ĐỨC LÊ (Theo baobinhduong.org.vn)
Sáng ngày 04/01/2015, tại phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đã diễn ra buổi lễ đón nhận bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho di tích Đình Tân An.
Đình Tân An cách trung tâm Thành phố Thủ Dầu Một khoảng 7km về hướng Tây Bắc, tọa lạc tại ấp 1, xã Tân An, Thành phố Thủ Dầu Một. Đình Tân An (hay còn gọi là Đình Bến Thế) được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đếnsinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này. Tương truyền đình là do dân của 4 xã Tương Hiệp (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa và Cầu Định (nay là Định Hòa) đã chung sức xây dựng. Đình Tân An là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm bằng gỗ Sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc.
Vào ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân thờ tự. Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Chưởng trung quân, Bình Tây đại tướng quân, Quận công Nguyễn Văn Thành, một vị quan đứng đầu triều Nguyễn dưới thời trị vì của vua Gia Long.
Nhân dân lập đình để thờ vị đại quan đã tuẫn tiết và làm cả Mả vọng (theo tài liệu của Ban Quản lý di tích tỉnh thì mả này nằm gần ngã tư Cây Me giữa ranh giới 2 xã Định Hòa và Tương Bình Hiệp). Một vị đại quan có nhiều công lao giúp dân địa phương mở làng lập ấp tại vùng rừng núi hoang sơ. Đình lúc đầu chỉ là mấy gian nhà ngói đỏ, sau đó tiên tổ dòng họ Nguyễn (Tiền hiền và Hậu hiền) của ông Nguyễn Tri Quang hiện ở xã Tân An là hậu duệ đã sửa sang trùng tu, nâng cấp. Hiện tại nhà ông Nguyễn Tri Quang còn giữ sắc phong của đình do vua Tự Đức phong.
Tuy Đình xây dựng cách đây đã gần 200 năm nhưng đình làng Tân An ngày nay vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống, bảo tồn được tập tục thờ cúng. Lễ cúng đình được tổ chức hàng năm nhưng theo lệ (tam niên đáo lệ Kỳ yên) cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu đình Tân An tổ chức lễ cúng kỳ yên rất lớn kéo dài từ ngày 14 đến ngày 16-11 âm lịch.
Trong lễ cúng có nghi lễ rước sắc phong, có mời đoàn hát bội đến hát. Những ngày cúng đình nơi đây thật sự là những ngày hội làng truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh đến tham dự.
Rước sắc thần ngày Lễ hội Đình Tân An
Đình Tân An được xây dựng theo lối kiến trúc của đình thờ Thành hoàng bổn cảnh phổ biến ở Việt Nam, mang đậm tính chất truyền thống. Bên cạnh những giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc, thì đình Tân An còn đặc biệt lưu giữ được nét đẹp cổ kính. Ai đã từng biết đến đình Tân An sẽ rất khó quên hình ảnh chiếc cổng đình độc đáo đầy chất cổ tích với cây đa mọc bên trên, bao phủ bộ rễ quanh cổng đình rêu phong.
Thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ tĩnh mịch hàng trăm năm tuổi là mái đình rêu phong, nơi lưu giữ đời sống văn hóa, tâm linh của những lớp cư dân đầu tiên đến đây từ những ngày đầu xây dựng, hình thành làng xã.
Khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ Đức Quận Công
Nét đẹp cổ kính còn lưu giữ được của đình Tân An đã đi vào điện ảnh, trở thành bối cảnh của hàng trăm bộ phim Việt. Ông Lê Văn Đức, người lo việc coi giữ, nhang đèn trong đình nói ông không thể nhớ hết đã có bao nhiêu đoàn làm phim đến đây, vì từ lâu đình đã được chọn làm bối cảnh cho rất nhiều thể loại từ phim cổ tích, phim lịch sử, ca nhạc…
Ông Lê Phan Thuần - Phó Giám đốc Sở VH-TT và Du lịch tỉnh Bình Dương,
thừa ủy quyền Bộ VHTTDL trao Quyết định xếp hạng di tích
Đình Tân An được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ - BVHTTDL ngày 26/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bia ghi nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia
Đây là sự kiện quan trọng góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá truyền thống cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đức Lê