LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

KỶ NIỆM 200 NĂM XÂY DỰNG ĐÌNH TÂN AN

Ban biên tập website: honguyenquancong.com

Ngày 27 – 28 – 29/12/2020 tức ngày 14 – 15 – 16 tháng 11 âm lịch năm Canh Tý, Đình Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức Lễ Kỳ Yên và kỷ niệm 200 năm ngày xây dựng Đình Tân An. Khởi đầu - theo tài liệu của Ban Quản lý di tích và Danh thắng Bình Dương - lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này khai cơ lập nghiệp đã dựng nên ngôi đình bằng mấy gian nhà gỗ đơn sơ lợp ngói đỏ. Vị thành hoàng được người dân tôn thờ tại đình là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Ngôi đình sau đó được xây cất lại với chiều rộng 50m, dài 70m. Kết cấu bằng gỗ sao, đình kiến trúc theo hình chữ tam mang đậm phong cách của ngôi đình nam bộ xưa.

Kết cấu bên trong gồm 40 cột gỗ vuông, ngoài hành lang 30 cột. Toàn bộ khung sườn đình đều làm bằng gỗ sao được lấy từ những cây sao già tại khu rừng cạnh đó. Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá.Dấu ấn của thời gian đã thể hiện rõ nét qua lớp rêu phong trên mái trông rất cổ kính. Trên mỗi nóc đều có hình lưỡng long tranh châu. Các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền đình lát gạch tàu hình lục giác.

Từ ngoài cổng bước vào là khu rừng quanh năm xanh tốt với nhiều loại gỗ quý như: Gõ, Sao, Cẩm, Dầu… Vì thế, nơi đây được nhiều người chọn làm điểm sinh hoạt dã ngoại lý tưởng vào mùa hè. Qua khỏi khu rừng là cổng tam quan dẫn vào bên trong ngôi đình. Trên các cột và trước các áng thờ đều có treo các bức hoành phi, liễn đối viết bằng chữ Hán rất có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa.

Ngày 26/4/2014 Đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ-BVHTTDL