LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

THẦY ĐỒ LÀNG GIA TRUNG

Trích “danh nhân Việt Nam qua các đời "Triều Nguyễn”

Lâu lắm, quan Tổng Trấn họ Nguyễn mới về lại Long Thành. Ông bùi ngùi, cảm động lắm. Đất quê gốc của ông đây. Nhớ hồi thấy cảnh đất nước loạn ly, chúa Trịnh mãi mê tranh giành quyền lực, anh em hận nhau đến chết, dẫn đến cảnh cả đô thành xẩy đàn, tan nghé. Nhiều gia đình vì không thích Võ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh mà phải mai danh ẩn tích. Danh nho thành thầy thuốc. Cựu thần hóa ông đồ, quan Tổng Trấn một mình đeo tay nải, xuống bến Chương Dương, bỏ quê hương xứ sở lần mò vào nam giúp Nguyễn Ánh. Sau bao nhiêu năm xông pha trận mạc ông đã thành đại tướng, lại được vua Gia Long phong cho làm Tổng Trấn Bắc Thành. Quan Tổng Trấn trong lúc vào sinh ra tử, thường chọn mấy cơ lính người Bắc làm hộ vệ, tin dùng một số mưu sĩ, vệ sĩ quê ở Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, theo mình từ thuở hàn vi, hơn là để những người đàng trong. Một lần, trong bữa tiệc, Vua Gia Long đã đùa Tổng Trấn Nguyễn:

- Khanh thích đất Bắc hơn là đất Phú xuân phải không?

Trong cơn say, lòng cũng đầy tâm trạng, khi Vua lúc còn lênh đênh trên biển cả, việc lớn, việc bé đều hỏi đến ông. Nhưng khi lên ngôi Hoàng đế, bình định được thiên hạ, thì những người được hỏi đầu tiên không phải là ông mà là những người khéo nịnh, người Đàng Trong cả. Bởi thế, Tổng trấn Nguyễn đã khảng khái trả lời:

- Tình quê ai người chẳng có! Bệ hạ không thấy thơ của Hạ Tri Chương: “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi. Hương âm vô cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức. Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai” ư? (nghĩa 1 là: “Rời làng từ bé, già quay lại. Tóc rụng thưa còn giữ giọng quê. Gặp mặt, trẻ con nào có biết. Nhoẻn cười hỏi khách tự đâu về!”).

Vua Gia Long ngoài mặt gật đầu khen, lại ban thưởng cho Nguyễn một chén ngự tửu, nhưng trong lòng thì ghét, cho rằng Nguyễn không cần đến vua, mà muốn về Bắc Hà.

Mấy hôm sau, vua cho gọi Nguyễn vào mà bảo:

- Bắc Thành là quê hương của khanh, ý nguyện trở về Bắc, khanh đã vô tình thổ lộ trong buổi trẫm ban yến bữa nọ. Trẫm vẫn còn nhớ. Dân Bắc thì phải người Bắc cai quản, mới hiểu hết được ngóc ngách sự việc. Trẫm định phong khanh làm Tổng Trấn Bắc Hà, khanh nghĩ thế nào?

Nguyễn biết rằng Gia Long lại đẩy việc khó đến cho mình, nhưng thấy được trở lại đất quê, ông liền xụp lạy nói:

- Thần xin đem hết tài khuyển mã để đền ơn tri ngộ ...

Mấy hôm sau có chiếu chỉ tới, Nguyễn cùng gia quyến trở về Bắc Hà nhậm chức. Hôm lên phủ đường, kiệu quan qua phố, cờ lọng đi, dân chúng cứ giãn ra, quay lưng không thèm nghênh đón. Thỉnh thoảng quan Tổng Trấn vén rèm nhìn ra, thấy phố xá sau những ngày loạn ly, người không được đông vui như trước. Lại thấy bản thông cáo trên tường chưa ráo mực về việc kiêng không được lấy Rồng biểu trưng của đế kinh, Thăng Long phải đổi chữ Long là Rồng, thành Long là thịnh vượng.

Tổng trấn Nguyễn suy ngẫm một mình: “…Thăng Long là đất ngàn năm văn vật. Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê nối nhau coi đất này là đế đô, mỗi đời mở mang thêm một ít. Đất này không dùng làm kinh đô thì cũng phí. Nhân tài, vật lực chốn này thường hơn các đất khác. Nay lại còn đổi tên nữa thì dân chúng làm gì chẳng lãnh đạm với triều đình; Chắc họ cũng cảm thấy bùi ngùi; thay tên thì chọn tên hay hơn, dân còn chịu chứ tên lại không hay bằng trước, làm gì cái đám thức giả ở Long thành chẳng quay lưng lại…”. Và những ý định muốn làm kinh đô cũ giầu có không kém gì Phú Xuân, làm cho quan Tổng trấn thêm phấn chấn, quên cả những cảm nghĩ khi thấy dân tình chẳng hoan hỉ gì khi mình từ Đàng Trong ra nhậm chức.

Trước hết quan Tổng Trấn khuyến khích người dân phiêu tán trở về Thăng Long sinh sống buôn bán, lấy đất hoang ở năm cửa ô mở phố mới. Quan cho đánh thuế ruộng, thuế đinh, thuế chợ, thuế đò giảm hẳn hơn trước, do đó chẳng mấy chốc kinh thành lại tấp nập.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng trấn Nguyễn cũng là người hay chữ. Năm ấy, ngày giỗ trận, lòng ông bùi ngùi nhớ đến binh lính tướng lĩnh của mình ngày xưa đã bỏ mạng trên chiến trường, ông tổ chức một buổi tế long trọng ngoài trời, lập một đàn tế chiến sĩ trận vong. Ông thức trắng một đêm tự viết một bài văn tế trong đó có những đoạn rất cảm khái, chân thành:

“Phận truy tùy, gẫm lại cũng cơ duyên, trường tranh đấu, biết đâu là mệnh số!

Kế thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà n mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay.

Kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.

Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương

Mặt chinh phu khôn vẻ nét gian nan, lập lòe lửa trơi, soi chừng cổ độ. Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ.

Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình hài.

Những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu xem nửa phút như không, ơn dầy đội cũng cam trong phế phủ.

Phận dù không gác khói đài mây.

Danh đã vậy ngàn cây nội cỏ...

Quan Tổng Trấn tự mình đọc văn tế, những đoạn nhớ đến những người lính đồng cam cộng khổ, nước mắt ông lưng tròng...

Chưa hết lòng thương nhớ, Tổng Trấn Nguyễn còn mở cuộc thi câu đối về các nghĩa sĩ trận vong. Nhiều sĩ tử trong băm sáu phố phường cũng mặn mà hưởng ứng.

Gần một trăm câu đối được gửi đến. Ngài Tổng Trấn lần lượt đọc hết: có câu được vế một lại ép vế hai, có đôi vế một thường vế hai lại được mấy chữ sắc sảo. Có đôi chung chung, bàng bạc, có đôi nịnh bợ không hồn... Có kẻ lời kêu mà ý rỗng, có kẽ gò gẫm dụng ý thành khiên cưỡng, thâm tâm quan Tổng Trấn chưa chọn được câu nào. Quan rất buồn, nhưng chẳng lẽ cuộc thi đã mở, không công khai không xong. Ngài liền gọi các bậc nho sĩ hay chữ đến, mượn sân Văn Miếu làm buổi bình văn. Hơn một trăm đôi câu đối được lần lượt mang ra bình. Sân Văn miếu chưa bao giờ đông thế. Người tò mò kéo đến xem, người định mượn ngày bình câu đối tỏ tài trí với thiên hạ.

Không khí văn chương ở nơi học hội, quả lại được nhen dậy. Bình hết những bài dự thi, kẻ khen người chê, chưa câu nào được toàn bích, câu sàn sàn thì nhiều, câu vượt trội hầu như không có.

Quan Tổng Trấn nhìn khắp lượt để ý đến một thầy nho ngồi dựa cột, từ buổi đầu bình câu đối, tỏ vẻ khinh đời, nghe nửa tai, nhìn nửa mắt. Câu nào ý phải còn lắng nghe, câu nào, chữ nào dở thì cau mày, thở dài có vẻ khó chịu. Bình hết cả trăm câu, thái độ coi thường đám dự thi đã rõ. Quan cho lính mời anh ta lên trước mặt các giám khảo. Khi mọi người nhìn ra người vừa tới đều thốt lên;

- Thầy đồ làng Gia Trung !

Chẳng là, thầy cũng là người có tiếng ở kinhh kỳ. Thầy ít xuất hiện, nhưng khi xuất hiện thì thường tỵ hội được ở quán rượu những người chuộng chữ nghĩa. Nghe thầy bình văn Ly Tao, bàn chuyện văn chương Hồng Lâu Mộng hoặc nêu cái hay cái dỡ của Kim Bình Mai do Kim Thánh Thán bình phẩm, ai cũng chịu là người chịu đọc, chịu nghĩ...

Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành hỏi:

- Xin cho hỏi Ngươi là ai?

- Thiên hạ quen gọi tôi là thầy đồ làng Gia Trung.

- Tên thật là gì?

- Tên phong mới là quý. Bạn bè, làng xóm chỗ tôi ngồi dạy học phong cho tôi cái tên ấy, lâu dần tên cha mẹ đẻ tôi cũng quên mất!

Nguyễn Văn Thành đã thấy tính ngất ngưởng của thầy đồ. Vốn cẩn trọng, ông không khiển trách, lại dịu giọng bảo;

Ta thường thấy thầy ngồi nghe, lúc thì nhíu mày, lúc thì thở dài, chẳng lẽ một trăm câu đối của sĩ phu Bắc Hà, không câu nào lọt tai thầy ư! Thầy đồ làng Gia Trung nói:

- Sĩ phu Bắc Hà nếu bảo họ vịnh cây, vịnh đá, vịnh núi, vịnh sông, nói lịch sử, bàn địa dư, hẳn họ không đủ giấy mà vẫy bút, viết những lời hay ý đẹp... Còn như ra câu đối cho họ về những người chết trận ở Phương nam, thì hồn họ đâu có nhập vào đấy mà có câu đối hay...

Ngài Tổng Trấn Nguyễn đỏ mặt, biết là câu nói xấc xược, nhưng thầy đồ Gia Trung đã biết làm cho quan tổng trấn nguôi giận, thầy nói:

- Tôi xin góp vào một câu đối, không biết Ngài có ưng không! Cũng để cho Ngài thấy sĩ phu Bắc Hà không điều gì là không tường tận. Nguyễn Văn Thành mừng lắm. Cơn giận bay luôn mất, liền ân cần nói:

- Thầy cứ đọc đi! Cứ đọc đi!

Thầy đồ Gia Trung cao giọng đọc. Mọi người lắng nghe:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Phía dưới ồ cả lên, một nho sinh đứng dậy nói:

- Đó chẳng là lấy hai câu thơ của hai nhà thơ đời Đường ghép lại đó sao! Có phải là của anh ta đâu!

Quan Tổng Trấn gật đầu phân giải:

- Đúng là câu thơ có sẵn, nhưng ngẫm ra cả trăm đôi câu đối, ta bình suốt buổi sáng nay, chẳng câu nào hay hơn câu ấy. Thầy quả là đáng thưởng vì đã cho ta một lời răn: Cái có sẵn đã hay, cần gì phải truy tìm ở đâu!

Liền giữ thầy đồ Gia Trung ở lại, mấy đêm đàm đạo văn chương chữ nghĩa, rất tâm đầu ý hợp. Một hôm quan Tổng Trấn hỏi:

- Trong các sách thánh hiền, ngươi thích sách nào nhất. Thầy đồ Gia Trung nói:

- Tôi thích nhất Đạo Đức Kinh của Lão Tử!

Quan lại hỏi:

- Trong Đạo Đức Kinh, thầy thích câu nào nhất?

Thầy Đồ Gia Trung, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

Tôi thích câu này: “Ba mươi tay hoa cùng qui vào một cái bầu, nhưng chính nhờ quãng trống trong cái bầu xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm, chén bát mới dùng được. Đục cửa chính và cửa sổ khi làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được. Vậy ta tưởng cái có, có lợi cho ta mà thực ra cái không mới làm cho cái có hữu dụng vậy” (Nguyên văn chữ Hán: tam thập bức, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực đi vi khi, đương kỳ vô, hữu khi tác dụng. Tạc hộ dữ dĩ vi thất, đương kỳ vô, hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chỉ dĩ vi dụng.).

Quan Tổng Trấn nghe xong, tự bình:

- Câu này sâu sắc lắm. Quả là ta chưa có dịp nghiền ngẫm! Hay là ngươi mượn nghĩa sách để khuyên ta.

Thầy đồ Gia Trung, chỉ cười khiêm tốn nói:

- Quan lớn đã trải dư trăm trận, nếm đủ mùi, thầy đồ gàn này đâu dám hỗn!.

Tổng trấn Nguyễn Văn Thành muốn giữ thầy đồ Gia Trung trong nhà, nhưng thầy từ chối, chỉ xin một mảnh đất ngoại ô Thăng Long ngồi dạy học để có dịp giao lưu với bè bạn. Quan Tổng Trấn cũng muốn có dịp gọi thầy đồ lên phủ đường hoặc ghé qua trò chuyện liền ưng ngay...

Ít lâu sau có chiến trận Nguyễn Văn Thành về Phú Xuân. Nguyễn Văn Thành đi, thầy đồ Gia trung đến tiễn và để lại một phong thư dặn ngang đường hãy mở, Quan Tổng Trấn vào đến Ninh Bình, mở thư ra chỉ có hai câu:

Đài các hà vi kỳ ngộ khách

Ngũ hồ du ngoạn kỷ nhân tri

(Nỡ đâu làm khách nơi đài các,

Ngũ hồ chơi suốt, mấy người hay)

Nguyễn Văn Thành giật mình. Hóa ra người này rất thành tâm với ông. Câu văn Đạo đức kinh bữa nọ, lời thơ bữa nay, xa gần đều chung một ý, đường quyến luyến danh lợi nữa...

Nhưng chân đã bước, lùi sao được nữa. Nguyễn Văn Thành vào kinh đô Phú Xuân, chỉ ít lâu sau, bị bọn quyền thần, vin cớ con trai ông làm bài thơ ngông cuồng có ý oán vua, gây rối loạn. Cả nhà ông bị tội chết. Khi chịu hành hình, người quan tổng trấn nhớ nhất chính là thầy đồ làng Gia Trung.

Ban biên tập Website: honguyenquancong.com