TS. Trương Thị Yến - Viện Sử học
Năm 1802 đặt niên hiệu Gia Long, và lên ngôi hoàng đế năm 1806 Nguyễn Ánh đã khôi phục sự thống trị của dòng họ Nguyễn trên một quốc gia rộng lớn và thống nhất. Trong những năm đầu vua Gia Long chủ trương vẫn duy trì những đơn vị hành chính ở thời Lê nhưng gom lại theo 3 khu vực chính. Lấy Kinh Đô Phú Xuân làm trung tâm, khu vực miền Trung từ Thanh Hoa ngoại đến Bình Thuận đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của triều đình. Phía Bắc từ Sơn Nam hạ trở ra bao gồm 11 trấn gọi là Bắc Thành. Phía Nam từ Trấn Biên trở vào gồm 5 dinh, trấn gọi là Gia Định thành. Đây được coi là một giải pháp để khắc phục những khó khăn ban đầu của thời kỳ quá độ tiến tới xây dựng một chính quyền quân chủ trung ương tập quyền hoàn chỉnh. Nguyễn Văn Thành vị tướng văn võ song toàn đã từng đi theo chúa Nguyễn vào sinh ra tử lập được nhiều chiến công, được bổ nhiệm làm Tổng trấn đầu tiên của khu vực hành chính rộng lớn nhất, Tổng trấn Bắc Thành.
Trong thời gian giữ chức Tổng trấn, Nguyễn Văn Thành đã làm được rất nhiều việc để quản lý và ổn định trật tự xã hội, bảo đảm đời sống người dân ở vùng đất vốn còn nhiều sự ngưỡng vọng với nhà Lê. Một trong những công trạng được sử sách ghi chép và để lại nhiều dấu ấn cho đời sau chính là công cuộc kiến thiết xây dựng thành Thăng Long trong ba năm từ 1803 đến 1805.
I. Việc xây dựng thành Thăng Long từ thế kỷ X đến trước thế kỷ XIX.
Ngay sau khi dời đô từ Hoa Lư về nơi “ thắng địa” là đất Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã gấp rút tiến hành xây dựng các công trình cơ bản của Kinh đô. Với đồ án kiến thiết theo kiểu “ tam trùng thành quách” Kinh thành Thăng Long có vòng ngoài gọi là La thành, vòng thứ hai gọi là Hoàng thành, giữa hai lớp này là vùng cư dân đô thị, lớp trong cùng là Cấm thành hay Long Phượng thành là khu vực của nhà Vua và Hoàng tộc. Hoàng thành thời Lý được đắp bằng đất , phía ngoài hào mở 4 cửa “ phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Diệu Đức, phía Nam là cửa Đại Hưng , phía Bắc là cửa Quảng Phúc”[1] . các cung điện chính được xây dựng còn lưu tên trong sử sách như điện Càn Nguyên là nơi thiết triều , hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ, đằng sau là điện Long An, Long Thụy, điện Nhật Quang, điện Nhật Minh, cung Thúy Hoa …
Thời vua Lý Thái Tông ( năm 1029 ) và đời vua Lý Cao Tông ( năm 1203) Thăng Long được mở rộng quy mô với hàng loạt các cung điện đền đài hoành tráng, rực rỡ.
Ngoài các công trình kiến trúc như cung điện đền đài, các vua nhà Lý còn cho xây nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng trong Hoàng thành như chùa Quán Thánh, chùa Chân Giáo, đền Chúng Tiên. Các hồ như Kim Minh, Thụy Thanh, Ứng Minh…cũng được đào đắp, nhiều vườn thượng uyển như Quỳnh Lâm, Thắng Cảnh, Xuân Quang… cũng được dựng nên để tạo cảnh quan cho khu vực Cấm thành..Đầu thời Trần, Thăng Long vẫn giữ nguyên quy hoạch, đến năm Thiệu Bảo ( 1270 - 1284 ) đổi làm Trung Kinh , đặt ra 61 phường …[2]
Đến thời Lê , Thăng Long được đổi tên Đông Đô , các công trình kiến trúc ở khu vực Hoàng thành được tu sửa sau chiến tranh nhưng chủ yếu vẫn theo theo quy hoạch thời Lý Trần. Đến năm 1490 (thời Lê Thánh Tông), nhà vua mới mở rộng Hoàng thành (lúc đó gọi là Phụng thành ) thêm 8 dặm.Thời Lê Tương Dực, năm 1512, Thăng Long biến thành một “ đại công trường” với công cuộc kiến thiết Cửu Trùng Đài bao gồm 100 nóc cung điện nguy nga do Vũ Như Tô thiết kế, xây dựng. Sau 2 năm nhà Vua lại cho mở rộng thêm khu vực Hoàng thành ra mấy nghìn trượng ( mỗi trượng 3m6 ).
Thế kỷ XVI Thăng Long bị tàn phá nhiều lần bởi cuộc chiến tranh Nam- Bắc triều giữa triều đình Lê - Trịnh và họ Mạc. Năm 1585 khi Mạc Mậu Hợp về lại Thăng Long đã cho xây dựng nhiều công trình và sửa đắp lớn ở thành Thăng Long với ý đồ ngăn chặn sự tấn công của Nam triều. Khi họ Trịnh chiếm được Thăng Long ( năm 1592 ) chỉ cho tu sửa các công trình trong vòng một tháng. Thời Tây Sơn , Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân nên Thăng Long cũng không được sửa sang gì[3].
II. Công cuộc xây dựng Thăng Long của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành
Điểm qua việc kiến thiết, xây dựng thành Thăng long kể từ khi nhà Lý chính thức định đô trên mảnh đất này để ta có cái nhìn toàn cảnh về diện mạo Thăng long cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, qua đó thấy rõ hơn những gì mà Nguyễn Văn Thành vị Tổng trấn đầu tiên ở đất Bắc Thành đã làm trong công cuộc xây dựng thành Thăng Long thời Nguyễn.
Về niên đại xây dựng, sửa sang lại thành Thăng long. Chính sử nhà Nguyễn là sách Đại nam thực lục ghi rằng: tháng giêng (Gia Long năm thứ hai - 1803) “xây thành Thăng long. Vua thấy quy chế của thành chật hẹp muốn mở rộng thêm” [4]. Cũng sách này ghi : tháng 6 (Gia Long năm thứ tư - 1805) : “ Sai xây các cửa thành Thăng Long ( cửa Đông Nam, của Tây Nam, của Đông , cửa Tây và cửa Bắc), mỗi cửa đều dựng bia để ghi”[5]. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng viết : “ Thành Thăng Long dựng từ năm Thuận Thiên thứ nhất ( 1010) đến năm Gia Long thứ 2 ( 1803 ) sửa lại”[6]. Thế nhưng các sách sử khác ở thời Nguyễn và một số sách khác viết sau này lại cho rằng thành Thăng Long chỉ được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 ( 1805 ). Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong sách Đại Việt địa dư toàn biên ghi ; “ năm Gia Long thứ 4 ( 1805 ) đắp lại thành”[7]. Sách Bắc thành địa dư chí lược của Lê Chất, người đã từng giữ chức Tổng trấn Bắc thành ở thời Nguyễn( sau Nguyễn Văn Thành )[8], cũng viết về thời điểm xây dựng ở thành Thăng Long như sau : “ năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805) cho tu sửa rộng rãi hơn”[9]
Sách Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (viết ở thời Vua Thiệu Trị), cuốn sách viết đấy đủ nhất về công cuộc xây dựng thành Thăng Long thời bấy giờ lại cho rằng : “ việc xây đắp lại thành Thăng Long (mùa hè năm Giáp Tí (1804) khởi công), đến mùa thu năm Ất Sửu (1805) hoàn thành”[10]. Nhưng cũng trong sách này tác giả lại mâu thuẫn khi nói : “ Sau ba năm công việc cải trúc thành Thăng Long mới hoàn tất”[11].
Như vậy thời điểm cuối cùng của công cuộc xây dựng, tu tạo thành Thăng Long đã được các sách nhất trí là vào năm Ất Dậu (1805), nhưng thời điểm bắt đầu khởi công còn chưa thống nhất với ba thời điểm khác nhau là : 1803, 1804 hoặc 1805. Chúng tôi ngả theo niên đại đã được ghi trong cuốn sử chính thống của nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục và cuốn Địa chí nổi tiếng cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn là Đại nam nhất thống chí, và cho rằng công cuộc tu sửa xây dựng thành Thăng Long được bắt đầu vào năm 1803 và kết thúc vào năm 1805. Nguyễn Văn Thành lúc này trong vai trò Tổng trấn Bắc Thành phụ trách toàn bộ 11 trấn, công việc bộn bề, trách nhiệm lớn lao nhưng vua Gia long đã giao cho ông phải đích thân phải trông coi việc xây dựng thành Thăng Long. Điều này đã được ghi nhận rõ ràng trong Quốc sử di biên: “ nhà Vua phái Quận công Nguyễn Văn Thành trông coi việc ấy”[12].
Sách Đại Nam thực lục viết rằng để chuẩn bị cho việc xây thành vua Gia Long đã : “ Sai thành thần vẽ đồ dâng lên, sai các dinh quân đắp, những vật liệu cần dùng thì do quan trả tiền theo giá”[13]. Như vậy công việc xây đắp thành cũng đã được chuẩn bị cẩn thận, theo một quy hoạch đã có, thể hiện ở bản vẽ, được vua và triều đình thông qua. Những vật liệu cần dùng cũng được tính toán theo giá thành. Vua còn cẩn thận ra lệnh “ Kẻ nào sách nhiễu tiền của dân [ tiền mua vật liệu - TG ] thì bị tội, truy tang trả cho dân”[14]. Theo ghi chép của sách Quốc sử di biên, triều đình đã cho triệt phá ngôi tháp Thiên Báu và chùa Đằng Châu để lấy gỗ và đá phục vụ cho việc xây dựng thành Thăng Long[15] . Vật liệu xây thành được chuẩn bị rất cẩn thận :“ gỗ và đá này đều được bào hay chà trơn lỳ như mài”[16].
Nhân công phục vụ các công trình cũng được tuyển dụng tại chỗ, sau đó mới mở rộng dần ra các địa phương. Trình tự huy động được sử cũ ghi lại như sau: “Trước hết nhà nước lấy các đinh phu ở huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận làm công tác kiến thiết thành. Về sau nhà nước lại lấy đinh phu những nơi không đủ suất đến làm. Sau nữa lại lấy đinh phu những nơi được biệt nạp thuế lệ đến làm. Rồi sau cùng, người ta lại bắt đinh phu những nơi có điền mẫu công và tư đến làm”[17].
Diện mạo thành Thăng Long sau khi được xây dựng, tu sửa được mô tả trong một số sách sử như Đại Việt địa dư toàn biên, Quốc sử di biên, Bắc thành địa dư chí lược, Đại Nam nhất thống chí, Thăng long cổ tích khảo tịnh toàn đồ…với những lượng thông tin nhiều, ít khác nhau. Trong đó chi tiết nhất vẫn là sách Quốc sử di biên. Hãy xem những gì mà Phan Thúc Trực - một sử gia ở thời Nguyễn đã miêu tả trong tác phẩm của mình :
Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long
“ Phía trong thành Thăng Long làm Hoàng thành, người ta lấy cửa Đoan môn, điện Kính Thiên làm chuẩn đích.
Ở phía trước thành Thăng Long, người ta xây dựng một cột cờ được gọi là “ Điền đài” cao 100 thước. [18]
Thành ngoài được mở bảy cửa. Ở trên mỗi cửa có một cái lầu, và các lầu đều có cột đồng.
Chung quanh thành người ta dẫn nước sông Tô Lịch làm hào. Hào này có đoạn bị úng tắc thì lấp đi , có đoạn hẹp thì mở rộng ra, không phải tránh những nơi lồi ra hay lõm vào (chỉ một phương về cửa Tây Nam đã hẹp lại được bồi đất).
Trên hào người ta ghép gạch nung chín làm cầu. Nền thành rộng 7 trượng. Ở phía trong thành được chia làm 5 bản. Trên thành người ta xây nữ tường [19]. Có lỗ đặt súng.”[20].
Việc sắp xếp các cơ quan trong thành không được tác giả chú ý nhiều, chỉ vắn tắt vài dòng : “ Những dinh vệ đều được kiến thiết dọc ngang trong thành trông như hình bàn cờ vậy”[21]. Đồ án tổng thể của công trình được tác giả nhận xét : “Thành Thăng Long được xây đắp quanh co khuất khúc như hình bông hoa Hồi hương [22]”.
Điểm đặc biệt trong sách của Phan Thúc Trực là ông mô tả khá chi tiết khu vực ngoài thành, trong đó có đoạn nói về việc quan Tổng trấn cho xây dựng chợ Đồng Xuân (sách Đại Nam nhất thống chí gọi là chợ Đông Thành): “Tại những chỗ đất bỏ trống chung quanh thành , người ta cho trồng rải rác khắp nơi các thứ cây như cây mít, chuối…
Người ta lấy cửa chính Đông thành Thăng Long làm một ngôi chợ thật lớn [23]. Tại chợ ấy, các quán xá và đường sá giao thông được chia thành từng hàng vuông vắn, thẳng thắn.”
Phía ngoài chợ được bao bọc bằng một bờ lũy đất. Tại lũy đất này , người ta trồng tre để làm hàng rào và tùy tiện mở các cửa ổ. Trên mỗi cửa ổ lại có một cái lầu máy [ cơ lâu ][24].
Rõ ràng trong khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành Thăng Long - một trung tâm chính trị hành chính của Bắc thành, vị Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã không quên việc mở mang đường sá giao thông và xây dựng những công trình phục vụ dân sinh.
Cũng mô tả về thành Thăng Long sau công cuộc xây dựng tu sửa ở thời Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nhưng với con số cụ thể hơn là 2 cuốn Bắc thành địa dư chí lược và Thăng Long cổ tích khảo tịnh toàn đồ.
“ Thành có chu vi 1958 tầm[25] 2 thước 5 tấc. Bệ xây bằng gạch đá. Ngoài thành có hào, mở 5 cửa : Đông Nam môn, Tây Nam môn, chính Đông môn, chính Nam môn, chính Bắc môn. Thềm làm theo kiểu trên tròn dưới vuông. Trên thành có lầu, ngoài xây góc thành, trong cửa thành phía Đông Nam xây khởi đường, gọi là nhà Hiệp Nghị, đặt 6 phòng để giữ công văn, giấy tờ và các công văn phát trạm… Ngoài thành đặt nhà trạm (đình Quảng văn nơi niêm yết tên người đỗ Tiến Sĩ thời Lê) là nơi niêm yết các chiếu thư. Góc Cửa Bắc đặt kho chứa lương. Trong thành Nội có núi Nùng dựng Hoàng cung , chính điện tòa, tả hữu vu 6 gian xung quanh xây tường gạch, mở 5 cửa nách để thông với nội đình đặt thêm bậc tam cấp và lối đi..Ngoài đường hẻm là cửa Đoan môn , trên cổng có khắc hai chữ Đoan môn (di tích này có từ triều Lý nay vẫn giữ nguyên, trên cổng đặt lầu trống). Phía ngoài đình dựng bia, ghi việc sau khi đắp thành.”[26].
Không chỉ mô tả về quy mô, kiến trúc của thành, cách bố trí các cơ quan, văn phòng của Tổng trấn ở trong thành, các tác giả còn cho biết đôi chút về hoạt động ở trong thành Thăng Long dưới thời quan Tổng trấn Nguyễn Văn Thành. “Ngày 27 hàng tháng, dân có việc đến phòng đó [ phòng Hiệp Nghị ] mà kêu…Gặp ngày Đại Lễ hay những ngày đầu tháng, ngày rằm, quan trong thành mặc phẩm phục cung kính làm lễ vọng bái [ vào Kinh đô Phú Xuân ]”[27] .
Trong sách Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu cũng cho biết cụ thể chu vi, kích thước của thành Thăng Long sau khi đã hoàn tất việc xây dựng. “ Đến năm Gia Long thứ tư đắp thành lại. Chu vi 1295 trượng, cao 1 trượng 3 thước 2 tấc ( năm Minh Mệnh thứ 16 đo hạ thấp 1 thước 8 tấc). Trong thành đặt hành cung ( trước theo tên cũ thời Lê gọi là điện Kính Thiên. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi làm điện Long Thiên ). Đàng trước dựng lầu 5 cửa , các kho tàng và nhà các quan văn võ đều theo lối cũ nhà Lý. Ngoài thành xây cột cờ kích thước cũng khéo”[28]. Như vậy Nguyễn Văn Siêu một lần nữa khẳng định cột cờ Thăng Long (Hà Nội) được xây dựng ở thành Thăng Long vào năm 1805, trong đợt xây dựng tu sửa thành Thăng Long .
Đặc biệt trong số các tư liệu phản ánh về công cuộc kiến thiết thành Thăng Long thời Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn là một bài minh ở ngôi đình dựng phía ngoài cửa Đoan môn. Cuốn sách đầu tiên ghi lại bài minh này là Bắc thành địa dư chí lược của Lê Chất được biên soạn trong thời gian ông làm Tổng trấn Bắc thành ( 1818 - 1821 ), sau đó được chép lại trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực ( được biên soạn ở thời Thiệu Trị ). Một số tài liệu khác cũng có nhắc đến bài minh này ( nhưng không chép nội dung cụ thể ).
Nội dung bài minh như sau :
Thăng Long thành bi minh văn :
( Phiên âm ) ( Dịch nghĩa)
Tướng duy long đỗ. Kìa xem Long Đỗ.
Hình thắng tư tại. Hình thắng nơi đây.
Tản Viên thị duy. Tản Viên làm giải.
Phú Lương vi đái . Sông Nhĩ làm dây.
Phi đại hữu tác. Bao đời gây dựng .
Trạch tư sảng khải. Sửa sang rộng rãi.
Văn vật tần vu. Thay đổi nhiều phen.
Sơn hà bất cải. Núi sông còn mãi.
Hách hách minh mệnh. Rạng rỡ mệnh trời.
Dựng quyến ngã vương. Giúp rập vua ta.
Nghĩa lữ Tây bình. Nghĩa truyền trong cõi.
Thiên thanh Bắc dương . Tiếng vang Bắc phương.
Lục phi tiến tất. Sáu ngựa tiến bước.
Quan dân tinh phương. Xem dân bốn phương.
Mệnh thần kiến tiết. Mệnh quan xây dựng.
Chức thử phong cương. Gìn giữ phong cương.
Dao trượng thần hoạch. Mưu thần trù hoạch.
Tu quyết thành dịch. Sửa việc đắp thành.
Tái lượng sự kỳ. Tính ngày hoàn tất.
Trùng tân cú hoạch. Mẫu mực mới tinh.
Tứ cố nga nga. Bốn bề nguy nga.
Bách diệp dịch dịch. Trăm lớp đồ sộ.
Hoàng uy tịnh tuấn. Oai Vua trấn vững.
Vương độ tăng quách. Phép Vua mở mang.
Bảo chướng chi hùng. Phên dậu hùng cường.
Vĩnh điện Giao phong. Châu Giao bền vững.
Thanh bình tuân đạo. Theo đường bằng phẳng.
Bức thần đồng phong. Bốn bề xôn xao.
Thành dĩ danh hiển. Thành vì tên rạng.
Địa dĩ đức long. Đất vì đức thăng.
Nùng sơn Nhĩ thủy. Non Nùng sông Nhĩ.
Tường minh thánh công. Ơn thánh dài lâu.
( Bản dịch của hai tác giả Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Kim Sơn[29] )
Bài minh được chép trong các sách không chua rõ ai là tác giả nhưng đọc bốn câu :
Mệnh quan xây dựng.
Gìn giữ phong cương.
Mưu thần trù hoạch.
Sửa việc đắp thành.
Tính ngày hoàn tất .
Mẫu mực mới tinh…
Câu “ mệnh thần kiến tiết”, bản dịch của của sách Bắc thành địa dư chí lược dịch là “ Mệnh quan xây dựng “ nhưng trong bản dịch của Lê Xuân Giáo ( sách Quốc sử di biên ) dịch rõ hơn : “ Sai tôi kiến tiết”, điều này khiến người ta có thể đặt giả thiết phải chăng tác giả bài minh này là quan Tổng trấn Nguyễn Văn Thành ?
Cũng trong bài minh, quy mô hoành tráng của công trình thành Thăng Long đã được thể hiện :“ Bốn bề nguy nga, trăm lớp đồ sộ”…Chính Phan Thúc Trực đã phải công nhận : “ Từ các đời nhà Trần, nhà Lê trở về trước chưa bao giờ có một công trình kiến thiết chu đáo như vậy”[30].
Có một câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu sau này là : “ Vì sao khi không chủ trương đóng đô ở Thăng Long mà chính quyền nhà Nguyễn vẫn cho Tổng trấn Bắc thành tiến hành công cuộc tái thiết lớn và tốn kém đến như vậy? Trong cuộc triển lãm ảnh, tư liệu lưu trữ , bản đồ và tọa đàm của các kiến trúc sư Việt nam và quốc tế với chủ đề “ Từ chuyển đổi đến phá hủy thành Hà Nội thế kỷ XIX : Những thách thức chính trị và quy hoạch không gian đô thị”[31] các nhà khoa học đã tìm ra lời giải đáp khá xác đáng. Thứ nhất Thăng Long lúc này tuy chỉ được coi như thủ phủ của Bắc thành nhưng nó đã từng là một Kinh Đô xây dựng và truyền nối qua nhiều triều đại - gần 8 thế kỷ, nó có quy mô về kiến trúc và phong thủy hoàn hảo. Thứ hai : Trong tâm thức của người dân Bắc Hà và dưới con mắt của triều đình nhà Thanh đây vẫn là thủ đô hợp pháp của nhà Lê với tư cách một vương triều chư hầu .Chính vì lẽ đó các Vua Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị của nhà Nguyễn dù không muốn, đều phải nhận lễ sách phong của Hoàng Đế Trung Hoa tại đây. Sau khi đã tiến hành xây dựng Kinh đô Phú Xuân, việc xây dựng , tu tạo thành Thăng Long lúc này là một giải pháp để giải quyết mâu thuẫn bởi triều đình Nguyễn thực chất có ý đồ muốn xóa sạch mọi dấu vết vương triều của Thăng Long nhưng vẫn sợ mất lòng dân và kẻ sĩ Bắc hà, sau nữa vẫn muốn giữ thể diện trong nghi lễ ngoại giao với nhà Thanh. Đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) thành Thăng Long bị hạ chiều cao 1 thước 8 tấc. Chỉ đến thời điểm sau năm 1848 khi nhà Thanh đã chấp nhận tiến hành những nghi lễ ngoại giao tại Phú Xuân, vua Tự Đức lập tức cho phá dỡ những cung điện mang các vật quý về Phú Xuân. Hà Nội thủ phủ của một tỉnh chỉ còn lại dáng dấp rêu phong của một cố đô./.
[1]. Mai Phong Đặng Xuân Khanh , Thăng Long cổ tích khảo tịnh toàn đồ, Tuyển tập Văn hiến Thăng Long - Hà Nội , Tuyển tập Địa chí , tập 2, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Kim Sơn dịch và tuyển chọn, NXB Hà Nội, 2010, tr 7.
[3]. Sách Đại nam nhất thống chí chép: “Thành lâu năm sụt đổ, đến đời Tây Sơn theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng”
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, NXB Thuận Hóa, Huế 2006, tr 201.
Các tác giả của cuốn “ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” nhận xét : “ Dấu ấn Tây Sơn để lại trên hệ thống thành lũy Thăng Long không đáng kể. Trừ đoạn Hoàng Thành từ cửa Đông Hoa (cửa Đông ) đến cửa Đại Hưng (cửa Nam) được nhà Tây Sơn đắp lại vì sụt đổ còn lại hầu như không thay đổi gi nhiều”
Nhiều tác giả, Phan Huy Lê CB, Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, tập I, NXB Hà Nội, 2011. tr 651.
[4]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, NXB Giáo dục, H 2002, tr 543.
[5]. Đại Nam thực lục, tập I, Sđd, tr 632.
[6]. Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr 201.
[7]. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Bản dịch của Viện Sử học, NXB Văn Hóa, H 1997, tr 363.
[8] Lê Chất làm Hiệp Tổng trấn Bắc thành năm 1810 và Tổng trấn Bắc thành năm 1818.
[9]. Lê Chất, Bắc thành địa dư chí, Tuyển tập Văn hiến Thăng Long - Hà Nội , Tuyển tập Địa chí , tập 2, Sđd, tr 923.
[10]. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, bản dịch, Bộ Quốc gia giáo dục và thanh niên XB, Sài Gòn 1973, tr 115.
[11]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 116.
[12]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 115.
[13]. Đại nam thực lục, Sđd, tr 543.
[14]. Đại nam thực lục, Sđd, tr 543.
[15]. Chùa Đằng Châu chắc chắn là ở vùng Hưng Yên nhưng tháp Thiên Báu không rõ ở đâu ?
[16]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 115, 116.
[17]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 116.
[18]Sách Đại việt địa dư toàn biên của Nguyễn văn Siêu cũng cho rằng cột cờ được xây dựng vào thời kỳ này (năm Gia Long thứ 4) nhưng sách Thăng Long cổ tích khảo tịnh toàn đồ của Đặng Xuân Khanh nói là cột cờ được xây dựng vào năm 1812 (Sđd, tr 10).
( http://vi. Wkipedia.opg/wiki/Hoàng thành Thăng Long cũng viết cột cờ được xây dựng năm 1812 có lẽ dựa theo tài liệu trên.
[19] Tường nhỏ xây bằng gạch ở trên thành lớn.
[20]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 115.
[21]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 116.
[22]. Loại hoa có 8 cánh.
[23]. Các dịch giả chú thích là chợ Đồng Xuân .
[24]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 116.
[26]. Bắc thành địa dư chí, Sđd, tr 923
Thăng Long cổ tích khảo tịnh toàn đồ, Sđd , tr 9 , 10.
[28]. Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd , tr 363.
[29]. Bắc thành địa dư chí, Sđd, tr 924
[30]. Quốc sử di biên, Sđd, tr 116.
[31]. http :// nxbtrithuc.com.vn/sukien/2654735/84/ tu-chuyen-doi-den-pha-huy-thanh-Ha-Noi…