PGS.TS Nguyễn Minh Châu – hậu duệ đời thứ Bảy của Quận công Nguyễn Văn Thành;
Hồi còn nhỏ nghe bà Nội tôi kể Ngài đang được thờ bên Đình Thái Hưng (Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp. HCM) là tổ tiên của gia đình mình. Nhưng bà Nội không nói Ngài tên là gì, nguyên quán Ngài ở đâu, bà Nội tôi chỉ kể cho con cháu Ngài là tổ tiên của mình. Việc này đến nay, 7/2011, tôi mới rõ tại sao?
Việc tìm nguồn gốc của tôi bắt đầu từ việc khoảng mấy năm gần đây thôi. Từ năm 2005 hay 2006 gì đó, trên bàn thờ Ngài bên Đình Thái Hưng bỗng xuất hiện ảnh và tên Ngài là Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, với năm sinh, năm mất, mà trước đó không có?
Đến tháng 4 năm 2011, vô tình tôi thấy một bài báo với tựa đề “Chén rượu rót đầu ghềnh của Tiền quân Nguyễn Văn Thành”, do Nguyễn Phúc Vĩnh Ba viết đăng trên tờ Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi có đọc qua bài báo vì thấy có tên Tiền quân Nguyễn Văn Thành, mà tôi đã thấy trước đó ở Đình Thái Hưng. Qua bài báo, tôi biết Ngài làm quan rất lớn dưới thời vua Gia Long. Do bận công việc cơ quan, tôi không kịp để riêng tờ Tạp chí có bài báo mà tôi chú ý. Đến tháng 5, tôi đi tìm lại tờ báo cũ này, thì thật là mầu nhiệm tôi tìm ra được tờ báo này. Tôi nói mầu nhiệm khi tìm được bài báo, vì mỗi ngày tôi mua và được biếu nhiều loại báo chí, mà không nhớ rõ đã đọc được bài báo có tên Tiền quân Nguyễn Văn Thành ở tờ báo nào?. Vậy mà, như một hỗ trợ của Ngài cho nỗ lực đi tìm nguồn cội của con cháu, tôi đã tìm ra được bài viết mong muốn.
Sau đó, tôi lên mạng Internet đánh chữ Tiền quân Nguyễn Văn Thành thì thấy xuất hiện vài ba bài viết về cuộc đời của Ngài. Trong đó, có một bài do con cháu Ngài đã đi tìm nguồn cội trước tôi. Họ viết lại rất chi tiết về thân thế, sự nghiệp của Ngài, cho đến địa điểm mộ Ngài hiện ở Huế (có kèm theo hình ảnh). Đặc biệt, bài báo này cũng nói tới Đình thờ Ngài hiện còn có ở Đình Tân An, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tôi báo cho anh Hai Rê biết việc này. Đồng thời, tôi quyết định sẽ đi Huế tìm đến thăm viếng đốt nhang cho Tổ tiên.
Tôi gọi nói chuyện với anh Hai Rê và chị Hai (Nhung) nhiều lần, về mối liên hệ của ông bà chúng tôi với Ngài, anh Hai Rê là người anh con trai đầu của cô Tư (chị ruột của ba tôi). Anh Hai Rê lớn tuổi hơn tôi nhiều, nay anh đã 74 tuổi, còn tôi 57 tuổi (2011). Anh Hai cho tôi biết: bà Nội tôi có kể anh nghe như sau: mình là dòng họ với Ngài, Ngài báo mộng với dân ở Tân An là hãy mang Sắc phong Ngài đang được thờ phụng ở đó về cho con cháu của Ngài đang ở Cầu Quan để thờ. Dân Tân An lên báo cho ông Cố tôi là Nguyễn Văn Bành đang ở Cầu Quan biết. Sau đó, ông Cố tôi đi Tân An với con cháu để thỉnh Sắc thần về thờ, và lập nên Đình Thái Hưng. Đó là lời kể của ông bà Nội tôi Nguyễn Văn Báu cho ba má tôi, cho anh hai Rê, và cho chị hai Nhung nghe, mấy anh em chúng tôi lúc đó nhỏ tuổi hơn chị Nhung và anh Hai Rê nhiều lắm, nên chuyện chỉ nghe từ anh Hai Rê, chị Nhung và ba má chúng tôi kể lại.
Đến tháng 7 năm 2011, tôi quyết định dùng phép năm để đi Huế tìm mộ tổ tiên (vì bài báo trên trang Web của con cháu Nguyễn Văn Thành viết có ghi rõ địa chỉ mộ của ông Nguyễn Văn Thành). Lúc đi, tôi chỉ nghĩ đến được mộ Ngài là cùng, ai dè kết quả hơn cả mong đợi, tôi đến được cả nhà thờ Ngài, chạm được tay mình vào bài vị của Ngài, và biết được nơi cúng giỗ Ngài hằng năm ở Huế. Điều này có được là nhờ khi tôi ra đến Huế, thì như một mầu nhiệm thứ hai xuất hiện, công việc rất thuận lợi: vợ tôi đưa tôi đến gặp anh Phạm Tấn Hầu là bà con cô cậu ruột với vợ tôi, anh Hầu nguyên là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Huế nên nắm được nhiều thông tin. Hơn nữa, anh Hầu đã đọc rất nhiều bài viết về cuộc đời của Tiền quân Nguyên Văn Thành trên các Tạp chí chỉ có ở Huế như Nghiên cứu và phát triển, Nghiên cứu Huế,…. Anh có cho tôi xem những Tạp chí này.
Nhờ anh Hầu có hẹn trước, khi chúng tôi đến nhà anh được một lúc thì có anh Nguyễn Miên đến để gặp chúng tôi. Anh Nguyễn Miên là người cùng làng Bác Vọng, Quảng Điền nơi có Tổ quán dòng họ Nguyễn, trong đó có nhánh của Ngài Nguyễn Văn Thành, còn anh Miên thì không trực hệ với Ngài như tôi. Anh Miên là giáo viên dạy lịch sử cấp 3 phổ thông nên những tài liệu viết về Ngài Nguyễn Văn Thành anh có nhiều. Hơn nữa, tuy không phải trực hệ với Ngài Nguyễn Văn Thành, nhưng anh Miên cũng họ Nguyễn và tổ tiên anh cũng ở làng Bác Vọng như Tiền quân Nguyễn Văn Thành.
Bắt đầu câu chuyện với anh Miên, anh hỏi tôi quan hệ ra sao với Ngài, tôi kể về việc nghe bà Nội tôi kể Ngài là tổ tiên, mà sau này được biết là Tiền quân Nguyễn Văn Thành hiện đang được chôn ở Dạ Lê, huyện Hương Thủy (theo tin trên Web) nên tôi muốn được đi thăm mồ mả tổ tiên. Anh Miên cho biết chừng 3, 4 năm nay, anh tiếp rất nhiều đoàn đến tìm hiểu và có nguyện vọng như tôi hôm nay (2011). Anh cho biết việc Ngài uống thuốc độc do người con có làm bài thơ chẳng qua là cái cớ, còn thực chất thì do vài lý do, trong đó có lý do ví trị xây lăng mộ mẹ Ngài (chỗ có long mạch nên bị nghi ngờ có âm mưu đưa con cháu làm vua sau này) và mối bất hòa từ lâu giữa hai quan to nhất triều lúc đó là Ngài Trung quân Nguyễn Văn Thành và Tả quân Lê Văn Duyệt,….
Tả quân Lê Văn Duyệt đã gài người vào làm việc cho nhà Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Ở trong nhà Tiền quân lâu ngày, ông này tìm ra một bài thơ do con trai Tiền quân là Nguyễn Văn Thuyên làm gởi cho bạn bè ở Thanh Hóa, trong đó có một câu bị gièm pha là có ý phản nghịch, ông này mang bài thơ về cho Lê Văn Duyệt xem. Lê Văn Duyệt có cơ hội để báo lên vua Gia Long. Vua Gia Long do đã từng được Ngài theo giúp khi còn đánh nhau với quân của Tây Sơn, nên vua cho rằng Thuyên còn trẻ nên thích lối thơ ngông nghênh, chưa đủ căn cứ để kết tội Ngài. Việc đang như thế, thì lại có việc người nhà của Ngài tên là Hữu xin qua nhà Lê Văn Duyệt phục vụ, được mấy hôm thì người này trốn đi mang theo dấu ấn của Lê Văn Duyệt. Tả quân Lê Văn Duyệt cho truy nã bắt được tên này thì hắn khai là do Tiền quân sai vào thuốc Tả quân, nhưng hắn làm không được nên lấy ấn trốn đi. Được tin này, vua Gia Long cho chém tên Hữu, nhưng không nói gì đến Ngài cả.
Tả quân Lê Văn Duyệt rất ức việc này, nên cho điều tra kỹ Nguyễn Văn Thuyên (con trai Ngài) đang bị tạm giam trong tù vì bài thơ. Bị đánh quá, Thuyên đành phải khai nhận là có âm mưu tạo phản. Triều thần ủng hộ Lê Văn Duyệt xin vua nghiêm trị. Ức quá, một hôm sau khi bãi trào, Ngài mới níu áo vua khóc kêu oan, Ngài nói với vua “thần theo bệ hạ từ nhỏ đến nay, không có tội gì, lẽ nào bệ hạ ngồi yên để họ bày chuyện hại thần”, vua Gia Long giật phắt áo bỏ đi, và ra lệnh từ nay vua không cho Ngài vào gặp như trước nữa, và ra lệnh điều tra Thuyên một lần nữa. Nguyễn Văn Thuyên lại nhận tội có âm mưu phản nghịch. Vua ra lệnh giam Nguyễn Văn Thành và các con. Mấy hôm sau thì họp triều định án. Nghe án xong, Nguyễn Văn Thành nói với Hoàng Công Lý (bố vợ vua Gia Long) “vua đã khiến tôi phải chết, nếu như tôi không chết thì tôi không phải là tôi trung”. Ngài viết một bức thư để lại cho vua rồi uống thuốc độc tự vẫn. Đến khi vua đọc được lời viết lại cho vua thì Ngài đã chết. Vua hối hận và thương tiếc cho người đã có công lao với mình nên sai tổ chức đám tang cho Ngài Nguyễn Văn Thành trọng thể, trả lại tất cả chức tước cũ và tha các con Ngài, cấp luôn đất đai để con cháu có phương tiện làm giỗ cho Ngài hàng năm (theo Đại Nam Liệt truyện).
Nhận xét, cá nhân tôi về việc này, đây là việc thường xảy ra ở trên cõi đời này. Không có gì là bất thường cả. Chính trị là thế đó, phải diệt nhau để giành địa vị và quyền lợi.
Sau khi kể những chi tiết này cho chúng tôi, anh Miên, anh Hầu đưa vợ chồng tôi đi thăm các nơi có liên quan đến Ngài.
Điểm thứ nhất, nhà thờ Nguyễn tộc (ở làng Bác Vọng Tây, rất gần Huế).
Anh Hầu, anh Miên đưa vợ chồng tôi đi thăm điểm thứ nhất là Tổ quán họ Nguyễn ở thôn Bác Vọng Tây, ở Tứ Hạ, cầu Tứ Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Tp. Huế. Một vài người lớn tuổi ở trong làng, khi nghe tôi về để tìm hiểu nguồn gốc đã ra tổ quán họ Nguyễn để gặp tôi. Họ cho biết, do hoàn cảnh của Ngài như thế nên con cháu của Ngài ở làng Bác Vọng lúc đó đã đốt gia phả và đi tứ tán khắp nơi, có người nay đã đổi sang họ Trần. Cho nên, theo các cụ ở Bác Vọng thì ngày nay nếu gặp lại nhau, thì họ chỉ gọi nhau là anh tôi, chứ không thể phân biệt được ai vai lớn, ai vai nhỏ, cụ thể như tôi và anh Thuận (sẽ gặp ở nhà thờ Nguyễn Văn Thành cũng ngay hôm đó).
Anh Miên cho biết họ Nguyễn làng Bác Vọng này đã xuất hiện trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam trốn Trịnh Kiểm (1558), anh Miên nói có thể từ đời Trần Nhân Tôn không chừng?. Thay mặt ông bà, tổ tiên tôi thắp nhang ở tổ quán họ Nguyễn, là nguyên quán của Ngài Nguyễn Văn Thành (lời vua Gia Long) (xem phụ lục Sơ đồ hậu duệ Nguyễn Văn Thành).
2) Nguyễn Văn Thuận đang thờ ông Nguyễn Văn Thành hiện nay ở Huế, là con cháu nhánh ông Diệm, là người thờ phụng, làm giỗ mỗi năm vào ngày 10 tháng 5 âm lịch, và chăm sóc mộ ông Nguyễn Văn Thành. 1) Đời 2, nhánh Diệm là con đích, người lập mộ Ngài. Con Diệm là Chơn, là người nhận Sắc gia ân cho Ngài.
3) Đời thứ 2, hầu hết tên do em Duy thuộc dòng ở Cần Giuộc - Tp. HCM nói, vì em Duy có khả năng ngoại cảm, em nói gặp được Nguyễn Văn Thành. Theo em Duy, không dòng nào biết tên chính xác ông đời thứ 2, 3. Các ông đời thứ 2, 3 hầu hết có 2 tên, như ông Nguyễn Văn Ngươn của dòng Nguyễn Minh Châu còn có tên là Nguyễn Văn Chánh. Dòng em Duy, ông đời thứ 2 cũng có 2 tên, dòng anh Lộc ở Tân Châu không biết rõ chỉ nghe em Duy nói là cùng ông Nguyễn Văn Hàm, với Nguyễn Minh Châu. Điều này chứng tỏ: các dòng này là con cháu Nguyễn Văn Thành nên mới phải có nhiều tên sau vụ Lê Văn Khôi.
4) Lưu ý ông Cố Nguyễn Văn Bành, là người đã xây nhà 117B Yersin năm 1911, đã tạo ra và xây Đình Thái Hưng năm 1920 (xem tờ giấy của ông Nội tôi gởi Ban Trị sự Hội Đình Thái Hưng năm 1962 có chi tiết này, ông Nội tôi nói miếng đất này do cha tôi đã tự tạo và hiến lại cho quý Hội).
5) 3 dòng hậu duệ của Nguyễn Văn Thành đều có xây đình để thờ Ngài, như dòng ở Sài Gòn có xây Đình Thái Hưng, dòng ở Cần Giuộc cũng xây đình thờ Ngài, dòng ở Tân Châu cũng xây Đình Long Sơn thờ Ngài. Đây là 3 dòng hậu duệ có lập đình thờ Ngài Nguyễn Văn Thành.
Tại sao con cháu phải chạy tứ tán, vì vua Gia Long đâu có xử Ngài và con cháu Ngài?. Do khi có vụ Lê Văn Khôi tạo phản, trong nhóm Khôi có cả con của Cụ Nguyễn Văn Thành. Khi biết vua Minh Mạng xử tội Lê Văn Khôi và đồng bọn, con cháu Nguyễn Văn Thành đốt gia phả và chạy trốn khắp nơi để khỏi bị chu di tam tộc. Người chạy ra Thái Bình ở miền Bắc (dòng anh Hưng hiện nay), người chạy vào Bình Định, người vào Tân Châu (dòng anh Bình hiện nay), người ở Gia Lai, người ở Cần Giuộc - Tp. HCM (em Duy), người ở Tân Phú - Tp. HCM, có dòng ở Đình Thái Hưng, quận 1- Tp. HCM (dòng Nguyễn Minh Châu). Có người còn họ Nguyễn như ông bà tôi, có người đã đổi họ thành họ Trần như dòng anh Bình. Nhưng tất cả đều được ông bà kể lại như trường hợp của tôi là Ngài là tổ tiên của mình, nên bây giờ có nhu cầu đi tìm mồ mả đốt một nén nhang như một nghĩa vụ đối với ông bà. Anh Miên một nhà sử học nói với tôi “hồn oan, hồn hiện”, cho nên con cháu được Ngài báo mộng cho biết, hỗ trợ tìm mồ mả, và nhiều người đã về đến để thắp nhang cho ông bà. Anh Miên cho biết chừng 3, 4 năm nay sau khi cải táng lại mộ Ngài thì rất đông con cháu tìm về đây thắp nhang (xem hình 1 và hình 2).
Thăm điểm thứ hai là mộ của mẹ Ngài: Bà Trần Thị Đàn
Điểm thứ hai là mộ mẹ Ngài, mộ do Ngài xây cho mẹ rất to và rất chắc chắn, mộ nằm trên ngọn đồi phía bên phải nằm trên đường đi vào gần tới làng Khải Định. Mộ bị nứt, nhưng là người khoa học, dù là khoa học xã hội, anh Miên cho biết đây là việc bình thường không nên dị đoan, vì mộ mẹ Ngài Nguyễn Văn Thành nằm trên đường nứt kéo dài nên phải bị nứt. Tuy vậy, chất liệu xây mộ rất chắc chắn, ngoài vết nứt đó, mộ còn rất nguyên vẹn. Thay mặt tổ tiên, tôi có mua trái cây và đốt nhang ở mộ mẹ Ngài. Sau đó, chúng tôi ăn trưa ở quán Ngọc Linh, đường Khải Định, nằm xéo một tí ở phía bên kia đường, so với vị trí của mộ mẹ Ngài (hình 3).
Thăm điểm thứ ba, từ đường dòng họ Nguyễn Văn Thành, ở nhà anh Thuận, là cháu trực hệ của Ngài (xem hình 4).
Sau khi ăn trưa, anh Miên đưa chúng tôi đến nhà anh Thuận là nơi có lập bàn thờ Ngài, có bài vị của Ngài, có Sắc Gia ân của vua Tự Đức cho Ngài.
Nơi đây, tôi thấy phía sau bàn thờ Phật Thích Ca Như Lai là bàn thờ Ngài Nguyễn Văn Thành, bên phải bàn thờ Ngài, là bàn thờ ông cháu nội của Ngài, ông Nguyễn Văn Chơn, người nhận Sắc phong Gia ân cho Ngài do vua Tự Đức ký, và bên trái bàn thờ Ngài là bàn thờ ông bà, cha mẹ của anh Thuận.
Nhà thờ tuy không to, nhưng rất đẹp, uy nghiêm. Tôi được anh Thuận cho coi bài vị của Ngài và một trong số vợ Ngài, bà Võ Thị Hòa. Bên cạnh bàn thờ Ngài, anh Thuận có treo một khung hình photo những chữ ghi trên bia mộ Ngài năm 1817 khi Ngài mất như sau: ngày mất 11/5 al, năm 1817, nguyên quán của Ngài, và ghi Ngài có 13 bà vợ, 14 con trai, 5 con gái (hình 5). Anh Thuận còn lấy bài vị của Ngài và vợ Ngài ra cho tôi xem. Anh Thuận cho biết anh đang giữ sắc phong Gia ân của vua Tự Đức, để xác nhận Ngài là một công thần của triều Nguyễn, đồng thời vua Tự Đức ban lại chức tước cho cháu nội Ngài lúc đó là ông Nguyễn Văn Chơn.
Sau này, tượng của Ngài và Tả quân Lê Văn Duyệt được vua cho xây miếu thờ ở Trung Hưng Công Thần Miếu ở Đại Nội Huế còn đến ngày nay.
Nhà anh Thuận ở số 80/11 đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, thành phố Huế, số điện thoại 0905235948, nhà riêng: 0543811170. Anh Thuận có mời tôi viết vào sổ viếng từ đường “Nguyễn Quận Công Từ”, tôi viết là con rất may mắn tìm lại được nguồn gốc, xin cảm ơn anh Thuận là hậu duệ của Ngài đã trông nom mộ và lo việc thờ cúng Ngài rất trang nghiêm.
Sau đó, anh Miên, anh Hầu, anh Thuận cùng với hai vợ chồng tôi ra thăm lăng mộ của Ngài Nguyễn Văn Thành ở không xa lắm từ nhà anh Thuận.
Điểm thứ tư viếng trong ngày hôm đó, là mộ Ngài được cải táng lại năm 2005, ở vùng Dạ Lê, thuộc xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy. Đây là mộ mới được hoàn tất năm 2005 sau khi mộ cũ (ở gần đó, trên đồi, theo anh Miên, thì mộ cũ của Ngài rất to) đã bị giải tỏa để làm Trường Đào tạo lái xe. Mộ mới to và rất đẹp. Có một điều rất lạ, là cả mộ mẹ Ngài và mộ Ngài đều có điểm nhấn cho các cuộc thăm viếng, là đều có bảng Logo của ngành Kiểm lâm phía trước như để làm dấu cho con cháu lâu lâu mới về thăm một lần dễ tìm. Mộ mẹ Ngài thì nằm tay phải đối diện với Logo Kiểm lâm trên đường đi tới làng Khải Định, còn mộ của Ngài thì nằm phía tay trái trên đường đến vùng Dạ Lê nơi có dấu Logo Kiểm lâm thì quẹo vô phía trái như đã nói trên.
Vợ chồng tôi bày trái cây, và đốt nhang cúng Ngài, tôi thưa “Con là Nguyễn Minh Châu có nghe bà Nội kể…, hôm nay con có phước được đến nơi này để thắp nhang cho Ngài, con xin thay mặt ông bà, cha mẹ, xin Ngài hiển linh cho con cháu con sống được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, và các bất hòa trong con cháu sẽ được giải quyết tốt.
Sau khi thắp nhang, tôi thấy tấm bia, theo lời các anh Miên và anh Thuận vốn ở mộ cũ trước khi bị giải tỏa, đã được dời qua đây và lập lại ở ngôi mộ mới này, tấm bia ghi rõ lý lịch Ngài như đã nói trên. Tấm bia này rất đặc biệt, vì không những có ghi về Ngài mà còn số bà vợ (13) và số con (19, 14 trai, 5 gái).
Sau khi thăm viếng mộ Ngài xong thì đã hơn 4 giờ chiều, xe đưa các anh về. Mọi người đều mệt, nhưng tôi thì quá mừng vì đã tìm được nguyên quán dòng họ mình ở làng Bác Vọng, Quảng Điền, Huế, và đã đến được 4 nơi liên quan với tổ tiên để đốt nhang.
Về lại Mỹ Tho, được mấy hôm sau, nhân 2 ngày nghỉ cuối tuần, 23 - 24/7/2011 tôi viết lại những điều đã thấy/nghe chỗ bà con và con cháu biết để tiếp tục công việc thăm viếng chăm sóc mồ mả ông bà mà tôi đã có phúc tìm ra.
Cuối cùng, tôi xin kính dâng lên ông bà tổ tiên, đây là phúc mà ông bà đã phù hộ cho con làm được. Con xin dâng lên ông bà: lý lịch dòng họ rất có thể như sau (tuổi Ngài và ông Nội là tuổi chính xác, còn lại là ước tính):
- Ông Nguyễn Văn Toán, ông Cố của Ngài Nguyễn Văn Thành, gốc gác ở làng Bác Vọng, đã vào Gia Định (theo sử).
- Ông Nguyễn Văn Tính, ông Nội của Ngài Nguyễn Văn Thành, đã ở Sài Gòn rồi (theo sử).
- Ông Nguyễn Văn Hiền, là ba của Ngài Nguyễn Văn Thành, đã ở Sài Gòn. Ông Hiền tử trận ở Phú Yên khi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần đánh nhau với quân Tây Sơn (theo sử).
Như vậy, ít nhất từ đời ông Cố của Ngài là ông Nguyễn Văn Toán đã vào ở miền Nam rồi, nên gốc gác của Ngài tuy ở làng Bác Vọng Huế, nhưng đã sống ở Sài Gòn từ đời ông Cố của Ngài. Bây giờ, như hầu hết các dòng lấy đời Nguyễn Văn Thành là đời thứ 1.
- Đời thứ 1, Ngài Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1758, như vậy nếu tính đến năm nay (2011) thì Ngài khoảng 253 tuổi (thọ 60 tuổi) (theo sử).
- Đời thứ 2, Ngài có nhiều con, do có tới 13 bà vợ, trong đó có Nguyễn Văn Thuyên…, ước số con Ngài thuộc đời thứ 1, khoảng 236 tuổi.
Theo em Duy ở Cần Giuộc thì dòng ở Đình Thái Hưng là con cháu của ông Nguyễn Văn Hàm. Em Duy có khả năng ngoại cảm, em có thể gặp ông Nguyễn Văn Thành và ông Nguyễn Văn Hàm, là 1 trong 5 con trai của ông Nguyễn Văn Thành với bà Võ Thị Phú (xem bia mộ Nguyễn Văn Thành).
- Đời thứ 3, Nguyễn Văn Ngươn là ông Sơ của Nguyễn Minh Châu. Ông Nguyễn Văn Chơn, là cháu nội Ngài, ước là 211 tuổi. Ông Ngươn còn có tên khác là Nguyễn Văn Chánh (theo hồ sơ em tôi đang cất giữ).
Theo lời anh Thuận thì cũng thuộc đời thứ 2 có ông Nguyễn Văn Hiển chạy về ở Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang lập chùa Phi Lai. Ông này là một Hòa thượng nổi tiếng của Nam kỳ. Ông là Nguyễn Văn Hiển (1861-1933), pháp danh Như Hiền, trụ trì chùa Phi Lai (chùa Phi Lai, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, Châu Đốc), còn gọi là Tổ Phi Lai, một trong các danh tăng của Phật giáo Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Ngươn có vợ là bà Ngô Thị Sắt, hiện nay còn mộ ở xã Bình Nhựt, Bến Lức, Long An (gần chỗ ở dòng em Duy).
- Đời thứ 4 là ông Cố của Châu, tên là Nguyễn Văn Bành, sinh năm 1858 (tự khai), 153 tuổi (2011). Nghe anh Hai Rê nói mộ ông Cố nằm ở Sài Gòn, đã bị giải tỏa lâu rồi, lúc đó con cháu không hay để cải táng.
Nhận xét của tôi: Ông Cố Bành phải là người rất khá giả mới xây được nhà 117B rất to đến ba gian vào năm 1910 (lúc đó ông Cố tôi 51 tuổi) và mua đất để xây Đình Thái Hưng rất lớn vào năm 1920 (lúc xây Đình Thái Hưng ông Cố tôi 62 tuổi).
Nhận xét tiếp theo, ông Cố mua đất lập Đình Thái Hưng, như vậy ông rất biết đến tổ tiên, vậy tại sao ông Cố chỉ để lại cho con cháu tên cha của ông là Nguyễn Văn Ngươn, mà không để lại tên ông Nội của mình?. Thêm một minh chứng cho việc có thể ông Nội của ông Cố có liên quan đến Nguyễn Văn Thành?.
- Đời thứ 5 là ông Nội của Châu, tên là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1875, 136 tuổi (2011), làm quan Tri phủ, bà Nội là Đặng Thị Điệu quê ở xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức, Tp. HCM, dòng Đặng Trung hiện nay còn ở xã Tăng Nhơn Phú, quận 9, rất nhiều người.
- Đời thứ 6 là cha tôi, ông Nguyễn Minh Cảnh, sinh năm 1922, 89 tuổi (2011). Mẹ tôi là Nguyễn Ngọc Nữ, quê ở xã Bình Khánh, Nhà Bè, Tp. HCM.
- Đời thứ 7 là Nguyễn Minh Châu, 57 tuổi (2011), vợ tôi là Lê Thị Thu Hồng, người Huế, gốc ở An Cựu, Huế.
Ghi chú:
- Anh Thuận cùng trang lứa tuổi với tôi (anh Thuận sinh năm 1952), anh Thuận cho biết anh cũng thuộc đời thứ 7 như tôi).
- Cách tính từ đời ông Nội tôi sinh năm 1875, mỗi đời trên cộng 25-30 tuổi, đến đời ông Thành 253 tuổi, thật ra không thể nói chính xác tôi thuộc đời thứ 7 như trên, vì có những đời khoảng cách cha con không phải 25 tuổi, như trường hợp ông Nội tôi lớn hơn cha tôi đến 47 tuổi. Nhưng có những việc chưa chứng minh được thì tin thôi, như em Duy cũng là hậu duệ của Ngài nói như vậy với tôi, các dòng con cháu khác của Nguyễn Văn Thành cũng đều như vậy chứ bằng chứng thì không dòng nào có, chỉ nghe ông bà kể lại như dòng ở Đình Thái Hưng mà thôi.
Công việc tiếp theo sau này là:
- Ghi tên anh em ruột của ông Nội tôi.
- Từ đời ông Nội tôi (2 vợ), ghi tên các con, các cháu nội, ngoại và các chắt của ông Nội tôi.
- Từ đời ba tôi (2 vợ), ghi thêm tên các chị, các em tôi, và tên các con, và các cháu của tôi.
- Xong gửi cho bà con là cháu, chắt của ông Nội tôi.
- Nguyễn Minh Châu ghi xong ngày 24/7/2011, viết mất 2 ngày nghỉ cuối tuần.
- Bản chỉnh sửa lại xong ngày 03/8/2011 sau khi gặp anh Hai Rê nhân ngày Giỗ ông Nội năm 2011.
- Sửa lại ngày 04/10/2011, khi đi công tác ở Hà Nội.
- Sửa lại tháng 7/2012 sau khi gặp chị Nhung ở Hoa Kỳ về nước.
- Bản chỉnh sửa ngày 30/7/2012 sau khi gặp em Duy để bàn bạc việc cúng Chẩn tế cho ông bà tổ tiên sắp tới vào tháng 7 âm lịch năm 2012 (em Duy cho biết cũng như trường hợp dòng ở Đình Thái Hưng, các dòng khác đều không biết rõ tên ông dòng thứ 2 của mình, chỉ được nghe kể như dòng Thái Hưng, nhưng các dòng đều có một điểm chung là có đình thờ Nguyễn Văn Thành trong làng nơi mình ở, do ông bà lập nên để thờ ông Nguyễn Văn Thành).
- Bản có bổ sung các chi tiết năm xây dựng Đình Thái Hưng vào tháng 9/2013 để đưa vào Tuyển tập “Các dòng, con cháu Nguyễn Văn Thành”, nhân ngày Hội thảo về Ngài Nguyễn Văn Thành tại Hà Nội, sẽ được tổ chức vào tháng 12/2013). Hội thảo do các dòng con cháu Nguyễn Văn Thành đồng tổ chức.
Mỹ Tho, ngày 04 tháng 10 năm 2011 lần đầu, lần ngày 30/7/2012, và lần tháng 8/2012 chuẩn bị Lễ Chẩn tế 20/7 âl năm Nhâm Thìn và sau khi đi Tân Châu về tháng 10/2013
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Phúc Vinh Ba, 4/2011. Chén rượu rót đầu ghềnh của Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Tạp chí Văn Hoá Phật giáo.
Nguyễn Văn Thành. Bách khoa toàn thư Wikipedia.
Thi Long, 2003. Nhà Nguyễn chín chúa, mười ba vua. NXB Đà Nẵng.
Phạm Khắc Hòe, 2010. Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn. NXB Thuận Hóa.
Viện Sử học, Viện KHXH Việt Nam, 1993. Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hoá, Huế. (Đây là tài liệu chính thống sử học, anh Miên photo cho tôi).
Lời kể của anh Nguyễn Văn Thuận, cháu đời thứ 7 của Ngài, cho tôi chi tiết ghi trên tấm bia đá đặt ở mộ Ngài hiện nay và bản Sắc Gia ân của vua Tự Đức.
Lời kể của anh Hai Rê, là anh em cô cậu với tôi, người còn nhớ rõ việc bà Nội tôi kể, anh lớn hơn tôi 17 tuổi. Nay tuy anh đã 74 tuổi, nhưng anh còn nhớ rất rõ chuyện 50 - 60 năm trước. Anh nói sắc thần để ở nhà mình là do mình là con cháu của Ngài, và do vậy ông Cố Nguyễn Văn Bành mới lập Đình để thờ Ngài. Lúc đó (hồi đó), không ai dám gọi Ngài bằng tên, cho nên bà Nội chỉ kể con cháu mình là dòng họ của Ngài.
Lời kể của chị Hai (Nhung), và Bé Năm, con chị thứ Hai của tôi. Chị là người ở với ông bà Nội tôi lúc từ nhỏ cho đến lớn. Chị nghe bà Nội kể ông Cố Bành đi rước sắc thần về thờ ở nhà 117B trong nhiều năm, sau đó mới đem sắc ra thờ ở nhà bác Năm. Đặc biệt, chị tin Ngài bên Đình là Nguyễn Văn Thành khi về Việt Nam năm 2012.
Tờ hiến đất xây Đình Thái Hưng do ông Nội viết năm 1962, chứng tỏ Ngài là ông của dòng họ thì ông Bành mới hiến đất xây Đình Thái Hưng.
Tờ ông Nội ghi lại ngày đám giỗ ông bà Sơ Ngươn, ông bà Cố Bành (tờ này để ở nhà bác Năm, do anh Hai Rê mượn rồi đưa Châu ghi lại)