại đỗng. Minh Mạng, Thiệu Trị niên gian ân thí khoáng đãng tiệm thứ tòng khoan, thâm ý cái hữu tại dã. Trẫm ngưỡng truy tiên chí miễn hoài nguyên động viên mạng đình thần tái tam xác cứu nghị dĩ truy phục tước hàm trật chi nguyên tự kiểm ngôn vưu hiệp lễ tắc. Nghi chi gia ân Nguyễn Văn Thành trước truy phục Vọng Các công thần Chưởng Trung quân Bình Tây Đại tướng quân quận công nguyên hàm, hựu chuẩn vu Trung Hưng công thần miếu, liệt tự tích chi cáo mạng dụng thỏa u tiềm.
Ư hý thạch tách thuần thần bất dĩ tử hậu nhi một ư vệ anh công vĩ liệt bất dĩ kính nghiệp nhi vong ư đường lịnh chi hựu quá lục công quảng Thánh ân. Dã thành mỹ ý chiêu hậu đạo súc tướng tài vị quốc gia tương lai chi báo dã. Cách thế hữu từ cửu nguyên khả tác, tuy vãng chi nhật như tồn chi niên.
Khâm tai.
Tự Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt thập thất nhật.
Dịch nghĩa:
Nhân lúc trời đang hưng vượng, Hoàng đế phán rằng:
Trẫm nghĩ, công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xảy ra. Các quan nhà Chu đều đặt tám nghị (điều)(26) còn bên sách Tả truyện thì có mười điều là để khen chê những người có công hay có tội.
Trước đây, Vọng Các công thần là ông quận công Thành, Nguyễn Văn Thành là một người công thần cũ, là con của ông Nguyễn Văn Hiền, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến đại tướng, chức đến thượng công. Công danh còn lưu lại trong sử sách rõ ràng.
Dưới triều Gia Long, nhân vì người con có tội mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà vua cũng cảm động. Đến triều Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng, sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự. Như thế là đã thi ân nhiều cho ông Nguyễn Văn Thành được lên chức Vọng Các công thần, tước quận công, được thờ vào miếu Trung Hưng công thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.
Than ôi! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà vua vậy. Như thế là đã đối xử một cách rất hậu đối với tướng tài, nhà vua không quên ơn của người có công, mặc dù đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.
Hãy kính cẩn vâng mệnh.
Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21 (1868).
2.3. Ở làng Bác Vọng
Làng Bác Vọng trải dài theo Sông Bồ, đất đai màu mỡ tốt tươi, cảnh làng quê thanh bình yên tĩnh. Đây là quê hương của Nguyễn Văn Thành. Sau những biến cố trong gia đình Nguyễn Văn Thành, những người trong dòng họ sợ bị liên lụy nên không nhận cùng họ với Nguyễn Văn Thành. Theo lời kể của các vị cao niên trong họ, để tránh bị phát hiện, họ Nguyễn Văn có 5 phái thì 3 phái đốt hết gia phả, con cháu cũng chạy loạn đi các nơi khác. Trong khoảng thời gian trước khi được minh oan, người trong họ cũng chỉ dùng họ Nguyễn, không lấy chữ “Văn” làm chữ lót.(27)
Sau khi vua Tự Đức minh oan cho Nguyễn Văn Thành thì con cháu trong họ quy tụ trở lại. Nhưng do gia phả đã đốt nên phái nào sinh ra dòng Nguyễn Văn Thành không còn ai biết. Hiện nay, tại làng Bác Vọng còn ngôi từ đường họ Nguyễn Văn nằm cạnh chùa Thiện Khánh, bên phủ cũ Bác Vọng.(28) Cùng với ngôi từ đường, dấu tích liên quan đến Nguyễn Văn Thành ở đây chỉ còn lại địa danh “Tự điền” nằm phía bắc làng Bác Vọng Đông. Cũng theo các vị cao niên trong họ, sau khi minh oan cho Nguyễn Văn Thành, vua Tự Đức đã cấp 12 mẫu ruộng tự điền cho dòng họ để lấy đó hằng năm lo liệu việc thờ tự. Trước năm 1945, những người trông coi Từ đường Nguyễn quận công hằng năm đều ra làng Bác Vọng để lấy thóc ở “tự điền” về lo việc kỵ giỗ, thờ tự ông.
2.4. Miếu Thạch Thần Tướng Quân ở Huế
Miếu Thạch Thần Tướng Quân được xây dựng dưới thời vua Tự Đức, thờ Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Miếu tọa lạc phía sau Hoàng Thành, gần cửa Hòa Bình, nay ở số 2 đường Nhật Lệ.
Nguyên trước khi dựng miếu, tại vị trí đó có hai bức tượng tạc Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Do sự linh ứng nên ngôi miếu được các quan và binh lính trong Kinh thành xin xây dựng. Miếu rất linh ứng và đã trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều tầng lớp trong xã hội Huế thời bấy giờ, từ quan lại cho đến binh lính, sĩ tử và cả người dân. Các quan văn, võ, quân lính đều đến cầu nguyện; các thí sinh vào trường thi cũng đến khấn vái, các thương gia đến xin cho mua rẻ bán đắt.(29)
Năm Ất Sửu (1925), miếu được hai sở Cấm Mã và Ngự Xa do Lê Văn Thức(30) đứng ra trùng tu, sửa sang. Trong lần trùng tu này, hai bức tượng đá được sơn son thếp vàng. Bức hoành phi cũng được treo trong dịp này với nội dung ca ngợi công lao của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành: 名髙千古 (Danh cao thiên cổ), dòng lạc khoản bên trái đề niên đại: 啓定十年仲夏 (Khải Định thập niên trọng hạ - tháng 5 năm Khải Định thứ 10 -1925), dòng lạc khoản bên phải ghi: 北圻河城住京德…陳有德… (Bắc Kỳ Hà Thành trú kinh đức…[khuyết 2 chữ không đọc được] Trần Hữu Đức…[khuyết 1 chữ không đọc được]). Cùng với đó, tấm bia nói về việc trùng tu miếu của sở Cấm Mã và Ngự Xa cũng được dựng trong miếu, nằm gần cửa bên phải. Bia cao 56cm, rộng 41cm. Nguyên văn chữ Hán:
啓定乙丑年孟夏
玆奉充禁馬御車二所五等侍衞黎文識仝所等原有等神古庙奉祀最灵名高千古 玆仝所廣發善心大崇修庙所並塗膝金箱等神二位
茲已事完奉刻石碑永留後世
禁馬所七品阮結八品陳脚范副甲底黎端阮忍阮福武淇阮儉刘边教养阮譎裴琨 給憑黎謁黎机阮願阮羿何楠黄珍黄佐阮悔阮直陳敬黎帯潘鳥阮懃御車所八品阮選 裴仲黎協黎當阮通奉修
Phiên âm:
Khải Định Ất Sửu niên mạnh hạ.
Tư phụng sung Cấm Mã, Ngự Xa nhị sở, Ngũ đẳng thị vệ Lê Văn Thức đồng sở đẳng nguyện hữu đẳng thần cổ miếu phụng tự tối linh danh cao thiên cổ. Tư đồng sở quảng phát thiện tâm đại sùng tu miếu sở tịnh đồ tất kim tương đẳng thần nhị vị.
Tư dĩ sự hoàn phụng khắc thạch bi vĩnh lưu hậu thế.
Cấm Mã Sở, thất phẩm Nguyễn Kết, bát phẩm Trần Cước, Phạm Phó, Giáp để
Lê Đoan, Nguyễn Nhẫn, Nguyễn Phúc, Võ Kỳ, Nguyễn Kiệm, Lưu Biên, Giáo dưỡng
Nguyễn Quyệt, Bùi Côn, Cấp bằng Lê Yết, Lê Cơ, Nguyễn Nguyện, Nguyễn Nghệ, Hà Nam, Hoàng Trân, Hoàng Tá, Nguyễn Hối, Nguyễn Trực, Trần Kính, Lê Đới, Phan Điểu, Nguyễn Cần. Ngự Xa Sở, bát phẩm Nguyễn Tuyển, Bùi Trọng, Lê Hiệp, Lê Đương, Nguyễn Thông phụng tu.
Dịch nghĩa:
Tháng 4 năm Ất Sửu (1925) niên hiệu Khải Định.
Nay kính sung vào hai sở Cấm Mã và Ngự Xa, Ngũ đẳng thị vệ Lê Văn Thức cùng với những người trong sở nguyện kính phụng thờ đẳng thần ở miếu xưa rất linh thiêng, danh tiếng to lớn. Nay toàn thể người trong sở mở rộng thiện tâm đại sùng tu miếu sở và sơn son thếp vàng nhị vị đẳng thần.
Mọi việc xong xuôi kính khắc vào bia đá để lưu về sau.
Sở Cấm Mã: thất phẩm Nguyễn Kết, bát phẩm Trần Cước, Phạm Phó, Giáp để Lê Đoan, Nguyễn Nhẫn, Nguyễn Phúc, Võ Kỳ, Nguyễn Kiệm, Lưu Biên, Giáo dưỡng Nguyễn Quyệt, Bùi Côn, Cấp bằng Lê Yết, Lê Cơ, Nguyễn Nguyện, Nguyễn Nghệ, Hà Nam, Hoàng Trân, Hoàng Tá, Nguyễn Hối, Nguyễn Trực, Trần Kính, Lê Đới, Phan Điểu, Nguyễn Cần; Sở Ngự Xa: bát phẩm Nguyễn Tuyển, Bùi Trọng, Lê Hiệp, Lê Đương, Nguyễn Thông kính vâng mệnh sửa chữa.
Trải qua thời gian, rồi chiến tranh, miếu bị hư hỏng nhiều. Năm 1967, Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, kiêm Thị trưởng thị xã Huế lúc đó là Trung tá Phan Văn Khoa đã cho tu sửa lại miếu với diện mạo như hiện thấy. Ngôi miếu có cấu trúc đơn giản, có một cửa giữa và một cửa bên phía phải. Trong miếu có 3 án thờ. Gian giữa thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và Trung quân Nguyễn Văn Thành. Hai bức tượng đá trước đây nay không còn, thay vào đó là hai bức tượng bằng gỗ, tượng Tả quân Lê Văn Duyệt nằm bên trái và tượng Trung quân Nguyễn Văn Thành nằm bên phải.
3. Thay lời kết
Nguyễn Văn Thành là một vị tướng tài ba, một vị quan tài giỏi, yêu thương dân chúng. Nhưng cuộc đời oanh liệt của ông lại kết thúc với một kết cục bi thảm, bị án oan ông phải uống thuốc độc tự vẫn để gìn giữ cái gọi là tôi trung của mình; con cháu, dòng họ ông cũng theo đó mà ly tán. Tuy nhiên, danh thần Nguyễn Văn Thành vẫn chưa có một cuộc hội thảo nào tại Huế(31) bàn luận, đánh giá về công lao của ông, đặc biệt là công lao của ông trên đất cố đô.
Những dấu tích còn lại của ông trên đất Huế không nhiều. Những di tích như chúng tôi đã đề cập ở trên là rất quý báu, cần được gìn giữ và phát huy vào việc phát triển du dịch. Đáng tiếc là trong khuôn viên miếu Thạch Thần Tướng Quân ở phường Thuận Thành đã bị biến thành trụ sở đội dân phòng khu vực, phía trước miếu cho thuê bán hàng ăn. Điều này gây nên sự phản cảm. Chúng tôi thiết nghĩ, miếu cần được trả lại những gì vốn có của nó. Việc trả lại không gian cho miếu là một việc làm rất thiết thực không chỉ thể hiện sự tôn trọng di sản của cha ông để lại, trả lại sự tôn nghiêm của một ngôi miếu cổ linh thiêng mà còn thể hiện sự kính trọng đối với những bậc danh thần, có công với nước, với dân.
N V Đ - M V Đ
CHÚ THÍCH
- Ông cố là Nguyễn Văn Toán rời quê vào sinh sống ở Gia Định, sau đó ông nội là Nguyễn Văn Tánh đến ở Bình Hòa (Ninh Hòa, Khánh Hòa), cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại chuyển về Gia Định.Theo Nguyễn tộc quận công bổn tôn thế phổ, huyền tôn Nguyễn Văn Phú phụng tu, năm Khải Định thứ 5 (1920).
- Theo Nguyễn tộc quận công bổn tôn thế phổ, tlđd.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 346.
- Bốn vị Tiền quân, Hậu quân, Tả quân, Hữu quân thời điểm này là Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức.
- Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành cai quản 11 trấn, gồm: 5 Nội trấn: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và 6 Ngoại trấn: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 363.
- Vũ Trinh là một trong hai người (thêm Trần Hựu) cùng với Nguyễn Văn Thành soạn bộ Hoàng Việt luật lệ; ông chính là thầy dạy học của Nguyễn Văn Thuyên (con của Nguyễn Văn Thành).
- Ngô Thì Vị là con của Ngô Thì Sĩ, em của Ngô Thì Nhậm.
- Hoàng Việt luật lệ hay còn gọi là Bộ luật Gia Long, hoàn thành vào tháng 7 năm Nhâm Thân (1812), được khắc in, ban hành và áp dụng vào năm 1813 trên phạm vi toàn quốc. Bộ luật này có 22 quyển với 398 điều.
- Dưới triều vua Gia Long, Quốc Sử Quán chưa được thiết lập; đến năm 1821, dưới triều vua Minh Mạng mới chính thức ra đời. Nhưng việc Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài biên soạn sử đã chứng minh rằng dưới thời vua Gia Long đã có cơ quan chuyên chép sử.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 370.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 372.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 372.
- Theo lời kể của ông Nguyễn Viết Truyền (95 tuổi), nguyên trưởng làng Dã Lê Thượng, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Nguyễn Duy Hưng (biên tập) (2013), Truyện kể về dòng họ Nguyễn quận công, bản lưu hành nội bộ dòng tộc, Hà Nội, tr. 68.
- Xứ Cây Bòng cách vị trí cũ khoảng 4km, nay là tổ 5, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
- Tất cả tên con trai đều có bộ Ngôn (言), nhưng do bộ gõ không có mã chữ nên một số tên được thay bằng các chữ tương ứng. Tên con gái có bộ Nữ (女), trừ hai bà Thanh, Luận.
- Ô Tào (hay Tàu) là cơ quan chuyên trách kiểm soát ngoại thương đối với một bến cảng đón tàu thuyền nước ngoài. Thời chúa Nguyễn lập ra cơ quan Tào Vụ Ty do viên Cai tào phụ trách, các nhân viên cấp dưới là binh lính người Đường (người gốc Hoa).
- Dòng này theo thứ tự các đời là: Nguyễn Văn Thành (đời 1) - Nguyễn Văn Diệm (đời 2) - Nguyễn Văn Loại (Chơn) (đời 3) - Nguyễn Văn Lưu (đời 4) - Nguyễn Văn Túc (đời 5) - Nguyễn Văn Trai (đời 6) - Nguyễn Văn Thuận (đời 7).
- Nay tại địa chỉ 80/11 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, thành phố Huế.
- Bà sinh năm 1793, được gả cho Tôn Thất Toại (1773 - 1822). Thửa đất được họ Tôn Thất cúng cho bên ngoại (dòng họ Nguyễn Văn Thành) để thờ phụng tổ tiên.
- Nguyễn Duy Hưng (biên tập) (2013), Truyện kể về dòng họ Nguyễn quận công, tlđd, tr. 65.
- Năm 1956, ngôi từ đường được trùng tu lại khang trang hơn, xây tường, mái lợp ngói. Sau nhiều năm, từ đường bị hư hỏng nặng nên được trùng tu lại năm 1993, lợp lại ngói, lát nền gạch men, thay các cột hư hỏng.
- Bản dịch này chúng tôi có tham khảo bản dịch của cụ Nghè Hoàng (Lê Văn Hoàng).
- Luật có bát nghị: nghị thân, nghị cổ, nghị công, nghị hiền, nghị năng, nghị quý, nghị cần, nghị tân.
- Theo ông Nguyễn Văn Hiên (70 tuổi), ở làng Bác Vọng Tây, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu bỏ Phú Xuân về lập phủ mới ở Bác Vọng. Đến năm 1739, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại dời phủ từ Bác Vọng lên Phú Xuân.
- Léopold Cadière (1916), “Đất Thần kinh” trong Những người bạn cố đô Huế, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 273.
- Lê Văn Thức, người họ Lê làng Hòa Duân, nay thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Rất may mắn là gần đây, tháng 12/2013 đã có một cuộc Hội thảo tại Hà Nội mang tên Sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Văn Thành với lịch sử dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XIX do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học và dòng họ Nguyễn Văn Thành tổ chức nhưng chủ yếu là khẳng định đóng góp của ông khi làm Tổng trấn Bắc thành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Léopold Cadière (1916), “Đất Thần kinh” trong Những người bạn cố đô Huế, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Nguyễn Duy Hưng (biên tập) (2013), Truyện kể về dòng họ Nguyễn quận công, bản lưu hành nội bộ dòng tộc, Hà Nội.
- Nguyễn tộc quận công bổn tôn thế phổ, huyền tôn Nguyễn Văn Phú phụng tu, năm Khải Định thứ 5 (1920).
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
TÓM TẮT
Đầu thế kỷ XIX, trong công cuộc hoàn thành thống nhất quốc gia của Nguyễn Ánh có một người có công lớn là Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Năm 1802, với cương vị Tổng trấn Bắc thành, Tổng tài biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ và các bộ sử, ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một vị quan tài giỏi, yêu thương dân chúng. Nhưng cuộc đời oanh liệt của ông lại kết thúc với một kết cục bi thảm, phải uống thuốc độc tự vẫn. Mặc dù đã được rửa tội nhưng vụ án “văn chương” với công thần Nguyễn Văn Thành đã đẩy dòng họ ông thất tán. Những dấu tích của Nguyễn Văn Thành còn lại trên quê hương Thừa Thiên Huế không nhiều và ít người biết đến. Bài viết muốn làm rõ những dấu tích đó như là một sự tri ân đối với một danh nhân, một người có công với dân với nước.
ABSTRACT TRACES OF THE FAMOUS GENERAL NGUYỄN VĂN THÀNH IN THỪA THIÊN HUẾ
In the early 19th century, General Nguyễn Văn Thành achieved great merit in the cause of national unity of Nguyễn Ánh. In 1802, as the Governor-General of Bắc thành, and the head of a group of scholars compiling the Hoàng Việt luật lệ (Gia Long Code) and some history books. He was not only a talented general but also a generous ruler. But his glorious life ended in tragedy; he had to commit suicide by drinking poison. Although he was vindicated, the “literature” case of that meritorious official made his family disperse. The traces of Nguyễn Văn Thành in Thừa Thiên Huế, his homeland, almost disappear. The article aims to present these traces as a tribute to a celebrity who deserved well of his country.