LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Nguyễn Văn Thành - Tổng tài bộ Hoàng Việt luật lệ của Vương triều Nguyễn

PGS.TS. Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Bài viết này trước hết khái quát về các bộ luật ở Việt Nam và nét đặc sắc nội dung bộ Hoàng Việt luật lệ, cũng như quá trình biên soạn bộ luật này và ý nghĩa, giá trị nổi bật của bộ luật. Qua đó góp phần đánh giá về sự đóng góp quan trọng của vị Tổng tài biên soạn bộ luật này - Nguyễn Văn Thành.

1. Khái quát về các bộ luật ở Việt Nam trước thời Nguyễn

Từ thời kỳ độc lập tự chủ, nhất là từ thời nhà Lý, luật pháp được coi trọng, năm 1042, nhà Lý đã cho biên soạn và ban hành bộ luật Hình thư. Đây có thể xem là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ Việt Nam. Bộ Hình thư ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó.

Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử thì Hình thư đời Lý Thái Tông gồm có ba quyển, bây giờ thất truyền. Tuy không được biết Hình thư thời Lý, nhưng qua những pháp lệnh được chép lại trong sử cũ, chúng ta cũng có thể thấy rõ tính chất của pháp luật thời Lý. Kế thừa và phát triển tư duy lập pháp từ thời Lý, các vua triều Trần tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng luật pháp. Vua Trần Thái Tông cho ban hành Quốc triều thông chế. Năm 1341, vua Trần Minh Tông lại cho biên soạn Hoàng triều đại điển. Sang thời Trần Dụ Tông  cho ra đời bộ Hình luật thư. Ngoài việc kế thừa những quy định cơ bản của luật nhà Lý, luật nhà Trần đã có những bổ sung và điều chỉnh những quy định về hình phạt, thủ tục kiện tụng và chế độ tư hữu đất đai, tài sản.

Sang thời Lê sơ, thế kỷ XV, thời kỳ hưng thịnh nhất của thể chế quân chủ phong kiến, nhất là dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Vị vua này cho biên soạn bộ luật có tên Quốc triều hình luật, được thi hành rộng rãi và thường được gọi là Luật Hồng Đức.

Đây là bộ luật đầy đủ và cổ nhất còn lại ở Việt Nam, là tập đại thành của nền pháp luật thời Lê, trở thành khuôn mẫu cho những bộ luật sau này châm chước biên soạn. Bộ luật không chỉ là thành tựu chung của nền pháp luật thời Lê mà còn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam. Bộ luật bao gồm phạm vi luật pháp trên những điều luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng. 

Có thể đánh giá bộ Quốc triều hình luật được biên soạn và ban hành dưới thời Lê là một thành tựu xuất sắc trong lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam. Bộ luật mang nhiều điểm tiến bộ do kế thừa luật pháp Trung Hoa, luật thời Lý, thời Trần, ngoài ra bộ luật còn kết hợp được những nét đẹp trong tập tục, truyền thống văn hoá dân tộc. Bộ luật cùng với hệ thống các văn bản pháp luật thời Lê đã góp phần tạo nên sự phát triển của quốc gia Đại Việt thế kỷ XV.

- Hồng Đức thiện chính thư: Đây là bộ luật được biên soạn và sử dựng ở thời Mạc thế kỷ XVI trên cơ sở kế thừa những điều luật từ thời Hồng Đức. Bộ luật tuy không lớn, nhưng có giá trị nhất định đã phản ánh các hoạt động pháp chế trong suốt thời kỳ nhà Mạc, nhất là các điều luật về hộ hôn và điền sản.

Quốc triều khám tụng điều lệ: Là một văn bản luật được san định và thực thi dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782). Điều lệ được Phan Huy Chú đánh giá như sau: “Tham chước quy thức các triều, hoạch nhất rõ ràng, điều mục tỉ mỉ, không bỏ sót gì. Người xét xử sẵn có luật thường để quyết định, có lệ thường để thích ứng, nếu noi theo cẩn thận thì dứt được tệ gian, bớt được hình ngục”[1]. Nhìn chung tác dụng của văn kiện này là nhằm thúc đẩy việc giải quyết công bằng và nhanh chóng các vụ kiện, vì lợi ích của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên đây là những nỗ lực quá muộn mằn bởi sau đó chưa được 10 năm, nhà Lê đã hoàn toàn sụp đổ.

2. Bộ luật thời Gia Long

Tiếp nối các bộ thời Lê là bộ luật thời Nguyễn được biên soạn dưới đời vua Gia Long, có tên là Hoàng Việt luật lệ, thường được gọi là Luật Gia Long. Đây là bộ luật  chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam.

 

 

2.1. Quá trình biên soạn

Hoàng Việt luật lệ là một trong hai bộ luật lớn nhất của Việt Nam, cũng là bộ luật hoàn chỉnh nhất xét trên phương diện lập pháp. Nhà Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long liền lệnh cho biên soạn một bộ luật nhằm làm công cụ cho công cuộc trị nước lâu dài. Người đứng đầu công việc biên soạn này là Tổng tài Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) có sự chỉ đạo trực tiếp của vua Gia Long. Dưới quyền Nguyễn Văn Thành có hai quan chức khác nữa là Vũ Trinh (1769 - 1828) và Trần Hựu là Đông các Đại học sĩ trực tiếp biên soạn.

Vũ Trinh là danh sĩ thời Lê mạt, tự Duy Chu hiệu Lại Sơn, người làng Xuân Lan huyện Lang Tài trấn Kinh Bắc. Năm 1786 đỗ Hương tiến (Cử nhân) lúc mới 17 tuổi, làm Tri phủ Quốc Oai, sau về triều làm Tham chính triều Lê. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được vời làm chức Thị trung học sĩ, Hữu Tham tri bộ Hình, đi sứ nhà Thanh năm 1809. Sau bị liên lụy bởi vụ án Nguyễn Văn Thuyên, vì Thuyên là học trò, nên ông về quê sống. sau mất ở quê.

Trần Hựu cũng là một Nho sĩ thời Lê, làm ở tòa Đông các chuyên giúp vua chuẩn giấy tờ chế cáo, được sử dụng nghiên cứu và biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ ở thời Nguyễn.

Nguyễn Văn Thành trước khi được giao cho trọng trách biên soạn bộ luật này, từng làm Tổng trấn Bắc thành, nơi đây, ông cho xây dựng kinh thành, ban bố luật lệ cai quản cả vùng rộng lớn phía Bắc đất nước vào đầu thời Nguyễn.

Bộ Hoàng Việt luật lệ do Tổng tài Nguyễn Văn Thành tổ chức biên soạn từ năm 1805, đến năm 1811 thì hoàn tất, và năm 1812 cho khắc in lần đầu, đến năm 1815 thì ban hành và áp dụng trong cả nước có lời tựa do vua Gia Long đề. Có thể xem việc nghiên cứu, biên soạn, in ấn, ban hành bộ luật này là một quá trình làm việc nghiêm khắc, chặt chẽ và hoàn hảo.

Về sự kiện biên soạn bộ luật này, quốc sử triều Nguyễn ghi:

"Sai đình thần soạn định luật lệ, lấy Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài. Dụ rằng: Các bậc đế vương trị nước, hình pháp đặt ra đã lâu. Hình pháp không đúng thì dân không chỗ mà nắm. Nay luật lệ chưa định, pháp ty không theo vào đâu được, thực không phải ý "Khâm tuất minh doãn" (kính cẩn, thương xót, sáng suốt, tin dùng) của trẫm. Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh điển lệ của triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ tự sửa chữa cho đúng để ban hành"1.

Sách Đại Nam liệt truyện cũng ghi: “Thành cử thuộc hạ là Trần Hựu làm Đông các học sĩ. Năm thứ 10 (1811) sửa luật lệ. Thành sung làm Tổng tài...”. Năm thứ 12 (1813) Thành cùng Vũ Trinh xét định luật lệ cộng 398 điều, sách luật làm xong tiến trình, vua thân tự lại sửa, liền sai khắc in ban hành” (ĐNLT, Q.21).

Trước khi ban hành, Nguyễn Văn Thành có dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ ông trình bày về việc: "...đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Khi xem đến luật triều Thanh, đức Thánh thượng nhận thấy đó là bộ luật gồm đủ các sắc luật của các triều đại trước, nên ban sắc chỉ dạy các quan đem ra bàn bạc, xem xét cùng hạ thần ngõ hầu chọn lấy những gì khả dĩ soạn thành bộ luật riêng để dùng trong nước... Sách đã dạy: Trừng phạt để về sau không còn phải trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không còn phải dùng đến tội hình nữa. Điều đó há chẳng phải là điều mà Đức Thánh thượng hằng mong muốn hay sao?"

Sách in ra, vua Gia Long thân viết lời Tựa, trong đó có đoạn: "Trẫm nghĩ: Thánh nhân cai trị thiên hạ đều dùng luật pháp để xử tội, dùng đạo đức để giáo hóa họ. Hai điều ấy không thiên bên nào bỏ bên nào. Thật vậy, sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có pháp luật để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa mà biết được đạo đức. Cho nên lời người xưa nói: Pháp luật là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp. Luật lệ và pháp luật là những phán quyết cho sự trừng phạt tội ác"[2].

Đấy cũng là mục đích biên soạn và thực thi bộ Hoàng Việt luật lệ.

So với các bộ luật trước đó, bộ luật này có sự nét đặc sắc riêng là tiến bộ và nhân đạo. Điều dễ thấy nhất trong bộ luật là các cực hình trong luật nhà Thanh như: Tru di tam tộc, Lăng trì, Yêm,… đều hoàn toàn bị loại bỏ trong bộ Hoàng Việt luật lệ này.

Ngoài ra, tính nhân đạo của bộ luật còn thấy rõ qua từng phiên tòa mở trong năm (trừ các tội Mưu phản, Đại phản nghịch, Đạo tặc…). Theo luật, các phiên xử thường tổ chức vào đầu mùa thu chứ không mở vào đầu mùa hè vì theo luật, mùa hè, thời tiết nóng, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc buộc tội của các phán quan. Nếu phiên tòa xử trong mùa thu năm nay mà chưa có phán quyết cuối cùng thì phải đợi đến mùa thu năm tới mới quyết án chung thẩm (gọi là Thu thẩm). Trường hợp gặp tội nhân bị án tử hình (giam chờ - đợi để chống án hoặc xin ân xá hay chờ thỉnh ý vua) thì cũng phải đợi đến mùa thu khi có phiên tòa mới xử chung thẩm. Việc mở phiên tòa vào mùa thu là một điểm đáng chú ý của bộ luật này, mà đến nay chưa có bộ luật nào ngay cả luật các nước khác có được. Đây là đặc điểm và tính nhân đạo nổi bật của Hoàng Việt Luật Lệ.

Bên cạnh đó, các điều luật trừng phạt kẻ có tội, trong bộ luật này được phân định rõ ràng, hình phạt nghiêm minh, nhất là đối với quan lại nắm luật pháp.

Chằng hạn, điều luật về quan lại phạm tội ăn đút lót, điều luật ghi: “Người có  ăn lương nhà nước (người được lương mỗi tháng 1 thạch trở lên) lạm dụng luật pháp ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong luật quẹo pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bể, tính chung một chỗ, xử trọn một tội. Còn tội phạm hai việc trở lên, một chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử. 1 lượng trở xuống phạt 70 trượng, 1 lượng đến 5 lượng phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 đến 15 lượng phạt 100 trượng…80 lượng đúng, phạt treo cổ.

Không lạm dụng luật pháp, ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử  tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử cong quẹo, song nhận cùng lúc tiền của 10 chủ, việc đổ bể, tính gộp chung xử  phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội. 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1 lượng đến 10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng,…120 lượng trở lên treo cổ.

Luật Gia Long quy định rất ngặt và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng nhận tiền của hối lộ, bắt dân phải nộp tiền…nếu như ai bị mắc vào mức nào thì căn cứ vào luật mà xử đoán. Những viên quan nào đến mức bị tước bỏ bằng, sắc, cáo của vua ban và bị xóa tên trong sổ bộ quan là bị bãi chức hoàn toàn. Còn lại tùy thuộc vào số lượng tiền của nhận hay chưa nhận mà có hình thức trách tội khác như lưu đày, đồ, bãi nhiệm, đánh đòn…

Ngày nay, nghiên cứu Hoàng Việt Luật Lệ và tham khảo từ các sách khác, chúng ta mới thấy được phần đóng góp và sáng tạo của các tác giả bộ luật này, nhất là của vị Tổng tài Nguyễn Văn Thành.

2.2. Bố cục và nội dung bộ luật

Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển 398 điều, là bộ sách lớn, tập hợp các điều luật, rất rõ ràng và phong phú. Hoàng Việt luật lệ so với Luật Hồng Đức, pháp điển hệ thống đầy đủ hơn, nội dung tỷ mỉ xác thực, cách dùng từ ngắn gọn súc tích, điều quy định tinh tế hơn. Đồng thời phản ánh đầy đủ hiện thực khách quan sự tiến bộ trong tư tưởng lập pháp và cách thức lập pháp cùng với xu hướng ngày càng phức tạp trong mối quan hệ xã hội triều Nguyễn Việt Nam. Hoàng Việt luật lệ ngoài những điều kế thừa từ Luật Hồng Đức, còn có sự tham khảo và đối chiếu từ sách Đại Thanh luật lệ, nhưng có căn cứ vào tình hình trong nước và dân tộc Việt Nam để chọn lọc, vì vậy mang bản sắc mới mẻ của riêng mình và chiếm một vai trò tương đối quan trọng trong lịch sử pháp luật của Việt Nam và thế giới. Vua Gia Long cũng rất hài lòng đối với bộ luật này. Trong Ngự chế Hoàng Việt luật lệ tự, nhà vua khen rằng: “Đại điển sáng rực như ánh nhật nguyệt mà không chỗ nào bị ẩn lấp, điều nghiêm truy hỏi trừng trị lẫm liệt như lôi đình sấm sét mà không thể sai phạm được”.

Trong khi bộ Quốc triều Hình luật thời Lê Sơ phân chia các chương mục chưa hoàn toàn thống nhất, thì bộ Hoàng Việt luật lệ được phân chia khá nhất quán lấy cơ sở công việc của Lục bộ ban hành điều luật và xét xử.

Chẳng hạn, Quốc triều hình luật chia các chương mục sau Quyển 1: Chương danh lệ (49 điều); Chương vệ cấm (47 điều). Quyển 2: Chương vi chế (144 điều); Chương quân chính (43 điều). Quyển 3: Chương hộ hôn (58 điều); Chương điền sản (32 điều); Chương điền sản thêm (4 điều); Luật hương hỏa (4 điều); Sau thêm hiệu đính hương hỏa (9 điều); Chương thông gian (10 điều). Quyển 4: Chương đạo tặc (54 điều); Chương đấu ẩu (50 điều). Quyển 5: Chương trá nguy (38 điều); Chương tạp luật (92 điều). Quyển 6: Chương bộ vong (13 điều); Chương đoán ngục (65 điều).

Bố cục bộ Hoàng Việt luật lệ thời Gia Long phân chia cụ thể như sau:

- Phần Danh lệ (Luật về tên gọi)

Có tất cả 45 điều nói về Danh lệ. Phần này chép ở quyển thứ 2 và 3 trong Hoàng Việt luật lệ (từ điều 1 đến điều 45). Danh lệ được chia làm 2 phần: phần thượng và phần hạ. Nội dung bao gồm các điều luật như: Ngũ hình, thập ác, bát nghị, quan chức phạm tội….

- Lại luật

Gồm 27 điều, được chép trong quyển 4 và 5, chia làm 2 thiên gồm Quy chế về quan chức (13 điều) và Các quy thức chung (14 điều). Nội dung bao gồm các điều luật về quy định, quy chế trong quan chức, và những quy định chung đối với những người làm quan.

- Hộ luật

Bao gồm 66 điều, được chép trong quyển 6, 7 và 8, chia làm 7 thiên gồm: Hộ dịch (Nhân đinh hộ khẩu 11 điều), Ruộng đất (10 điều), Hôn nhân (16 điều), Kho tang (22 điều), Thuế khóa (2 điều), Tiền nợ (3 điều), Chợ búa (2 điều). Nội dung bao gồm những điều luật về điền sản, hôn nhân gia đình…

- Lễ luật

Bao gồm 26 điều, được chép trong quyển 9, chia làm 2 thiên gồm: Tế tự (6 điều) và Nghi chế (20 điều). Nội dung bao gồm những điều luật quy định về việc tế tự thần linh hoặc việc cúng tế các đế vương các đời và những quy định về nghi thức trong triều đình.

- Binh luật

Bao gồm 58 điều, được chép trong quyển 10 và 11, chia làm 5 thiên bao gồm: Bảo vệ cung cấm (16 điều), Quân chính (20 điều), Cửa quan bến đò (5 điều), Nuôi giữ voi ngựa (5 điều), Bưu dịch (12 điều). Nội dung các điều luật là sự quy định của quân đội triều đình trong việc bảo vệ hoàng cung, và những việc khác lien quan đến việc nhà binh.

- Hình luật

Bao gồm 166 điều, được chép trong quyển 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, chia làm 11 thiên bao gồm: Đạo tặc (28 điều), Nhân mạng (20 điều), Đấu ẩu (22 điều), Mắng chửi (8 điều), Tố tụng (11 điều), Nhận hối lộ (9 điều), Gian dối (11 điều), Phạm gian (9 điều), Tạp phạm (11 điều), Truy bắt người bỏ trốn (8 điều), Đoán ngục (29 điều). Nội dung là những tội liên quan đến luật hình sự như trộm cắp, giết người, đánh nhau, tham ô hối lộ….

- Công luật

Bao gồm 10 điều, được chép trong quyển 21, chia làm 2 thiên: Xây dựng nhà cửa (6 điều) và Phòng giữ đê điều (4 điều). Nội dung các điều luật nói về việc xây dựng nhà cửa, kho bãi và việc sửa chữa, canh giữ đê điều.

Rõ ràng là bố cục như vậy, tiện lợi cho sử dụng, tra cứu.

3. Ý nghĩa và giá trị của bộ Hoàng Việt luật lệ

Bộ Hoàng Việt luật lệ có ý nghĩa và giá trị to lớn, trước hết đối với công cuộc xây dựng và quản lý đất nước ở thời Nguyễn mà ở đây chỉ xin điểm ra đôi điều.

3.1. Là công cụ quan trọng để xây dựng và củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền

Có thể thấy pháp luật thời kỳ nào cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà việc bảo vệ chủ quyền chính là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền của Nho giáo. Hạt nhân tư tưởng chính trị Nho gia là chủ trương lễ trị, đề cao đức trị nhân chính, nhất nhất đều tuân thủ theo mọi chuẩn tắc thì mới hợp với lễ. Vì thế chế định luật lệ các vương triều đều lấy nội dung tư tưởng từ Nho giáo. Luật Gia Long cũng đã lấy tư tưởng pháp luật Nho giáo đó làm căn cứ lý luận dùng để chỉ đạo phương pháp ứng dụng và nguyên tắc lập pháp của điều luật. Có thể nói Luật Gia Long là sự thể hiện tập trung nhất tư tưởng Nho giáo trong pháp luật phong kiến Việt Nam.

Vua Gia Long đã vận dụng tư tưởng lễ trị của Nho giáo trong việc chế định luật lệ. Thật vậy, sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có luật pháp để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa đạo đức.

Luật Gia Long đã thể chế quan điểm chính danh của Nho giáo nhằm buộc quan lại thực hiện theo đúng chức năng chỉ là phụ tá và thực thi quyền lực của nhà vua theo đúng cương vị của mình. Danh luật lệ, quyển 2, Điều 6: Quan chức hữu phạm ghi: “Nếu quan lại phạm tội thì không được xử tội riêng, mà phải trình bày và xin ý kiến của nhà vua. Nếu được nhà vua đồng ý mới được xét hỏi và theo luật luận tội, rồi tâu lên cho vua biết và chờ quyết định của nhà vua”. Điều luật còn quy định quan lại có nghĩa vụ tuyệt đối trung thành với nhà vua. Điều 12 mục Hình luật, Điều 1 Mưu phản đại nghịch ghi rõ: “Bầy tôi mà dám âm mưu chống lại nhà vua, phá hủy tông miếu, làm nguy xã tắc thì đó là tội phản nghịch, tòng mưu hay thủ mưu đều xử tử bằng hình phạt lăng trì (xử chém)”.

Tam cương, ngũ thường cũng thể hiện rõ nét trong các điều luật phong kiến. Đó là những nguyên tắc đạo đức cơ bản của xã hội phong kiến, mà việc duy trì bảo vệ quân quyền lại chính là hạt nhân của nó. Trong điều 2 quyển 1 phần Danh lệ nói về thập ác, bao gồm các tội: mưu phản, mưu đại nghịch, phản bội, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa nội loạn. Đây là 10 tội ác không thể tha được vì hành vi vi phạm đến lý luận cơ bản của Nho gia, về kỷ cương quân thần, cha con, vợ chồng, uy hiếp đến sự ổn định của xã hội phong kiến và việc củng cố chế độ chuyên chế quân chủ.

Mục tiêu cuối cùng của các điều luật là nhằm làm tăng thêm quyền lực, bảo vệ nhà vua và triều đình. Vì thế ngay cả chữ hiếu cũng phải lùi một bước trong trường hợp có sự xung đột giữa trung và hiếu. Có thể nói pháp luật thời phong kiến là ý muốn của nhà vua, là công cụ cơ bản để bảo vệ quyền lợi nhà vua, bảo vệ quyền lợi của vương triều.

3.2. Sự kết hợp giữa lễ và hình

Nho giáo chủ trương kết hợp giữa lễhình, cùng bổ trợ cho nhau nhằm hữu hiệu hóa việc duy trì bảo vệ trị an lâu dài cho quốc gia và sự ổn định cho xã hội. Lễ nghiêng về việc đề phòng phạm tội, dẫn dắt dân hướng đến điều thiện. Vì vậy Lễ trước hết được hiểu là những nghi lễ, những quy phạm đạo đức quy định quan hệ giữa con người với con người theo trật tự danh vị xã hội. Lễ được xem là lẽ phải, là bổn phận mà mọi người phải có nghĩa vụ tuân theo. Việc hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận anh em, tín nghĩa bạn bè… cao hơn một bậc nữa đó là kỷ cương phép nước, là trật tự xã hội quy định hành vi của con người. Nhờ có Lễ mà mỗi người có cơ sở bền vững để tiết chế nhân tình, thực hiện nhân nghĩa ở đời… Nhờ có Lễ, con người có thể tự mình nuôi dưỡng tính tình thành tập quán, thói quen đạo đức truyền thống. Đồng thời đề cao lễ chính là biện pháp ngăn ngừa phạm tội.

Trong khi Lễ thì nghiêng về giáo dưỡng, ngăn chặn hành vi phạm pháp, thì Hình lại nghiêng về việc trừng phạt các tội ác. Các hình phạt được đưa ra nhằm bảo vệ lễ giáo phong kiến. Trong gia đình những hành vi vi phạm đạo lý của Nho giáo cũng quy định phải chịu hình phạt theo quy định về hình phạt Ngũ hình.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa lễ và hình trong các điều luật đã bảo vệ được giá trị truyền thống của dân tộc như lòng hiếu thảo, tôn kính ông bà, cha mẹ của con cháu, sự hòa thuận giữa vợ và chồng, sự kính nhường hòa thuận giữa anh em, truyền thống tôn sư trọng đạo… Đồng thời nó có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh hành vi trong gia đình, khiến con người có ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và làm tròn bổn phận ở từng vị trí cụ thể với gia đình mình. Như vậy luật là nền tảng cho sự giáo dục đạo đức trong gia đình, trong xã hội, duy trì những chuẩn mực và giá trị đạo đức truyền thống.

3.3. Giá trị nhân văn trong luật Gia Long

Tư tưởng nhân văn trong Luật Gia Long thể hiện rõ nhất ở chính sách khoan hồng đối với người phạm tội, bảo vệ người già và trẻ em; giúp đỡ những người tàn tật và cô quả, những người có hoàn cảnh khó khăn và những người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã đi tự thú.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ, nhưng trong Luật Gia Long vẫn có một số điều quy định chú ý phần nào đến quyền lợi và thân phận người phụ nữ. Trong thời phong kiến địa vị của người phụ nữ được đánh giá rất thấp, tuy nhiên ở một mức độ nào đó, nhân phẩm người phụ nữ vẫn được đề cao và tôn trọng. Pháp luật nghiêm cấm và có những hình phạt đối với những hành vi lừa gạt để kết hôn. Quyển 7 Hộ luật hôn nhân, Điều 12 Cưỡng chiếm lương gia thê nữ viết rằng: “Cưỡng đoạt vợ con gái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hay đem dâng cho vương phủ, cho nhà huân công hào thích thì đều bị xử giam chờ thắt cổ”. Hay trong quyển 7 mục Hộ luật hôn nhân, Điều 15 Xuất thê viết rằng: “Nếu chồng bỏ vợ đi biệt 3 năm, trong thời gian ấy không báo quan biết, rồi bỏ đi thì phạt 80 trượng, tự ý cải giá thì phạt 100 trượng”. Như vậy người đàn ông mới có ý thức trách nhiệm với người phụ nữ hơn, quan tâm đến gia đình mình hơn.

Người Việt Nam luôn đề cao và bảo vệ giá trị đạo đức tốt đẹp của con người, như lòng nhân ái, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng… Những tiêu chuẩn đạo đức đó đều được ghi nhận và đề cao trong Luật Gia Long. Tất cả những ai phạm tội thập ác đều phải chịu hình phạt nặng nhất. Đề cao lòng hiếu thảo, quyển 9 mục Lễ luật, Điều 17 Khí thân chi nhiệm quy định: “Tuổi già có bệnh ắt đợi cháu con về phụng dưỡng để sau yên phần. Nếu con đối với cha mẹ, cháu đối với ông bà già trên 80 tuổi mà lại bị bệnh nặng, trong nhà không có ai thay mình chăm sóc, mà không chịu về hầu hạ, tham phú quý vinh hoa, lợi lộc, bỏ nhiệm vụ hầu cha mẹ, tội này khép vào tội bỏ nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ. Hoặc có người ngược lại cha mẹ không bị bệnh tật mà nói dối rằng cha mẹ mình bệnh mong có người về phụng dưỡng. Như vậy một là bỏ rơi cha mẹ, là bất nhân, mặt khác là kẻ bất nghĩa với vua, nên phạt 80 trượng”. Tình thầy trò cũng được đề cao, thầy giáo là người truyền dạy đạo lý làm người, tình nghĩa sâu nặng, quyển 15 Hình luật, Điều 10 Ẩu thụ nghiệp sư quy định: “Nếu đánh thầy dạy học của mình thì tăng thêm hai bậc tội so với đánh người thường. Đánh thầy đến tàn tật thì xử 100 trượng lưu đày ba ngàn dặm…”.

Nghiên cứu tìm hiểu về luật cổ Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về một di sản pháp luật mà thế hệ đi trước đã dành nhiều công sức và trí tuệ để xây dựng và ban hành. Luật Gia Long có thể xem là hoàn chỉnh và quan trọng nhất, là tập đại thành của toàn bộ nền pháp luật thời Nguyễn. Bộ Luật Gia Long này với các chương mục, các điều luật lệ rõ ràng đã phản ánh trình độ lập pháp trong giai đoạn này. Bộ Luật Gia Long là di sản quý giá của dân tộc không chỉ trong lĩnh vực luật pháp mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Người đóng góp quan trọng vào sự thành công của bộ luật này, không ai khác chính là vị Tổng tài biên soạn  sách luật thời Gia Long - Nguyễn Văn Thành.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nx. Giáo dục, 2004, Viện Sử học.

2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.II, Hình luật chí, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1992.

3. Nguyễn Văn Thành - Vũ Trinh - Trần Hựu: Hoàng Việt luật lệ. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Văn Tài dịch. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1994.

4. Vũ Văn Mẫu: Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giảng, Nxb. Sài Gòn, 1975.

5. Nguyễn Q. Thắng: Lược khảo Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2002.

6. Tìm hiểu tư tưởng của Lê Thánh Tông về pháp luật, Trương Vĩnh Khang, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/2007.

7. Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam (từ thế kỉ XV đến XVIII), Tập 1, Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên, Nxb. KHXH, H. 2006.

8. Pháp chế sử Việt Nam, Vũ Quốc Thông, Tủ sách Đại học Sài Gòn, 1973.

9. Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Insunzu Yu, Nxb. KHXH, H. 1994.

10. 何成軒: 儒家思想對皇越律例的影響, 2007年在越南“國際儒教研討會” 論文./.

 

 

 


[1]. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.II, Hình luật chí, tr.303. Nxb. KHXH, Hà Nội,1992.

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nx. Giáo dục, 2004, Viện Sử học, Đệ nhất kỷ, Q. XLII- Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế, tr. 807-808.

[2]. Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), Bản dịch Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. T. 1, Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Văn Tài dịch. 1994, tr. 3.