LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

SẮC GIA ÂN CHO VỊ TỔNG TRẤN BẮC THÀNH - NGUYỄN VĂN THÀNH

Ban biên tập website honguyenquancong.com

(Tác giả Lưu Dung đăng trên web Bảo tàng Hà Nội)

 

Đăng bài:  24/04/2023 - 20:40:47

Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam có không ít những vị công thần đã gặp những hoàn cảnh éo le, dẫn đến những án oan khảm khốc khiến cho hậu thế đau xót, tiếc thương. Trong đó có vị Tổng trấn Bắc thành – Quận Công Nguyễn Văn Thành.

Quận công Nguyễn Văn Thành (1758-1817), người gốc Quảng Điền phủ Thừa Thiên (Huế). Ông là một người toàn tài, người con ưu tú của non sông và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…Trong thời kỳ làm quan ở Thăng Long (khi đó gọi là Bắc Thành) ông giữ chức Bắc Thành Tổng trấn nên ông còn được gọi là Bắc thành Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành.

Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã tìm về Tổ đường của ông Nguyễn Văn Thành, rất may mắn đã gặp được ông Nguyễn Văn Thuận (hậu duệ đời thứ 7). Qua tìm hiểu sử sách và lời kể của ông Nguyễn Văn Thuận chúng tôi được biết rằng: Khi đang giữ chức Tổng trấn Bắc thành thì ông được điều về  làm quan ở kinh đô Phú Xuân (1810-1817). Ở thời kỳ này ông tiếp tục có những đóng góp trên mọi mặt của đời sống xã hội thời bấy giờ và được lịch sử ghi nhận. Bản thân là người cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì nước vì dân. Bên cạnh những người yêu quý thì ông cũng bị nhiều gian thần trong triều đình ghen ghét và tìm cách hãm hại. Vào thời gian cuối năm Ất Hợi (1815), xảy ra vụ án “văn chương” do con trai ông là Cử Nhân, Phò mã Nguyễn Văn Thuyên gây ra khiến ông bị liên lụy. Chỉ vì một bài thơ của con trai mà ông bị quy vào tội làm phản rồi bị tru di tam tộc, bị dồn vào đường cùng, cuối cùng ông đã chọn cái chết để tỏ lòng bậc “tôi trung”. Ngày 11 tháng 5 năm Đinh Sửu, Quận Công Nguyễn Văn Thành tự vẫn năm đó ông tròn 60 tuổi.

Trời xanh có mắt, công trạng lớn lao, sử sách còn ghi nên đến các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã đem ra xét lại và phải đến hơn 50 năm sau, đời vua Tự Đức thứ 21 (1868) mới ban sắc Gia Ân chính thức rửa oan, khôi phục lại chức tước. Và cũng từ đây việc thờ cúng ông mới được công khai. Hiện nay tại nhà thờ Tổ đường danh nhân Nguyễn Văn Thành, còn lưu giữ được bản gốc sắc Gia Ân, được dịch giả Lê Xuân Hoàng phụng dịch:

Dịch nghĩa:

Nhân lúc trời đang hưng vượng, Hoàng đế phán rằng:

Trẫm nghĩ, công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xẩy ra. Các quan nhà Chu đều đặt tám nhị điều[1] còn bên sách Tả truyện thì có 10 điều là để khen chê những người có công hay có tội.

Trước đây, Vọng Các công thần là ông Quận công Thành, Nguyễn Văn Thành là một người công thần cũ, là con của ông Nguyễn Văn Hiền, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến Đại tướng, chức đến Thượng công. Công danh còn lưu lại trong sử sách rõ ràng.

Dưới triều Gia Long, nhân vì người con có tội mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà vua cũng cảm động. Đến Triều Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng, sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự. Như thế là đã thi ân nhiều cho ông Nguyễn Văn Thành được lên chức Vọng Các công thần, tước Quận Công, được thờ vào Trung Hưng công thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.

Than ôi! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏa rõ là ơn của nhà vua vậy. Như thế là đã đối xử một cách rất hậu  đối với tướng tài, nhà vua không quên ơn của người có công, mặc dù đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.

Hãy kính cẩn vâng mệnh.

Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21 (1868)

Vâng người có công, người bị oan sai, cuối cùng cũng được Nhật, Nguyệt soi sáng, lấy lại đúng công trạng của ông với lịch sử. Để tưởng nhớ và tri ân ông, trong thời gian gần đây nhiều cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được các giới lịch sử, nhà nghiên cứu quan tâm làm sáng rõ bên cạnh đó các chi trong dòng họ của ông cũng tìm về cội nguồn. 

Nguyễn Văn Thành là vị Tổng trấn có nhiều công lao lớn với đất nước, đặc biệt với mảnh đất Thăng Long ông đã đã để lại nhiều di sản cho đến nay vẫn là biểu tượng văn hóa ở Thủ đô khi được nhắc đến như: Khuê Văn các ở Văn Miếu; Cột Cờ Hà Nội; Tu sửa xây dựng thành Thăng Long. Để giới thiệu đến công chúng, trong phần trưng bày mới của Bảo tàng Hà Nội, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nằm trên băng ảnh các vị Tổng trấn có công với đất Thăng Long.

Tác giả Lưu Dung