Ban biên tập website honguyenquancong.com
Đất nước ta sau hàng trăm năm cát cứ bị các tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh, Nguyễn… chia cắt nhiều năm… mặc dầu Nguyễn Ánh đã thống nhất lại đất nước, nhưng bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ còn nhiều rối ren về an ninh, trật tự: giặc giã, trộm cướp, các thế lực phong kiến tàn dư của nhà Lê-Trịnh, … còn hoạt động chống phá. Trong khi đó, quan lại địa phương chưa có cơ sở để xét xử các vụ án thì nhu cầu cấp thiết về một bộ luật mới áp dụng thống nhất cho cả nước được đặt ra. Tháng Giêng năm Tân Mùi (1811) nhà vua sai Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu “Khảo xét những pháp lệnh, điển lệ của triều, tham hội với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh… san định và biên soạn luật lệ”. Tháng 7 năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812) bộ luật đã hoàn thành lấy tên là Hoàng Việt luật lệ được đem ra khắc in. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sách luật xong, Vua sai Nguyễn Văn Thành và Vũ Trinh sửa định các điều luật lệ, phàm 398 điều”… Song vào thời điểm năm 1813, bộ luật này chỉ mới được đưa khắc in chứ chưa ban hành để áp dụng. Tháng 8 năm Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815) Nhà vua tuyên chiếu như sau: “Ban Hoàng Việt luật lệ cho trong ngoài. Chiếu rằng: “… từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt. Quan lại trong ngoài đều nên lưu tâm nghiên cứu. Dẫn dụng xử đoán cần phải rõ ràng, khiến cho hình được công bằng, không ai bị oan lạm, để báo đáp tấm lòng cẩn thận sự phạt thương xót việc hình của trẫm” …. Từ năm Mậu Dần (1818) trở đi thì xử trị theo luật”. Bộ luật Gia Long là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn được cho ban hành năm 1815 gồm 22 quyển và 398 điều. Chi tiết như sau: Cuốn thứ 1: mục lục điều luật, bảng (hay đồ), chế độ về trang phục tang, diễn giải thuật ngữ, hình vẽ về hình cụ; Cuốn thứ 2 và 3: 45 điều danh lệ; Cuốn thứ 4 và 5: 27 điều lại luật Cuốn thứ 6, 7 và 8: 66 điều hộ luật (Hộ dịch, ruộng đất nhà cửa, kho tàng, tiền nong, chợ búa); Cuốn thứ 9: 26 điều lễ luật (tế tự, nghi chế); Cuốn thứ 10 và 11: 58 điều binh luật (Vệ binh trong cung cấm, quân chính, bến bãi); Cuốn thứ 12 đến 20: 166 điều hình luật (trộm cướp, nhân mạng, đánh nhau, chửi nhau, kiện tụng, giả dối, dâm ô, tạp phạm, bắt bớ, xét hỏi); Cuốn thứ 21: 10 điều công luật (xây dựng, đê điều); Cuốn thứ 22: dẫn điều luật. Nội dung Hoàng Việt luật lệ được xây dựng trên cơ sở khảo xét, tham chiếu bộ luật Hồng Đức (là bộ luật của nhà Lê), và bộ luật của nhà Thanh, tuy nhiên đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ.
Hoàng Việt luật lệ viết bằng chữ Hán, đến năm 1994 hai dịch giả Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Văn Tài đã dịch ra chữ quốc ngữ (Tiếng Việt) và in bộ sách Hoàng Việt Luật lệ thành 5 tập. Bộ sách nguyên bản bằng chữ Hán chúng tôi đã sưu tập tại Thư viện quốc gia Cộng hoà Pháp, hiện đang in và đóng quyển để lưu giữ trong nhà thờ Tổ Họ Nguyễn Quận Công!