LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

NGÀY HỘI THẢO ĐÁNG GHI NHỚ

Noel 2015 đã tới gần khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm khó quên cách đây 2 năm, đúng ngày 24/12/2013 một sự kiện diễn ra tại Nhà Thái học-Văn Miếu Quốc tử giám, Hà Nội. Đó là ngày tổ chức Hội thảo “CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA DANH NHÂN NGUYỄN VĂN THÀNH ĐỐI VỚI LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XIX”.

Được sự giúp đỡ tận tình của Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và PGS. Tiến Sĩ Nguyễn Minh Tường – Viện Sử học, Ban liên lạc Họ Nguyễn Quận Công Toàn quốc đã phối hợp chặt chẽ với Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Viện Sử học để tổ chức Hội thảo. Hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Văn Thành đã được chuẩn bị khá công phu, Ban Tổ chức đã nhận được 20 bản tham luận của các nhà khoa học ở Trung ương như Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…

Hội thảo được đón tiếp trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà báo, Truyền hình và hậu duệ của Quận công Nguyễn Văn Thành từ 12 tỉnh thành trong cả nước về dự.

Đúng 9h00 ngày 24/12/2013, Lễ dâng hương tưởng niệm Quận công Nguyễn Văn Thành đã được Ban tổ chức cử hành trong không khí trang trọng.

Lễ dâng hương tưởng niệm Quận công Nguyễn Văn Thành

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe báo cáo tham luận của của các nhà khoa học như:

- GS.NGND. Đinh Xuân Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) – Báo cáo đề dẫn: Hội thảo khoa học sự nghiệp danh nhân Nguyễn Văn Thành với lịch sử dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX ;

GS. TS. NGND Đinh Xuân Lâm - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

- PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học): Hành trạng và sự nghiệp của Danh nhân lịch sử Nguyễn Văn Thành;

- PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học): Về tổ chức bộ máy hành chính Bắc thành và chức Tổng trấn Bắc thành do Nguyễn Văn Thành nắm giữ (1802-1810);

- TS. Trương Thị Yến (Viện Sử học): Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với công cuộc xây dựng thành Thăng Long (1803-1805);

­- TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học): Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành  với việc thành lập cơ quan biên soạn Quốc sử của triều Nguyễn;

- PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): Kỳ đài thành Thăng Long do Nguyễn Văn Thành xây dựng là một trong ba mươi thắng cảnh ở đất Bắc thành;

PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) trình bày tham luận

- Ths. Bùi Văn Huỳnh – PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học): Về tờ sớ “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu” gửi vua Gia Long năm 1810 và tấm lòng thương dân của vị Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành;

Tổng kết Hội thảo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã có bài phát biểu đầy ấn tượng: “Nguyễn Văn Thành trong thời gian giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành và làm quan tại Kinh đô Phú Xuân đã có nhiều công lao đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, rất đáng được hậu thế ghi nhận và biết ơn. Nguyễn Văn Thành xứng đáng là một Danh nhân lịch sử của nước ta ở cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX”. Có thể khẳng định trong thời kỳ giữ trọng trách Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành rất có ý thức củng cố việc phòng thủ tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Trong thời gian giữ chức Tổng trấn, Nguyễn Văn Thành đã làm được nhiều việc để quản lý và ổn định trật tự xã hội, bảo đảm đời sống người dân ở vùng đất vốn còn nhiều sự ngưỡng vọng với nhà Lê. Cống hiến rõ nét nhất của danh nhân Nguyễn Văn Thành đó là: Xây dựng những công trình văn hóa - lịch sử điểm tô thêm nét văn hiến cho Thăng Long – Hà Nội; Chấn hưng việc học và việc thi tại vùng đất Bắc thành; Góp phần biên soạn bộ địa lý - lịch sử đầu tiên của triều Nguyễn.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổng kết Hội thảo

Chúng tôi cho rằng vào đầu triều Nguyễn, một trong những người có tài chính trị và thương dân hơn cả là Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành. Chúng tôi thiết nghĩ nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Thành không chỉ đóng góp có một việc xây Khuê Văn các, Kỳ đài Hà Nội mà ông còn góp nhiều công sức tô điểm cho Thành phố Nghìn năm văn hiến này. Vì thế, tên ông xứng đáng được đặt cho một đường phố tại Thành phố Hà Nội.

Có thể nhận định về công lao của danh nhân Nguyễn Văn Thành thông qua tham luận của các tác giả trong Hội thảo là một bước tiến khá xa so với sự đánh giá của các bộ sử viết vào triều Nguyễn. Hội thảo đã mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học nhằm đánh giá công lao của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đối với lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và đối với Thăng Long – Hà Nội nói riêng.

Một số hình ảnh về ngày Hội thảo:

GS NGND Đinh Xuân Lâm trình bày tham luận

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) trình bày tham luận 

PGS.TS Tạ Ngọc Liễn trình bày tham luận

 

TS. Nguyễn Đức Tâm trình bày tham luận

Ông Nguyễn Duy Hưng thay mặt dòng họ cám ơn Hội thảo