LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

GIAI THOẠI VĂN HỌC: VÌ KHOE KHOANG NÊN MẤT MẠNG

Ban biên tập website honguyenquancong.com

(Nguyễn Duy Hưng ghi theo lời kể của phụ thân Nguyễn Tự Huy, năm 1970)

Trên chuyến đò về Kinh dự thi một nho sinh mặt mày tuấn tú, lanh lợi có phần ngạo mạn về khả năng học tập của mình. Cùng đi trên chuyến đò có một cô gái xinh đẹp đoan trang ra dáng con gái nhà quyền quý, đi bên cô một người hầu gái xách theo hành trang. Thấy cô gái đẹp, anh nho sinh muốn làm quen đi đến gần cô gái bèn ngâm 1 bài thơ tỏ ý vừa khoe khoang, vừa tán tỉnh, chọc ghẹo. Thấy thái độ anh nho sinh rất tự mãn, hợm mình, cô gái cũng có chủ ý riêng. Thấy anh nho sinh cầm hòn đá đánh lửa để hút thuốc (Ngày xưa chưa có diêm, muốn có lửa phải dùng 2 hòn đá cọ xát với nhau và dùng rơm mồi lửa) Cô gái bèn giật luôn hòn đá lửa ném xuống sông. Anh nho sinh bắt đền cô gái, hai  bên lời qua tiếng lại.... Cô gái bèn nói với anh nho sinh và tất cả mọi người đi trên đò rằng: Nếu cô ra vế đối, anh nho sinh đối lại được thì cô ta sẽ nhảy xuống sông để vớt hòn đá trả lại cho anh và tình nguyện làm vợ của anh. Anh nho sinh đồng ý trước sự chứng kiến của mọi người. Cô gái đọc vế ra:

              “ Hỏa Thạch tại Trung, trầm thủy để thiên niên bất dịch” (Ý nói hòn đá lửa ném xuống giữa dòng sông vẫn tồn tại hàng ngàn năm không xuy xuyển)

Anh nho sinh ớ người mãi mà không đối lại được vế ra, trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn với cô gái và khách qua đò. Đò cập bến, anh xin lỗi mọi người và đề nghị với nhà đò cùng cô gái chèo đò ra giữa dòng sông nơi cô gái ném đá xuống để anh sẽ đọc vế đối. Tới nơi, anh gieo mình xuống dòng sông tự vẫn, dòng nước chảy mạnh, anh nho sinh mất mạng. Cô gái rất ân hận về sự việc đùa cợt với anh nho sinh. Từ đó trở đi oan hồn anh nho sinh thường lặn ngụp ở khúc sông này. Mỗi khi thuyền qua sông anh ta bám vào thành thuyền đọc vế ra của câu đối và yêu cầu người trên thuyền đối lại; Nếu không đối được oan hồn anh nho sinh tạo cơn sóng gió nhấn chìm thuyền bè qua sông. Bến đò sang ngang vào Kinh thành đành phải dịch lên thượng nguồn vài chục dặm, giao thông đi lại bị ách tắc.

Nhiều năm sau có 1 anh nho sinh nhà nghèo, học giỏi nhưng có chí, vác lều chõng vào kinh dự thi. Đi tới bến đò cũ do thời gian dự thi quá gấp không thể lên bến đò thượng nguồn vì chậm thời gian. Anh gọi nhà đò nhưng không ai dám chở và kể lại cho anh nho sinh câu chuyện cũ. Anh nho sinh bèn tmượn đò của chủ và tự mình chèo đò qua sông. Đò đến giữa sông, tự nhiên sóng nước nổi lên ầm ầm, rồi một bóng ma ngoi lên mặt nước, bám vào mạn thuyền và đọc vế ra của câu đối:

“Hỏa thạch tại trung, trầm thủy để thiên niên bất dịch” Đối là gì?

Chàng nho sinh trẻ chỉ con ma mắng rằng: mi là kẻ dốt nát, tính tình kiêu căng, hợm mình, mi bị chết là xứng đáng không oan ức gì. Ta đối lại cho mi nghe:

“Nguyệt cư thiên thượng, chiếu thế gian vạn đại vô cùng”

(Ý nói mặt trăng ở trên trời chiếu xuống thế gian mãi mãi, vô cùng)

Sau khi nghe xong vế đối, con ma bị thần phục anh học trò nghèo và lặn ngay xuống sông biến mất. Từ đó khúc sông trở lại cảnh thanh bình như xưa, bến đò lại dời về chỗ cũ, khách thập phương đi lại qua đò thật đông vui.

Hà Nội, tháng 09 năm 2022

Nguyễn Duy Hưng