PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn - Viện Văn học
Nguyễn Văn Thành (1758-1817) sinh ngày 13 tháng 11 năm Mậu Dần (1758), tiên tổ người Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), tằng tổ là Nguyễn Văn Toán chuyển vào trấn Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Tổ là Nguyễn Văn Tính đổi đến phủ Bình Hòa (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Cha là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định. Nguyễn Văn Thành là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn (1802-1945). Không chỉ là một tướng tài thời trận mạc, Nguyễn Văn Thành còn là người “thích đọc sách”, từng tham gia soạn sách Hoàng Việt luật lệ và bài Văn tế tướng sĩ trận vong nổi tiếng.
Mặc dù còn nhiều ức thuyết khác nhau nhưng từ lâu các nhà nghiên cứu đã tương đối thống nhất tác giả của Văn tế tướng sĩ trận vong (còn gọi Tế tướng sĩ văn, Tế trận vong tướng sĩ) là của Nguyễn Văn Thành. Các nhà nghiên cứu Phong Châu – Nguyễn Văn Phú xác định: “Năm 1802, Gia Long thắng Tây Sơn, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Nguyễn Văn Thành nhớ đến công ơn các chiến sĩ đã tử trận, làm bài văn tế này. Có người nói rằng bài này do một người khác làm đưa cho Nguyễn Văn Thành đọc. Bài này đề cao Gia Long nhưng đồng thời cũng nói lên những cảnh đau khổ do chiến tranh gây nên cái chết của những người lính. Tác giả rất thông cảm với những tướng sĩ trận vong. Bài văn có một giá trị nhân đạo nhất định”(1)…
Nhận diện về nội dung và nghệ thuật bài Văn tế tướng sĩ trận vong, ngay từ năm 1918 học giả Phạm Quỳnh đã có bài viết Tựa bài “Tế tướng sĩ văn” của Tiền quân Nguyễn Văn Thành:
“Bài văn tế của Tiền quân Nguyễn Văn Thành thật là một áng văn chương tuyệt bút trong quốc âm ta. Lối văn tế Nôm xưa nay cũng nhiều mà phần nhiều là những lời than giùm khóc mướn, không có một chút tình tứ gì. Chưa từng thấy bài nào hay bằng bài này, cảm động lòng người bằng bài này. Hay vì lời văn trác luyện, hay vì cái khí anh hùng, hay vì ý tứ thâm trầm, hay vì cảm tình chan chứa trong toàn thiên.
Hay vì lời văn: lời lời đáng ghi vào vàng đá, truyền đến muôn đời; khi gióng giả như dịp trống trong quân, khi tơi bời như ngọn cờ dưới nguyệt, khi “mịt mù như cơn gió lốc thổi dấu kẻ tha hương”, khi “lập lòe như đám lửa trơi, soi chừng chốn cổ độ”, khi hùng tráng như tiếng gươm tuốt trong trận, khi lâm ly như tiếng vượn khóc trên ngàn.
Hay vì ý cái khí: khí là khí phách anh hùng của mấy trăm vạn con em đất Việt Nam đã cùng ông Nã – phá – luân nước ta là Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế trong hai mươi năm gian nan lao khổ, “trước từng trải Xiêm La, Cao Miên, về Gia Định mà dần ra Khánh Thuận, rồi lại từ Đồ Bàn, Nam Nghĩa lấy Phú Xuân mà thẳng tới Thăng Long”; thật là một đoạn lịch sử rất vẻ vang của Tổ quốc ta, ai đọc đến mà chẳng thấy hứng khởi trong lòng?
Hay vì ý tứ: ý tứ thâm trầm, muốn biểu dương công nghiệp của kẻ quân nhân đã giúp Bản triều gây dựng nên cơ đồ vĩ đại, người sống đã hết phận truy tùy, “chung nỗi ân ưu mà riêng phần lao khổ”, kẻ chết cũng còn hộ được “Hoàng triều cho bể lặng sóng trong”. Đời sau há nên phụ con nhà quân mà tru ông Thành ông Duyệt dư?
Hay vì cảm tình: cảm tình một võ tướng thương nhớ kẻ tì hưu đã cùng mình khi uống “chén rượu đầu ghềnh”, khi vung “tấm cừu trước gió”, mà nay gặp hội thăng bình, xót vì nỗi người còn mà kẻ khuất! Thương xót ngậm ngùi mà chạnh nghĩ đến “cha già, mẹ yếu, vợ góa, con côi” của những kẻ chẳng may đã khuất đi, muốn an tập mà bảo toàn cho khắp đủ. Ấy cái tình một ông đại tướng đối với kẻ quân nhân thiết tha mà châu đáo như thế.
Tưởng tượng bài này đọc trước mặt ba quân, trong “đám cờ đào, nón đỏ”, không còn cảnh tượng gì hùng tráng mà cảm động bằng: người nghe tất ai cũng nức nở trong lòng mà chứa chan giọt lệ vậy.
Đọc bài này thì đủ biết cái tâm địa một ông tướng giỏi nước Nam ta, lòng ưu ái ngang với chí anh hùng, thương quân sĩ như thương con mới nên được những giọng thâm trầm thấm thía như thế, có kém gì những bậc danh tướng của các nước trong thiên hạ?
Bài văn tế này, về đường văn chương, về đường tư tưởng, có thể đem sánh cùng những văn tế rất hay của linh mục Bossuet nước Pháp hay là văn hào Hàn Dũ nước Tàu, không sợ thua vậy. Văn chương nôm ta có kém gì ai? Coi thường là lỗi tự người mình”(2).
Gần nửa thế kỷ sau, nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ nương theo ý học giả Phạm Quỳnh tiếp tục đánh giá cao ý nghĩa bài văn tế của Nguyễn Văn Thành: “Trong các bài văn tế thời kỳ văn học Tây Sơn có hai bài được truyền tụng hơn cả, do các văn gia trong hàng ngũ của Nguyễn vương: Bài tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu của Đặng Đức Siêu, và bài Tế trận vong tướng sĩ của Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Riêng bài sau đáng coi là kiệt tác trong loại. Thời ấy cũng như sau này không một bài nào có thể hơn được”(3)…
Đặt trong dòng văn tế chiến trận có thể thấy Văn tế tướng sĩ trận vong thuộc loại văn tế tập thể binh sĩ, số đông quân nhân chứ không phải tế những tướng lĩnh có tên tuổi cụ thể. Thêm nữa, đây là bài văn tế tướng sĩ dẫu sao cũng là cuộc chiến của người trong nước và trong cuộc chiến này, họ đã góp phần làm nên chiến thắng. Điều này khác với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu khóc thương các nghĩa binh trong cuộc chiến chống ngoại xâm, biết rằng mình chịu phần thất bại, hy sinh nhưng vẫn dấn thân vì dân tộc. Theo thể thức chung, ngay từ phần lung khởi của bài Văn tế tướng sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành đã phác họa được tầm vóc quốc gia của những binh sĩ trải suốt dải đất rộng dài từ Nam ra Bắc và khẳng định ý nghĩa cái chết vinh của họ:
Than ôi!
Trời Đông phố vận ra Sóc Cảnh, trải bao phen lao khổ mới có ngày nay;
Nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ những kẻ điêu linh
kể từ thuở nọ.
Cho hay sinh là ký mà tử là quy, mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ(4).
Trong cảm nhận của Nguyễn Văn Thành, những binh sĩ kia chết trận vì vương triều nhà Nguyễn và cũng vì sự nghiệp thống nhất non sông. Trong phần thích thực, tác giả nhấn mạnh vị thế chính nghĩa của những người lính:
Kẻ thời theo cơ đích, bước sang miền khách địa, hăm hở mài nanh
giũa vuốt, chỉ non Đoài thề chẳng đội trời chung;
Kẻ thời tránh việt mao, liều mệnh chốn sa trường, dập dìu thẳng cánh giương vây, trông cõi Bắc quyết thu về đất cũ.
Tướng quân Nguyễn Văn Thành không chỉ ngợi ca, nêu gương mà còn đồng cảm, xót thương, nhìn ra những hệ lụy, những thân phận và số kiếp cá nhân con người trong cuộc chiến đầy may rủi:
Phận truy tùy gẫm lại cũng cơ duyên;
Trường tranh đấu biết đâu là mệnh số?
Kẻ thời chen chân ngựa, quyết giật cờ trong trận, xót nhẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay;
Kẻ thời bắt mũi thuyền, toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.
Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương;
Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa chơi, soi chừng cổ độ.
Tiếp nối đến phần thích thực, Nguyễn Văn Thành đi sâu khai thác niềm tâm sự của kẻ sống với người chết, bày tỏ sự khâm phục, cảm thông, tiếc nuối:
Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu;
Nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ.
Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã chăm rèn mới có,
nợ áo cơm phải trả đến hình hài;
Những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu xem nửa phút như không,
ơn dày đội cũng cam trong phế phủ.
Dường như trong tâm tưởng sâu xa, Nguyễn Văn Thành đã cảm nhận được sự thực của mối hệ lụy “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”. Vì thế mà khi đoái nhìn lại, vị tướng thấy tiếc nuối, xót thương cho bao cuộc đời trai trẻ đã một đi không hẹn ngày trở lại. Chữ “Tiếc” được đặt ở đầu câu và lặp lại trong hai câu văn liên tiếp tạo nên ấn tượng về nỗi khắc khoải trước những phận người đã về cõi hư vô, chẳng còn được thấy sự báo đáp và niềm vui nào ở chốn nhân gian:
Tiếc vì thuở theo cờ trước gió, thân chẳng quản màn sương đệm giá, những chờ xem cao thấp bậc cân thường;
Tiếc cho khi nhỡ bước giữa dòng, kiếp đã về cõi suối làng mây,
nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ.
Đẩy lên một mức độ cao hơn, Nguyễn Văn Thành tạo lập ý văn chất chứa những sự trớ trêu của kiếp sống con người:
Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui;
Dịp trống phồn hoa, chốn tươi chốn ủ.
Đây là những sắc thái cảnh vật, tâm trạng đối nghịch nhau trong từng câu văn với nhịp ngắn, gấp gáp (tẻ - vui, tươi - ủ) và giữa các ý văn đăng đối ở hai câu: Ngọn còi rúc nguyệt - Dịp trống phồn hoa; nơi tẻ nơi vui - chốn tươi chốn ủ…
Rồi thêm một lần nữa, niềm cảm khái tiếc thương lại được khơi dẫn cho tương quan “Đã biết… Nhưng tiếc cho…”, nghĩa là đặt thực tại về cái chết, lẽ sinh tử lên trước hết, trên hết rồi mới nhấn mạnh sự vô lý của tạo hóa về chính lẽ sinh – tử, có – không ấy:
Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh liệt,
cái sinh không, cái tử cũng là không;
Nhưng tiếc cho tạo hoá khéo vô tình, ngàn năm một hội tao phùng,
phận thủy có, phận chung sao chẳng có?
Cho đến đoạn kết, vai trò chủ thể tác giả lộ diện. Nguyễn Văn Thành trên cương vị người xa cách triều đình gánh các việc biên phòng, nay dự mùi chung đỉnh, rạng rỡ áo xiêm chợt chạnh lòng nhớ về quân sĩ một thuở một thời và có lời tưởng nhớ, khấn gọi:
Bản tước nay:
Vâng việc biên phòng;
Chạnh niềm viễn thú.
Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh;
Trong nhà rỡ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu hong trước gió.
Bâng khuâng kẻ mất người còn;
Tưởng tượng thầy đâu tớ đó.
Nền phủ định tới đây còn xốc nổi, ngụ lòng một lễ, chén rượu thoi vàng;
Chữ tương đồng gẫm lại vốn đinh ninh, khắp mặt ba quân, cờ đào áo đỏ.
Trong lời ai điếu, viên tướng không chỉ thể hiện niềm thương cảm mà còn tỏ bày sự tri ân, tấu thưởng, lo trợ cấp cho gia đình người chết trận. Đó là lẽ đời, tình đời, tình người nên có ở mọi thời đại:
Trường chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước
người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu dương cho;
Hội thăng bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già mẹ yếu,
vợ goá con côi, an tập hết cũng ban tồn tuất đủ.
Một lời hứa hẹn như thế cũng phần nào an ủi vong linh người đã khuất và làm dịu lòng, dịu bớt phần nào khó khăn cho thân nhân quân sĩ, những cha già mẹ héo, vợ góa con côi.
Theo văn mạch của thể loại, bài văn tế mang tầm vóc quốc gia khép lại bằng lời mời gọi, an ủi vong linh và nhắn nhủ hồn người quân sĩ sống khôn chết thiêng mãi mãi khuông phò vương triều bền vững, đất nước an bình:
Cơ huyền diệu hoặc thăng trầm chưa rõ, thiêng thời về cố quận, để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh lại nhận cửa tiền quân;
Niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, thiêng thì giúp Hoàng triều, cho bể lặng sông trong, duy vạn kỷ chửa dời ngôi bảo tộ.
Hỡi ôi! Thượng hưởng!...
Bài văn tế đi từ lời mở đầu “Than ôi!” qua “Xót thay!...”, “Bản tước nay…” cho đến lời kết “Hỡi ôi! Thượng hưởng!...” là cả một tiếng kêu thương, nhớ nhung, cảm thông, tiếc nuối.
Theo nhận định của Phong Châu và Nguyễn Văn Phú: “Nhịp với sự phát triển của xã hội, nội dung văn tế cũng cũng phong phú thêm lên. Trong sự tiếc thương và ca ngợi công đức người quá cố, tác giả các bài văn tế đã lồng vào để nói lên tâm trạng của mình trước thời cuộc. Cái khóc ở đây không còn ở mức thuộc tình cảm cá nhân mà đã có tính chất xã hội”(5). Như vậy, âm hưởng bài Văn tế tướng sĩ trận vong nằm trong dòng chảy đặc trưng thể loại gắn với một thời đại, một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bộc lộ niềm tiếc thương của một viên tướng với các binh sĩ đã hy sinh vì vương triều nhà Nguyễn, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trên tất cả, bài văn tế là tiếng kêu thương cho các binh sĩ và cũng là tiếng khóc thương những chúng sinh, những số kiếp con người đã ra đi không bao giờ trở lại và cả thân huân những người còn sống. Đó cũng chính là tiếng nói của tinh thần nhân văn nhân đạo ở một thế kỷ mà con người ngày càng ý thức rõ hơn về quyền sống của mình cũng như mọi kiếp chúng sinh.
_______________
(1) Phong Châu – Nguyễn Văn Phú (Sưu tầm, chú thích, giới thiệu): Văn tế cổ và kim. Nxb. Văn hóa, H., 1960, tr.54. Các trích dẫn văn tế trong bài đều theo sách này.
(2) Phạm Quỳnh: Tựa bài “Tế tướng sĩ văn” của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, trong sách Thượng Chi văn tập, Tập II. Tái bản. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.59-61.
(3) Dẫn theo Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập II. Tái bản. Nxb. Đồng Tháp, 1997, tr.325.
(4) Nguyễn Văn Thành: Tế trận vong tướng sĩ, trong sách Văn tế cổ và kim (Phong Châu – Nguyễn Văn Phú sưu tầm, chú thích, giới thiệu). Sđd, tr.51-55. Các trích dẫn Tế trận vong tướng sĩ trong bài đều theo sách này.
(5) Phong Châu – Nguyễn Văn Phú (Sưu tầm, chú thích, giới thiệu): Văn tế cổ và kim. Sđd, 1960, tr.3.