Tác giả Đào Trinh Nhất
(trích trong tác phẩm: Con trời ngã xuống đất đen)
Lịch sử nước nào cũng có những vụ án bí mật, li kỳ, tuy đã kết thúc từ trăm năm, ngàn năm trước, nhưng mà hậu thế sau này mỗi khi mở lại hồ sơ, vẫn phải ngờ vực phân vân, sự khúc trực, thị phi chả biết lấy đâu làm định luận.
Người này bảo xử thế là phải, người kia cho là bất công; Tôi nhận thấy chỗ bi thảm, oan khiên ông lại có cảm giác khoái ý; Chẳng qua chúng chỉ tùy quan niệm riêng mà xét định, cũng như đứng ở lũy mình cho lũy đằng trước là giặc thế thôi, còn có cái lý tưởng lịch sử bên trong để làm chỗ dựa, thì chúng ta thường bỏ qua, không kể đến.
Xã hội càng văn minh, hình như lịch sử càng có nhiều nghi án nhiều hơn. Ai xem bộ “Les grands Procès de l’histoie” (Những vụ án lớn trong lịch sử) của Henri - trạng sư đại danh và có chân trong Hàn lâm viện Pháp - tất đã nhận thấy trong lịch sử các nước Âu châu ngày xưa, có biết bao nhiêu nghi án lạ lùng, mà lẽ thị phi đến nay dư luận còn xét, còn bàn, còn tìm chứng cứ thêm mãi.
Người nào muốn sưu tầm những vụ án lớn trong lịch sử Đông phương mà viết thành sách, có lẽ vài ba chục quyển vẫn chưa đủ. Đất nước chúng ta có lịch sử trên bốn ngàn năm với nhiều triều đại phong kiến lúc thịnh, lúc suy…không thiếu gì nghi án nên chép.
Ở đây xin thuật lại hai vụ nghi án vào hồi cận đại, có lẽ bí mật, lí thú và bi thảm nhất….
1. Vụ án Nguyễn Trãi, Thị Lộ phạm tội giết người.
Thủ phạm Nguyễn Trãi 63 tuổi, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phước. tỉnh Hà Nội, (tức phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông ngày nay).
Tòng phạm là Thị Lộ, cũng họ Nguyễn, quê quán ở đâu không rõ chỉ biết là một cô hàng chiếu mà thủ phạm cưới về làm nàng hầu từ lúc nàng mới mười sáu tuổi, đến hồi can vào vụ án tày đình này chừng ngoài hai mươi. Người bị giết – chà to chuyện quá – chính là đương triều thiên tử: vua Lê Thái Tôn 20 tuổi.
Nơi xảy ra án mạng là một khu vườn trồng cây vải (Lệ Chi Viên) ở huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh), vào khoảng tháng bảy năm Nhâm Tuất, Tây lịch 1442).
Các ngài xem hồ sơ, sẽ thấy là một vụ án khuất khúc, li kỳ bên trong có pha chút thần thoại, dị đoan là khác.
Ông Nguyễn Trãi; vâng, ta phải kính trọng một bậc danh nho lương tướng có công trong lịch sử, mặc dầu mang tội khi quân. Vốn con nhà văn học, nổi tiếng hay chữ rất sớm; ngoài từ chương lại nghiên cứu cả võ nghệ binh thư nữa. Thân phụ là Nguyễn Ứng Long, hiệu Phi Khanh, đỗ Thái học sinh cuối đời Trần, ra làm quan với nhà Hồ.
Đầu thế kỉ XV nước ta có cuộc chính biến nổi loạn, gây nên bởi nhà Trần suy yếu, họ Hồ cướp ngôi. Vua nhà Minh bên Tàu thừa dịp ấy, sai bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc đem binh sang đánh, rồi chiếm cứ nước ta, định nuốt làm quận huyện như việc Hán, Đường đã làm trước. Các ngài đọc sử tất nhớ giai đoạn này, người Minh cai trị nước ta thật hiểm ác như thế nào. Ngoài những thủ đoạn bóc lột, thuế nặng sưu cao; ngoài những ngược chính bắt dân lên rừng khai mỏ, xuống bể mò ngọc trai, để họ đem của về Tàu, họ lại dụng tâm tiêu diệt cả nhân tài và tư tưởng, học thuật riêng của nhân dân ta.
Bởi vậy, họ thu nhặt những sách vở từ đời Lý,Trần của ta đem về Kim Lăng lưu trữ. Nào chỉ có thế mà thôi, họ lại lùng khắp trong xứ, phàm ai có học thức giỏi, có tài nghệ riêng đến thợ mộc, thợ rèn, thầy tu, thầy bói, một chốc bắt hàng ngàn, hàng vạn người, giải về Tàu an trí.
Ông Nguyễn Phi Khanh sung vào số nhân tài bị bắt đó. Nhất định phải cứu nạn nước báo thù cha, ông Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn, phò tá ông Lê Lợi khởi binh đánh giặc.
Trong mười năm, Bình Định Vương đánh quân Minh, ông là quân sư, là mưu thần, là nho tướng, là nhà ngoại giao; phàm việc binh cơ quốc sự, ông đều được Vua bàn hỏi rồi quyết định, công lao rất lớn.
Năm 1428, sau khi quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà Lê dựng nghiệp Đế Vương, ông được kể vào hạng khai quốc đệ nhất công thần, phong tước Quan nhục hầu, bài Bình Ngô đại cáo của ông văn chương hung hồn, ý chí lẫm liệt, truyền tụng đến bên Tàu, bên Nhật, chính vua Tuyên Đức nhà Minh bị gọi tên kể tội trong đó, cũng phải chịu là văn hay.
Hết chim treo cung trên vách, hết thỏ thì mổ chó săn, thường tình các ông vua sáng nghiệp đời xưa vẫn thế. Lúc còn chinh chiến gian nan, thề cùng phú quí; nhưng sau loạn yên giặc hết, ngất ngưởng làm vua thì mười ông như một, đâm ra nghi kị công thần, kiếm chuyện chém giết người ta.
Vua Lê Thái Tổ khởi nghiệp từ lúc hàn vi vốn có độ lượng, mà lúc dựng lên đế nghiệp rồi cũng không khỏi nghe lời dèm pha, sát hại những người như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, từng có công to với mình. Trứng để đầu đẳng, ông Trãi biết mình sẽ tự nguy; nhờ biết giữ mình khéo léo mới tránh được họa. Nhưng mà những kẻ ganh ghét tài năng danh vị của ông, ở trong triều và bên cạnh Vua lúc nào cũng sẵn; họ chỉ lăm lăm vồ lấy cơ hội, để dìm ông xuống đất đen.
Cách mấy năm sau đến triều vua Thái Tôn, ông cố xin nghỉ hưu trí, thích phong cảnh núi Côn Sơn (ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh, Hải Dương) bèn về làm nhà ở đấy.
Lúc ấy ông ngót sau mươi tuổi. Cuộc đời qui ẩn đầy vẻ lạc thú thanh cao: ngày ngày làm bạn với bầu rượu túi thơ, xa hẳn mọi sự làm cho mình rát tai bực trí; ngoài mươi cậu tiểu đồng đến nghe giảng học, mấy vị lương lão làm việc nông trang, trong nhà có nàng hầu Thị Lộ trẻ đẹp lại theo đòi ít nhiều bút nghiên, tóc bạc má hồng không đến nỗi cô tịch.
Một đời hiểm nguy đã trải, công danh đã thừa, bây giờ trời cho tuổi thọ cảnh nhàn, sống giữa thanh sơn hồng phấn thế này ông Trãi thấy yên vui, sung sướng vô cùng, trong tâm ý cầm chắc mình được trọn hưởng tuổi già, không còn có điều gì còn băn khoăn trắc trở.
Chợt một hôm, có tin báo Hoàng thượng ngự giá Đông tuần, đạo ngự sẽ chảy qua Côn Sơn.
Ông Trãi lấy tư cách lão thần và gia chủ, đón xa giá ở Côn Sơn, rước về nhà mình trú tất một ngày…
Nhà ông hôm ấy đổi làm hành cung.
Vua tôi gặp nhau rất vui vẻ:
- Ta lấy làm mừng được trông thấy khanh hồng hào khỏe mạnh hơn xưa! Vua Lê Thái Tôn nói.
- Nhờ hồng phúc thành thượng, lão thần được vui hưởng tàn niên trong cảnh thái bình thật là vạn hạnh! Ông Trãi tâu.
- Còn Thị Lộ hồi này thế nào? Nàng có nhớ lại những ngày làm thơ, dạy học trong cung cấm chăng?
- Muôn tâu: Đức trạch của Hoàng triều thấm nhuần khắp thiên hạ, dù một kẻ thất phu, thất phụ cũng được bao dung che chở, huống chi cả nhà lão thần chịu ơn mưa móc rất nhiều.
Ông hiểu ý nhà vua, liền gọi Thị Lộ ra làm lễ bái kiến.
Hôm sau Lê Thái Tôn từ giã Côn Sơn, bảo ông Trãi:
- Ta cần đem Thị Lộ đi theo, để nàng giúp việc hàn mặc.
- Thánh chỉ đã định lão thần dám đâu không tuân.
Ông tâu thế, nhưng trong lòng hẳn cũng buồn. Đạo trung Vua buộc phải chịu hy sinh cả tình ái. Thị Lộ đi hầu vua.
Nghĩa chữ hầu thế nào ai đoán cũng thừa biết.
Lúc về tới huyện Gia Định, Thái Tôn thấy vườn Lệ Chi phong cảnh u nhã, nên thơ, bèn nghi xa giá ở đấy một đêm.
Sáng sớm các quan hộ giá vào chầu một cái xác “rồng” đã lạnh.
Tuy sử không chép rõ, nhưng chắc hẳn nhà Vua quá chén và quá yêu Thị Lộ mà trúng phong bạo tử đâu hồi nửa đêm.
Triều đình phần nhiều không ưa ông Trãi sẵn vớ ngay lấy cơ hội bất thường này, buộc ông vào tội giết vua.
Ở đời Xuân thu, Triệu Thuẫn có giết vua Tấn Linh Công đâu, nhưng sử quan là Đổng Hồ nhất định chép rằng: Triệu Thuẫn giết vua Di Cao (tên vua Tấn), Khổng Tử khen là nhà chép sử đúng. Chỉ vì họ Triệu làm tướng quốc, biết có kẻ làm loạn thần sửa soạn giết vua, lại bỏ chạy ra nước ngoài; đến lúc trở về cũng không trị tội thủ phạm; như thế chẳng phải Triệu Thuẫn giết vua là gì; Đời Xuân Thu, người ta buộc tội cái tâm, cái ý hơn là chính việc.
Vô Luận ông Trãi tự dâng Thị Lộ hầu vua, hay tự vua đòi nàng mà ông phải tuân mệnh ai mà biết. Chỉ biết vì Thị Lộ mà vua qua đời bất thình lình, mà Thị Lộ lại là ái thiếp của ông, cho nên triều đình lấy cớ buộc ông vào tội đại nghịch.
Đáng thương cho ông người có công nghiệp cứu quốc, kết cuộc chỉ vì cô hầu non mà bị chết chém cả nhà, trừ bà vợ cùng con gái phải đày đọa làm tôi tớ nhà quan. May được người hầu thứ ba là Phạm Thị Mãn chạy thoát, sau đẻ ra Nguyễn Anh Võ, nhà ông mới khỏi tuyệt tự.
Người ta nói Thị Lộ là con rắn hóa người, cốt báo thù, làm hại ông Trãi, cho nên khi báo thù được rồi, ông ra pháp trường chịu hình, còn nàng thì chạy xuống sông biến mất.
Đó là chuyện thần quái dị đoan, hẳn người có kiến thức sẽ không tin; Mà không tin là phải!
Chẳng qua người đời lúc bấy giờ thương ông oan uổng, mà lại vì lòng tôn quân cho đến nhất thiết ngậm hơi nhắm mắt không dám phi nghị vua, cho nên bịa đặt chuyện con rắn phục thù để bênh vực ông Trãi, và thần thánh hóa một chuyện rất giản dị tầm thường, có thể tóm lại hai chữ “hiếu sắc”.
Thật thế, chỉ tại vua Thái Tôn hiếu sắc lụy thân, rồi người ta nhân dịp đổ tội cho ông Trãi vì sự ganh ghét, vì chuyện tư hiềm, chứ không phải con rắn nào phục thù báo oán theo thuyết hoang đường.
Chứng cớ đâu?
Ta cứ xem những sách có chép về vụ án bí mật này, như Khâm định Việt sử, Ức Trai di tập, Dã sử tạp biên,v.v… rồi chịu khó suy nghĩ sẽ tìm thấy sự việc ẩn khúc bên trong.
Ông Trãi lấy Thị Lộ khi ông còn làm quan tại triều. Hai bài thơ “chiếu gon” xướng họa mà người đời truyền tụng là một giai thoại văn chương đáng tin là việc có thật. Thấy cô bé hàng chiếu có tài, ông cưới về làm nàng hầu thứ ba, cuộc nhân duyên danh sĩ giai nhân chắc là đầm ấm vui vẻ.
Khổ cho ông là cái tài hoa của nàng lại truyền đến tai vua.
Vua Lê Thái Tôn nghe tiếng Thị Lộ trẻ đẹp, hay chữ, liền triệu vào cung cho làm chức lễ nghi học sĩ, để dạy các bà nội cung. Thường khi nhà vua cùng nàng ngâm vịnh làm vui. Từ vui vẻ đến chỗ gọi là yêu, đường đất gần lắm. Lạ gì đôi lứa thiếu niên.
Hoàng hậu lấy làm căm tức, vì thấy rõ nhà vua đối với Thị Lộ còn có cái cảm tình gì âm thầm rắc rối hơn là cảm tình văn chương; nhân thế, bà ghen với Thị Lộ và giận lây đến ông Trãi.
Giữa lúc ấy trong cung có việc hai bà thứ phi là Ngô Thị Ngọc Giao và Huệ Phi cũng bị hoàng hậu ghen ghét, vu cho tội phản nghịch.
Nào phải chuyện to tát gì?
Sử chép: Ngô Thị Ngọc Giao kể mình nằm mộng thấy trời cho kim tiên đồng tử giáng sinh, còn Huệ Phi thì cầu con bằng thuật đồng bóng. Hoàng Hậu vin cớ mưu nghịch, xin vua giết Huệ Phi, và cả Ngọc Giao, mặc dầu bà này đang có thai nghén.
Ông Trãi bảo Thị Lộ xin vua tha cho Ngọc Giao. Thử nghe mấy lời nàng nói với Thái Tôn, đủ biết sự thân mật sủng hạnh thế nào: “chẳng qua Hoàng Hậu ghen ghét Ngô Thị mà thêu dệt cho nặng tội đó thôi, nếu Ngô Thị có phản nghịch thì tôi xin chịu tội”.
Thái Tôn nghe theo, truyền giam Ngô Thị trong chùa Huy Văn. Ông Trãi sai người hầu hạ; mấy tháng sau Ngô Thị sinh ra Hoàng tử Tư Thành, sau này là Lê Thánh Tôn, một ông vua anh minh nhất đời Nhà Lê, và có lẽ là ông vua anh minh nhất trong lịch sử nước ta.
Hoàng hậu càng thêm căm ghét Thị Lộ và ông Trãi, lại toan mưu ám sát mẹ con Ngô Thị. Nhưng Thị Lộ dò biết âm mưu ấy, vội vàng bảo Ngô Thị đi trốn, còn đứa trẻ thì giao cho vú nuôi. Đến khi thích khách tới chùa Huy Văn thì mẹ con Ngô Thị đã xa chạy cao bay rồi, tìm đâu chẳng thấy tung tích nữa. Hoàng hậu thừa hiểu Thị Lộ bày mưu, nhưng nàng được vua yêu thương che chở dù bà ở ngôi chánh cung cũng không thể động đến được.
Có điều, giữa Thị Lộ với Nhà Vua có tình luyến ái, chả rõ ông Trãi có biết hay không; Dù biết đi chăng nữa, thiết tưởng ông là nhà nho khoáng đạt, tất chỉ coi sự ấy là bình thường. Huống chi cảnh ngộ ấy rất khó; tình địch của ông nào phải một đồng liêu hay kẻ vai dưới cho cam; tình địch chính là đức vua, một người ở trên tất cả mọi người mà ông phải kính, phải thờ, phải chịu hi sinh tất cả.
Cố nhiên ta không thể nào nghi ngờ ông có ý định lợi dụng tình luyến ái giữa Thái Tôn và Thị Lộ, để mưu cầu được giữ vững địa vị phú quý của mình.
Chứng cứ là ông chán chường thành thị thích về non xanh, đã hai ba phen xin trí sĩ, nhưng hai ba phen Thái Tôn cầm giữ, mãi đến lần chót mới chịu để ông về hưu. Nhà vua lưu luyến ông tức là lưu luyến Thị Lộ. Ông từ giã triều đình tức là Thị Lộ xa vắng cung cấm. Một khi ông treo ấn từ quan, đạo tòng phu buộc nàng phải theo ông về ở Côn Sơn.
Ở thời đại chưa có điện thoại di động, lại tôn trọng lễ giáo như núi như non, hai trái tim xa nhau, tuy Thăng Long với Côn Sơn chỉ ngăn cách có mấy ngày đường, nhưng cũng là nhất biệt thiên cổ.
Chẳng bao lâu, Thái Tôn bâng khuâng tơ tưởng người yêu, bèn vẽ chuyện đi Côn Sơn duyệt binh, cho được thấy nhan sắc và gần hương trạch của Thị Lộ.
Cuộc ngự giá Côn Sơn của nhà vua, cũng như xưa kia Tề Tương Công mượn cớ đi săn để hội với Văn Khương, hay Sở Văn Vương lấy tiếng đi họp chư hầu để bắt Tức phu nhân vậy.
Rồi thì tuổi trẻ nồng nàn, tình xưa lai láng, Thái Tôn chỉ vì tửu sắc quá độ, trúng phải thượng phong mà qua đời ở Lê Chi Viên, không kịp trối trăng cứu chữa. Bọn thiếu niên chỉ biết ham hố sắc dục, không khéo gìn giữ dè dặt, gặp phải trường hợp tương tự mà đến bại thân uổng mạng là sự thường thấy.
Lột trần vụ án này, thật không có gì bí mật, chẳng phải “rắn” nào báo thù, chỉ tại “rồng” kia hiếu sắc; người cướp xuân xanh của Lê Thái Tôn không ai khác hơn là chính là Lê Thái Tôn!
Hoàng hậu nhớ lại tư hiềm, triều đình có nhiều cụ lớn chẳng ưa ông Trãi, bấy giờ a dua cùng nhau, buộc ông đến cực hình, nghĩ thật oan uổng.
Phải chờ 18 năm sau, đến ông vua thông minh, rộng lượng, là Lê Thành Tôn (1460-1497), mới hiểu thấu oan tình ông Trãi mà trả lại bằng sắc và cấp tư điền 100 mẫu cho con cháu ông, chữa lại một việc tàn nhẫn bất công của triều vua trước.
Nhưng sự gia ân ấy cũng đã quá muộn; ở trước dư luận a dua quân quyền, oan hồn ông Trãi vẫn còn đeo nặng rìu búa xuân thu suốt cả đời Lê, nhiều người không cởi cho ông cái tiếng loạn thần tặc tử. Đến bậc học vấn uyên thâm như bảng nhỡn Lê Quý Đôn cũng không khỏi có tư tưởng hẹp hòi như thế mới lạ.
Khoảng đầu triều vua Lê Hiến Tôn (1740 -1786), chúa Trịnh xa xỉ quá, đến lỗi lí tài quẫn bách, muốn đoạt lại những ruộng tư điền của công thần đời trước, để lấp vào chỗ thiếu hụt. Thị Lang Lê Quý Đôn khéo đón ý bề trên, định bắt đầu từ ruộng tư điền nhà ông Nguyễn Trãi, bèn xé mấy đạo sắc phong cho ông và nói:
- Ôi đứa loạn thần tặc tử, để sắc làm chi!
Chính ông Lê Quý Đôn kể chuyện với đình thần: lúc nói buông câu ấy khỏi miệng liền ngã vật ra bất tỉnh nhân sự, chợt thấy có toán lính đeo gươm, giải mình đến một tòa nhà cao lớn, bắt quì trước sân, nghe một vị đạo mạo ngồi trên sập, giận giữ thét mắng:
- Nhờ ta giúp vua mở nước mới có ngày nay; công danh sự nghiệp của ta, thiên hạ đều biết, ngươi là hạng gì mà dám sỉ mạ vô lễ với ta như vậy? Ngươi thường ỷ mình đỗ bảng nhãn mà lên mặt hay chữ kiêu căng với đời; ta bảo cho ngươi biết văn chương ngươi mà làm được hơn “Bình Ngô địa cáo” thì xé sắc phong ta cũng không ca than gì.
Lúc ấy nhiều người ân cần xin mãi Quý Đôn mới được tha về. Tỉnh dậy sợ toát mồ hôi, nửa ngày mới nói được, vội vàng viết sắc trả lại con cháu ông Nguyễn Trãi.
Có lẽ ông Lê Quý Đôn thốt ra một lời sống sượng với tiền nhân, rồi thì hối hận sợ hãi, thần hồn nát thần tính, mà sinh ra mộng mị thế chăng.
Chúng tôi muốn kết thúc vụ án này bằng bài thơ vịnh Quang phục hầu của ông Dương Lâm:
“Nước non Hồng lạc đến nay còn,
Tờ cáo Bình Ngô đá chưa mòn!
Sự nghiệp văn chương hai gánh nặng
Tình duyên oan trái một hầu non.
Ông cuồng trách kẻ chơi hoa rữa;
Rắn độc ngờ đâu bán chiếu gon;
Vì biết một đêm vườn Lệ thế,
Trăm năm tóc bạc vẫn môi son”. (CÒN NỮA)
Ban liên lạc website honguyenquancong.com sưu tầm