Nhà sử học Lê Khắc Liên
Khuê Văn Các (Gác văn sao Khuê) là biểu tượng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội từ nhiều đời nay, thấm đẫm tinh thần đề cao, tôn trọng học vấn, văn chương. Không nhiều người biết căn gác gỗ nhỏ, kiến trúc giản dị và tao nhã này xưa là chốn tụ họp bình văn lại do một vị võ tướng dựng lên.
Ông là tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành.
Ông là người có trí thông minh và tài thao lược, giỏi cả văn lẫn võ... và có công lao to lớn trong việc ổn định lại Bắc thành (tên gọi của Thăng Long vào đời Tây Sơn, khi kinh đô đóng ở Phú Xuân - Huế). Có lẽ cũng vì vậy, tuy chỉ làm tổng trấn trong sáu năm, ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, có công lớn trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi để trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam (1802-1945).
Sách Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ năm Gia Long thứ nhất - Nhâm Tuất 1802) chép rằng: “Vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến, đồng thời là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (Huế). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tiện nghi làm việc”.
Với tài năng và nhiệt huyết, trong thời gian làm tổng trấn Bắc thành, tiền quân Nguyễn Văn Thành đã cho khai khẩn những vùng đất hoang, giúp nhân dân có điều kiện sản xuất nông nghiệp và mở rộng chăn nuôi. Ông cho sửa lại những công trình thủy lợi trên đất Thăng Long và các vùng phụ cận như làm cầu, vét sông, đắp đê..., khuyến khích nhân dân Thăng Long phát triển các ngành khai mỏ, nghề thủ công, thương nghiệp.
Năm 1805, ông đã cho xây các cửa thành Thăng Long (cửa Đông Nam, cửa Tây Nam, cửa Đông, cửa Tây và cửa Bắc), mỗi cửa đều dựng bia để ghi nhớ. Song song với việc khuyến khích phát triển về nhiều mặt trên đất Thăng Long, Nguyễn Văn Thành đã cùng nhân dân nơi đây khắc phục những hậu quả của thiên tai, dịch họa.
Vùng đất Bắc thành - Thăng Long từ chỗ không ổn định (đầu triều Nguyễn) đã đổi thay tích cực chỉ sau mấy năm Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn. Ông dần lấy được tình cảm của nhân dân đất cố đô Thăng Long.
Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại rất coi trọng việc học. Cùng thời gian sửa sang lại Bắc thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các ở cửa Nghi Môn. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805, tạo nên một kiến trúc có giá trị văn hóa, mỹ thuật. Chính tại đây, hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, chọn ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lấy bốn tháng giữa xuân, hạ, thu, đông tổ chức khảo thí học trò.
Hai bên phải, trái của gác Khuê Văn là hai cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn (văn hàm súc và văn sáng đẹp). Khuê Văn Các được lát gạch Bát Tràng, muốn lên gác phải đi qua ba bậc thang đá. Toàn gác đặt trên bốn trụ gạch vuông, trên các mặt trụ đều có chạm trổ hoa văn tinh tế. Bốn cạnh sàn cũng đều có diềm gỗ chạm trổ sắc sảo.Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát, mái mỗi bề xếp thành hai lớp tạo nên một đài tháp tám mái gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, bốn mặt gác đều có cửa sổ hình mặt trời với kích thước hài hòa, cân xứng, với những song gỗ tỏa đều như những tia nắng chiếu lên bề mặt địa cầu mà giếng vuông Thiên Quang là biểu tượng.
Đến nay, Khuê Văn Các vẫn là một trong những biểu tượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Ít người biết rằng kiến trúc này chính là ý tưởng của vị tổng trấn đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Bắc thành - Thăng Long, thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học với tư tưởng coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia.