LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

HẬU DUỆ QUẬN CÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH TRÊN ĐẤT AN KHÊ TỈNH GIA LAI

Ban biên tập website: honguyenquancong.com (Sưu tầm trên Báo Gia Lai Online)

Trong các “khai quốc công thần” của vua Gia Long, Nguyễn Văn Thành là nhân vật đặc biệt nhất. Tài kiêm văn võ, ông đã cùng Lê Văn Duyệt có công đầu trong việc phò Nguyễn Ánh lên ngôi, được phong Tiền quân Đô thống, tước Quận công. Thế nhưng cuối cùng, Nguyễn Văn Thành lại phải chịu một cái chết bi thảm. Chuyện đã lùi quá xa vào lịch sử và chắc không ai mảy may nghĩ rằng vùng đất dựng cơ đồ của nhà Tây Sơn lại có liên quan… 

Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Việt Quang-hậu duệ đời thứ 12 của Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành, nguyên là giáo viên THCS đã nghỉ hưu ở thị xã An Khê. Cuộc trò chuyện với ông đã giúp tôi hiểu ra cái gút thắt oái oăm nhưng không kém phần thú vị này của lịch sử.


Vụ án oan nghiệt


Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, phần chép về Nguyễn Văn Thành thì chuyện bắt đầu từ trận Đồng Cậy: “Thành tính thích uống rượu, lúc sắp lâm trận cầm be rượu rót uống, nhân mời Lê Văn Duyệt: “Nay trời rét, nên uống một chén cho thêm khí lực”. Duyệt cười nói rằng “Người nào nhát gan mới phải mượn rượu. Ta trước mặt không coi ai là cường trận, cần gì phải dùng rượu”. Thành thẹn, bởi thế để bụng giận Duyệt…”.

Các sắc phong của Nhà Vua được gia đình ông Nguyễn Việt Quang lưu giữ



Thực ra, đó chỉ là nguyên cớ trong chuỗi mâu thuẫn âm ỉ vốn có từ lâu giữa hai người. Nguyễn Văn Thành cậy mình nhiều tuổi, thông kinh sử, văn võ kiêm toàn nên coi thường Lê Văn Duyệt vốn xuất thân từ hoạn quan ít học, từng ở dưới quyền mình. Còn Lê Văn Duyệt thì ghét Nguyễn Văn Thành lúc lâm trận dũng cảm kém mình mà lại hay lên mặt… Chuyện lắng xuống một thời gian dài khi Lê Văn Duyệt được Gia Long cử làm Tổng trấn Gia Định, Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Dù vậy, Lê Văn Duyệt vẫn không quên tìm cơ hội để bức hại Nguyễn Văn Thành. Nhằm mục đích này, Lê Văn Duyệt đã dung nạp Nguyễn Hữu Nghi (từng là thuộc hạ Nguyễn Văn Thành nhưng bị phạt vì phạm lỗi) làm môn hạ. Sẵn lòng oán chủ, Nghi tìm cách cài Nguyễn Hiệu là học trò cũ của mình vào làm đầy tớ cho Nguyễn Văn Thuyên, con trai Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành. Nghi dặn Hiệu phải làm sao chiếm lòng tin của Thuyên để nắm cho được thư tín, văn bài của y, nếu thấy gì bất thường thì phải tìm cách lấy mang về cho hắn xem.

Một hôm, Hiệu trộm về cho Nghi một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Văn Thuyên gửi bạn ở Thanh Hóa, trong đó có hai câu “Thư hồi nhược đắc sơn trung tể/Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky”-nghĩa là “Sơn tể tướng non xanh này nếu gặp/Giúp nhau ta sẽ xoay chuyển vận trời”. Cho là bài thơ nuôi mưu đồ bội phản, Nghi đem trình Lê Văn Duyệt. Nhân được gọi về kinh, Lê Văn Duyệt vào chầu Gia Long trình bài thơ lên, yêu cầu đập tan mưu đồ phản loạn ngay trong trứng nước. Tuy nhiên, Gia Long cho rằng Thuyên còn trẻ, nhất thời bồng bột, một chút thơ ngông chưa đủ chứng cứ. Thấy vậy, Nghi bèn xui Nguyễn Hiệu đưa bài thơ ra dọa Nguyễn Văn Thành để đòi tiền chuộc. Nguyễn Văn Thành lập tức bắt cả Hiệu và Thuyên giao cho các quan dinh Quảng Đức, đồng thời tâu vụ việc lên vua Gia Long…

Sự việc đang được điều tra thì bỗng một tên lính hầu của Lê Văn Duyệt tên là Hữu lấy trộm ấn bị bắt. Lê Văn Duyệt tra khảo thì Hữu khai là Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành ngầm sai hắn vào hầu hạ để tìm cách đánh thuốc độc giết Duyệt. Vì không làm được nên phải trộm ấn trốn đi. Được Lê Văn Duyệt tâu lên, Gia Long sai chém đầu Hữu nhưng vẫn không đả động gì đến cha con Nguyễn Văn Thành. Thấy vậy, Lê Văn Duyệt quay sang thúc các quan phải gấp rút hoàn tất án Nguyễn Văn Thuyên… Bị tra tấn cực hình, Thuyên không chịu nổi đành phải nhận vơ mưu phản. Thế là “giậu đổ bìm leo”, các quan thuộc phe Lê Văn Duyệt đua nhau dâng sớ tố cáo Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành. Uất ức quá, một hôm sau khi bãi chầu, Nguyễn Văn Thành chạy theo níu áo Gia Long kêu khóc: “Tôi theo bệ hạ từ lúc nhỏ vốn không có tội gì, nay bị người bịa đặt hãm hại, bệ hạ nỡ nào ngồi trông cho chúng giết tôi”. Nhưng Gia Long đã cấm Nguyễn Văn Thành từ nay không được vào chầu, đồng thời sai Lê Văn Duyệt tra hỏi Nguyễn Văn Thuyên lần nữa thì Thuyên lại thú tội như lần trước. Gia Long bèn ra lệnh thu hết ấn tín, mũ áo và giam Nguyễn Văn Thành cùng các con vào ngục chờ đình thần nghị án. Khi biết mình bị khép tội tử hình, Nguyễn Văn Thành làm một tờ biểu nhờ Hoàng Công Lý dâng lên Gia Long và nói: “Vua bảo tôi chết, tôi không chết không phải là tôi trung” rồi uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Văn Thuyên bị xử trảm…


“Đất thù” cưu mang
Trong tưởng tượng của tôi, vườn nhà ông Quang phải rất cổ hay chí ít cũng toát lên một cái gì rất cổ, nhưng hóa ra nó cũng giống như mọi khu vườn ở xung quanh. Chỉ riêng ngôi từ đường, thoạt nhìn người ta phải nghĩ ngay đây là nơi thờ tự của một dòng họ đã cư ngụ rất lâu đời. Điều này càng được củng cố khi mở cửa vào trong. Trước mắt tôi là năm án thờ với những vật dụng rất cổ, sơn trổ kỳ công. Án thờ Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành lớn nhất với chân dung vẽ theo bức tượng của ông được thờ tại một ngôi đền ngoài Huế. Dưới chân dung là hòm đựng sắc sơn đen, khảm xà cừ. Ông Quang kể, lúc cha ông-cụ Nguyễn Chính-còn tại thế, mỗi lần mở hòm sắc, cụ phải tắm gội sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, thắp hương xin phép tiền nhân. Không theo được người xưa nhưng ông cũng kính cẩn thắp hương bái vọng rồi mới mở hòm sắc cho tôi xem. Còn 13 đạo sắc tất cả. Cái được viết trên giấy nhũ vàng-thứ giấy đặc biệt chỉ dùng cho những sắc chỉ quan trọng ngày xưa; cái được viết trên lụa. Ông Quang thú thật rằng mình là tộc trưởng nhưng cũng không rõ nội dung các sắc chỉ ấy là gì. Trong vùng không ai đủ vốn chữ Hán để đọc; mang ra Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuê dịch thì ông chưa có điều kiện.

 

Ông Nguyễn Việt Quang thắp hương trước bàn thờ xin phép mở hòm sắc.

Thêm nữa, các vị tiền nhân lại không ghi gia phả nên bây giờ ông cũng chỉ biết sơ lược các đời qua truyền khẩu… Theo đó thì Nguyễn Văn Thành có đến 17 bà vợ. Sau khi thảm án xảy ra, các bà mỗi người mỗi phương tẩu tán. Riêng bà Út mang ấn sắc, tiền vàng, dẫn theo 3 con trai đến đất An Khê nương náu. Vì sao lại chọn An Khê? Ông Quang nói có lẽ bà Út cho rằng sau khi triều Quang Toản sụp đổ, nhiều tướng tá, tàn quân Tây Sơn đã lên đây trốn tránh sự trả thù của Gia Long. Chẳng hạn như danh tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng, sau khi thoát khỏi tay Nguyễn Ánh đã về An Khê ẩn náu để chờ cơ hội phục thù. Điều này khiến cho quan quân Gia Long phải kiêng dè. Hơn nữa, An Khê bấy giờ còn rất hoang vu, nếu có biến động thì cả một vùng rừng núi mênh mông sẽ là nơi ẩn náu an toàn. Cũng theo ông Quang, sau khi vua Tự Đức xuống chiếu phục hồi công trạng cho Nguyễn Văn Thành và lục dụng con cháu cho ra làm quan, 2 người con cả đã xuống Bình Định nhậm chức, còn người con út thì ở lại với mẹ. Vườn đất nhà họ, cho đến mãi sau này dân địa phương vẫn kính trọng gọi là “vườn quan Thành”. Đời nối đời, từ đó họ cùng đóng góp công sức khai phá vùng đất An Khê. Trong số họ nổi bật nhất là ông Nguyễn Văn Tứ, đời thứ ba của Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành. Ông Tứ đã có công chiêu dân lập ấp, khai phá nhiều vùng đất hoang hóa, được tôn là “Hậu hiền” đất An Khê. Năm Tự Đức thứ 13, ông Nguyễn Đức Thinh đã 2 lần mở kho lúa gia đình cứu đói cho dân, được vua Tự Đức phong là “Bá hộ Cửu phẩm văn giai”…


Trong các nhân vật lịch sử Triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thành là một trong những người có những đóng góp nhất định cho đất nước, đặc biệt là quãng thời gian 10 năm làm Tổng trấn Bắc thành. Ông đã ổn định tình hình xã hội đất Bắc sau những năm chiến tranh loạn lạc, cho tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám; dựng Khuê Văn Các-một công trình có giá trị độc đáo về văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Ông đồng thời cũng là người rất quan tâm đến giáo dục, từng đề xuất nhiều chủ trương chấn chỉnh việc học, được Gia Long cho thi hành. Về văn nghiệp, ông còn lưu lại đến ngày nay “Văn tế tướng sĩ trận vong”-một áng văn tế mẫu mực trong nền văn học Việt Nam, mang tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sử nhà Nguyễn đánh giá: “Thành có văn võ tài lược. Lúc Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn, không động đến lời nói, nét mặt mà trộm giặc đều yên; bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước” có lẽ cũng là xác đáng…


Thừa hưởng những giá trị tích cực ấy, các đời con cháu ông sau này cũng có những đóng góp nhất định cho đất nước. Thời vua Tự Đức, cháu nội ông là Nguyễn Văn Hiển cùng người anh đã tham gia phong trào Văn thân chống Pháp xâm lược. Người anh bị bắt chém, ông Hiển trốn thoát lưu lạc vào Sài Gòn, về sau trở thành bậc cao tăng nổi tiếng của đất Nam bộ. Riêng nhánh lưu lạc lên đất An Khê, sự đóng góp các đời hậu duệ chưa lấy làm to lớn nhưng họ cũng đã cùng hậu duệ của các danh tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, dòng họ Nguyễn Cảnh… khai phá, hun đúc thêm truyền thống cho một vùng đất không chỉ mang bề dày trầm tích văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị tâm linh lịch sử.

NGỌC TẤN