LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành với công cuộc bảo vệ vùng biên giới phía bắc của tổ quốc

PGS.TS. Lê Đình Sỹ - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Năm 1802, Gia Long đánh bại ông vua cuối cùng của triều Tây Sơn là Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, dựng nên Vương triều Nguyễn. Phong trào Tây Sơn đã xóa bỏ được tình trạng chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhưng phải đến khi triều Nguyễn thành lập, đất nước Việt Nam mới được thống nhất từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau, bao gồm cả đất liền và các hải đảo trên Biển Đông.

            Khu vực hành chính địa phương dưới thời Gia Long gần như giữ nguyên theo cách tổ chức cũ của các Chúa Nguyễn (Nam Hà) và của triều Lê – Trịnh (Bắc Hà).

            Trong 27 doanh trấn toàn quốc, vua Gia Long phân bố địa hạt quản lý như sau: Triều đình trung ương trực tiếp nắm đất Kinh Kỳ, gồm 4 doanh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và 7 trấn là: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Khương và Bình Thuận. Ngoài ra, thành lập 2 thành: Bắc thành và Gia Định thành.

            Bắc thành chia làm 5 nội trấn là: Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và 6 ngoại trấn là: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Quảng, Hưng Hóa.

            Gia Định thành bao gồm 5 trấn là: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.

            Vấn đề bảo vệ vùng biên giới Việt – Trung là vấn đề hết sức quan trọng liên quan tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, được đặt ra ngay từ khi chúng ta giành được quyền tự chủ từ thế kỷ X. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin lược qua công cuộc bảo vệ vùng biên giới Việt – Trung thời kỳ trước triều Nguyễn.

            I. Công cuộc bảo vệ vùng biên giới Việt – Trung trước thế kỷ XIX

            Sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938), Ngô Quyền xưng Vương và xây dựng Nhà nước tự chủ. Đầu năm 939, Ngô Quyền định đô ở địa điểm Cổ Loa, với ý thức tiếp tục quốc thống của nước Âu Lạc. Lãnh thổ mà Ngô Quyền có thể kiểm soát được chỉ bao gồm các châu mà cư dân là con cháu của người Lạc Việt, tức miền trung du và miền đồng bằng Bắc Bộ, cùng miền trung du và miền đồng bằng Thanh – Nghệ, còn miền thượng du là các châu Kimi của nhà Đường trước kia, thì vẫn do các tù trưởng người thiểu số tự trị.

            Dưới thời Đinh (968-979), quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống diễn ra khá tốt đẹp. Vào thời Tiền Lê (980-1009) do thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống và do chính sách đối ngoại kiên quyết của Lê Đại Hành, cương giới phía Bắc và phía Nam của nước ta được bảo vệ vững chắc. Cương vực lãnh thổ nước Đại Cồ Việt thời Tiền Lê, về cơ bản không có gì thay đổi nhiều so với thời nhà Đinh. Cương vực nước Đại Cồ Việt thời bấy giờ là miền Bắc Việt Nam ngày nay, tức là từ Quảng Bình trở ra Bắc. Tuy nhiên, ở thời Tiền Lê, biên giới phía Tây vẫn chưa được hình thành rõ rệt. Cương vực phía Nam giáp Chiêm Thành, ở khu vực Hoành Sơn (Đèo Ngang). Cương vực phía Bắc và Đông Bắc giáp với đất Tống. Cương vực phía Tây Bắc gần với nước Đại Lý (tức Nam Chiếu ở vùng Vân Nam – Trung Quốc) đều chưa ổn định.

            Dưới triều Lý (1009-1225), vấn đề bảo vệ và ổn định biên giới phía Bắc Đại Việt được đặt ra một cách cấp bách hơn. Vấn đề biên giới luôn chiếm vị trí quan trọng trong bang giao giữa Đại Việt và nhà Tống. Chính sách bang giao của triều Lý thể hiện rõ tư tưởng hòa bình, hòa hiếu với các nước láng giềng trên cơ sở kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc. Thời kỳ này, cuộc đấu tranh đòi lại vùng đất biên giới bị tướng nhà Tống là Quách Quỳ chiếm từ năm 1077 gồm có 4 châu: Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu và huyện Quang Lang là nổi bật hơn cả.

            Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Xuân, tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1078), sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi nhà, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và những người các châu ấy bị bắt đi khi trước”[1]. Với chủ trương hòa hiếu và kiên trì, cuộc đàm phán của sứ bộ đã đạt được thỏa thuận. Nhà Lý trả lại số nhân binh cho nhà Tống, còn nhà Tống trả lại châu Quảng Nguyên cho Đại Việt[2].

            Năm 1084, vua Lý Nhân Tông sai Thị lang bộ Binh Lê Văn Thịnh dẫn đầu một đoàn sứ bộ đến trại Vĩnh Bình để cùng với nhà Tống bàn việc biên giới”. Sau đó, vua Tống đem 6 huyện Bảo Lạc, 6 động Túc, Tang là đất ngoài cửa ải trả lại cho nước ta[3].

            Dưới triều Trần (1225-1400) cương vực phía Bắc của quốc gia Đại Việt không có gì thay đổi so với dưới triều Lý. Vào thời nhà Hồ, năm 1405, nhà Minh sai sứ sang đòi cắt trả lại đất Lộc Châu (tức châu Lộc Bình) ở Lạng Sơn. Vì chủ trương cầu sự hòa hoãn với nhà Minh, cho nên cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã sai Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ[4]. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hối Khanh đem các thôn Cổ Lâu, tất cả 59 thôn trả lại cho nhà Minh”[5]. Vào cuối thế kỷ XVIII, sử gia Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: “Những thôn ấp phần nhiều còn chép theo tên xã ở Lộc Châu, phong tục dân không khác gì Lạng Sơn, đất bị mất ước tính phải đi mất vài ngày đường. Cái tội bán đất của Quý Ly giết đi cũng không hết tội được!”[6]. Đến khoảng 1407, tức là vào cuối đời Hồ, thì cương giới nước ta ở phía Bắc về cơ bản giữ nguyên như đời Trần (ngoại trừ vùng đất Lộc Châu bị nhà Hồ cắt cho nhà Minh).

            Sau khi đánh đuổi hết quân Minh, ngày Rằm tháng 4 năm Mậu Thân (29-4-1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua ở điện Kính Thiên, trong thành Đông Kinh (tức Thăng Long), đặt niên hiệu là Thuận Thiên và quốc hiệu là Đại Việt.

            Cương vực lãnh thổ Đại Việt lúc bấy giờ bao gồm: miền Bắc Bộ và bắc phần Trung Bộ ngày nay cho đến đèo Hải Vân; miền phủ Thăng Hoa đã trở về với lãnh thổ của Chiêm Thành.

            Đất nước chuyển sang thái bình, ổn định, nhà Lê chú ý nhiều đến công việc bảo vệ biên giới, nhất là vùng biên giới phía Bắc. Trước hết, phương lược biên phòng phải được đặt trên nền tảng vững chắc là sức mạnh trường tồn của đất nước. Tư tưởng này được Lê Thái Tổ (1428-1433) đúc kết trong 2 câu thơ:

            Biên phòng hảo vị trù phương lược

            Xã tắc ưng tu kế cửu an.

            (Biên phòng cần có phương lược tốt

             Đất nước nên lo kế lâu dài)

            Công việc này được triều đình giao cho các viên quan Phòng ngự sứ (Tri châu) và Chuyển vận sứ (Tri huyện), tổ chức lực lượng của châu, huyện cùng thổ binh ở các động, sách. Ở các quan ải lớn, quan trọng do Vệ quân địa phương tổ chức đóng đồn trấn giữ và xét hỏi người qua lại biên giới. Ngoài lực lượng đóng tại các quan ải ven biên giới, Vệ quân địa phương còn chia quân đóng đồn tại các vị trí hiểm yếu để phòng thủ. Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) từng ra sắc chỉ cho quan các phủ, lộ, trấn, châu, huyện rằng: “Ai ở cõi biên giới thì phải giữ quan ải cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài”[7].

            Dưới thời Lê Trung hưng (1533-1789) có 2 sự kiện nổi bật ở vùng biên giới Việt – Trung, là: Năm 1728, vua nhà Thanh trả lại mỏ đồng Tụ Long, thuộc Tuyên Quang cho nước ta, và năm 1769, Hoàng Công Toản, con Hoàng Công Chất, đã đầu hàng nhà Thanh, dụ dỗ dân 10 châu phủ Yên Tây, thuộc trấn Hưng Hóa là: Lai, Luân, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Hợp Phì, Khiêm, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Lễ Tuyền, Tung Lăng xin phụ vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

            Hành động hại dân, hại nước trên đây của Hoàng Công Toản bị các sử gia đời sau lên án rất nghiêm khắc, coi đó là những hành động sai trái, không thể tha thứ được.

            Khoảng năm 1790, Quang Trung sau khi đánh bại quân Thanh, yên định được đất Bắc Hà xong, bèn sai Ngô Thì Nhậm viết biểu xin nhà Thanh trả lại 7 châu, thuộc trấn Hưng Hóa kể trên. Trong tác phẩm Bang giao hải thoại của Ngô Thì Nhậm còn ghi lại 2 bài biểu ấy, đó là: Kỷ đạt tấu biểu hứa hoàn Hưng Hóa châu chi địa (Thư quốc vương tâu về việc dâng biểu xin trả lại đất châu ở Hưng Hóa) và Thỉnh hoàn Hưng Hóa thất châu chi địa biểu (Bài biểu xin trả lại bảy châu thuộc trấn Hưng Hóa)[8]. Nhưng cả hai bờ biểu trên đây đều bị Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An bác đi, không gửi lên triều đình Yên Kinh. Chuyện đồi đất 7 châu châu thuộc trấn Hưng Hóa dưới triều Tây Sơn dừng lại ở đấy.

 

            II. Nguyễn Văn Thành với vấn đề biên giới Việt – Trung vào đầu thế kỷ XIX

            Vào đầu triều Nguyễn vùng biên giới Việt – Trung, từ trấn Hưng Hóa phía Tây đến trấn Yên Quảng phía Đông, chiều dài hơn 1000 km[9]. Trên vùng biên giới ấy, cư dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số: Thái, H’Mông, Tày, Nùng, Dao, v.v… Họ sinh sống dọc biên giới của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều dân tộc thiểu số ở 2 bên biên giới có quan hệ sắc tộc, dòng họ, hôn nhân thường qua lại với nhau, do có chung một số đặc điểm về dòng tộc, văn hóa. Tính đa dạng về sắc tộc cũng như mối quan hệ thân thiết giữa các cộng đồng dân tộc ở đây đã tạo cho khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc có tính đa dạng về văn hóa. Điều đó, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực. Mặt tích cực là nó tạo điều kiện thuận lợi để cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc phát triển khu vực biên giới thành khu vực hợp tác và hữu nghị. Mặt tiêu cực là những phần tử mang tư tưởng Đại Hán bành trướng trong số quan lại Trung Quốc dễ kích động, lôi kéo dụ dỗ người dân biên giới Việt Nam, nhất là tầng lớp tù trưởng, thổ tù cắt đất sát nhập vào Trung Quốc. Chưa kể, có nhiều toán thổ phỉ người Trung Quốc lợi dụng tình hình ấy để vượt biên sang cướp bóc trên lãnh thổ Việt Nam.

            Khi nhận trọng trách Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành hiểu rất rõ những khó khăn kể trên. Việc đầu tiên là ông cương quyết trừng trị lũ giặc cướp từ Trung Quốc tràn sang quấy phá vùng biên giới Việt Nam.

            Sách Đại Nam thực lục ghi chép một trong những lần Nguyễn Văn Thành trừng trị những toán giặc cướp ấy như sau: “Tháng 2 năm Quý Hợi (1803), người Thiều Châu nước Thanh là Lý Hòa Nguyên họp bọn đánh cướp mỏ Phúc Tinh ở Thái Nguyên. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đem quân đánh dẹp. Lý Hòa Nguyên trốn. Bắt được đồ đảng là Trâu Tôn, Lý A Tứ và Trần A Nhị đều chém cả”[10].

            Để có thể quản lý chặt chẽ tình trạng đinh điền của nhân dân các dân tộc thiểu số các động sách Tây Nghiễn, Ngưu Đầu, Bạch Sa và Ngư Châu, thuộc châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng, vào tháng 6 năm Quý Hợi (1803), Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành kiến nghị lên triều đình nhà Nguyễn cho làm sổ đinh (Đinh bạ), sổ điền (Địa bạ) để sau đó sẽ định thuế khóa. Vua Gia Long chuẩn y lời đề nghị ấy[11].

            Vào thời kỳ này, giặc biển Tề Ngôi từ bên kia biên giới Việt – Trung thường đi thuyền vào cướp bóc các địa phương thuộc Yên Quảng như Tiên Yên, Vân Đồn, thậm chí chúng theo sông Bạch Đằng, tiến đến huyện Kinh Môn. Tháng 9 năm Quý Hợi (1803), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành sai Chưởng dinh Nguyễn Đình Đắc, Đô thống chế Phan Tiến Hoàng, Tán lý kiêm Binh Bộ Đặng Trần Thường đem quân đi đánh dẹp… Triều đình nghe tin, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Trương lãnh quân thủy bộ đến cùng với Nguyễn Văn Thành đánh giặc. Giặc Tề Ngôi bị đánh bại, phải bỏ chạy ra ngoài biển Đông[12].

            Trên tuyến biên giới Việt – Trung, một trong những vùng đất có vị trí quan trọng hơn cả là đất hai châu: Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang và Thủy Vĩ, trấn Hưng Hóa, vì ở đây có mỏ đồng Tụ Long.

            Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Trước kia đất biên giới hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ bị thổ quan phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam xâm chiếm, nước ta đã nhiều lần biện bạch với nhà Thanh, vua Thanh sai quan hội đồng với phái viên nước ta để khám xét, thì phái viên nước Thanh lại bênh vực thổ quan Khai Hóa mà cho rằng nước ta chiếm đất của nhà Thanh, rồi tâu lên vua Thanh bắt nước ta phải trả lại”[13].

            Năm 1728, trước sự kiên quyết đấu tranh của triều đình Lê – Trịnh, vua Ung Chính (1723-1735) của nhà Thanh buộc phải trả lại mỏ đồng Tụ Long cho nước ta[14].

            Vì tính chất đặc biệt quan trọng ấy, cho nên vào tháng 7 năm Giáp Tý (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dâng sớ về triều đình Nguyễn kiến nghị: “Châu Vị Xuyên ở Tuyên Quang là đất trọng yếu ở biên cương, xin cho Nguyễn Hựu Trân làm Cai đội, Trần Đăng Viên làm bình luận, đều đem thủ hạ lập làm hai đội An Sơn để đóng giữ đất ấy”. Vua y cho[15].

            Tháng 9 năm Giáp Tý (1804), một toán thổ phỉ từ Thiều Châu, Trung Quốc do Mã Sĩ Anh cầm đầu xâm chiếm địa phương trấn Hưng Hóa, cướp bóc châu Văn Bàn. Tri châu Đèo Quốc Uy đánh phá được, bắt được Mã Sĩ Anh và đồ đảng 20 người. Trước sự việc ấy, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành kiến nghị lên vua Gia Long biện pháp phòng thủ, như sau: “Hai huyện Mỹ Lương và Thạch Thất trấn Sơn Tây, hai huyện Phượng Nhãn và Lục Ngạn trấn Kinh Bắc và bảo Bảo Thắng trấn Hưng Hóa là những nơi yếu hại, xin chia quân phòng thủ để giữ yên”. Vua y cho[16].

            Vào tháng 5 năm Bính Dần (1806), Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho chạy trạm dâng thư của Tổng đốc Vân Quý, nhà Thanh lên vua Gia Long về việc 10 châu thuộc phủ Yên Tây, trấn Hưng Hóa mất về Trung Quốc vào cuối đời Lê Trung hưng. Vua Gia Long cho rằng công việc biên cương là quan trọng, hạ chiếu cho Nguyễn Văn Thành tra rõ địa giới trấn Hưng Hóa và sự tích 6 mãnh (Mãnh Lại, Mãnh Thích, Mãnh Đinh, Mãnh Thoa, Mãnh Bạng, Mãnh Lộng). Nguyễn Văn Thành hỏi các châu trưởng ở Hưng Hóa là Đèo Quốc Ngọc, châu Chiêu Tấn và Đèo Chính Ngọc, Lai Châu, họ đều nói Mãnh Thoa là Mường Thu của châu Chiêu Tấn, Mãnh Lại là Mường Thích của Lai Châu, hai mường này ở hẻo lãnh nơi biên giới, lẫn lộn với dân huyện Kiến Thủy nước Thanh. Vả lại, hai động Phong Thu và Bình Lư thuộc châu Chiêu Tấn và động Hoài Lai thuộc Lai Châu đều bị quan lại nhà Thanh ở biên giới ức hiếp thu thuế bạc (ba động Phong Thu, Bình Lư, Hoài Lai bị huyện quan nước Thanh mỗi năm thu thuế bạc, mỗi động 220 lạng). Nay nước Thanh lại đem hai mãnh ấy (tức Mãnh Thoa, Mãnh Lại) kể là của dân họ thì đất hai châu (tức Chiêu Tấn và Lai Châu) không còn được mấy.

            Tổng trấn Nguyễn Văn Thành bèn sai xét hình thế núi sông, vẽ bản đồ để gửi lên triều đình, nhân đó dâng sớ xin vua Gia Long “trước hết viết thư trả lời cho Tổng đốc Vân Quý, tách bạch rõ ràng cương giới của hai châu, yêu cầu sai người sang hội đồng chia vạch lại, để xem ý họ ra sao, rồi sau đó nói đến chuyện cũ về cương giới sáu châu. Như thế thì Tổng đốc Vân Quý hẳn là lo ta hoặc có sinh việc ở biên giới, không thể không trù liệu, dân hai châu, do đó, mà cũng có thể khỏi phải thuế má nặng nề”[17].

            Nhưng tờ tâu vào đến Kinh đô Phú Xuân, vua Gia Long cho rằng “nước đương lúc bắt đầu khai sáng, chưa rỗi mà liệu công việc biên cương. Việc để đấy không trả lời”[18].

            Có thể nói, vào đầu triều Nguyễn, trong thời kỳ Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khá cụ thể, rõ ràng, điều đó được phản ánh trong bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí mà vua Gia Long sai Lê Quang Định (1759-1813) biên soạn, hoàn thành năm 1806. Đây là bộ dư địa chí đầu tiên trong lịch sử nước ta, ghi chép toàn bộ tình hình đất nước suốt từ Bắc chí Nam. Trong Lời Tựa, Nguyễn Gia Cát viết: “Niên hiệu Gia Long, năm Nhâm Tuất (1802), kéo quân ra Bắc, bắt hết bọn cừ khôi, dẹp yên miền Bắc. Bờ cõi đó đây, sau 200 năm thu về một mối, Bắc cho đến Lạng Sơn, Nam cho đến Hà Tiên, tất cả 31 trấn, dinh, đạo lớn nhỏ đều theo về với thanh giáo, đất đai rộng lớn bao la đó, thực mà nói từ xưa đến nay chưa bao giờ có được”[19].

            Sự kiện trên, sách Đại Nam chính biên liệt truyện cũng chép tóm tắt như sau: “Gia Long năm thứ 5 (1806), Thành xét cương giới Hưng Hóa và sự tích 6 mường lớn để tâu lên và xin đưa thư cho Tổng đốc nhà Thanh xét kỹ việc cũ cương giới châu Chiêu Tấn, Lai Châu và cương giới 6 mãnh là: Mãnh Lại, Mãnh Thích, Mãnh Đinh, Mãnh Thoa[20], Mãnh Bạng, Mãnh Lộng. Xin ủy người hội đồng với quan nhà Thanh vạch rõ địa giới. Vua chưa rỗi làm việc ngoài biên. Im đi không trả lời”[21].

            Có thể khẳng định trong thời kỳ giữ trọng trách làm Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành rất có ý thức củng cố việc phòng thủ tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Ông kiên quyết trừng trị số thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang quấy phá, cướp bóc các trấn sát vùng biên giới phía Bắc, bảo vệ đời sống yên bình cho người dân biên giới. Sử thần triều Nguyễn ca ngợi Nguyễn Văn Thành như sau: “Vua yêu đến các quan cũ có công to, mỗi khi Thành đến chầu bèn cho ngồi thong dong hỏi han. Thành cũng đem hết sức tiềm tàng mưu tính việc ngoài biên, kể hết sự tích đau khổ của dân, kế hoạch của Nhà nước, mưu kế việc binh, biết cái gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích”[22].

            Chúng tôi cho rằng lời nhận định trên đây của sử thần triều Nguyễn về vị Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành là có cơ sở và thỏa đáng. Nguyễn Văn Thành xứng đáng là một Danh nhân lịch sử của nước ta vào đầu thế kỷ XIX./.

 

 


[1]. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, H. 1972, tập 1, tr. 239.

[2]. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 1, tr. 239.

[3]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1961, tập 4, tr. 196.

[4]. Cát địa sứ: tức viên sứ thần nhận trách nhiệm cắt đất nhường cho nhà Minh.

[5]. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 2, tr. 241.

[6]. Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, H. 1997, tr. 518.

[7]. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, H, 1972, tập 3, tr. 177.

[8]. Ngô Thì Nhậm tác phẩm. Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh 2001, tập 1, tr. 385, 441.

[9]. Tổng chiều dài đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc hiện nay là: 1.449.566 km, trong đó đường biên giới trên bộ là: 1.065,652 km; đường biên giới dưới nước là: 383,914 km (xem: Giáo sư Vũ Dương Ninh chủ biên – Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Nxb Công an Nhân dân, H. 2010, tr. 9).

[10]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 548.

[11]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 564.

[12]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 571, 572.

[13]. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tập 4, tr. 318.

[14]. Mỏ đồng Tụ Long: Theo Công ước năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh, Pháp đã cắt nhượng các xã thuộc tổng Tụ Long là khu vực mỏ đồng cho tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

[15]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 613.

[16]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 617.

[17]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 667, 668.

[18]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 668.

[19]. Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Nxb Thuận Hóa, Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu – Huế 2005, tr. 11.

[20]. Mãnh Thoa: bản in, in nhầm là Hiệu Mãnh, tôi sửa lại theo Đại Nam thực lục (L.Đ.S)

[21]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tập 2, tr. 364.

[22]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 2, tr. 364.