LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Hành trạng và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Văn Thành

PGS. TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học

Về vấn đề trên, Hội thảo lần này đã nhận được 5 bản tham luận của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS.TS. Lê Đình Sỹ, TS. Trương Thị Yến và Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn. Hầu hết các bản tham luận đều dựa trên cơ sở tư liệu là các bộ sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí…; hoặc bộ Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, đều thống nhất nhận định: “Nguyễn Văn Thành trong thời gian giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành và làm quan tại Kinh đô Phú Xuân đã có nhiều công lao đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, rất đáng được hậu thế ghi nhận và biết ơn. Nguyễn Văn Thành xứng đáng là một Danh nhân lịch sử của nước ta ở cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX”.

 

 

            Một trong những đóng góp nổi bật của Nguyễn Văn Thành về chính trị là trong thời kỳ làm Tổng trấn Bắc thành, ông đã có nhiều hành động để bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc. PGS.TS. Lê Đình Sỹ viết: “Có thể khẳng định trong thời kỳ giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành rất có ý thức củng cố việc phòng thủ tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Ông kiên quyết trừng trị số thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang quấy phá, cướp bóc các trấn sát vùng biên giới phía Bắc, bảo vệ đời sống yên bình cho người dân biên giới”. TS. Trương Thị Yến nhận định: “Trong thời gian giữ chức Tổng trấn, Nguyễn Văn Thành đã làm được nhiều việc để quản lý và ổn định trật tự xã hội, bảo đảm đời sống người dân ở vùng đất vốn còn nhiều sự ngưỡng vọng với nhà Lê”.

Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn muốn thông qua vụ án làm giả sắc phong thần của Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát vào năm 1811 để phân tích, đánh giá nhân cách chính trị của Nguyễn Văn Thành. Theo Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn: “Mấu chốt của vụ án “sắc giả” đầu triều Nguyễn gắn với 3 nhân vật chính, đó là Hoàng Ngũ Phúc, Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát”… Thượng thư bộ Hình Phạm Như Đăng cho rằng tội của Đặng Trần Thường nên cách chức, Nguyễn Gia Cát nên xử tử. Còn Hữu Tham tri bộ Hình là Lê Bá Phẩm luận rằng Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát tội giống nhau, nên đều xử tội chết. Còn Nguyễn Văn Thành thì không liên quan.

Nguyễn Văn Thành, vốn là người nhân ái, đối xử có tình với bạn đồng liêu, nên ông tâu trình với vua Gia Long rằng: Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát dẫu có tội, nhưng lấy công chuẩn lỗi, thì còn có Bát nghị. Chiểu theo Luật của triều Nguyễn thì Đặng Trần Thường được hưởng Nghị cố (Người có công phò tá), Nghị công (hàng công thần Trung hưng), Nghị năng (Người có tài năng lớn), Nghị quý (giữ chức cao: Thượng thư bộ Binh), còn Nguyễn Gia Cát được hưởng Nghị quý (giữ chức Tả Tham tri bộ Lễ). Để cuối cùng Nghiên cứu viên Lê Quang Chắn khẳng định: “Rõ ràng trong sự việc này, hành động của Nguyễn Văn Thành là công tư phân minh”.