LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

LỄ HỘI ĐÌNH TÂN AN KỶ NIỆM 200 NĂM XÂY DỰNG ĐÌNH

Ban biên tập website: honguyenquancong.com

Lễ hội Đình Tân An năm nay được tổ chức long trọng bởi sự kiện kỷ niệm 200 năm xây dựng ngôi Đình và cúng Lễ Kỳ Yên năm Canh Tý.

Tượng đúc đồng Khai quốc Công thần Quận công Nguyễn Văn Thành

Lễ hội được tổ chức ba ngày: 14 - 15 - 16 Âm lịch năm Canh Tý. Công tác chuẩn bị Lễ hội được chuẩn bị trang trọng, công phu (Dựng rạp, khánh tiết, trang trí ban thờ, chuẩn bị cỗ mời khách...).  Ban quý tế gồm 30 người được phân công thành các ban: ban tiếp tân có nhiệm vụ đón khách; ban trật tự giữ gìn an ninh trong những ngày diễn ra lễ hội; ban nấu nướng phụ trách mua sắm, làm tiệc; ban tài chính quản lý chi tiêu, ban lễ vật có nhiệm vụ nhận và trả lễ vật bà con dâng cúng. Công việc dọn dẹp vệ sinh đường sá dẫn đến Đình, quét dọn, vệ sinh những ban thờ, mọi ngõ ngách trong Đình được tiến hành. Hàng loạt những câu đối, tấm liễn viết chữ Hán, chữ Quốc ngũ bằng mực đỏ với nội dung cầu cho dân khang vật thịnh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho lễ Kỳ yên năm nay được thành công... được trang hoàng trên từng cột Đình. Cửa hậu điền và tất cả các cánh cửa khác trong đình được mở rộng để đón khách thập phương đến tham dự.

Ngày 14 AL (6 giờ 30 phút ngày 14) diễn ra nghi lễ Lễ thỉnh sắc:

Lễ Kỳ yên được bắt đầu bằng nghi lễ thỉnh sắc thần, tiến hành vào 6 giờ 30 phút ngày 14-11. Ngay từ 5 giờ 30 phút Ban nghi lễ đã tập trung đông đủ tại đình, ăn mặc chỉnh tề, tắm rửa thân mình thật sạch sẽ, mỗi người lo phần việc của mình để nghi lễ diễn ra thật trọn vẹn.

Lễ thỉnh sanh (14 giờ ngày 14 AL)

Nghi lễ thỉnh sanh là một trong chuỗi những nghi thức quan trọng sau lễ Thỉnh sắc như lễ Túc Yết (lễ nghênh chào và ra mắt thần), lễ Đàn Cả (lễ tạ ơn thần), tế tiền hiền, hậu hiền là những lễ thức có ý nghĩa, nội dung, vị trí riêng nhưng hình thức gần như tương tự nhau gồm các bước nhạc lễ khai lễ, lễ sinh dâng lễ vật, chánh tế đọc văn tế.

Sau lễ Thỉnh Sanh, Gánh hát bội mà Ban quý tế đã hợp đồng mời đến vào buổi chiều. Khi tới đình, trưởng đoàn hát mặc theo lối diễn thay mặt cho gánh hát bưng bàn thờ tổ đến trước cổng đình, đứng đợi. Một người trong Ban nghi lễ đã có thỏa thuận từ trước cũng mặc áo dài khăn đóng bước ra đón. Trưởng đoàn hát trình bày lý do, xin được vào phục vụ Thần trong dịpLễ Kỳ yên rồi rước bàn thờ tổ đến trước bàn thần. Cả gánh hát cùng vào bái lạy Thần và diễn các vở hát dâng Thần để khách thập phương được chiêm ngưỡng.

Ngày 15 AL (10 giờ) Lễ tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ

Tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ là nghi lễ tưởng nhớ đến công ơn “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” - lớp người đầu tiên tới khẩn hoang, có công lao lập ấp, lập làng, xây dựng đình miếu và chiến sĩ trận vong là những người có công khẳng định công lao, giữ gìn từng tấc đất mà tổ tiên đã mất bao mồ hôi xương máu khai khẩn, tạo dựng.

Lễ Đăng /Đàn cả (19 giờ 30 phút ngày 15)

Lễ Đăng/Đàn Cả là lễ chánh cúng của lễ hội Kỳ yên, mang ý nghĩa tạ ơn thần. Người dân bày lễ dâng cúng lên thần với tâm nguyện tạ ơn thần đã cho những năm mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh. Lễ vật dâng lên thần trong nghi Đăng cả là một heo tế - heo đực, màu đen. Heo đã được yết, mổ bụng, làm sạch, đặt trong máng trên bàn hội đồng, ở giữa lưng heo có cắm một con dao, bên cạnh là một đĩa lòng.

Ngày 16 AL diễn ra Lễ đưa sắc

Lễ đưa sắc diễn ra kết thúc phần “lễ”. Đây là nghi lễ đưa sắc thần về nơi tọa vị - còn gọi là lễ hồi sắc. Nghi tiết thực hiện như nghi thỉnh sắc: từ đội hình đoàn rước, lễ vật rước đến nghi thức thực hành nghi lễ nhưng lộ trình ngược lại. Trước khi rước sắc đi Ban nghi lễ đồng bái lạy, ông Nguyễn Tri Quan - chánh tế khấn xin rước thần hồi lại nhà mình. Long đình được đặt trước cổng Đình, đoàn đưa sắc đứng đợi theo thứ tự, ông trưởng lão đội khánh sắc đi trước, ông chánh tế vai mang kiếm thần theo sau. Khi khánh sắc đã được đặt trong Long đình, ông chánh tế hô “an thần vị du long xa” như lời hiệu lệnh, đoàn rước lên đường.

BBT