LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Lịch sử tổ đường danh nhân Nguyễn Văn Thành và quần thể lăng mộ tại Thừa Thiên Huế

A. LỊCH SỬ TỔ ĐƯỜNG DANH NHÂN NGUYỄN VĂN THÀNH

Công tiên thế nguyên Thuận Hóa, xứ Triệu Phong, phủ Quảng Điền, huyện Phú Ốc, tổng Bác Vọng, xã Tây Giáp. Hậu tòng cư Gia Định thành, Phiên An trấn, Tân Bình Phủ, Tân Long huyện, Tân Phong xã, Bình Long thôn … ( Trích bia đá Thanh 0,40 x 1,28 cm tôn trí ở bình phong hậu lăng Ngài tổ Nguyễn Văn Thành)

Bia lập năm Đinh Sửu (1817) tháng 9 ngày 26 – Ngài mất năm Đinh Sửu (1817) tháng 5 (trọng hạ) ngày 11 giờ Thân ( 15 giờ 10 phút – 17 giờ 10 phút )

Theo lời Ông nội tôi (Nguyễn Văn Túc tức Cậu viện – Cậu Ấm Túc) kể lại: Nguyên nhà thờ ở ngoài Làng Bác Vọng sau mới dời vào Huế xây kiểu nhà rường một căn hai chái, mái lợp tranh, xung quanh được làm bằng phên tre nền đất (thời gian không rõ). Đến năm 1956 ba tôi Nguyễn Văn Trai tức Phố, anh rể Trần Mô, anh con Bà Cô ruột Trần Đình Xuân (các vị đã quá cố) đứng ra tổ chức tu sửa, tường xây bờ lô, mái lợp ngói móc vảy cá. Đến năm Quý Dậu (1993) do ảnh hưởng thời tiết khí hậu, mái ngói bị hư hỏng nặng, chú cháu tôi đứng ra vận động con cháu đóng góp tu sửa, lợp lại mái ngói xi măng lát nền gạch men, thay các cột bị mối mọt ăn hư hỏng nặng. Nguồn gốc thửa đất xây dựng Tổ đường: Trưởng nữ của ngài Nguyễn Văn Thành là bà Nguyễn Thị Viện, sinh năm Quý Sửu (1793) tháng 7 ngày 01 – Mất ngày 01 tháng 3 năm không rõ. Bà Viện kết hôn với ông Tôn Thất Thoại (1973 – 1822) Vĩnh Thanh trấn Vĩnh Bảo Trung Cơ Chánh Quản Cơ, sinh năm Quý Sửu (1793) tháng 11 ngày 30. Mất năm Nhâm Thọ (1882) tháng 12 ngày 19. Con của ông Tôn Thất Hội : Khâm sai Tiền Bạt Chư Đạo Bình Tây Đại Tướng Quân. Đặc Tấn : Tráng Võ Đại Tướng Tiền Tướng Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự và bà Trần Thị Nhuận (theo Gia Phả Lạng Giang Quân Công Phòng) cúng cho bên ngoại (Bà Viện) thửa đất đo 3 sào 1 (1550m2) để xây dựng nhà thờ và con cháu làm nhà ở để phụng thờ Tiên Tổ, hương khói lo chạp giỗ hàng năm. Trích lục đất đứng tên : Tôn Thất Hiệp (Trưởng nam của bà Viện) đã bị thất lạc – bà Viện sinh hạ:

Tôn Thất Hiệp

Tôn Thất Tân

Tôn Nữ Thị Nga

Tôn Nữ Thị Cầu

Hiện tổ đường tọa lạc tại địa chỉ: Số 80/11 đường Nguyễn Lộ Trạch, Phường Xuân Phú, Thành phố Huế.

Bài trí trong nhà thờ :

 I. Tiền Phật

- Án giữa thờ Tam Thế Phật

- Án tả thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

- Án hữu thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát

II. Hậu Linh:

1. Án giữa: thờ Ngài Nguyễn Văn Thành và Cụ bà  Võ Thị Hòa:

Khám thờ xưa sơn son thiếp vàng thờ hai Thần chủ, thần chủ có hai mặt, mặt ngoài và mặt trong ghép lại, được làm bằng gỗ quý rất thơm viết chữ Hán như sau:

- Hiển Tổ Khảo Vọng Các Công Thần Khâm Sai Trung Quân Đô Thống Phủ, Chưởng Phủ Sự Đặc Tấn Tráng Võ Bình Tây Đại Tướng Quân Tả Trụ Quốc Thụy Võ Nghị Quận Công Nguyễn Tánh Công Thần Chủ. Tư tôn Chơn phụng tự. Mặt trong: Việt cổ NGUYỄN CÔNG húy vinh dự Thành đệ nhất hàng thần chủ.

          - Hiền Tổ Tỷ Vọng Các Công Thần Khâm Sai Trung Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ sự Đặc Tấn Tráng Võ Bình Tây Đại Tướng Quân Tả Trụ Quốc Thụy Võ Nghi Quân Công Nguyễn Nguyên Phối Võ Thị hiệu Thục Thuận Nhất Phẩm Phu Nhân Thần Chủ. Tự tôn Nguyễn Văn Chơn phụng tự.

Mặt trong: Việt cố tánh Võ húy Hòa đệ nhị hàng tuần chủ. Nhân dịp húy nhật ngày 10 tháng 5 Âm lịch vừa qua, hậu duệ Tôn Nguyễn Văn Thọ (Bảy Thọ) ở An Khê – Gia Lai phát tâm phụng cúng pho tượng Ngài bằng gỗ quý, điêu khắc chạm trổ dựa theo hình ảnh Ngài Nguyễn Văn Thành được tôn thờ tại Đình Tân An – Bình Dương và các tỉnh phía Nam.

2. Án thờ căn hữu: Thờ các vị con của Ngài cháu nội của Ngài, có một thần chủ thờ ông NGUYỄN VĂN CHƠN (cháu nội) như sau :

Mặt Ngoài: Cáo Thọ Anh dũng Tướng Quân Phó Tướng Vệ Úy Lãnh Hữu Bảo Nhật Vệ Vệ Úy Thụy Anh Nghị Nguyễn Tánh Công Thần Chủ. Hiếu tử Lưu Phụng Lập.

Mặt trong có 3 hàng chữ:

- Hàng Giữa: Việt cố NGUYỄN CÔNG húy CHƠN tự THANH đệ nhất hàng Thần chủ.

- Hàng bên phải: Sanh Âu Dậu niên Bát nguyệt sơ Ngũ Nhật – Nhâm Thân – Sửu bài.

- Hàng bên trái: Tốt Quý Mùi niên thất nguyệt sơ Ngũ nhật Quý Mùi Mùi bài.

3. Án thờ căn tả: Thờ đồng hàng Ông Bà nội – đồng hàng Cha Mẹ, các Anh Chị Em. Năm Ngoái, ngày 04 tháng 9 năm 2012 trong dip đi thăm bà con Miền Nam, kính viếng các Đình thờ Ngài Tổ: Đình Tân An ở Bình Dương, Đình Thái Hưng ở TP Hồ Chí Minh, Đình Phú Thành ở Long An, Đình Long Sơn ở thị trấn Tân Châu … dâng hương tại Từ đường các Tộc, phái, tôi có lưu lại hình ảnh chư vị đã quá vãng tôn trí thờ cả hai án tả hữu tại Tổ đường. Rất tiếc chưa có cơ duyên kính viếng các Tộc phái ở miền Bắc nên hình ảnh chư vị quá cố chưa được tôn trí tại Tổ đường.

Trải qua hơn 50 năm (1956 – 2013) và 20 năm (1993 – 2013) trùng tu sửa chữa, hiện nay Tổ đường có dấu hiệu xuống cấp, ước mong duy nhất một thời gian ngắn nữa, hậu duệ chúng đẳng phát tâm đóng góp đại trùng tu Tổ đường cho được trang nghiêm, ấm cúng, xứng tầm nơi tôn thờ của vị Danh nhân nước nhà. Nguyện cầu Tiên Tổ anh linh hiển hách chứng giám, gia hộ độ trì hậu duệ tôn nhiều đời kiếp, thân bằng quyến thuộc sống an lành, may mắn hạnh phúc và thành đạt.

B. QUẦN THỂ LĂNG MỘ HỌ NGUYỄN TẠI THỪA THIÊN – HUẾ

1. Khu Châu Ê – Kim Sơn

Quần thể gồm 4 mộ lớn, trong đó có mộ Cố Bà Trần Thị Đàn (thân mẫu của Đức Quận công Nguyễn Văn Thành) là lớn nhất, mộ còn nguyên bia đá Thanh Hóa với chữ hán khắc nổi rõ rang. Mộ được xây bằng đá núi với vôi hồ ô đước (vôi trộng nước và mật mía), có hai vòng thành hình bán nguyệt, nấm ở giữa hình voi phục (hay voi mẹp).

Ba phần mộ khác cách mộ Cố Bà khoảng 300 m, gồm: Mộ lớn có hai lần thành vuông, nấm ở giữa cũng hình con thú như mọ Cố Bà; Một mộ hình yên ngựa, ở giữa cũng hình lưng thú; Một mộ nhỏ hơn có 1 lần thành hình yên ngựa, nấm giữa hình tròn. Ba ngôi mộ trên đều có bia nhưng không còn giữ một dấu chữ nào vì thời gian đã lâu mà đá không bền.

2. Khu lăng mộ ở làng Dã Lê xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy

          Ở đây có duy nhất một ngôi mộ chính là mộ Cụ Nguyễn Văn Thành. Theo cha tôi kể lại thì quần thể này còn có các mộ Ông Thuyên, Ông Nguyễn Văn Chơn là con và là cháu Ngài Nguyễn Văn Chơn là con cháu Ngài Nguyễn Văn Thành nhưng sau năm 1945 vùng này là khu đồn trú quân sự, người dân không được phép vào. Trong thời kỳ chiến tranh, gia đình không vào tảo mộ được.

          Sau năm 1954, vùng này chỉ còn lưu dấu tích lăng mộ của Quận Công Nguyễn Văn Thành, các phần mộ khác có thể đã bị san phẳng dung làm nơi đóng quân của lính Việt Nam Cộng Hòa.

          Cha Tôi cho hay, sở dĩ ngôi mộ Ngài Tổ được an táng tại đồi xứ Khê Lương, làng Dã Lê, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy bởi do hương chức và dân làng nhớ ơn Ngài Tổ đã vì luật pháp đấu tranh mang lại công bằng trong vụ tranh chấp ruộng đất ở địa phương (lúc đó Đức Ngài làm Quan Tổng tài soạn Bộ Việt Hoàng Luật Lệ), cho nên khi được tin Ngài Tổ tuẫn tiết, huyện quan và đại diện dân địa phương đã đồng tâm dâng sớ thỉnh cầu triều đình cho phép mai táng Ngài tại địa phương để báo ân.

          Năm 2003, khu vực này có lệnh giải tỏa làm dự án Trường dạy lái xe ô tô của Trường nghiệp vụ Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế. Nhận được tin, quản thủ Từ đường Nguyễn Văn Thuận đã cấp báo cho các hệ phái Long An, Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Họ Nguyễn ở Quảng Điền…. Kế hoạch chuyển lăng Đức Ngài đã được vạch ra. Ngày 25/10 Âm lịch năm Quý Mùi, tổ chức chuyển lăng mộ của Đức Ngài. Thành phần gồm có: Ban Thường trực, đại diện khối Bô lão, nhân dân làng Dã Lê cùng các hệ tộc Nguyễn nói trên.

Lễ cải táng cho Đức Ngài được thực hiện cùng ngày tại nghĩa trang xứ Bòng, xã Thủy Phương cách nơi an táng cũ khoảng 1 km theo đường chim bay. Trong quá trình cải táng khi đào xuống 1 mét đã phát hiện 2 bia đá Thanh Hóa cao khoảng 1,2 m, rộng 0,4 mét khắc bằng chữ Hán được lập năm 1817.

Bia thứ nhất là tên tước hiệu của Đức Quận công Nguyễn Văn Thành, bia thứ hai là một bài ký liên hệ gia đình (hai bia này được đặt ở phần lăng mộ cải táng).

3. Khu lăng mộ sau núi Ngự Bình

Sau núi Ngự Bình có một Lăng mộ lớn bờ vuông, nấm vuông góc ở giữa lăng hậu tẩm có khắc một bài ký chữ Hán đã phai mờ chỉ đọc được một vài chữ, mộ bia không còn, con cháu đã dựng lại bằng xi măng cốt sắt. Đây là nơi yên nghỉ của ông Sơ tôi, tên Nguyễn Văn Thậm tức Diệm. Quần thể này còn có nhiều mộ xi măng gồm cô, bác, cha, mẹ, anh, chị và các cháu của tôi.

Không xa quần thể này là 2 thành phần mộ của ông và bà nội tôi.

Thời gian còn đi học chữ, mỗi dịp tảo mộ ở đồi Châu ê – Kim Sơn cha tôi lại nhắc các con cháu về vụ Minh Mạng mướn phù thủy Tàu tên là Ngô Tử Hà lên đỉnh ngọn đồi Kim Phụng đối diện làng Khải Định, nơi này nhìn xuống lăng cố Bà theo đường chim bay khoảng ngoài 1 km, xây bàn đá dùng làm nơi sử dụng yêu thuật yểm trừ long mạch mộ cố Bà.

          Vào một đêm không trăng sao, dân vùng Châu Ê – Kim Sơn bỗng nghe một tiếng nổ lớn, tảng sang dân làng trông thấy sương mù phủ kín vùng đồi nơi có lăng mộ Bà, nghi nan và hiếu kỳ, dân làng  vội vào lăng và tận mắt thấy lăng nứt lớn, lập tức các từ phu (dân địa phương được triều đình chọn cử trông nom lăng mộ) cấp báo cho tộc họ ở từ đường (phường Xuân Phú – Tp. Huế) được biết và sự cố hiển hiện cho đến bây giờ!.

          Nay đứng trước lăng Bà cố tổ nhìn lên mõm đồi vẫn còn thấy rõ bàn đá ấy. Các bô lão địa phương lúc bấy giờ cho biết, sau sự cố này dòng nước khe Châu Ê từ trong trẻo, trở nên màu hồng nhạt. Về sau, mỗi dịp tảo mộ (thượng tuần tháng 5 âm lịch) anh trai tôi (cha của Nguyễn Văn Thuận) kể lại với các em là vết nứt ở vành lăng có thể lách người qua dễ dàng!.

          Thời gian sau này tôi thường có mặt trong dịp tảo mộ thường niên, vết nứt trên chỉ còn rộng khoảng nửa gang tay (10 centimet). Việc mang vật liệu trát trét rất dễ, nhưng vẳng bên tai lời cha: “100 năm sau vết nứt sẽ liền lại, bổn tộc đoàn viên” tôi và các con cháu không dám thực hiện việc trát trét! Các anh chị tôi đã truyền lại lời cha kính yêu nhưng có lẽ cũng không dám hỏi cha bắt đầu từ năm nào?!

          Niềm phấn khởi lớn nhất là tuần tự dòng tộc liên hệ bắt tay nhau ở Cần Giuộc, Long An, Núi Lứa, Long Sơn, Bà Rịa, Vũng Tàu, rồi Gia Lai, Bình Định, Bình Dương, Mỹ Tho, Tây Đức … điều đó lần lượt chứng nghiệm lời nói của cha tôi lúc sinh thời!

Cha tôi lúc bấy giờ còn nói thêm vụ việc đau lòng ở mộ Cố Bà ở Châu Ê – Kim Sơn như sau: Sau khi thực hiện việc yểm trừ long mạch, Minh Mạng một mặt ân thưởng công lao, mở tiệc khao đãi tên phù thủy, mặt khác mật truyền tâm phúc phục rượu tên phù thủy thật say, đoạn dùng sáo tre khô cuộn y lại, tẩm dầu rái vào (loại dầu trét ghe nan) rồi dòng thuyền ra ngã ba Sình (đường song ra Phá Tam Giang) đốt tên này cháy như bó đuốc ném xuống dòng nước! Lúc bấy giờ đoạn sông nước này là mạch sống của giới thương hồ hạ bạc xuôi ngược bằng phương tiện tàu buồm, thuyền ván.

Kể từ ngày đưa tên phù thủy xuống sông, dân xuôi ngược trên 2 bờ thỉnh thoảng (nhất là khi thời tiết trở mùa) bỗng thấy 3 cột nước dựng lên cao! Dân khắp vùng nể sợ gọi là “3 mũi sóng thần”!.

          Từ ấy, các tai nạn đường thủy thường xảy ra khi qua lại chốn này thiếu đề phòng. Người ta rỉ tai nhau: khi tàu thuyền sắp vào vị trí hiểm nguy phải thắp hương vái lạy mới qua khỏi. Cha tôi kể tiếp: đến thời Thành Thái, vua ngự thuyền du ngoạn qua khu vực nói trên (có lẽ đã nghe dân ca thán) là vị vua thích săn bắn, Nhà vua gìm sẵn súng săn, miệng hô lớn: “Nào! Có linh thiêng cho Trẫm xem nào?” Vua vừa dứt lời, 3 cột nước vọt cao ngất, vốn chuẩn bị sẵn, Vua nâng sung lên nổ liền một phát về phía 3 cột nước. Từ đấy trở đi, dân địa phương lâu lâu mới thấy 2 cột nước mà thôi! Về sau không ai còn thấy hiện tượng “sóng thần” nữa.

          Theo anh chị em tôi, thì cha tôi đã được ông Nội Nguyễn Văn Chơn và cha Nguyễn Văn Lưu truyền lại câu chuyện trên vì Nội lúc bấy giờ là quan chức đương triều thế nào lại chẳng được nghe các quan lão và bạn bè tiết lộ oan tích của tiền nhân và sự cố tại phần lăng mộ như đã nói ở trên!.

          Tôi nay đã 78, thần trí chưa đến nỗi tệ, nghe cha và anh chị đã nói thế nào, xin ghi lại ở đây, quyết không thêm bớt. Nay thì các hệ tộc ở Trung và miền Nam đã vô cùng phấn khích và xúc động, ngay sau khi Từ đường ở Huế nhận được Đề cương hội thảo về “Sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Văn Thành”, đã điện báo và điện sao gửi văn kiện này cho nhau được biết để tùy duyên tham gia. Trong niềm hy vọng và phấn khởi vô hạn, tôi nhất tâm nguyện cầu Hội thảo thành công, cũng xin được phép thay mặt dòng tộc thành tâm cảm niệm công đức của chư thiện tri thức ân nhân đã vì tổ quốc thân yêu, vì sự nghiệp của tiền bối chúng tôi mà truy cứu lịch sử, đúc kết tài liệu liên quan và tham dự Hội thảo.

              Đồng kính chúc Quý liệt vị vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.

Quý Thu Quý Tỵ (2013)