CHÙA NI VIỆT NAM Ở TỲ XÁ LY, ẤN ĐỘ
Tác giả Nguyễn Minh Châu,
Hậu duệ đời thứ Bảy của Quận công Nguyễn Văn Thành
Do ở cách xa Bồ đề đạo tràng đến 6 giờ xe, nên chùa Ni Việt Nam ở Tỳ xá ly ít được người Việt đến thăm như các chùa ở Bồ đề đạo tràng. Đến đây, tôi rất bất ngờ khi biết 2 sư cô vừa điều hành và vừa giảng dạy cho 2 trường, hiện có đến 2.400 em từ mẫu giáo cho đến hết lớp 5, học theo giáo trình nhà nước từ khi thành lập 2013. Thật là một nỗ lực rất lớn, một hạnh tu tập cao cả, một tình thương rất lớn nhằm giúp các em nghèo quanh vùng được biết chữ, mà không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Đó là cách duy nhất giúp các em có một tương lai vững chắc, không phải đi ăn xin suốt đời.
Nơi được lưu giữ Xá Lợi Phật khi Ngài nhập Niết bàn - Tỳ xá ly, 2022.
Chùa Ni Việt Nam ở Tỳ xá ly
Tỳ xá ly (Vaishali) là nơi ghi dấu Tổ sư Ni Kiều đàm di, mẹ nuôi của Đức Phật, đã đi bộ cùng với 500 người nữ từ thành Ca-tì-la-vệ đến đây để xin xuất gia. Do đi bộ từ rất xa, nên khi đến nơi thì chân của các bà đã rướm máu. Các bà muốn chứng tỏ với tăng đoàn khất sĩ toàn nam của Phật là việc gì người nam làm được thì người nữ cũng làm được. Sau một buổi thảo luận, Tăng đoàn của Đức Phật đã đồng ý cho người nữ được xuất gia. Sự kiện này đánh dấu sự bình đẳng nam nữ đầu tiên trong một xã hội vốn trọng người nam lúc đó. Việc này xảy ra vào mùa an cư thứ 5 của Đức Phật sau khi Ngài đắc đạo.
Vì vậy, mà từ đầu thập niên 2000, một số Ni sư các nước đã đến đây xây dựng chùa với mục đích tiếp tục con đường mà Tổ sư Ni Kiều đàm di đã làm cách nay hơn 2600 năm. Chùa Kiều đàm di, tên ngôi chùa Ni Việt Nam ở Tỳ xá ly làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng năm 2004, thì năm 2005, hai sư cô Đạo Trí và Như Hiếu được sư Ni trưởng Khiết Minh, trụ trì Chùa Kim Liên, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, cử sang đây lo Phật sự. Như vậy đến nay, 2 sư cô tuy trông trẻ, nhưng đã có 17 năm tu hành ở chùa này.
Lần đầu chúng tôi đến thăm chùa Kiều đàm di là năm 2020, lúc ấy đang ở Bồ đề đạo tràng, nghe có chùa Ni Việt Nam ở Tỳ xá ly chúng tôi lên kế hoạch đi thăm.
Chánh điện chùa Kiều đàm di - Tỳ xá ly.
Tác giả chụp ảnh cùng sư cô Như Hiếu và anh em trong đoàn.
Từ Bồ đề đạo tràng, đoàn chúng tôi 8 người thuê xe 15 chỗ đi từ 5h sáng, vậy mà đến hơn 11h mới đến chùa. Được 2 sư cô trẻ đón tiếp rất vui vẻ, Sư cô Đạo Trí dẫn đoàn qua tháp Kiều đàm di, giới thiệu tượng Tổ sư Ni Kiều đàm di và 6 đệ tử ngồi chung quanh. Đã trưa, sư cô mời cả đoàn ăn trưa ở bếp ăn của chùa, thật là gần gũi như ở nông thôn Việt Nam. Ăn vừa xong, chúng tôi thấy sư cô Như Hiếu kiểm tra lại các sách tiếng Anh đang bỏ trong túi để kịp lên lớp. Lúc đó cũng hơn 13h nên chúng tôi chào 2 sư cô rồi quay trở lại Bồ đề đạo tràng cho kịp. Vậy mà đến 19h30, chúng tôi mới về đến Bồ đề đạo tràng. Khởi hành từ 5h sáng, về đến nơi ở đã hơn 19h tối, vậy mà ai trong đoàn cũng vui vẻ, phấn khởi, và cảm ơn tôi vì đã dẫn họ đi thăm 1 nơi thật ý nghĩa, được gặp 2 sư cô trẻ vừa lo việc chùa, vừa lo tu tập, vừa lo đi gieo con chữ cho hơn 2.400 học trò nghèo quanh vùng này. Một nỗ lực lớn, dù nơi đây vào lúc này tôi thấy chùa rất vắng vẻ.
Nếu không đi học các cháu không có tương lai.
Trở lại Kiều Đàm di lần thứ hai
Tháng 11/2022, lần này đoàn đi có 9 người, chúng tôi thuê xe khởi hành từ 4h sáng từ Bồ đề đạo tràng. Do đã biết rõ hơn nơi đến, chúng tôi chuẩn bị trái cây từ Việt Nam mang sang cúng Phật và thức ăn khô, nước tương, mì gói Việt Nam cúng dường cho bếp ăn.
Đến Tỳ xá ly đã hơn 11h trưa. Do muốn dành nhiều thời gian cho việc thăm chùa Kiều đàm di, tôi đề nghị lái xe đưa chúng tôi đến chùa Khỉ, nơi có tháp A nan, và trụ đá A dục trước, và sẽ chỉ tham quan chụp ảnh thời gian ngắn thôi, dành thời gian thăm Chùa Kiều đàm di là chính.
Chùa Khỉ là một khu hành hương lớn, bên ngoài có bãi đỗ xe riêng, có nhiều người bán hàng lưu niệm, bán hoa quả tươi, đặc biệt rất nhiều bưởi đỏ.
Để tưởng nhớ ân đức Ngài A nan, thị giả của Phật, người đã vào thưa với Đức Phật xin cho người nữ được đi tu, người ta đã xây dựng tháp A nan ở đây. Tháp khá to, cao. Bên cạnh tháp, còn có trụ đá vua A dục còn nguyên không bị đập gãy như ở các nơi khác. Trụ đá này đánh dấu nơi đây người nữ được phép xuất gia như người nam, đánh dấu sự bình đẳng nam nữ. Dù phải mua vé vào cửa, tôi thấy nơi đây có khá nhiều người vào thăm. Khu thánh tích này vừa rộng rãi, vừa đẹp, đúng là người Ấn giỏi về thiết kế và duy trì công viên sạch đẹp. Ở bãi đỗ xe, tài xế nói xe đỗ gần đó cũng chở người Việt từ Bồ đề đạo tràng lên đây thăm thánh tích như xe của đoàn tôi.
Xe quay trở lại chùa Kiều đàm di. Lúc chúng tôi đến, chùa đang tiếp 1 đoàn khách khá đông đến từ miền Bắc Việt Nam, do 1 sư bà ở một chùa ở Bắc Ninh dẫn đầu, họ đến đây từ Lâm tì ni. Sư cô Đạo Trí dẫn họ lên tháp Tổ. Còn Sư cô Như Hiếu tiếp đoàn chúng tôi ở phòng khách. Sư cô cho biết số sư cô ở chùa năm nay đã được 4 người, so với chỉ có 2 sư cô năm 2020.
Các cháu học sinh nghèo được đi học
nhờ sự giúp đỡ của chùa Kiều Đàm di, Tỳ xá ly.
Sư cô Như Hiếu cho biết thêm, các học sinh ở trường Kiều đàm di lúc đầu phải vận động cha mẹ, dụ đi học, vì nhà nghèo các em chỉ muốn đi xin ăn quanh các thánh tích. Nay đã yên tâm học tập hơn. Sau đó, sư cô mời cả đoàn lên chánh điện lạy Phật. Chánh điện được khánh thành năm 2008, sau khi 2 sư cô đến đây 3 năm. Như vậy 2 sư cô đã gắn bó với sự hình thành chùa này ngay từ những năm đầu khi thành lập.
Từ balcony của chánh điện, sư cô Như Hiếu chỉ tôi chùa Nhật, nơi đặt trường học của chùa Việt Nam, và Bảo tàng Tỳ xá ly mới đang được xây dựng để đem xá lợi Phật về lại đây như lúc Phật mới nhập diệt. Tôi hỏi về an ninh của chùa, sư cô cho biết trong mùa dịch Covid-19 chùa có tổ chức tặng quà cho các gia đình nghèo, nên người dân quanh đây rất quí mến chùa, không lo về an ninh.
Sư cô Như Hiếu tiếp tục đưa chúng tôi qua thăm tháp Kiều đàm di, thấy có 6 tượng Thánh Ni ngồi quanh tượng Tổ Sư Ni, tôi hỏi là ai, sư cô Như Hiếu giới thiệu cho tôi quyển sách Con gái Đức Phật, nói về 10 đại đệ tử của Tổ Sư Ni, trong đó có bà Ambapali xuất thân là một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Về sau, bà Amprapali xin xuất gia và được Đức Phật đồng ý. Sau này, bà đắc quả A la Hán. Đây là một thí dụ về thành công từ tu tập của 1 phụ nữ vốn xuất thân là kỹ nữ.
Lúc trở lại phòng khách từ tháp Tổ, chúng tôi chứng kiến 1 xe 15 chỗ vừa vào đến sân. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, có 3 đoàn đến thăm chùa. Có đoàn từ Bồ đề đạo tràng lên đây như đoàn tôi. Có đoàn từ Lâm tì ni về Bồ đề đạo tràng. Rất vui là chùa đã có khách đi hành hương đến thăm nhiều hơn năm 2020.
Nhà chùa xây dựng hệ thống nước sạch giúp người nghèo.
Ngoài sự phát triển của chùa Kiều đàm di, chúng tôi thấy đã có vài ba khách sạn, vài nhà hàng đã hoạt động ngay bên ngoài cổng chùa, mà năm 2020 thì chưa có. Như vậy, khu vực Tỳ xá ly này đã bắt đầu khởi sắc rồi.
Sư cô Như Hiếu cho biết, ngoài chùa Khỉ, trong đó có tháp A nan và trụ đá vua A dục, Tỳ xá ly còn là 1 trong 8 địa điểm đã được bảo quản xá lợi Phật khi Phật nhập diệt. Hiện nay, xá lợi Phật đang được đặt ở Bảo tàng Patna. Tỳ xá ly đang được Chính phủ Ấn Độ xây bảo tàng mới để đem xá lợi Phật về. Khi bảo tàng mới này hoàn thành thì chắc chắn Tỳ xá ly còn phát triển mạnh hơn hiện nay. Dù vậy, khi chúng tôi đến chiêm bái nơi lưu giữ xá lợi Phật lúc Phật nhập diệt, thì thấy khu này đất rộng, rất đẹp và sầm uất, bên ngoài có nhiều gian hàng lưu niệm và bảng ghi nơi đây Xá lợi Phật đã được gìn giữ, tôn thờ sau khi Phật nhập diệt 2600 năm trước.
Ngoài ra, Tỳ xá ly còn các Thánh tích khác như: Nơi tập kết kinh điễn lần 2, móng nhà ông Duy ma cật, và móng nhà bà Ambapali.
Chúng tôi rời Tỳ xá ly trở về Bồ đề đạo tràng lúc 13h15, vậy mà đến 21h30 mới đến nơi. Chuyến đi tuy vất vả nhưng mọi thành viên của đoàn đều háo hức, phấn khởi vì đã hiểu thêm một địa danh nơi đất Phật và cảm mến, trân trọng những tấm gương của các Ni cô. Đêm đó, tôi rất vui vì đã đưa đoàn đến thăm một nơi xa, thấy được sự phát triển của chùa Ni Việt Nam, và các công trình tư nhân xây phục vụ du lịch chung quanh chùa.
Cách đi đến Tỳ xá ly
Từ Bồ đề đạo tràng, chúng tôi khỏi hành rất sớm từ 4h sáng. Xe qua thị trấn Gaya, qua cây cầu rất dài bắc ngang sông Hằng, rồi đến T.phố Patna (tỉnh lỵ của bang Bihar). Khi xe vào đến khu vực Vaishali, chúng tôi thấy cây cối đã xanh tươi hơn. Người dân trồng nhiều rau màu và xoài. Đặc biệt ở đây có rất nhiều bồ lúa (đan) bằng tre mà người dân dùng để chứa thóc được đặt bên ngoài nhà ở, điều đó chứng tỏ cuộc sống của người dân nơi đây - một vùng quê Ấn Độ rất thanh bình.
Tác giả bên tháp A Nan và trụ đá do vua A Dục dựng lên
để đánh dấu nơi người nữ được Phật cho xuất gia như người nam.
Tiền xe thuê 15 chỗ gần 200 đô la như lần trước cho 2 lượt đi và về. Nếu đi được nhóm 10 người thì mỗi người có 20 đô la. Ở Bồ đề đạo tràng việc thuê xe đi thăm các thánh tích rất dễ dàng, ngay ở các quán bán trà sữa cũng có quảng cáo địa chỉ để thuê xe. Chỉ có lưu ý, nên dặn cho xe mới, vì thường họ giao xe cũ.
Chùa Kiều đàm di, Tỳ xá ly nơi 2 sư cô trẻ của Việt Nam đã tu tập được 17 năm và dạy học cho hơn 2.000 trẻ em nghèo được 10 năm, thật là bậc xuất gia đáng kính. Xin được ca ngợi, thán phục công đức to lớn của Ni trưởng Khiết Minh và 2 sư cô. Cầu nguyện cho Tỳ xá ly tiếp tục phát triển để chùa đỡ lo khâu tài chánh, cho các em học và sớm xong việc tu sửa tháp. Cầu nguyện cho 2 sư cô có sức khỏe, tiếp tục tu học và dạy học, giúp các em thoát khỏi cảnh nghèo khó về sau, một công đức mà theo tôi là quá lớn...
Nguyễn Minh Châu, tháng 11/2022