Vũ Văn Cương
Thi thoảng tôi cứ thấy thương cho những cánh đồng bị san lấp bởi quá trình đô thị hoá. Những cánh đồng xôi mật bám sát những con đường lớn, những vùng ven thị trấn khi được mở rộng đều được đem ra đấu giá. Có lẽ tuổi thơ của chúng tôi đã gắn liền với ruộng đồng quá chăng? Từ hạt thóc hạt lúa, cái rơm cái rạ, bắp ngô củ khoai, đến con rô con diếc, cái tôm cái tép, những bữa đi tát vét cá cua, chơi cỏ gà và thả diều trên những cánh đồng xanh biếc. Từ mùa hè đến mùa xuân, mùa nào cũng mênh mông những ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Từ nhà đến trường đâu đâu cũng thấy người nông dân hai sương một nắng, vụ nào canh tác cây con vụ ấy. Những câu chuyện xóm ngõ cũng là những chuyện về mùa màng thời vụ. Tất cả cứ thấm dần vào tâm hồn chúng tôi như một cấu trúc tự nhiên của tạo hóa. Tôi đi xa, nhiều khi trong giấc mơ cũng có hình bóng quê nhà.
Làng tôi cũng sầm uất hơn từ ngày rộ lên phong trào đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, những làng xung quanh cũng vậy. Kinh tế phát triển, nhu cầu hiện đại hóa lại càng cao, nhiều người thoát li đồng ruộng. Nhà máy, xí nghiệp về thị trấn cũng nhiều. Từ những nông dân của ngày hôm qua đến công nhân của ngày hôm nay nườm nượp phố thị. Nào may mặc, giày da, nào thực phẩm, dịch vụ ăn uống, làm đẹp, thời trang,… đâu đâu cũng thấy sang trọng. Nhiều người có vốn lớn đã tìm đến những thành phố lớn kinh doanh. Lượng người ở quê gắn bó với đồng ruộng cũng thưa dần, nhiều cánh đồng bỏ không, nhất là vào vụ đông. Sự can thiệp mạnh mẽ của thuốc bảo vệ thực vật cũng làm cho những thân cò gầy gò hơn. Cái tôm cái tép rủ nhau đi vắng cả, những mương máng gần đô thị dần bị đổi màu. Trong xóm quê đôi lúc chỉ thấy có người già, nhà rộng, vườn thưa, con cháu thì đến trường lớp, vào nhà máy xí nghiệp, làm ăn xa, chỉ dịp giỗ Tết là về đông đúc. Nhưng rồi một ngày, con virus mang tên Corona với các chủng mới của nó phát triển làm cả xã hội tán loạn lên.
Con đường về quê hương bỗng lại trở nên tấp nập. Có điều, cái tấp nập đó không phải là cái tấp nập hối hả của những ngày cuối năm mà lại là đầu năm. Khắp nơi về nhà để tránh dịch. Từ phố xá phồn hoa rồi cả đến những người con đang lao động, học tập, làm việc và sinh sống ở khắp nơi xa xứ. Hình như, quê hương vẫn mãi là nơi nương náu cho tất cả những biến động dữ dội đầy bất trắc ngoài cái thế giới mênh mông kia. Quê hương vẫn cứ là người mẹ luôn dang rộng vòng tay đón các con vào lòng dù thăng trầm bể dâu từ đâu trở về. Những ngày nghỉ phòng tránh dịch COVID tại quê nhà như là một khoảng lặng trong bản hòa tấu để người ta sống chậm lại và nghĩ khác đi. Có lẽ, khi tự nhiên phải giữ mình cho bản thân, cho cộng đồng, khi con người ta cảm thấy ranh giới giữa thế giới bên này và thế giới bên kia thật mong manh, ngắn ngủi thì con người ta mới thấy thấm thía về cái gọi là văn hóa ứng xử.
Tôi chợt nghĩ dịch bệnh có lúc như phép thử cho cả những người đi xa trở về và cho cả những người đang sống ở quê nhà. Những người ở phương trời xa tìm về như tìm thấy sự sống của chính mình đang được tái sinh. Bỏ qua một số trường hợp còn tỏ ra này nọ, nhưng từ xưa đến nay hình ảnh quê nhà bao giờ chẳng có những nét đơn sơ bình dị. Bỏ qua chuyện khẩu trang và những con người tuy cưỡi xe tay ga, ăn mặc lịch sự mà vẫn đến các điểm từ thiện dành cho những người còn nghèo khó hơn để xin đồ, thì kể sao hết công lao của đội ngũ y bác sĩ, các nhà khoa học không quản ngày đêm chữa trị bệnh nhân nhiễm virus Corona. Rồi cả hệ thống quân đội không quản gian nguy nơi bìa rừng biên giới để bảo vệ đất nước, để nhường chỗ cách li cho những con người từ khắp nơi trên thế giới về. Rồi những cụ bà, những em thơ đã quyên góp cho đất nước từ những đồng tiền dành dụm chắt chiu, những ổ trứng gà, những cân gạo… đầy cảm động.
Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 như một cuộc chiến với kẻ thù tàng hình, không tiếng súng. Trong cuộc chiến ấy, cái ăn uống và sự sống còn là điều mà cả thiên hạ đều phải quan tâm. Tiền vàng đất đai có bao nhiêu đi nữa thì lúc ấy mới lại thấy hạt gạo thật đáng quý, thấy an ninh lương thực quốc gia là chuyện vô cùng hệ trọng.
Quê tôi giờ đã phát triển hài hòa hơn giữa đô thị và làng quê, không khí đã trong lành hơn xưa rất nhiều. Nhìn dòng sông hiền hòa trở lại êm trôi, tôi bất chợt nghĩ trong tương lai, những mặt trái của công nghệ sinh học rất có thể khiến con người ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ dữ dội và khủng khiếp hơn. Lúc ấy, tôi tin rằng câu chuyện về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, về sự sống và cái chết, về cái thiện và cái ác, giữa bao dung và cương quyết sẽ được chúng ta giải quyết dung hòa như mỗi người đã có một quê nhà của cả một thời quây quần êm ấm.
Vũ Văn Cương