Nguyễn Duy Hưng – Hậu duệ đời thứ 6 của Quận công Nguyễn Văn Thành;
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM DÒNG HỌ
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp dân nghèo ở Thị xã Thái Bình, tuổi thơ của tôi gắn liền với những kỷ niệm buồn vui…. Cuộc sống của thế hệ chúng tôi trải qua giai đoạn đất nước đang chiến tranh ác liệt. Cha tôi một con người sống rất giản dị, thanh tao và để nuôi gia đình vợ con ông đã phải làm rất nhiều nghề để sống: Từ đan cót, đan bẹ ngô làm thảm chùi chân xuất khẩu, đan rổ, đan rá, làm nghề thợ sơn, cắt kính gắn matit cánh cửa, thợ xây… Ông là con người rất khéo tay, kiên trì và lao động cần mẫn. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, ông đã chứng kiến lần lượt 3 người con trai của mình hy sinh để bảo vệ tổ quốc …
Mùa Đông năm 1975, Tôi cùng Cha trong một chuyến đi làm xa quê (thực hiện Hợp đồng sơn cửa và cắt, đóng kính tại xí nghiệp may thương binh xã Thụy Liên – Thái Thụy – Thái Bình). Tôi đèo Cha bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc (thời bấy giờ chiếc xe đạp là tài sản quý giá), vừa đi Cha tôi vừa kể chuyện về Cụ Tổ và dòng Họ Nguyễn của mình…
Cụ Bảy đời làm quan võ dưới thời Chúa Nguyễn, trong một trận giao chiến với giặc Cụ lâm nạn hy sinh; Sau một đêm nơi Cụ chết có một Gò đất nổi lên, dân làng đến tìm thi thể thì chỉ có một gò đất mới nổi lên, gò đất đấy chính là một tổ mối khổng lồ đã ôm gọn thi thể của Cụ (Cụ là Nguyễn Văn Hiền, than sinh ra Cụ Nguyễn Văn Thành);
Cụ Tổ sáu đời (Đức Ngài Nguyễn Văn Thành) là một người tài giỏi, làm đến chức Tể tướng trong Triều vua Gia Long (tước vị của Cụ mà Cha tôi đọc nghe dài
dằng dặc Tôi không nhớ nổi), Cụ được Vua Gia Long rất vị nể vì công lao phụng sự triều đình. Cha tôi kể lại rằng trong triều đình lúc đó có nhiều phe phái, mỗi phe phái theo đuổi một mục đích riêng khi tìm người kế vị ngôi Vua. Mượn cớ bài thơ của Cụ Nguyễn Văn Thuyên (con trai Cụ Thành), Vua Gia Long đã bắt hai cha con tống ngục tra xét và kết án chu di tam tộc… Một hình ảnh mà Cha tôi kể lại đã khắc sâu vào tâm trí Tôi lúc bấy giờ là Đức Ngài đã uống thuốc độc tự vẫn, nhưng Vua Gia Long vẫn cho đeo gông vào quan tài của Cụ. …
Cụ Nguyễn Văn Thuyên, con trai của Đức Ngài (Hưng gọi là Cụ 5 đời), đỗ Cử nhân khoa Quí Dậu (1813), là phò mã của vua Gia Long. Cụ là người hâm mộ văn chương, tính hào phóng thường làm thơ, ngâm vịnh với những kẻ sĩ. Chính vì vậy mới xảy ra vụ án về bài thơ như đã nêu ở trên. Cụ bị xử trảm cùng một số con cháu trong gia đình, bị tịch thu tài sản xung công quỹ. Vợ của Cụ Thuyên là Công chúa…. (con Vua Gia Long) xuống tóc đi tu tại Chùa Thiên Mụ, sau đó về tu tại một ngôi chùa ở Huế (……..), sau này Công chúa qua đời triều đình đã cho xây Miếu thờ trong đại nội thành Huế.
Cụ Nguyễn Duy Tiên là con trai của Cụ Nguyễn Văn Thuyên. Năm 1817 Cụ Nguyễn Duy Tiên lúc đó còn nhỏ tuổi, do xảy ra vụ án của cha Cụ được gia nhân đưa đi lánh nạn và nhờ người tâm phúc của Cụ Thành nuôi dưỡng dạy dỗ (Cha tôi nhấn mạnh Họ nhà mình từ phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định chuyển ra ngoài Nam Định). Cụ Nguyễn Duy Tiên là người thông minh, học giỏi cả văn chương và võ nghệ. Năm 1868 sau khi có sắc gia ân, Vua Tự Đức phong cho Cụ Tiên chức quan Lãnh binh tỉnh Nam Định (Cương dũng tướng quân); Cụ lấy cụ bà người Nam Định sinh ra Cụ Nguyễn Ngọc Tích, dinh thự của Cụ tại số nhà 85 phố Hàng Song nay đổi thành phố Minh Khai, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 1876, Cụ Nguyễn Duy Tiên gặp và lấy Cụ bà Tống Thị Cúc (làng Kim Ngọc, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và sinh ra Cụ Nguyễn Hán Trác (Ông nội của Hưng). Cụ Tống Thị Cúc lúc sinh thời là người con gái xinh đẹp, đàn giỏi, hát rất hay; Giọng hát của Cụ đã làm xiêu lòng quan Lãnh binh Nguyễn Duy Tiên mặc dù hai cụ chênh nhau nhiều về tuổi tác. Cụ Tống Thị Cúc được Cụ Lãnh yêu mến nên đã xây cho bên quê ngoại ngôi từ đường rộng 7 gian rất lớn có đầy đủ các cung tế, lễ…tại làng Kim Ngọc – Liên Giang – Đông Hưng – Thái Bình (Chi tiết này do Anh Tống Tường Loan – Tiến sĩ, nguyên Hiệu trưởng trường CĐSP Thái Bình kể lại) và miễn cho dân làng Kim Ngọc không phải đi phu làm đường, đắp đê… Ngôi Từ đường đã trải qua hơn mấy chục năm đến thời Pháp tạm chiếm, từ đường bị bom đạn phá hỏng… Sau này được con cháu dòng Họ Tống tu tạo lại hiện nay chỉ còn 3 gian. Cụ Nguyễn Duy Tiên mất ngày 03/11 âm lịch năm Quý Tỵ (1893), các con của Cụ mời Thầy địa lý thật giỏi chọn đất an táng Cụ một cách bí mật tại (xã Tiền Phong – huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nay là Phường Trần Hưng Đạo). Phần mộ Cụ Tống Thị Cúc an táng tại cánh đồng thôn Kim Ngọc – Liên Giang – Đông Hưng – Thái Bình. Ngày 28/10 âm lịch năm Quý Tỵ 2013, con cháu cụ chuyển phần mộ về quy tập tại nghĩa trang thôn Tràng, xã An Tràng – Quỳnh Phụ - Thái Bình.
A. CHI HỌ NGUYỄN Ở NAM ĐỊNH
I. Cụ Nguyễn Ngọc Tích, sinh năm 1845 tại Nam Định, Cụ học hành thông minh và đỗ Cử nhân khoa thi năm 1879. Được bổ nhiệm chức Tri phủ Mỹ Lộc – tỉnh Nam Định, sau đó chuyển làm Tri huyện Hoành Bồ – tỉnh Quảng Ninh, và cuối cùng làm Tri phủ Phủ Lỗ - tỉnh Hà Nội. Cụ mất tại Phủ Lỗ và mai táng tại Nam Định (Không nhớ ngày mất); Cụ lấy 03 người vợ và có 11 người con; Trong đó có 3 con trai và 8 con gái (các bà con gái đi lấy chồng); Ba con trai là:
1. Con trưởng Ông Nguyễn Ngọc Hiển chết trẻ năm 17 tuổi (chưa có vợ con);
2. Con thứ là Ông Nguyễn Ngọc Đĩnh thường gọi là Ông Hai Xuân sở hữu toàn bộ tài sản thừa kế của Cụ Tích để lại khoảng 300 mẫu ruộng ở Thái Bình, Nam Định (1 mẫu Bắc bộ 3600 m2 ) và cơ ngơi bên phố Hàng Song - Nam Định. Ông Đĩnh (Hai Xuân) lập gia đình với bà Trần Thị Kính và sinh 2 người con (1 trai, 1 gái);
Bác gái là Nguyễn Thi Dưỡng và Bác trai là Nguyễn Ngọc Tụ. Hiện nay hài cốt (lọ tro) của Bà Trần Thị Kính (Bà Hai Xuân) và Bác Nguyễn Thị Dưỡng đặt tại Chùa Vĩnh Nghiêm – TP Hồ Chí Minh ;
2.a. Bác Nguyễn Ngọc Tụ sinh năm 1912 là con trai duy nhất của Ông Hai Xuân, được ông bà cho đi du học bên Pháp. Bác học hành cực kỳ thông minh, sau khi về nước cưới vợ là bác Nhung người thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) rất xinh đẹp và sinh được hai người con trai là Anh Nguyễn Ngọc Quang (sinh năm 1939) và Nguyễn Ngọc Vinh (sinh năm 1943) hiện nay đều sinh sống ở Sài Gòn. Bác Nguyễn Ngọc Tụ từ chối không làm mật thám cho Pháp nên bị phía Pháp tiêm thuốc mang bệnh điên. Năm 1947 bà Hai Xuân phải đưa bác Tụ từ Nam Định sang An Tràng - Thái Bình để chữa bệnh. Gia đình ông Huy đã chăm sóc và thuốc thang nhưng bệnh nặng bác Tụ mất năm 1950 tại An Tràng – Quỳnh Phụ -Thái Bình. Hiện phần mộ bác Tụ an táng tại nghĩa trang thôn Tràng – An Tràng – Quỳnh Phụ - Thái Bình. Sau khi Bác Tụ mất, vợ là bác Nhung lập gia đình với một người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm – Hà Nội.
2.a.1. Người con trai cả của Bác Tụ là anh Nguyễn Ngọc Quang có vợ và 5 con, gia đình sinh sống ở Sài Gòn…..;
2.a.2. Người con trai thứ của Bác Tụ là anh Nguyễn Ngọc Vinh, thời trẻ có tham gia quân ngũ, sau khi xuất ngũ lấy vợ là chị Nguyệt người Kiến Xương- Thái Bình, hai vợ chồng đều là cán bộ và chuyên gia giỏi trong ngành may mặc (chị Nguyệt làm đến phó tổng giám đốc công ty may Phương Nam - Sài Gòn). Hiện hai vợ chồng sinh sống ở số nhà 225/5, đường số 10, phường 8, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi biệt thự tại số nhà 85 phố Hàng Song thành phố Nam Định trước kia là nơi thờ tự tổ tiên; Do chiến tranh loạn lạc không có người trông coi nên hiện nay có nhiều gia đình cán bộ công chức ở nhờ và chiếm mất ngôi Biệt thự.
2.b. Người con thứ hai của ông Hai Xuân là bác Nguyễn Thị Dưỡng sinh năm 1910. Bác Dưỡng có chồng là ông Đỗ Đằng Hồ sinh được 5 người con 4 trai, 1 gái. Năm 1947 vợ chồng bác Dưỡng tản cư về xã An Tràng sinh sống đến năm 1951 cả gia đình bác Dưỡng chuyển về Hà Nội, đến năm 1954 chuyễn cả nhà vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Bác Dưỡng bị bệnh nặng rồi qua đời vào năm 1978. Hiện nay Tôi đã liên lạc được với chị Đỗ Thị Hiếu, 69 tuổi (tính đến 2015) là con gái bác Dưỡng hiện định cư ở Pari, cộng hòa Pháp.
3. Con thứ ba là Ông Nguyễn Ngọc Tuyên (thường gọi là ông Ba Tuyên) đi lính cho Pháp tham gia đại chiến thế giới lần thứ nhất năm 1917 đánh Đức. Nhờ tài năng quân sự và mưu trí dũng cảm ông Ba Tuyên được Pháp quốc tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Chiến tranh kết thúc, ông Ba Tuyên lấy bà vợ người Đức, sinh được 2 người con (một trai, một gái) và định cư tại Pháp. Trước năm 1960 vẫn thư từ qua lại với ông Huy, ông Nhạc, ông Hiệu…ở Thái Bình, sau này không còn liên lạc nữa;
B. CHI HỌ NGUYỄN QUẬN CÔNG Ở THÁI BÌNH
II. Cụ Nguyễn Hán Trác (sinh năm 1876, mất năm 1923) là con trai của Cụ Nguyễn Duy Tiên và Cụ bà Tống Thị Cúc. Cụ Nguyễn Hán Trác được Cha, Mẹ và anh trai (tri phủ Nguyễn Ngọc Tích) chăm sóc nuôi dưỡng cho học hành rất chu đáo. Cha mất khi Cụ còn ít tuổi, Cụ học hành rất thông minh, nhưng học tài thi phận, Cụ đỗ đạt không cao. Khi còn đương chức, Cụ Nguyễn Duy Tiên giao du kết thân với Họ Mai ở An Tràng – Quỳnh Phụ - Thái Bình (Dòng Họ Mai làm nghề Thầy thuốc chữa bệnh rất nổi tiếng thời bấy giờ). Cụ Họ Mai gả con gái là Cụ Bà Mai Thị Lương cho Cụ Nguyễn Hán Trác và Cụ Trác ở rể tại An Tràng - Quỳnh Phụ - Thái Bình. Cụ sinh được 7 người con (6 trai và 1 gái). Vì là người ngụ cư, sự nghiệp không thành đạt, của cải thừa kế không có (tất cả thừa kế tài sản gia đình do Cụ Nguyễn Ngọc Tích sau này con là ông bà Hai Xuân nắm giữ) Cụ buồn tủi cho số phận và dòng tộc bị ly tán nên chỉ lấy rượu và thơ phú làm vui, giao du cùng bạn văn chương (trong đó có hai anh em họ Dương ở Hà Đông là Dương Lâm và Dương Khuê đều đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn…). Cụ mất năm 1923 khi mới 47 tuổi, an táng tại nghĩa trang thôn Tràng, xã An Tràng – Quỳnh Phụ - Thái Bình.
Cụ Nguyễn Hán Trác có 2 vợ và có 7 người con (6 trai, 1 gái).
2.a. Người vợ cả của Cụ Nguyễn Hán Trác có một con trai là Ông Nguyễn Tự Đức (1903 - 1946);
2.a.1. Ông Nguyễn Tự Đức lấy vợ là bà Mai Thị Thi sinh năm 1903 ở thôn Tràng, xã An Tràng là người thông minh, học giỏi, tốt bụng, sinh thời ông làm tại nhà máy in Cộng Lực. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông bà Đức qua đời ngày 19/12/1946. Ông Nguyễn Tự Đức có 3 con gái, Không có con trai.
- Người con cả là bác Nguyễn Thị Sửu (1925 – 1966). Khi cải cách ruộng đất Bác Sửu được Ông Huy đưa sang trông coi dinh thự tại số nhà 85 phố Hàng Song Nam Định; Mọi sắc phong của Triều đình nhà Nguyễn cho Cụ Nguyễn Duy Tiên và Cụ Nguyễn Ngọc Tích và gia phả dòng họ đều phải đốt sạch vì chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa thời bấy giờ nêu cao khẩu hiệu “phản đế - phản phong”. Bác Sửu lập gia đình với Bác trai tên là Bùi Văn Lới sinh năm 1923 quê xã Mỹ Thành, Huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định, Sinh ra anh Bùi Văn Kỷ (Năm 1955), sau lần sinh thứ hai vào năm 1966, bác Sửu bị băng huyết qua đời, sau 1 năm người con thứ hai của bác là Bùi Văn Toàn cũng qua đời. Phần mộ bác Sửu an táng tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Dinh thự rơi vào tay bác rể là Lới (bác Lới đưa người vợ cả về sinh sống tại dinh thự) và các gia đình công chức đến ở nhờ (trong thời gian này người thừa kế dinh thự là Bác Nguyễn Ngọc Tụ đã chết và vợ là Bác Nhung cùng anh Vinh sống tại xã Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội); còn anh Quang cùng bà Hai Xuân và gia đình bác Dưỡng + Hồ vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1954.
- Người con gái thứ hai của Ông Đức là bác Nguyễn Thị Ninh (sinh năm 1928) lấy chồng là Bác Nguyễn Tri Rường người xã An Tràng, bác Rường là người thông minh, đức độ, Bác tham gia quân đội trên 30 năm mang hàm Đại Úy, sau giải phóng Bác về hưu và tham gia công tác tại địa phương làm Bí thư Đảng ủy xã An Tràng – Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hai bác sinh được 6 người con (3 trai: Nguyễn Duy Thịnh, Nguyễn Duy Noãn, Nguyễn Duy Tuệ; 3 con gái là Nguyễn Thị Làn, Nguyễn Thị Lán và Nguyễn Thị Xim…), con trai trưởng là Anh Nguyễn Duy Thịnh hiện là Phó chủ tịch UBND xã An Tràng.
- Người con gái thứ 3 của Ông Đức là Bác Nguyễn Thị An (sinh năm 1931. Mất năm 2010) lấy chồng là Bác Nguyễn Văn Quâng (1932 – 1966) con của một dòng họ nổi tiếng vùng Phụ Dực – Thái Bình và có 5 người con (3 trai: Đông, Quang, …...) Bác Quâng đã tham gia lãnh đạo xã An Tràng trên 30 năm liên tục giữ chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã; Sau đó nghỉ hưu và qua đời vào năm 1996.
2.a.2. Sau khi bà cả qua đời, Cụ Nguyễn Hán Trác kết duyên với cụ Mai Thị Lương, người thôn Tràng, xã An Tràng, Quỳnh Phụ, Thái Bình sinh ra 6 người con (5 trai + 1 gái):
a. Ông Nguyễn Tự Huy (1907 - 23/5/1985), Ông là người đức độ, thông minh, học giỏi; lúc còn nhỏ được cha mẹ cho học chữ nho, chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Ông có biệt tài viết chữ đẹp và trí nhớ siêu phàm, bất kể sách gì khi đọc qua vài lần là Ông thuộc hết (năm 1970 ông đã nhớ và ghi lại toàn bộ truyên Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cho con cháu học, và thuộc rất nhiều văn thơ, tích truyện cổ, giai thoại văn học…). Ông là người cha mẫu mực trong nuôi dạy con cháu, cả đời ông chưa từng chửi mắng, quát nạt một câu mà chỉ dùng lời lẽ thánh hiền để phân tích chỉ bảo cho đến khi các con và người thân nhận ra sai lầm để sửa chữa…(sẽ có phần giới thiệu sâu hơn). Ông lấy 2 bà vợ sinh được 8 người con: 5 con trai (trong đó 3 anh là anh hùng Liệt sĩ, 1 anh là bộ đội và 1 giáo viên) + 3 gái (có 1 bác làm giáo viên và 2 bác làm ruộng tại An Tràng - Quỳnh Phụ - Thái Bình).
Bà cả tên là Nguyễn Thị Khoai (1908-2007) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người làng Kim Ngọc, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng – Thái Bình (quê Cụ ngoại Tống Thị Cúc) và sinh thành 6 người con. Năm 1953, Ông Nguyễn Tự Huy lấy vợ lẽ là Bà Lê Thị Ngọ (1918 - 1986) người thôn Đại Hữu, xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải – Thái Bình, sinh được 2 người con trai là Nguyễn Trọng Hậu và Nguyễn Duy Hưng. Hiện phần mộ Ông Huy và bà Ngọ an táng tại nghĩa trang km số 6, đường 10, nghĩa trang thành phố Thái Bình.
* Các con của Ông Nguyễn Tự Huy:
+ Con cả bác Nguyễn Thị Huệ (1928 - 1997) lấy chồng là bác Nguyễn Văn Minh (1930 - 2002), người cũng xã An Tràng, Hai bác có 6 người con 4 trai, 2 gái (con trai là Hạnh, Diệm, Phương, Lân; con gái là Oanh, Nguyệt). Gia đình Bác sống rất hạnh phúc, con cháu đầy đàn…
+ Bác trai Nguyễn Tự Tân (1932 - 1954) là người thông minh, học giỏi, đức độ, gan dạ có sức khỏe hơn người, năm 16 tuổi đã biết lái xe ô tô, cha mẹ đã cho ra Hà Nội làm việc giúp Bác rể tên là Hồ (Bác rể Hồ lấy bác Dưỡng là con gái Ông bà Hai xuân bên Nam Định nhưng làm ăn ở Hà Nội). Nhưng do chiến tranh chống Pháp lan rộng, bác về quê tham gia du kích địa phương. Trong một trận đánh bốt Cao Mộc (xã Đồng Tiến - Quỳnh Phụ - Thái Bình) Bác bị trúng đạn vào bụng, mặc dù bị thương, Bác vẫn bơi qua sông Diêm Hộ trở về căn cứ nhưng do vết thương quá nặng, sức kiệt nên Bác hy sinh ngày 19/02/1954, để lại người vợ hiền là bác Nguyễn Thị Thược đang mang bầu và sau sinh ra Anh Nguyễn Văn Phúc (Trưởng họ Nguyễn ngày nay); hiện phần mộ của Bác Nguyễn Tự Tân được Lãnh đạo địa phương và gia đình an táng tại nghĩa trang thôn Tràng.
Anh Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1954, cha mất sớm anh được Bà Nội chăm nom săn sóc cho ăn học chu đáo, anh là người cao to, khỏe mạnh, chăm chỉ chịu khó, hiện nay là Kỹ thuật viên ngành Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Quỳnh Côi Thái Bình. Anh là con người của công việc và rất có tâm trong việc chăm sóc lăng mộ tổ tiên và sửa sang xây dựng Từ đường dòng họ Nguyễn tại An Tràng – Quỳnh Phụ - Thái Bình. Anh kết duyên với Chị Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1959) người cùng thôn và sinh được 3 con (2 gái, 1 trai), con trai là Nguyễn Văn Trình sinh năm 1979 hiện đã có 2 cháu nội; con gái lớn là Nguyễn Ngọc Anh, lập gia đình và có 1 con trai; Con gái thứ hai là Nguyễn Thị Thủy, hiện làm tại Bến xe nước Ngầm, Pháp Vân, Hoàng Mai – Hà Nội có 1 cháu gái..
+ Bác gái Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1935) là người hiền lành, phúc hậu, Bác kết duyên cùng bác Nguyễn Hữu Thuyên (sinh năm 1935) là người cùng xã con một gia đình nề nếp gia phong. Hai bác sinh được 5 người con 4 gái, 1 trai (con gái là Dậu, Lệ, Hà, Diệp và con trai là Nguyễn Hữu Chinh ). Hiện gia đình sinh sống tại thôn Tràng, xã An Tràng, Quỳnh Phụ - TB.
+ Bác gái Nguyễn Thị Thìn (sinh năm 1940) là người nết na, chịu khó, đoan trang; Lớn lên bác được học hành cẩn thận và làm nghề dạy học tại trường tiểu học An Tràng – Quỳnh Phụ – Thái Bình. Bác kết duyên cùng với Bác trai là Mai Trung Chính (1939- 2013) con Ông Mai Đức Thắng (anh em con cô, con cậu với Ông Nguyễn Tự Huy, tác giả sẽ viết về tình bạn giữa hai Ông Huy và Thắng ở phần sau). Bác Chính là người đức độ, trung thực, liêm chính như tên của bác. Hai bác Chính Thìn sinh được 3 con trai là Thuân, Huân, Tùng và một gái là Thoan. Hiện gia đình sinh sống tại thôn Tràng, xã An Tràng, Quỳnh Phụ - Thái Bình.
+ Bác Nguyễn Duy Hiền sinh năm 1944, bác là người có vóc người to lớn, sống trung thực thẳng thắn. Năm 1965 lập gia đình (vợ bác là Bác Đặng Thị Lan người thôn Ký Con, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng – Thái Bình). Năm 1966, bác tham gia quân đội. Bác là người quả cảm đã trải qua nhiều trận chiến, được kết nạp vào Đảng CSVN ngay tại chiến trường. Năm 1972, trong một cuộc chiến đấu với sở chỉ huy Mỹ - Ngụy ở sân bay Kon Tum, bác đã anh dũng hy sinh để lại người vợ hiền và một con nhỏ, con trai bác tên là anh Nguyễn Văn Hoan sinh năm 1966, hiện là Trung tá công an công tác tại Công an huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, Anh Hoan là người thông minh lanh lẹn, rất có trách nhiệm với công việc của dòng họ, hiện anh Hoan đã có vợ là giáo viên và 2 con (1 trai, 1 gái). Hiện gia đình sinh sống tại thôn Tràng, xã An Tràng, Quỳnh Phụ - Thái Bình.
+ Bác Nguyễn Trọng Phụng (1950 - 1972), là người hiền lành rất đẹp trai, tốt bụng. Bác là người chăm chỉ chịu khó, ngoài giờ học Bác tranh thủ giúp đỡ bố mẹ trong công việc đồng áng và việc nhà. Năm 1971, bác vào học trường công nhân tại mỏ than Vàng Danh-Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Gia đình tổ chức lễ dạm ngõ (lễ ăn hỏi để cưới vợ cho Bác vào đầu năm 1972) và dự kiến sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 8/1972. Nhưng hỡi ôi! Trong một trận đánh bom ác liệt vào khu Mỏ, đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của chàng trai quê An Tràng còn tràn đầy sức sống, đó là ngày 14/6 /1972.
+ Bác Nguyễn Trọng Hậu (10/6/1956 DL – 01/11/2010 AL) là người hiền từ nhân hậu có tư chất thông minh. Thời học phổ thông, bác có thiên hướng yêu văn chương, đã từng sáng tác thơ, truyện ngắn. Tháng 02/1975 khi đang học lớp 10/10 tại Trường THPT Thị xã Thái Bình, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bác tham gia quân ngũ. Đoàn quân của Bác chẳng kịp huấn luyện vì chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam đang thắng lợi dồn dập, bác tham gia trắc thủ CU của đơn vị tên lửa tiến về Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc 30/4/1975 cấp trên cử bác đi học Sĩ quan chính trị tại Bắc Ninh. Kết thúc khóa học Bác được cử về làm chính trị viên tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ phà Khuể tại huyện An Lão Hải Phòng, sau đó do hoàn cảnh bố mẹ già đau ốm, bác được điều động về Ban chính sách Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình. Năm 1996 Bác về hưu và tham gia kinh doanh, công việc kinh doanh lúc đầu rất thuận lợi, bác đã có của ăn của để và có công lớn trong việc vận động gia đình, dòng tộc xây từ đường Họ Nguyễn tại An Tràng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Tuy nhiên đến năm 1998, công việc kinh doanh thua lỗ, bác đã được anh em, bạn bè giúp đỡ rất nhiều, nhưng hậu quả trầm trọng, bác bị nhiễm nhiều thứ bệnh nan y: tiểu đường, huyết áp, phế quản… Bác qua đời năm 2010 do bệnh tai biến mạch máu não và yên nghỉ nơi quê nhà Nghĩa trang thôn Trung, xã An Tràng, Quỳnh phụ, Thái Bình để lại người vợ trẻ là bác Tô Thị Hường (làm nghề dạy học) và con trai Nguyễn Văn Hùng tốt nghiệp kỹ sư cầu đường hiện công tác tại công ty tư vấn thiết kế thuộc Ban quản lý giao thông đường bộ phía nam.
+ Bác Nguyễn Duy Hưng, sinh ngày 12/12/1958, là người có tư chất, có khẩu khí… Khi học Phổ thông, bác có tham vọng sẽ học và làm việc trong ngành nghiên cứu lý thuyết, nhưng mộng không thành bác chuyển sang học sư phạm Toán học. Bác được hưởng đức tính chịu khó, kiên trì nhất là trí nhớ mẫn tiệp của Cha (Ông Nguyễn Tự Huy) và sự trung thực cởi mở, nhẫn nhịn của mẹ (Bà Lê Thị Ngọ) nên con đường sự nghiệp của Bác có phần thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp sư phạm với số điểm cao nhất khóa, bác được phân công giảng dạy Chuyên toán phụ trách đội tuyển HSG thi quốc gia. Với thời gian 16 năm giảng dạy Bác đã gặt hái được gần 100 giải HSG cấp tỉnh và 5 năm phụ trách đội tuyển toàn quốc đã đạt 34 giải HSG Quốc gia. Với chí hướng cho con cháu sau này có điều kiện thi thố tài năng, Bác xin chuyển công tác từ Thái Bình lên Hà Nội vào tháng 9/1995 và tham gia dạy chuyên toán tại Trường Chu Văn An – Tây Hồ Hà Nội. Từ năm 1998 bác được bổ nhiệm nhiều chức vụ của ngành GD-ĐT quận Tây Hồ và Ngành GD- ĐT Hà Nội. Với tâm huyết xây dựng một ngôi trường dạy nghề nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, năm 2000, mặc dù chưa đến tuổi, Bác xin về nghỉ hưu sớm và tham gia cùng với các Nhà giáo tâm huyết để thành lập ngôi trường mang tên Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo. Bác có vợ là bác Nguyễn Thị Phong, tuổi Tân Sửu – 1961 (người cộng sự cùng bác sánh vai gánh vác công tác quản lý Trường nghề). Bác có hai con (1 gái, 1 trai), con gái lớn là Nguyễn Thanh Phương sinh năm 1986, tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế quốc tế tại Cộng hòa Pháp năm 2008, hiện đang là Trưởng phòng đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo, Chị Phương hiện đã lập gia đình với Anh Nguyễn Văn Thuyết, giảng viên Khoa Luật – Học viện Cảnh sát Nhân dân. Hai anh chị đã có 1 con trai tên là Nguyễn Văn Khánh An 1 tuổi. Con trai thứ hai của Bác Hưng là Nguyễn Văn Khánh Nam, sinh ngày 7/3/1999, hiện đang theo học phổ thông. Gia đình ngụ tại số nhà 21, ngách 21, ngõ 61, phố Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội).
b- Ông Nguyễn Trọng Tuấn (1910 - 1990)
Ông Tuấn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, thuở nhỏ. Ông được bố mẹ cho đi học, ông là người yêu âm nhạc chơi đàn Nguyệt rất hay. Năm 1935, ông được Cụ Nguyễn Hán Trác cho lên Hà Nội giúp việc ông Mai Duy Lân (lúc đó là chủ Nhà in Cộng Lực – phố Hàng Bông – Hà Nội). Ông chịu khó học hỏi và có tay nghề sắp chữ bản in rất giỏi được Nhà in tín nhiệm. Năm 1954. Hòa bình lập lại, Nhà in được quốc hữu hóa, ông trở thành công nhân Nhà máy in. Ông rất đẹp trai, rất nhiều cô gái Hà Thành con nhà giàu để ý, nhưng ông không chung tình với ai và ở một mình tại khu nhà tâp thể số 181 phố Hàng Bông. Đến năm 1988, con cháu đón ông về nghỉ dưỡng tại An Tràng, Quỳnh Phụ - Thái Bình. Ông qua đời trong sự đùm bọc yêu thương của con cháu và người thân tại quê nhà.
c- Ông Nguyễn Duy Hiệu (1914 - 1992) là người con thứ ba của gia đình Cụ Hàn (Cụ Nguyễn Hán Trác), ông là người chịu khó học hành và có tư chất thông minh, viết chữ quốc ngữ rất đẹp, có năng khiếu thơ văn, chơi cờ tướng rất khá và đặc biệt thích rượu chè. Ông tuy thích chơi bời nhưng cũng là người chịu thương chịu khó trong công việc lao động sản xuất. Ông kết duyên với Bà Đặng Thị Nhan người Trực Nội sinh được 3 người con, 2 trai (Nguyễn Duy Hựu và Nguyễn Duy Thiện), và 1 con gái trưởng (Nguyễn Thị Hồng);
+ Cô Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1940, lúc còn nhỏ được Cha mẹ cho ăn học chu đáo, lớn lên theo học ngành y. Cô là người hiền lành nhưng can đảm, tháo vát. Cô kết duyên cùng với chú tên là Nguyễn Đình (1928-1989) là cán bộ Miền Nam tập kết, sinh được 3 con trai là Nguyễn Duy Thái (1960 - 2010), Nguyễn Duy Sơn (1964 - 2009) và Nguyễn Văn Dũng (1969). Những năm 1965 - 1975 Bác Hồng công tác tại bệnh viện Nam Tiền Hải, sau năm 1975, Gia đình Bác chuyển vào Long An làm việc tại Nhà máy đường Hiệp Hòa Long An. Sau khi Bác trai mất, Bác về hưu và gia đình sinh sống tại Thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Long An;
+ Chú Nguyễn Duy Hựu, sinh năm 1951 là người hiền lành chịu khó. Tuổi trẻ, chú tham gia quân đội; sau giải phóng năm 1975, ra quân và về công tác tại Nhà máy đường Hiệp Hòa – Long An, được một thời gian, chú chuyển về công tác tại Thị trấn Hiệp Hòa với cương vị Bí thư Đảng ủy Thị trấn. Chú kết duyên cùng với cô tên Mai Thị Cúc sinh năm 1954, người cùng quê An Tràng, Quỳnh Phụ Thái Bình sinh được 02 con trai là Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Văn Tiến đều làm nghề dạy học ở Hiệp Hòa – Long An.
+ Chú Nguyễn Duy Thiện, sinh năm 1954 là người hiền lành, chăm chỉ lao động; Chú lấy vợ là cô Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1954 người cùng xã, hai vợ chồng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Các con là Nguyễn Duy Chinh (1973); Nguyễn Thị Thúy (1975); Nguyễn Duy Long (1977); Nguyễn Duy Khánh (1979) và Nguyễn Phương Thúy (1982). Trong các con của Chú Thiện có anh Nguyễn Duy Khánh là người sống rất có trách nhiệm với tổ tiên, hiện anh và gia đình sống tại Thị xã Thủ Dầu Một. Anh thường xuyên cùng vợ con tới thắp hương và thăm nom đền thờ Đức Quận công Nguyễn Văn Thành tại đình Tân An.
d- Ông Nguyễn Duy Nhạc (1919- 1984)
Ông Nhạc lúc còn nhỏ được Cha, Mẹ cho ăn học chu đáo, ông là người có tư chất thông minh, trang mạo đẹp đẽ, sống hiền lành đức độ. Thời Pháp ông đỗ Diplom, thông thạo chữ Pháp và chữ Hán. Lớn lên ông dạy học tại Trường tiểu học xã An Tràng –Phụ Dực – Thái Bình. Hòa Bình lập lại do sức khỏe yếu, ông bỏ nghề dạy học. Ông xây dựng gia đình với Bà Nguyễn Thị Mại (1925 – 02/8/2015), người làng Cổ Tuyết, xã An Vinh cùng huyện và sinh được 9 người con:
+ Người con trưởng Nguyễn Duy Bình (1942-1947)
+ Người con thứ hai Nguyễn Duy Thụy (1945-1946);
+ Người con thứ ba Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1949, lấy chồng là Nguyễn Tri Ngoạn người cùng làng, sinh được 4 người con: Nguyễn Thị Hường (sinh 1972) là giáo viên, lập gia đình và có 2 con; Nguyễn Tri Hoàn (sinh 1974) là công nhân mỏ than Uông Bí – Quảng Ninh, lập gia đình và có 2 con; Nguyễn Tri Uân (1977) là công nhân mỏ than Uông Bí – Quảng Ninh, lập gia đình và có 2 con; Nguyễn Tri Bảo (sinh 1983) là công nhân tại thành phố Thái Bình, lập gia đình và có 2 con.
+ Người con thứ tư là Nguyễn Duy Hợp sinh năm 1952. Còn nhỏ được gia đình cho ăn học hết phổ thông, lớn lên gia nhập quân ngũ (1970-1976). Là người có tư chất thông minh, có chí tiến thủ nên sau giải phóng Chú Hợp vào đại học ngành Kỹ sư trồng trọt. Tốt nghiệp năm 1981, Chú Hợp về Hải Phòng công tác, lập gia đình với cô Đinh Thị Mùi (sinh năm 1955) người Hải Phòng, kinh tế gia đình sung túc, sinh được con trai là Nguyễn Duy Định (1984) hiện anh Định đang cư trú và làm ăn tại Anh Quốc; Hiện nay gia đình sống tại số nhà 99, Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh – Hải Phòng.
+ Con thứ năm là Nguyễn Duy Tuân (1955), còn nhỏ được bố mẹ cho học hành chu đáo, lớn lên tham gia quân đội với quân hàm Thiếu tá, hiện đã nghỉ hưu; Chú Tuân lập gia đình với cô Nguyễn Thị Phúc (1960), sinh 2 con: Nguyễn Thị Xuân (1986) hiện là Bác sĩ, đã lập gia đình và có một con; Con trai là Nguyễn Duy Hùng sinh năm 1990 đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin. Hiện nay gia đình sống ở Xuân Mai – Hà Nội.
+ Con thứ sáu Nguyễn Duy Điểu (1958- 1986) là người có tư chất thông minh, còn nhỏ học giỏi, lớn lên đi làm thợ điện tại Quảng Ninh, chịu khó học tập và rèn luyện để trở thành người quản lý giỏi, đã tốt nghiệp đại học. Chú Điểu không may bị tai nạn lao động qua đời năm 1986. Chú có vợ và một con gái hiện sinh sống ở Quảng Ninh.
+ Con thứ bảy là Nguyễn Duy Tuyên (sinh năm 1960) hiện là công nhân của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chú là người hiền lành đức độ, chịu khó học hỏi và là công nhân có tay nghề cao. Vợ chú là Nguyễn Thị Oanh làm kế toán tại mỏ than Vàng Danh, có 1 con trai là anh Nguyễn Duy Khánh (1988) hiện đã tốt nghiệp Cao đẳng, anh Khánh lấy vợ người Quảng Ninh, cả gia đình sinh sống tại Quảng Ninh.
+ Con thứ tám cô Nguyễn Thị Lý sinh năm 1963, lấy chồng cùng làng có hai con gái: Nguyễn Thị Yến (1994) đang học đại học Lâm nghiệp Hà Nội năm thứ hai và con thứ hai Nguyễn Thị Phương Anh (1997) đang học THPT Phụ Dực – Thái Bình;
+ Chú Nguyễn Duy Thế sinh năm 1965, là công nhân tại Uông Bí – Quảng Ninh, có vợ là cô Nguyễn Thị Thơm (1968) có hai con trai: Nguyễn Duy Khanh (1990) sinh viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Duy Việt (1992) là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Thương Mại Hà Nội. Gia đình cô chú sinh sống tại Uông Bí – Quảng Ninh;
e- Bà Nguyễn Thị Nguyễn (1920- 2011)
Bà Nguyễn là con gái duy nhất của Cụ Nguyễn Hán Trác nên được cả gia đình, dòng họ cưng chiều. Bà được cha mẹ dạy dỗ chu toàn công việc nữ công gia chánh và làm trồng lúa. Bà là người hiền lành chịu khó nhưng vì là con gia đình dòng dõi nên cũng rất kén chọn; Vì vậy cuối cùng Bà không lập gia đình, Bà ở với các cháu. Năm 2003, khi xây Từ đường dòng họ con cháu xây thêm một phòng cho Bà ở ngay sát Từ đường để bà hương khói cho Tổ Tiên. Bà ra đi vào tháng 11 năm 2011 trong vòng tay thương yêu của các cháu và họ hàng thân thích hưởng thọ 92 tuổi, phần mộ của Bà an táng tại nghĩa trang xã An Tràng – Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
f- Ông Nguyễn Duy Thiệu (1922-1929) là con trai út của Cụ Nguyễn Hán Trác, Ông có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo. Năm 1928, do có Bà chị con Cụ Tích tên là Nguyễn Thị Nhật Ấn lấy chồng ở Thanh Hóa nên gia đình đưa ông vào Thanh Hóa chữa bệnh. Tuy nhiên do bệnh nặng, không qua khỏi nên ông ra đi vào năm 2029, lúc đó ông Thiệu mới 8 tuổi.
C. GIỚI THIỆU VỀ TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN NAM ĐỊNH – THÁI BÌNH
Cụ 4 đời của Hưng là quan Lãnh Binh tỉnh Nam Định – Nguyễn Duy Tiên, có nhà tại số 87 phố, phố Hàng Song Nam Định (nay là phố Minh Khai). Trong dinh thự của quan Lãnh binh xây một từ đường thờ dòng họ Nguyễn rất lớn. Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử đặc biệt là thời kỳ cải cách ruộng đất, bao nhiêu sắc phong, gia phả dòng họ đều phải đốt và hủy hết, ngay cả dinh thự của Cụ Lãnh Binh rồi đến đời con trai là Ông Phủ Nguyễn Ngọc Tích cũng bị chiếm mất, từ đường dòng họ bị phá hoại, con cháu thất tán mỗi người mỗi nơi; Chỉ có chi họ Nguyễn bên Thái bình còn khá đông đúc. Tuy nhiên Từ đường dòng họ Nguyễn Nam Định – Thái Bình chỉ đến năm 2003 mới được con cháu góp công góp của để xây dựng để thờ tự Tổ tiên. Hiện từ đường tại Nhà Trưởng tộc Nguyễn Văn Phúc, thôn Tràng, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Từ đường có 3 gian, gian chính thờ Hội đồng gia tiên, gian chính trong hậu cung thờ đức Quận Công Nguyễn Văn Thành, Cụ Nguyễn Văn Thuyên và quan Lãnh Binh Nguyễn Duy Tiên. Ban tả thờ Chi họ Nam Định (Ông tri phủ Nguyễn Ngọc Tích), bên ban hữu thờ Cụ Nguyễn Hán Trác và dòng họ bên Thái Bình. Dòng họ đã họp và thống nhất chọn ngày giỗ Tổ vào ngày 11 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Tháng 2/ 2013, con cháu góp công sức xây dựng thêm Cổng và cầu bắc qua hồ để vào Từ đường. Công trình hoàn thành vào tháng 5 năm Quý Tỵ (2013). Hiện nay Từ đường dòng họ là công trình được nhân dân địa phương đánh giá rất cao về kiến trúc và thẩm mỹ.
D. NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ VỀ CON CHÁU HỌ NGUYỄN
Chuyện thứ nhất
Ông Ba Tuyên được thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Ông Nguyễn Ngọc Tuyên (tức ông Ba Tuyên) đăng lính cho Pháp để giúp "tổ quốc" đẩy lùi sự xâm lược của Đức. Nhờ có thể lực rất tốt và tài trí thông minh, Ông Ba Tuyên được cử làm chức đội trưởng. Trong một trận đánh không cân sức với quân Đức, quân Pháp bỏ chạy, quân Đức tiến quân ào ạt; Lúc đó Ông Ba Tuyên bị rơi xuống một giao thông hào trong đó có 1 ụ súng đại liên, thế là Ông chĩa mũi súng về phía quân Đức nhả đạn. Bị đánh bất ngờ, quân Đức tưởng là lọt vào ổ phục kích của quân Pháp, sĩ quan Đức ra lệnh toàn bộ lực lượng rút lui, quân Pháp thấy có đại liên yểm trợ bèn quay lại đuổi đánh quân Đức. Quân Đức thua to, quân Pháp đại thắng lợi thu được rất nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm. Ông Ba Tuyên được nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh về chiến công mưu trí dũng cảm của ông./.
(Viết theo lời kể của Ông Nguyễn Tự Huy)
Chuyện thứ hai
Hai anh em ông Đỗ Đăng Hồ cùng làm rể gia đình Họ Nguyễn Nam Định
Ông Hai Xuân có một người em gái rất xinh đẹp, nết na và được Cụ Phủ (Cụ Nguyễn Ngọc Tích cho ăn học chu đáo). Bà tên là Nguyễn Thị Mỹ và được bố mẹ gả cho Ông Đỗ Đăng Phan làm nghề bác sĩ (thường gọi là ông Đốc Phan). Ông Đốc Phan là bác sĩ giỏi được đào tạo bên Pháp và được Toàn quyền Đông Dương chọn làm bác sĩ riêng chuyên chăm sóc sức khỏe cho các quan chức của Pháp tại Việt Nam. Ông Đốc Phan có người em trai tên là Ông Đỗ Đăng Hồ, ông Hồ làm nghề kinh doanh buôn bán tại Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định. Ông Hồ lại đem lòng yêu cô con gái của ông Hai Xuân (em của Bác Nguyễn Ngọc Tụ) và được hai gia đình tổ chức lễ cưới. Như vậy hai anh em ruột ông Hồ và ông Đốc Phan lấy hai gì cháu của Gia tộc họ Nguyễn Nam Định. Sau năm 1954, Ông Hồ di cư vào Miền Nam và sống thọ tới gần 100 tuổi, ông qua đời tại Sài Gòn.
(Viết theo lời kể của Ông Đỗ Đăng Hồ)
Chuyện thứ ba
Câu chuyện về cụ Cai Ba họ Mai người Tràng Lũ – Thái Bình
Vùng Phụ Dực – Thái Bình có câu đồng dao “ ………….”. Vậy Cụ Cai Ba là ai? Theo lời Bác Mai Lâm (hậu duệ đời thứ tư của Cụ Cai Ba) kể lại, Cụ Cai Ba tức Mai …. Là người giàu nhất Thái Bình thời bấy giờ, đất của Cụ có tới ngàn mẫu ruộng thẳng cánh cò bay. Vì sao Cụ có gia sản giàu như thế? Cụ thân sinh ra Cụ Cai Ba là Cụ Lang Ba họ Mai người Tràng Lũ. Cụ là thầy thuốc giỏi nổi tiếng thời bấy giờ. Chuyện kể rằng, sau một ngày Cụ Lang Ba đi thăm con bệnh ở làng bên về, vì trời mưa đường trơn lầy lội trước khi vào nhà Cụ Lang Ba ra cầu ao rửa chân, Cụ cầm tay anh gia nhân để khua chân xuống ao rửa. Thấy mạch tay của anh gia nhân rất lạ. Sau khi vào nhà, Cụ gọi anh gia nhân tới nói rằng :
- Ta cho anh 10 lạng bạc, anh về quê nghỉ ngơi và mua sắm quan tài, tuổi thọ của anh chỉ còn vài tháng nữa thôi….
Anh gia nhân quỳ xuống lạy nhờ Cụ cứu giúp, nhưng Cụ xua tay trả lời không thể cứu được. Quả nhiên sau 1 tháng người nhà báo tin anh gia nhân đã chết, Cụ Lang Ba rất đau xót và cử người nhà đến mai táng chu đáo.
Như vậy có thể nói Cụ Lang Ba là thầy thuốc giỏi, chỉ sờ qua mạch mà biết mệnh người dài hay ngắn.
Tài chữa bệnh của Cụ nổi như sóng cồn khi quan Toàn quyền Đông Dương có con trai bị bệnh hiểm nghèo nhờ Cụ Lang Ba chữa khỏi. Có thể do giỏi nghề nổi tiếng như thế nên gia sản của Cụ Lang Ba Họ Mai mới để lại nhiều như thế chăng !!!
Kể theo lời của Ông Nguyễn Tự Huy
Chuyện thứ tư
Trí nhớ tuyệt vời của ông Nguyễn Tự Huy
Ông Nguyễn Tự Huy sinh năm 1907 (Đinh Mùi) là con thứ hai của Cụ Nguyễn Hán Trác. Từ nhỏ Ông đã được học hành chữ Pháp, chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Ông là người đọc nhiều sách thánh hiền, tiếp xúc với nhiều văn nhân và tầng lớp quan lại thời bấy giờ (Bởi Cụ Phủ Nguyễn Ngọc Tích, Tri phủ Mỹ Lộc là Bác ruột của Ông Huy). Chính vì vậy Ông có nhiều cơ hội để học hỏi mở rộng kiến thức. Tôi là con trai út của Ông, hai cha con rất hợp nhau. Khi còn học phổ thông ông thường giúp tôi trong học tập và động viên khích lệ tôi rất nhiều. Đặc biệt Tôi thường được ông giao nhiệm vụ chuẩn bị đèn chiếu sáng (thời bấy giờ chiến tranh phá hoại phải tản cư về vùng nông thôn nên không có điện) và pha chè (mỗi buổi sáng Tôi đạp xe xuống hồ sen cách nhà 2 km để mua hoa về ướp chè) cho ông tiếp khách tâm giao. Trong câu chuyện bình luận về văn chương của các nhà thơ nổi tiếng giữa các ông, Tôi là người nhập tâm hầu hết : Thơ của Lê Quý Đôn, Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh quan, Liễu Hạnh Công chúa, Nguyễn Du, Nghè Tân (quan kinh lược sứ Nguyễn Văn Tân), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… Thời bấy giờ lo ăn chưa đủ nên tài liệu sách báo hầu như không có. Một món quà đặc biệt mà Ông dành cho Tôi là tự tay Ông nhớ và chép lại toàn bộ Truyện Kiều với 3254 câu thơ cho tôi học. Tôi cũng cố gắng học tập ở Ông về khả năng trí nhớ ; nhưng đến nay, Tôi cũng chỉ thuộc được gần 500 câu mà thôi.
Người kể chuyện Nguyễn Duy Hưng
Chuyện thứ năm
Bài thơ của Xuân Thủy viết về Hồ Chủ Tịch
(Ghi theo lời đọc của Ông Nguyễn Tự Huy)
Sáng ngày 3/9/1969, ở nơi sơ tán (thôn Liềm Hạ, xã Vũ Ninh - Kiến Xương – Thái Bình) Tôi đang chuẩn bị đi học thì thấy Bà Khánh (một người dân đi đạo Thiên chúa giáo) khóc hu hu…từ cổng đi vào nhà ; Vừa lau nước mắt bà vừa mếu máo báo tin với gia đình nhà Tôi : Bác Hồ mất rồi! (chỉ bác Hồ Chí Minh). Cả gia đình tôi như đứng tim vì thương Bác, nhưng lo lắng cho vận mệnh đất nước mà Bác lãnh đạo nhiều hơn…
Ngày hôm sau Cha tôi đã có một bài thơ chép tay mang tựa đề : « Đinh ninh lời thề » của Nhà thơ Xuân Thủy (lúc đó Bác Xuân Thủy là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán về hòa bình của Việt Nam tại hội nghị Pari - Pháp). Tôi cũng không rõ bài thơ đó ai chuyển tới tay Cha tôi ; lúc đó tôi mới 10 tuổi, đọc bài thơ 4 đến 5 lần Tôi đã thuộc làu làu…
Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã đăng lại bài thơ trên Báo Giáo dục và Thời đại kẻo thất truyền (Không thấy bất kỳ tài liệu hay cuốn sách nào đăng bài này). Tôi xin chép bài thơ mà Cha con tôi đã sưu tầm :
ĐINH NINH LỜI THỀ
Dạo tháng sáu, tôi về Hà Nội,
Bác vui tươi như buổi sớm mai hồng.
Sao hôm nay trong cảnh não nùng,
Bác nằm đó tôi chào Người chẳng nói.
Vẫn vầng trán mênh mông, chói lọi;
Vẫn chòm râu, mái tóc trắng tinh sương;
Vẫn bộ ka – ki dầu dãi tháng năm trường;
Vẫn đôi dép cao su;
Vẫn lội suối, băng ngàn để cạnh.
Đâu oi ả mà nơi đây giá lạnh;
Cánh sao vàng lặng lẽ với trời mây;
Những vòng hoa man mác khói hương bay;
Hồn tử sĩ trầm trầm trong tiếng nhạc…
***
Bác Hồ!
Từ thuở thanh xuân đã ra đi cứu nước;
Khắp năm châu, bốn biển vẫy vùng;
Một con người gồm Kim - Cổ, Tây-Đông
Giàu quốc tế, đượm Việt Nam từng nét.
Yêu dân tộc, yêu loài người tha thiết;
Đường Mác - Lê mải miết bước chân nhanh;
Từ Koong - poanh, Pắc - Bó đến Hà thành;
Vượt bão táp, chông gai không phút nghỉ.
Đánh Nhật, đuổi Tây lại hiên ngang chống Mỹ;
Hồ Chí Minh rung chuyển đất trời.
Mỗi vần thơ chúc tết tối ba mươi;
Như pháo nổ, như hoa cười, như truyền hịch;
Mỗi lời nói, câu văn, trang sách;
Như pha lê, như thác cuốn lòng người;
Khi kết đoàn hòa nhịp tiếng ca vui;
Người chiến sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ.
Bảy mươi chín tuổi còn sục sôi máu trẻ,
Còn ước hẹn ngày rẽ sóng ra khơi,
Hẹn vô Nam, hẹn ra đi muôn dặm nước non ngoài.
Nào ngờ đã chao ôi! Vĩnh biệt.
***
Hỡi đồng chí và đồng bào Miền Nam ruột thịt,
Những ước ao mai mốt Bác vào thăm;
Nay đăm đăm trước đỉnh hương trầm;
Tôi hiểu lắm trong tay cầm chắc súng;
Ôi Miền Bắc khôn ngăn dòng xúc động;
Những ai xưa chưa gặp Bác bao giờ;
Hay gặp rồi đang gội gió, dầm mưa;
Đang mong sớm, chờ trưa trông thấy Bác.
Những kiều bào từ bốn phương lưu lạc;
Thấy Bác Hồ là tất cả quê hương,
Là yêu thương, bất khuất, là kiên cường.
Nay ảnh Bác một màu tang bao phủ.
Có những người tận chân trời sóng gió;
Mờ xa xôi như cảnh vật hôm nào,
Hẳn đêm nay thao thức nao nao,
Như thấy Bác trên đường đời bát ngát.
Tôi nhớ lại buổi qua như trước mắt,
Cũng nơi đây một buổi sáng mùa thu,
Cạnh hồ sen nhẹ thoảng hương đưa,
Bác chỉ dẫn từng đường thơ, lưỡi kiếm.
Tôi nhìn Bác lớn mênh mông trời biển,
Hứa ra đi quyết thắng quân thù,
Cầm tay tôi, Bác lại dặn dò,
Trong tay Bác, tôi thêm nhiều sức ấm,
Hẳn hôm nay giữa Ba Đình nóng bỏng,
Tôi lắng nghe từng ý, từng lời:
“Còn non, còn nước, còn người;
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”
Ôi tự hào tin tưởng lạc quan thay,
Bác vẽ sẵn cảnh vườn cây thống nhất.
***
Tôi nhớ lại buổi qua như trước mắt,
Cũng nơi đây một buổi sáng mùa thu,
Nắng lung linh râu, tóc Bác Hồ;
Vang thế giới bản Tuyên ngôn độc lập.
Rồi kháng chiến chín năm đi khắp,
Lại về đây trong ánh nắng reo cười.
Giữa huy hoàng cháu bé tặng hoa tươi,
Hôn các cháu, Bác cười nheo đôi mắt.
Và từ đó mỗi năm ngày đẹp nhất,
Cũng nơi đây Tổ quốc lại hôn Người,
Mà hôm nay khóc Bác, Bác Hồ ơi!
Có phải Bác đang nằm suy nghĩ,
Như Lê - nin nằm đó nghĩ muôn sau,
Nắm tay thề nén nỗi thương đau,
Đường cách mạng xin vâng lời Bác dặn.
***
Lau nước mắt triệu đồng bào ta đứng dậy,
Cùng xông pha ba mặt chiến trường;
Đây tiền phương, đây hậu phương;
Quyện dừa biếc tre xanh mà xốc tới.
Anh giải phóng quân ơi, hãy đi vào trận mới;
Khuấy Cửu Long hay quật khởi Trường Sơn,
Quét đô thành hay mở rộng nông thôn.
Ta bước tiếp đội ngũ ta trùng trùng, điệp điệp;
Cao hơn núi, dài hơn sông;
Chí ta lớn như Biển Đông trước mặt.
Ôi lời Bác lại vang lên sự thật
Nước Việt Nam ta phải độc lập, hòa bình.
Cả loài người phải hạnh phúc, văn minh.
Ra đi ngoảnh lại Ba Đình,
Bâng khuâng nhớ Bác, đinh ninh lời thề.
Xuân Thủy - Tháng 09/1969