GS.NGND. Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một danh nhân lịch sử sống, hoạt động dưới thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn, vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ông quê gốc tại Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (Huế). Nhưng đến đời tằng tổ là Toán dời vào Gia Định. Ông nội là Tính lại dời đến Bình Hòa, cha là Nguyễn Văn Hiền lại một lần nữa vào ở Gia Định. Hành trạng và sự nghiệp của Nguyễn Văn Thành được các bộ sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện, ghi chép tương đối đầy đủ và cụ thể.
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết: “Ông có trang mạo đẹp đẽ, tính tình trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ…”. Và nhận định về Nguyễn Văn Thành như sau: “Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến lúc Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói, nét mặt, mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghi đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước”[1].
Năm 1773, Nguyễn Văn Thành đi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chống lại Tây Sơn. Về sau, ông là một danh tướng vào hàng số một của Nguyễn Ánh, được Nguyễn Ánh rất tin cậy, vị nể.
Năm 1801, Nguyễn Văn Thành được lãnh ấn Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân, tước Quận công. Giữa năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm Kinh đô Phú Xuân (Huế), vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản phải bỏ chạy ra Bắc thành. Đầu năm 1802, Nguyễn Ánh tiến quân ra Bắc, diệt Nguyễn Quang Toản, thu phục Bắc thành.
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long, sáng lập Vương triều Nguyễn (1802-1945). Vào tháng 9 năm ấy (10-1802), vua Gia Long cử Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng trấn Bắc thành. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802), lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội, ngoại đều lệ thuộc. Phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng, đều được tùy mà làm rồi sau mới tâu lên. Lại đặt 3 tào: Hộ - Binh – Hình ở Bắc thành. Hộ bộ Nguyễn Văn Khiêm, Binh bộ Đặng Trần Thường, Hình bộ Phạm Như Đăng lãnh các tào ấy, theo quan Tổng trấn để xét biện công việc”[2].
Vào thời kỳ 30 năm đầu triều Nguyễn, đơn vị hành chính của nước ta có: Trấn, Dinh, Phủ, Huyện, Tổng, Xã. Nhưng ở hai đầu đất nước, vua Gia Long đặt thêm đơn vị hành chính “Thành”: Bắc thành và Gia Định thành (hoặc Nam thành).
Bắc thành quản lý 11 trấn (trong đó có 5 Nội trấn và 6 Ngoại trấn) đại thể gồm toàn bộ vùng đất Bắc Kỳ sau này, tức từ Lạng Sơn cho đến Ninh Bình.
Vào đầu thời Nguyễn, chức Tổng trấn Bắc thành có quyền hành rất lớn, nhiều nhà sử học trong và ngoài nước ví chức vụ ấy như một Phó vương… Qua đó, chúng ta thấy vua Gia Long tin cậy Nguyễn Văn Thành như thế nào khi trao chức Tổng trấn Bắc thành cho ông. Và cũng qua đó, ta thấy Nguyễn Văn Thành phải có tài, đức như thế nào, mới có thể lọt vào “mắt xanh” của vị vua sáng lập Vương triều Nguyễn.
Nguyễn Văn Thành giữ trọng trách làm Tổng trấn Bắc thành, từ tháng 9 năm Nhâm Tuất (10-1802) đến tháng Giêng năm Canh Ngọ (2-1810). Từ tháng 2-1810, ông được vua Gia Long rút về Kinh đô Phú Xuân (Huế) làm Tổng tài, cùng với Trần Hựu, Vũ Trinh soạn bộ Hoàng Việt luật lệ.
Nguyễn Văn Thành làm quan ở Kinh đô Phú Xuân cho đến cuối đời. Năm 1816, xẩy ra Vụ án văn chương, con ông là Cử nhân Nguyễn Văn Thuyên làm một bài thơ, bị triều Nguyễn quy cho là có nhiều câu “bội nghịch”:
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể
Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ.
(Bao giờ gặp được vị Tể tướng trong núi
Ra tay giúp ta chuyển hóa cơ trời)
Vì thế, Nguyễn Văn Thành cũng bị liên đới chịu tội. Tháng 5 năm Đinh Sửu (6-1817), quá uất ức, Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc, tự tử.
Sau này, đến năm Tự Đức thứ 1 (1848), Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin truy xét công trạng cho Nguyễn Văn Thành: “Vua liền cho cháu Thành là Loại làm chủ quân Cai đội. Lại xuống chiếu rửa tội trước cho [Nguyễn Văn] Thành để khuyến khích người có công”[3].
Nhìn một cách tổng quan: Sự nghiệp của Nguyễn Văn Thành chia làm 2 thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhất: từ năm 1773 đến năm 1802.
- Thời kỳ thứ hai: từ năm 1802 đến năm 1817.
Trong thời kỳ thứ nhất: Nguyễn Văn Thành chủ yếu là một viên tướng của Nguyễn Ánh chống lại Vương triều Tây Sơn do Nguyễn Huệ (1788-1792) và Nguyễn Quang Toản (1793-1802) đứng đầu. Có thể nói, ở thời kỳ này, Nguyễn Văn Thành không có đóng góp gì đáng kể đối với tiến trình lịch sử dân tộc.
Trong thời kỳ thứ hai: Nguyễn Văn Thành, trên cương vị Tổng trấn Bắc Thành (1802-1810) và làm quan tại Kinh đô Phú Xuân (1810-1817), ông có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… rất đáng được ghi nhận. Nhất là những đóng góp của Nguyễn Văn Thành đối với Thăng Long – Hà Nội như: xây dựng công trình văn hóa – lịch sử Khuê văn các (1805), xây dựng Cột cờ Hà Nội (1805), xây dựng và nâng cấp Chợ Đồng Xuân, v.v…
Nhưng có điều rất đáng tiếc là hành trạng và sự nghiệp của Nguyễn Văn Thành đã từ rất lâu rồi, không nhận được sự quan tâm thích đáng của giới sử học. Vì thế, trên cơ sở tình hình nghiên cứu về Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành có nhiều khoảng trống, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Dòng họ Nguyễn, hậu duệ của Nguyễn Văn Thành tổ chức Hội thảo khoa học về Sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Văn Thành với lịch sử dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, nhằm làm sáng tỏ thêm một bước về những đóng góp của ông đối với Thăng Long – Hà Nội nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Cuộc Hội thảo khoa học Sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Văn Thành với lịch sử dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX lần này, đã được các nhà khoa học ở Trung ương như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam… nhiệt tình hưởng ứng. Cho đến hôm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 20 bản tham luận khoa học từ các nơi gửi về.
Để Hội thảo của chúng ta đạt được những yêu cầu đã đặt ra, tôi xin phép nêu lên một số vấn đề tương đối thống nhất và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận nhằm đi đến những kết luận thỏa đáng. Chúng tôi xin phân chia thành 3 nhóm vấn đề như sau:
1. Về hành trạng và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Văn Thành.
2. Những đóng góp của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành trên các lĩnh vực văn hóa - lịch sử - giáo dục đối với Thăng Long và vùng đất Bắc thành.
3. Đóng góp và cống hiến của Nguyễn Văn Thành trong việc ổn định đời sống xã hội và yên dân.
*
* *
1. Về hành trạng và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Văn Thành.
Về vấn đề nói trên, trong cuộc Hội thảo lần này, nhận được 5 bản tham luận của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS.TS. Lê Đình Sỹ, TS. Trương Thị Yến và Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn. Hầu hết các bản tham luận đều dựa trên cơ sở tư liệu là các bộ sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí… hoặc bộ tư sử: Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, đều thống nhất nhận định: “Nguyễn Văn Thành trong thời gian giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành và làm quan tại Kinh đô Phú Xuân đã có nhiều công lao đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, rất đáng được hậu thế ghi nhận và biết ơn. Nguyễn Văn Thành xứng đáng là một Danh nhân lịch sử của nước ta ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX”.
Một trong những đóng góp nổi bật của Nguyễn Văn Thành về chính trị là trong thời kỳ làm Tổng trấn Bắc thành, ông đã có nhiều hành động để bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc. PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết: “Có thể khẳng định trong thời kỳ giữ trọng trách làm Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành rất có ý thức củng cố việc phòng thủ tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Ông kiên quyết trừng trị số thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang quấy phá, cướp bóc các trấn sát vùng biên giới phía Bắc, bảo vệ đời sống yên bình cho người dân biên giới”. TS. Trương Thị Yến nhận định: “Trong thời gian giữ chức Tổng trấn, Nguyễn Văn Thành đã làm được nhiều việc để quản lý và ổn định trật tự xã hội, bảo đảm đời sống người dân ở vùng đất vốn còn nhiều sự ngưỡng vọng với nhà Lê”.
Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn muốn thông qua vụ án làm giả sắc phong thần của Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát vào năm 1811, để phân tích, đánh giá về nhân cách chính trị của Nguyễn Văn Thành. Theo Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn: “Mấu chốt của vụ án “sắc giả” đầu triều Nguyễn gắn với 3 nhân vật chính, đó là Hoàng Ngũ Phúc, Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát”… Thượng thư bộ Hình Phạm Như Đăng cho rằng tội của Đặng Trần Thường nên cách chức, còn Nguyễn Gia Cát nên xử tử. Còn Hữu Tham tri bộ Hình là Lê Bá Phẩm luận rằng Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát tội giống nhau, nên đều xử tội chết.
Nguyễn Văn Thành, vốn là người nhân ái, đối xử có tình với bạn đồng liêu, nên ông tâu trình với vua Gia Long rằng: Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát dẫu có tội, nhưng lấy công chuẩn lỗi, thì còn có Bát nghị. Chiểu theo Luật của triều Nguyễn thì Đặng Trần Thường được hưởng Nghị cố (Người có công phò tá), Nghị công (hàng công thần Trung hưng), Nghị năng (Người có tài năng lớn), Nghị quý (giữ chức cao: Thượng thư bộ Binh), còn Nguyễn Gia Cát được hưởng Nghị quý (giữ chức Tả tham tri bộ Lễ). Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn nhận xét: “Rõ ràng trong sự việc này, hành động của Nguyễn Văn Thành là công tư phân minh…”.
2. Những đóng góp của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành trên lĩnh vực văn hóa – lịch sử, giáo dục đối với Thăng Long và vùng đất Bắc thành
Đây là vấn đề có tính chất căn bản để các nhà sử học ngày nay đánh giá công lao của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đối với Thăng Long – Hà Nội nói riêng và vùng đất Bắc thành nói chung. Về vấn đề này, chúng tôi nhận được 7 bản tham luận của PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS. Hà Mạnh Khoa, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, Tường Minh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Ths. Trần Nam Trung và Nghiên cứu viên Ngô Vũ Hải Hằng.
Các tác giả nói trên đều dựa vào các bộ sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện; các bộ tư sử và thi tập như: Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, Bắc thành địa dư chí lục, Hà Nội thập cửu vịnh, Hà Thành thi sao, v.v… để tìm hiểu về sự nghiệp văn hóa, giáo dục của danh nhân lịch sử Nguyễn Văn Thành. Theo các tác giả cống hiến rõ nét nhất của Nguyễn Văn Thành là ở 3 phương diện:
1. Xây dựng những công trình văn hóa - lịch sử điểm tô thêm nét văn hiến cho Thăng Long – Hà Nội.
2. Chấn hưng việc học và việc thi tại vùng đất Bắc thành.
3. Góp phần biên soạn bộ địa lý - lịch sử đầu tiên của Vương triều Nguyễn.
Có thể nói nhận định về công lao của danh nhân lịch sử Nguyễn Văn Thành trên đây của tác giả trong Hội thảo lần này là một bước tiến khá xa so với sự đánh giá của các bộ sử viết vào triều Nguyễn. Các bộ sử do sử thần ở Quốc sử quán triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện, hoặc Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, mặc dù có chép vào năm 1805, Nguyễn Văn Thành cho xây Khuê văn các, Cột cờ Thăng Long (Hà Nội), hoặc góp phần phục dựng các văn miếu ở Bắc thành, v.v… nhưng không phân tích và làm sáng tỏ hệ quả quan trọng của các việc làm nói trên. Vấn đề chính là cần khẳng định: Nguyễn Văn Thành đã có công rất lớn đối với việc phát triển văn hóa, giáo dục ở vùng đất Bắc thành vào đầu thế kỷ XIX.
PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn viết: “Rõ ràng trong khi xây dựng nền giáo dục Nho học thời kỳ đầu triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thành đã có vai trò của một nhà kiến trúc sư tài giỏi và tâm huyết. Vì mới xây dựng chế độ học hành thi cử, ngoài học quy, Nguyễn Văn Thành còn chú trọng tăng cường người lãnh đạo giáo dục khoa cử ở các trấn”. Tác giả Tường Minh đánh giá rất cao việc Nguyễn Văn Thành xây dựng Khuê văn các vào tháng 9 năm 1805, tác giả viết: “UBND Thành phố Hà Nội đã lựa chọn Khuê văn các làm Biểu tượng chính thức của Thủ đô Hà Nội trong Dự thảo Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012. Luật Thủ đô có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013.
Chúng tôi thiết nghĩ Danh nhân Lịch sử Nguyễn Văn Thành không chỉ đóng góp có một việc xây Khuê văn các, mà ông còn góp nhiều công sức tô điểm cho Thành phố Nghìn năm văn hiến này. Vì thế, chúng tôi cho rằng, tên ông xứng đáng được đặt cho một đường phố tại Thành phố Hà Nội: “Đường Nguyễn Văn Thành”.
3. Đóng góp và cống hiến của Nguyễn Văn Thành trong việc ổn định đời sống xã hội và yên dân
Đây cũng là một vấn đề hết sức quan trọng trong lịch sử dân tộc, vì lẽ ở bất kỳ thời đại nào, với bất kỳ chế độ nào thì việc ổn định đời sống xã hội và yên dân cũng là điều các nhà chính trị đặt lên hàng đầu. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, Hội thảo của chúng ta nhận được 6 bản tham luận của PGS.TS. Vũ Duy Mền, PGS.TS. Đinh Quang Hải, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, TS. Nguyễn Hữu Tâm, TS. Vương Thị Hường và Ths. Bùi Văn Huỳnh.
Trong bài tham luận “Về tờ sớ Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu” gửi vua Gia Long năm 1810 của vị Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành”, hai tác giả Ths. Bùi Văn Huỳnh – PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết: “Qua những bản điều trần và những việc làm của Nguyễn Văn Thành trong thời kỳ làm Tổng trấn Bắc thành, chúng ta thấy ông tỏ ra hiểu rõ đường lối Nhân chính của Mạnh tử… Chúng tôi cho rằng vào đầu triều Nguyễn, một trong những người có tài chính trị và thương dân hơn cả là Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành”.
Điểm qua một số vấn đề chính yếu mà các bản tham luận khoa học đề cập tới, với tinh thần khoa học, chúng tôi xin lắng nghe mọi ý kiến phát biểu, thảo luận và trân trọng với từng đóng góp dù là nhỏ của mỗi người. Ở đây, không riêng gì những điểm khác biệt, mà ngay cả những điểm đã thống nhất, chúng ta vẫn có thể trao đổi lại xem có đủ luận cứ khoa học hoặc đủ sức thuyết phục hay chưa?
Trong cuộc Hội thảo khoa học lần này, với thời gian không dài, có thể chúng ta không giải quyết được những tồn nghi khoa học (nếu có), nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, trong nỗ lực chung của mọi người, chúng ta có thể đi tới sự đánh giá có tính thống nhất cao về Nguyễn Văn Thành – Danh nhân lịch sử của dân tộc sống và hoạt động vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Xin kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
[2]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 528.
[3]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 2, tr. 372.