PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, tháng 10[1] năm Nhâm Tuất (1802) niên hiệu Gia Long thứ 1, triều đình cử Hữu quân Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành trông coi 5 nội trấn và 6 ngoại trấn bao gồm 23 phủ, 100 huyện, 848 tổng, 6280 xã thôn với số nhân đinh là 193.389 người. Năm Gia Long thứ 4 (1805) Tổng trấn Bắc Thành nhận lệnh của triều đình tổ chức xây dựng lại Bắc Thành. Tòa thành mới xây xong có chu vi 432 trượng, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, hào sâu bao quanh nộp 4 trượng. Sách Thăng long cổ tích khảo tịnh hội đồ do Mai Phong Đặng Xuân Khanh biên soạn viết bằng chữ Hán hiện lưu giữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu VHv. 2471 cho biết, tòa thành cổ này được xây dựng trên đất của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận của phủ Phụng Thiên. Từ đời Lê (1428- 1788) trở về trước, các triều đều đóng đô ở đây nên thành còn có tên gọi khác là thành Phụng Thiên, nằm ở bên trong thành Đại La. Trải qua thời gian lâu dài, thành cổ đã bị hư hỏng nhiều. Đến khi nhà Tây Sơn chạy ra Bắc đã dựa theo nền móng cũ khôi phục lại, nối liền từ cửa Đông Hoa cho đến cửa Đại Hưng, xây nên tòa thành mới. Đến thời Gia Long, đặt làm lỵ sở của Bắc Thành. Năm Gia Long thứ 3 (1804) các quan đình thần bàn định cho rằng qui mô của tòa thành do nhà Tây Sơn xây dựng quá chật hẹp, tâu xin được tu bổ mở rộng. Năm Gia Long thứ 4 (1805) triều đình ban chiếu sai quan Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành tổ chức xây dựng lại theo quy mô lớn hơn. Trong khu vực thành nội xây hai tòa chính điện, hai bên tả hữu xây hai dãy hành lang. Phía sau xây ba tòa nội điện, mỗi tòa đều xây hai dãy hành lang riêng biệt. Đằng sau nội điện xây lầu Tĩnh Bắc. Bốn chung quanh nội điện đều xây tường gạch bao bọc. Trước tòa Chính điện xây thềm đá, con đường lát đá chạy thẳng ra cửa Đoan Môn. Trên nóc cửa có khắc đá ghi hai chữ Đoan môn (端 門), đó chính là di tích đời Lý để lại. Bên ngoài cửa Đoan môn dựng Bi đình, xây Kỳ đài (旗 臺) (cột cờ).
Kỳ đài chính là cột cờ Hà Nội, được xây dựng từ năm 1805, đến năm 1812 thì hoàn thành, thời gian mà quan Tổng tài Nguyễn Văn Thành đang đảm nhiệm chức vụ Tổng trấn Bắc Thành. Kỳ đài là một dạng kết cấu hình tháp, gồm ba tầng và một thân cột. Các tầng đế đều xây theo dạng hình chóp vuông cụt, tầng nọ chồng lên tầng kia, chung quanh đều được ốp gạch chắc chắn. Tầng một cao 3,1 mét, mỗi chiều dài 42 mét. Tầng hai cao 3,7 mét, mỗi chiều dài 27 mét, xây 3 cửa theo 3 hướng, có đặt tên riêng. Cửa Nam đắp chữ Hướng minh(向 明), có nghĩa là hướng về ánh sáng. Cửa Tây đắp chữ Hồi quang (回 光), có nghĩa là ánh sáng quay về. Cửa Đông đắp chữ Nghênh húc (迎 旭) , có nghĩa là đón ánh sáng ban mai. Tên gọi ở cửa Đông của tòa kỳ đài này đã gợi cảm hứng sáng tác thơ ca cho nhiều tao nhân, mặc khách đời sau. Tầng ba của tòa kỳ đài cao 5,1 mét, mỗi chiều dài 13 mét. Tòan bộ ba tầng hình chóp vuông cụt này cao 11, 9 mét. Trên tầng ba xây cột cờ hình trụ bát giác, cao 18, 2 mét. Đỉnh cột cờ xây tòa lầu bát giác, cao 3, 3 mét. Giữa lầu là trụ tròn, là chỗ để cắm cờ. Từ trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của thành Hà Nội và kỳ đài từ lâu đã trở thàn biểu tượng rất đáng tự hào của người Hà Nội. Hình ảnh lá cờ trên kỳ đài tung bay trước gió đón nhận ánh sáng ban mai hàng ngày đã được thi nhân đương thời hình dung thành một vật thể treo ánh sáng ban mai lơ lửng trên đó, ghi bằng cụm từ Hán Việt Thành kỳ quải húc (城 旗 掛 旭) (lá cờ trên tòa thành treo ánh sáng ban mai).
Tác giả Đỗ Lệnh Do người làng Nhân Mục tổng Khương Đình huyện Thanh Trì trong sách Nhân Mục Đỗ Lệnh Do thi tập, ký hiệu A. 2799 đã xếp Thành kỳ quải húc là cảnh đẹp bậc nhất trong số 30 cảnh đẹp của Hà thành thời đó.
Ba mươi cảnh đẹp đó là:
1. Thành kỳ quải húc, ánh sáng ban mai treo trên lá cờ của tòa thành.
2. Ngũ môn cận nhật, ngày vào chầu ở cửa Ngũ Môn.
3. Lâu cổ truyền canh, tiếng trống cầm canh ở lầu trống.
4. Nhất trụ thê hà, chùa Một Cột lưu giữ ráng chiều.
5. Khán sơn thự sắc, ánh nắng mùa hè ở núi Khán
6. Nhĩ Hà tình lưu, dòng sông Nhĩ Hà lặng sóng
7. Tây hồ cán ti, đập tơ lụa bên hồ Tây
8. Đông kiều lộng địch, tiếng sáo thổi nơi cầu Đông.
9. Vũ quán xao nguyệt, bóng trăng soi quán Trấn Vũ
10. Văn đình từ vân, mây phủ trên đình Quảng Văn
11. Mai dịch túy ông, ông lão say ở Mai Dịch
12. Hòe nhai ca nữ, người ca nữ ở phố Hòe Nhai.
13. Kiếm hồ xạ ngưu, bắn con trâu ở Hồ Gươm
14. Liệt tân dã độ, chèo đò qua đầm Sét
15. Chiêu chử ngưu can, thả cần câu cá ở đầm Nhật Chiêu
16. Tô giang ẩm mã, dắt ngựa uống nước sông Tô
17. Linh động ẩm ngưu, dắt trâu uống nước ở Linh Động
18. Hà khẩu thu trừng, nước thu trong trẻo ở Hà Khẩu
19. Thủy Đồn dạ tích, tiếng mõ đêm ở bến Đồn Thủy
20. Bát Tràng lung đăng, đèn lồng ở Bát Tràng
21. La Thành trúc ổ, khóm trúc ở thành Đại La
22. Võng Thị hoa điền, ruộng trồng hoa ở Võng Thị
23. Trấn Quốc qui tăng, sư tăng về chùa Trấn Quốc
24. Giám môn khóa sĩ, khóa sinh ở Quốc Tử Giám
25. Châu Lâm vũ hậu, sau trận mưa ở Châu Lâm.
26. Tản Lĩnh vân gian, đám mây che trên núi Tản Viên
27. Huyền Quán trúc tiêm, măng tre ở quán Huyền Thiên
28. Thụy Phương liên tửu, rượu sen ở phường Thụy Phương
29. Kim Âu thủy giám, gương nước ở Kim Âu
30. Trúc Bạch lô tiền, lò đúc tiền ở Trúc Bạch.
Thi nhân Đỗ Lệnh Do xếp đề tài Thành kỳ quải húc lên đầu trong số ba mươi thắng cảnh, có thể nói hình ảnh ánh nắng ban mai treo trên lá cờ của thành Hà Nội đã có sức hấp dẫn lạ kỳ. Húc (旭) là từ Hán Việt, nói về ánh sáng ban mai rạng rỡ. Năm 1865, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu đứng ra tôn tạo khu đền Ngọc Sơn, đã cho bắc chiếc cầu từ bờ dẫn đến đảo Ngọc để đón ánh nắng buổi sớm soi vào đền, rồi đặt tên cho cây cầu gỗ đó là Thê Húc kiều (棲 旭 橋). cầu Thê Húc ở Hồ gươm đã là hình ảnh thân thương lưu luyến của người dân Hà Nội và của du khách thập phương từng đặt chân đến đây. Tuy thế hình ảnh ánh nắng ban mai treo trên lá cờ ở thành Hà Nội có trước cầu Thê Húc hơn năm mươi năm thì còn ít người biết đến.
Bài Thành kỳ quải húc của Đỗ Lệnh Do viết
城 旗 掛 旭
建 作 工 夫 代 代 機
五 門 樓 外 望 巍 巍
高 標 百 丈 擎 天 住
直 指 重 霄 拥 日 輝
進 覲 開 時 風 正 拂
擺 朝 卷 處 露 初 晞
億 年 瞻 仰 無 穷 頌
不 息 揚 光 不 拔 旗.
Thành kỳ quải húc
Kiến tác công phu đại đại ky,
Ngũ môn lâu ngoại vọng nguy nguy.
Cao tiêu bách trượng kình thiên trụ,
Trực chỉ trùng tiêu ủng nhật huy.
Tiến cận khai thời phong chính phất,
Bãi triều quyện xứ lộ sơ hy.
Ức niên chiêm ngưỡng vô cùng tụng,
Bất tức dương quang bất bạt kỳ.
Nghĩa là:
Xây dựng mất nhiều công sức, đời đời mở mang,
Ở ngoài lầu Ngũ Môn nhìn thấy lồng lộng.
Cao hơn trăm trượng như cột chọc trời xanh,
Trỏ thẳng tầng mây đỡ lấy mặt trời.
Khi các quan vào chầu cờ bay trước gió,
Lúc bãi triều cuộn lại đã có sương rơi.
Ngàn năm chiêm ngưỡng không ngớt lời tán tụng,
Lá cờ vững chãi không ngừng tỏa sáng.
Huyện doãn huyện Nam Xang cũng có chùm thơ vịnh “ba mươi cảnh đẹp” ở Long Thành, bài Thành kỳ quải húc xếp thứ 3, hiện được chép trong sách Hà thành tạp vịnh kí hiệu A. 1804.
襟 瀘 枕 傘 鎮 邦 畿
朱 旭 煌 煌 掛 彩 旗
百 雉 危 樓 風 號 令
雙 纛 日 威 儀
長 竿 東 照
光 舞 幡 章 上 下 時
南 海 無 波 旗 盡 捲
省 方 翹 仰 九 游 旂.
Khâm Lô chẩm Tản trấn bang kỳ,
Chu húc hoàng hoàng quải thái kỳ.
Bách trĩ nguy lâu phong hiệu lệnh,
Song long tuấn độc nhật uy nghi.
Trường thiên cán ảnh đông tây chiếu,
Quang vũ phan chương thượng hạ thì
Nam hải vô ba kỳ tận quyển,
Tỉnh phương kiều ngưỡng cửu du hi.
Nghĩa là:
Lấy sông Lô làm vạt, non Tản làm gối trấn giữ kinh kỳ,
Ánh ban mai rực rỡ treo trên lá cờ.
Lầu cao trăm trượng gió đang ra lệnh,
Cột lớn đôi rồng rạng rỡ uy nghi.
Lại thêm cột cao chiếu dọi từ đông sang tây,
Lá cờ như nhảy múa lúc kéo lên hạ xuống.
Khi biển Nam Hải lặng sóng thì cuộn lá cờ lại,
Ngưỡng vọng vua đi thăm thú các nơi cờ quạt tưng bừng.
Sách Thăng Long tam thập vịnh kí hiệu A. 2548 chưa rõ tác giả là ai, cũng thấy chép bài Thành kỳ quải húc:
萬 里 金 湯 翊 帝 畿
城 中 旭 掛 大 竿 旗
風 飄 峻 纛 昭 文 物
日 照 高 臺 绚 彩 儀
紳 冑 直 瞻 為 號 令
旗 游 未 論 別 尊 俾
天 家 制 度 昭 平象
兵 木 旗 竿 笑 彼 癡.
Vạn lý kim thang dực đế kỳ,
Thành trung húc quải đại can kỳ.
Phong phiêu tuấn độc chiêu văn vật,
Nhật chiếu cao đài huyến thái nghi.
Thân trụ trực chiêm vi hiệu lệnh,
Kỳ du vị luận biệt tôn ti.
Thiên gia chế độ chiêu bình tượng,
Binh mộc kỳ can tiếu bỉ si.
Nghĩa là:
Kim thành thang trì muôn dặm bảo vệ kinh đô,
Trong thành có lá cờ lớn giữa ánh sáng ban mai.
Gió rung cột lớn làm rạng rỡ văn vật,
Mặt trời dọi vào đài cao càng tỏ vẻ uy nghi.
Cai quan áo mũ xem cờ chờ hiệu lệnh,
Cờ tung bay như phân biệt cao thấp.
Chế độ nhà trời tỏ rõ cảnh tượng thái bình,
Binh khí cán cờ cười nhạo kẻ ngu si.
Quan Hình bộ họ Hoàng cũng có chùm thơ vịnh, song đời sau mới chỉ sưu tầm được 19 bài, chép trong sách Thăng Long thập cửu thủ kí hiệu A. 1640. Rất may là trong số mười chín bài đó cũng có bài Thành kỳ quải húc
咫 尺 威 顏 凜 不 違
北 門 鎖 鑰 控 三 陲
風 翻 豹 纛 閒 舒 卷
彩 绚 烏 輪 共 陸 離
四 塞 塵 清 刁 斗 靜
五 軍 令 肃 帶 裘 宜
鈴 衙 餘 暇 敦 詩 禮
翹 仰 詩 成 樹 帛 旗
Chỉ xích uy nhan lẫm bất vi,
Bắc môn tỏa thược khống tam thùy.
Phong phiên báo độc nhàn thư quyện,
Thái huyến ô luân cộng lục ly.
Tứ tái trần thanh điêu đẩu tĩnh
Ngũ quân lệnh túc đái cầu nghi
Linh nha dư hạ đôn thi lễ
Kiều ngưỡng thi thành thụ bạch kỳ.
Nghĩa là:
Long nhan gang tấc cung kính chẳng dám sai,
Cửa Bắc khóa chặt khống chế ba phía.
Gió lay cột cờ thư thái cuộn lại,
Vừng ô rực rỡ khắp dải đất liền.
Bốn biển lặng sóng cờ đuôi nheo để yên,
Năm quân hiệu lệnh nghiêm túc nên mặc áo cầu.
Bản nha nhân lúc thư nhàn bàn việc thi lễ,
Mong mỏi làm thơ xong đề lên là cờ gấm.
Hình ảnh ánh sáng ban mai chiếu trên lá cờ ở kỳ đài thành Hà Nội đã in sâu trong tâm thức bao thế hệ người dân Hà thành, đặc biệt đã tạo hứng làm thơ cho nhiều thi nhân. Do khuôn khổ của bài tham luận, chúng tô mới chỉ giới thiệu được bốn bài thơ trong số gần chục bài thơ Thành kỳ quải húc. Mỗi bài đều có một ý vị riêng, song tất cả đều tập trung miêu tả hình ảnh lá cờ rực rỡ tung bay trên bầu trời Hà Nội, song luôn lưu giữ được ánh sáng ban mai kỳ ảo trong đó.
Tài liệu tham khảo
1.Thăng Long tam thập vịnh, A. 2548
2. Thăng Long thập cửu vịnh, A. 1640
3. Hà thành thi sao, VHb. 319
4. Hà Nội địa dư, A. 1154
5. Bắc Thành địa dư chí lục, A. 1565.
6. Nhân Mục Đỗ Lệnh Do thi tập, A. 2799
8. Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, NXb Văn học, 1993.
9. Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXb Khoa học xã hội, 2004.
9. Di sản Hán Nôm Việt Nam- thư mục đề yếu, Trần Nghĩa chủ biên, NXb. Khoa học xã hội, 1993.
10. Các tác gia Hán Nôm Thăng Long Hà Nội, Phạm Văn Thắm chủ biên, NXb. Khoa học Xã hội, 2009.
[1]. Sách Đại Nam thực lục: chép sự kiện này vào “ tháng 9 năm nhâm tuất(1802)” (BT)