LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với nhiệm vụ vỗ về nhân sĩ Bắc Hà qua trường hợp Tiến sĩ Phạm Quý Thích

Tiến Sĩ Vương Thị Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguyễn Văn Thành 阮 文 誠 sinh năm  1758 mất năm 1817. Ông là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Trận mạc khắp nơi của nhà Nguyễn đều ghi dấu chiến công của ông.  Công lao chinh chiến của Nguyễn Văn Thành với nhà Nguyễn là vô cùng lớn. Là một vị tướng oai hùng trên chiến trường, Nguyễn Văn Thành nổi tiếng với khí phách của bậc anh hùng trung thành. Đại Nam liệt truyện còn ghi: năm Đinh Mùi 1787, vào mùa thu, "...trận đánh ở Mỹ Tho, quân ta thất lợi. Có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ. Thành nói rằng: “Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được, và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế”. Chính câu nói này của ông đã khiến Nguyễn Ánh vô cùng cảm phục.

Vị tướng giỏi cầm quân này luôn giữ đức hiếu sinh trong tất cả những lần tham chiến, chính vì thế mà ông được quân lính yêu mến, tin phục. Trước mỗi trận đánh ông đều "phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ” (Đại Nam liệt truyện). Do đó ông được triều đình tin tưởng khen ngợi, trong một truyền dụ của triều đình còn ghi: “quân ta giao tranh, đánh ba trận thắng ba trận, ta lấy được La Thai, tuy chưa bắt được hết nhưng cũng là toàn thắng. Đó thực là do đại tướng giỏi cầm quân và các quân vui theo mệnh lệnh…”.

Về bản thân con người ông, các sách sử đều ghi nhận ông là một vị tướng giỏi, oai hùng song trong ông chất chứa nhiều nét hào hoa phong nhã của bậc văn thần. Sách Đại Nam liệt truyện ghi: "Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ"[1]. Cũng trong sách này lại viết: Ông là người "biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích"[2]. Năm Tân Dậu 1801, ông lĩnh chức Khâm sai Chưởng Tền quân, Bnh Tây đại tướng quân, tước Quận công.   Vào tháng Chạp năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài "Văn tế tướng sĩ trận vong", lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cái cảm tình của một ông võ tướng mà giãi bày, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại đối với những người vì nước quên thân. Lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn bi tráng, thật xứng là một áng văn chương tuyệt bút. Lòng thành của chủ tế và vận khí của hồn thiêng đã làm cho buổi lễ thật thiêng liêng. Buổi lễ ấy được mô tả: “khi tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc bài văn tế trên, chung quanh đài lễ mây mù khói nổi, vang vọng tiếng gươm đao chát chúa và tiếng ngựa hí cuồng. Trên không trung, từng luồng gió rít ngang, nghe mơ hồ tiếng than vãn nhớ thương lẫn tiếng chân người rầm rập đi qua. Khi bài văn tế kết thúc, trời quang, mây mù tan hết, cảnh vật chung quanh trở nên tĩnh lặng như cũ. Phải chăng đây là oan hồn của bao nhiêu binh lính và lương dân đã bỏ mình trong chiến trận, hiển linh để nghe bài văn tế giải oan cho họ?”"[3]

Dấu ấn một văn thần của Nguyễn Văn Thành đặc biệt được thể hiện từ khi ông được giao nhiệm vụ Tổng trấn Bắc Thành. Ông là người có công lao to lớn trong việc ổn định lại Bắc Thành. Có lẽ cũng vì vậy, tuy chỉ làm Tổng trấn trong sáu năm, ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” (đệ nhất kỷ năm Gia Long thứ nhất - Nhâm Tuất 1802) chép rằng: “Vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến, đồng thời là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (Huế). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tiện nghi làm việc”.

Vua Gia Long nhận định rất chính xác về sĩ phu Bắc Hà. Ông cho rằng công việc đại định chưa thể hoàn tất nếu chưa thể thu phục được tầng lớp trí thức Bắc Hà. Việc chọn Nguyễn Văn Thành làm  Tổng trấn chứng tỏ ông đánh giá Nguyễn Văn Thành rất cao. Đất Bắc Hà, đại diện là Thăng Long - nơi phồn hoa đô hội, nơi tụ hội tinh hoa của bốn phương đất trời từ hàng năm đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của Nho giáo. Nói như vậy là vì những trí thức đương thời đều bị ảnh hưởng của Nho giáo và tư tưởng chính của Nho giáo là tận trung với vua. Tâm trạng hoài Lê của các cựu thần nơi đây không dễ gì tháo bỏ để về với tân triều, nhất là việc mang sức lực nhiệt huyết của mình để phục vụ tân triều. Chính vì thế mà chỉ một thời gian ngắn sau khi tới Thăng Long, Gia Long đã vội vã về lại Phú Xuân, để lại một tướng Thành với sắc chỉ “toàn quyền xử trí” Bắc Thành.

Xuất thân từ một võ tướng, nhưng Nguyễn Văn Thành lại tỏ ra mình là một văn thần vô cùng tài trí về an dân.   Trong một biểu tấu vào năm Giáp Tý 1804, ông viết: "Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo". Vua liền chuẩn lời tâu. Coi trọng việc học trong thời bình, đề xuất nhiều cải cách trong học tập, đồng thời Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành còn cho sửa sang nhiều công trình văn hóa gắn liền với việc tán dương những người có học. Công trình xây dựng tu bổ Văn Miếu, Quốc tử giám và xây dựng Khuê Văn các thể hiện ý chí và nguyện vọng của ông muốn xây dựng Thăng Long trở thành một đô thị văn minh, hiếu học. Hạng mục các công trình này được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Ông cũng là người đề xuất định lệ Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh,lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò. Năm Gia Long thứ 2 (1803), Nguyễn Văn Thành đã cho định lại các điều ước ở Bắc hà về các vấn đề dân sinh như ban hành sổ đinh, sổ ruộng, việc xét phạt các tội trộm cắp, thuế má, thờ cúng, hương ẩm… rất được lòng dân.

Cơ sở vật chất đã được tôn tạo, đạo học được khuyến khích, nhiều nhân sĩ hoài Lê, nghi ngờ nhà Nguyễn giờ đã có những suy khác về tân triều. Nguyễn Văn Thành đã tổ chức san khắc nhiều bộ sách Nho giáo như Thánh dụ quảng huấn năm 1803. Năm Đinh Mão 1807 cho khắc sách Đại học diễn nghĩa. Năm Canh Ngọ 1810 ông được giao chức Tổng tài soạn bộ Hoàng Việt luật lệ; năm năm 1812, tiền quân Nguyễn Văn Thành được sung chức Tổng tài trong việc biên soạn Quốc triều thực lục

Năm 1810, gặp lúc dân Bắc Thành có nạn đói, ông dâng sớ tâu: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm, xin bàn cách phát chẩn và cho vay để đỡ túng ngặt cho dân".

Với tài năng và nhiệt huyết, trong thời gian làm Tổng trấn Bắc thành, Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã cho khai khẩn những vùng đất hoang, giúp nhân dân có điều kiện sản xuất nông nghiệp và mở rộng chăn nuôi. Ông cho sửa lại những công trình thủy lợi trên đất Thăng Long và các vùng phụ cận như làm cầu, vét sông, đắp đê..., khuyến khích nhân dân Thăng Long phát triển các ngành khai mỏ, nghề thủ công, thương nghiệp. Năm 1805, ông đã cho xây các cửa thành Thăng Long (cửa Đông Nam, cửa Tây Nam, cửa Đông, cửa Tây và cửa Bắc), mỗi cửa đều dựng bia để ghi nhớ. Song song với việc khuyến khích phát triển về nhiều mặt trên đất Thăng Long, Nguyễn Văn Thành đã cùng nhân dân nơi đây khắc phục những hậu quả của thiên tai, dịch họa. Vùng đất Bắc thành - Thăng Long từ chỗ không ổn định (đầu triều Nguyễn) đã đổi thay tích cực chỉ sau mấy năm Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn. Ông dần lấy được tình cảm của nhân dân đất cố đô Thăng Long, đặc biệt là số nho sĩ Bắc hà còn nặng lòng với triều Lê-Trịnh.

Nhìn lại việc để tướng Thành ở lại Thăng Long, Gia Long trở lại Phú Xuân mới thấy hết được công lao to lớn của vị Tổng trấn đối với việc vỗ về tầng lớp trí thức nơi đây. Khi ấy, triều đình nhà Nguyễn cho triệu tập cựu thần nhà Lê để bổ chức thì những trí thức lớn như Bùi Huy Bích, Nhữ Công Chân… đều kiên quyết cáo quan trở về[4]; còn những người miễn cưỡng ra nhận chức thì chủ yếu là các chức về giáo dục, trông nom việc học hành thi cử như: Phạm Quý Thích nhận chức Trợ giáo Bắc Thành, Lê Huy Trâm giữ chức Đốc học Kinh Bắc, Nguyễn Huy Lý, Nguyễn Bá Lãm, Lê Trọng Thê, Lê Đình Hiến đều nối nhau giữ chức Đốc học[5]. Song với sự ân cần, tôn trọng và khả năng sử dụng hiền tài của mình, Nguyễn Văn Thành đã dần làm thay đổi được định kiến trí thức Bắc Hà với tân triều. Một trường hợp điển hình trong việc thay đổi nhận thức, về với tân triều, tuy vẫn còn nhiều băn khoăn đó là trường hợp của Phạm Quý Thích.  Trong hành trạng của Phạm Quý Thích không nói nhiều tới mối ân tình, sự trọng đãi của Nguyễn Văn Thành với ông  nhưng chỉ với vài ba sự kiện được nêu đã diễn tả sự thay đổi quan niệm trong ông - một con người vốn vẫn được coi là Hủ Nho. Từ một người không muốn cộng tác với triều Nguyễn, lúc cuối đời đã kêu lên “thôi hẹn kiếp sau”.

Tiến sĩ Phạm Quý Thích sinh năm 1760 mất năm 1825, cũng được coi là sinh cùng thời với Nguyễn Văn Thành (1758-1817). Nhưng Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một tướng võ, tham gia nhiều trận mạc, lập được nhiều công lao với nhà Nguyễn với vai trò người cầm quân, nhất là trong những cuộc chiến với Tây Sơn. Còn Phạm Quý Thích xuất thân từ một quan văn. Con đường tiến thân của Phạm Quý Thích theo truyền thống: học hành - thi cử- làm quan - ở ẩn - dạy học. hai con người ở hai đầu đất nước, xuất thân cũng khác nhau nhưng với tấm lòng vì dân vì nước đã đưa họ đến với nhau. Trước khi Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành thì Phạm Quý Thích đã là "người của Thăng Long"[6] . Phạm Quý Thích sau khi đỗ đạt đã phục vụ cho triều đình Lê - Trịnh, tuy không mặn mà và cũng nhiều lần cáo quan, song giống Nguyễn Văn Thành ở điểm ông không chịu phục vụ triều Tây Sơn, kiên quyết phản đối mọi ưu ái của triều Tây Sơn. Nhưng khi triều Nguyễn lên ngôi, ông đã cùng một số quan lại triều Lê đến diện kiến. Mặc dù Phạm Quý Thích cho rằng bản thân mình từng ăn lộc, chịu ơn tri ngộ của vua hoặc chúa, thì phải nhận bất cứ việc gì mà vua chúa giao cho. Dù khó khăn đến đâu, kể cả phải dùng đến tính mạng. Ông đề cao chữ  “Trung”, lấy việc tôn thờ chữ “Trung” là mục đích sống của mình. Trong Bần gia nghĩa khuyển truyện (Truyện chó nghĩa nhà nghèo) ông viết về một sĩ phu mà người đọc như nhìn thấy hình bóng cuộc đời ông: “Triều Lê cũ còn sót lại người họ Đào… Vốn dòng thi thư thuần túy, đức độ khoan hòa, tư chất thuần hậu ít văn vẻ kiểu cách, trọng danh nghĩa, chuộng khí khái ông thực đáng bậc vĩ nhân đất Bắc. Năm 20 tuổi du học ở Tràng An, ra sức cần cù đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa lí sâu xa của thánh hiền. Đọc ngoại sử đến gương các bậc trung thần nghĩa sĩ hiếu tử liệt phụ thì chắp tay thắp hương kính cẩn như đối với thần minh...” . Trong bài Bần gia nghĩa khuyển truyện ông bộc bạch:  “Phàm là kẻ sĩ trung thành không vì thế cùng mà đổi thay chí khí”, và không ngừng kì vọng: “Nếu như ông chủ tôi xuân thu thịnh vượng, hạnh nghĩa được thời, thì với đầu óc cao rộng, trí lự thông minh, đem đạo lớn uẩn súc ra thi hành, ắt nên giàu có, đâu mãi chịu nghèo hèn. Lúc ấy việc tuyển hiền đãi sĩ trở lại như thường thì người có chí đạo, sẵn nghiệp thi, thư há còn phải nhờ vào cày cuốc. Còn bây giờ theo lời thầy Mạnh lấy nhân nghĩa trị xử trị, hà tất nói đến lợi”. Tuy kiên quyết giữ chữ Trung như vậy nhưng khi Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn thì Phạm Quý Thích đã ra làm quan và nhận chức Đốc học. Điều gì đã làm thay đổi tư tưởng Tiến sĩ Phạm Quý Thích đến vậy? Đó hoàn toàn là do chính sách lấy dân làm trọng, lấy sự nghiệp đào tạo và giáo dục là kế sách lâu dài của quốc gia do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành khởi xướng phù hợp với tư tưởng của Phạm Quý Thích. Khi làm quan, Phạm Quý Thích nhận ra nguyên nhân của sự giàu nghèo và những bất công trong xã hội, trong bài Bàn về nuôi dân, ông viết: “... Người giầu có ruộng thẳng cánh cò bay mà người nghèo thì không chỗ cắm dùi, tá điền xin được ruộng cấy lại bị sai khiến thành nô lệ; người buôn to bán lớn, cậy có tiền bạc mua rẻ bán đắt, tiền bạc mẹ đẻ con sinh, mỗi năm thu vào kể có mấy vạn đồng... Lụa vải thóc lúa ở đất sinh ra, số sinh ra có hạn, mà sự tích trữ chẳng ở người này thì ở người khác, nay có nhà số tài sản gấp bội trăm nghìn nhà, thế là vì một nhà mà làm thất nghiệp mấy trăm nghìn nhà. Tiền bạc ở người chế ra, số chế ra vô hạn, kẻ tích vào thế càng lớn mà số rút về càng nhiều, thế là người giầu càng giầu, kẻ khó càng khó” [Lập trai tiên sinh hành trạng]. Là một vị quan thanh liêm, Phạm Quý Thích sớm nhận ra tệ tham nhũng là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển và nguyên nhân tạo ra sự bất công của xã hội. Nguyên nhân sâu sa do thói ăn chơi xa xỉ. Vì ăn chơi phung phí nên cần đến nhiều tiền. Lương bổng không đủ dùng nên phải lấy vào của công. Do đó, muốn diệt thói tham nhũng thì việc đầu tiên phải thực hành tiết kiệm. Trong bài Bàn luận tiết kiệm, Phạm Quý Thích cho rằng: “Nếu nhà vua ngăn ngừa mà bỏ hẳn thói xa xỉ đi, bớt thuế cho dân, để bù phụ vào của dùng trong nước, thời cả triều đình đều khen là vua có đức, chắc không mấy năm mà thiên hạ thành phong tục tốt, mở rộng đường giáo hóa thời các vị công khanh phải giữ phép tắc, kẻ sĩ chuộng thanh liêm, người nông phu được yên ấm mà tận lực với nghề nghiệp, chắc chắn lúc đó bầy tôi giúp nước, không thể suy tính đồng lạng làm kế hoạch xuất nhập mà của dùng trong thiên hạ vẫn đủ vậy” [Lập Trai tiên sinh hành trạng]. Khi Nguyễn Văn Thành lên nhậm chức, quan Tổng trấn đã làm nhiều việc để ổn định dân sinh, việc quan tâm chăm sóc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của lớp trí thức, nhiều việc như định lại chế độ ruộng đất, cho dân khai khẩn đất hoang, chú ý đến thủy lợi… đã khiến cả xã hội Bắc Hà tin phục. Đồng thời việc thuyết phục Phạm Quý Thích ra làm quan với nhà Nguyễn lúc đó là vô cùng có lợi cho cả triều đình và cho cả sự phát triển của Thăng Long lúc bấy giờ. Quan Tổng trấn trọng dụng Phạm Quý Thích cũng vì sớm có ý thông qua sự hợp tác đó, để thu hút, vỗ về tầng lớp sĩ phu, nhất là sĩ phu Bắc Hà. Bởi nhân cách sống, cách đánh giá con người của Phạm Quý Thích có ảnh hưởng rất lớn đối với tầng lớp sĩ phu lúc đó. Thu hút được sự hợp tác của Phạm Quý Thích là thu hút được một đội ngũ trí thức hùng hậu của Bắc Hà khi đó. Và một khi đã thu hút, chế ngự được đội ngũ trí thức Bắc Hà thì công việc “bình định” của nhà Nguyễn mới được coi là thành công hoàn toàn.  Và đúng như Nguyễn Văn Thành sớm dự đoán nhóm văn sĩ từng là học trò của Phạm Quý Thích đã có tác động tích cực trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long và các phong trào văn hóa sau này.

Có người từng đặt câu hỏi, rằng tại sao Phạm Quý Thích bất chấp cả tính mạng kiên quyết không cộng tác với Tây Sơn, tuy ngọn cờ Tây Sơn dương lên là “phù Lê diệt Trịnh”? nhưng lại làm quan với nhà Nguyễn dù không mấy "hăng hái"? Điều này chỉ có thể giải thích được do sức thuyết phục của Nguyễn Văn Thành đối với ông. Các tài liệu về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành không thấy nhắc đến mối quan hệ giữa vị Tổng trấn và Tiến sĩ Phạm Quý Thích nhưng trong Hành trạng của Phạm Quý Thích do học trò của ông là Chu Doãn Trí[7] soạn có một số đoạn nói về mối quan hệ, hay nói đúng hơn là mối quan tâm chăm sóc của quan Tổng trấn đối với Tiến sĩ Phạm Quý Thích. Lúc Phạm Quý Thích từ chối không muốn làm quan, quan Tổng trấn đã thuyết phục ông. Nguyên văn đoạn đó như sau: "Sau tiên sinh (chỉ Phạm Quý Thích) lại nhờ Tổng trấn Nguyễn Văn Thành  đề đạt (nguyện vọng không muốn làm quan với triều Nguyễn- VTH chú) , ông này nhận lời. Kịp đến khi xe vua về kinh thành, ông Thành bảo Tiên sinh rằng: "Tôi nhận sắc lệnh bổ làm việc Bắc Thành, mà ông thì giúp tôi về việc giấy tờ, sắc mệnh, ngoài ra, không dám phiền gì khác, vậy xin đừng từ chối".

Rồi ông Thành sai kiểm điểm lại các lời "bày tỏ" cả thảy mấy điểm mà tiên sinh chỉ lấy được có một. Ông Thành cho là ít quá, tiên sinh nói rằng: "Tôi thấy những người dâng kế hoạch đều được bổ làm quan Phủ, quan Huyện, như thế không bằng đem lời nói việc làm các vị Hương cống cũ mà bổ mới khỏi cái lệ đút lót được".

Năm Giáp Tý (1804) niên hiệu Gia Long thứ 3, được bổ Đốc học Bắc Thành, tiên sinh cũng mượn cớ có bệnh cáo từ, quan Tổng trấn Bắc Thành lúc đó là Nguyễn Văn Thành phải xin đổi chức Trợ giáo cho tiên sinh (chỉ Phạm Quý Thích), trong trấn nhân thế mà từ đây có chức này vậy.

Đến năm Kỷ Tỵ (1809), Bộ lễ tư xin cải chính lại việc thờ tự ở trong Văn Miếu[8] Bắc Thành, muốn bỏ vị Long biên hầu Sĩ Nhiếp và Văn trinh công Chu An không thờ nữa. Tiên sinh ở công thự[9] phải làm việc ấy, muốn xin (việc tế tự như cũ) nhưng không được, bèn từ chức về ngụ ở Bắc Thành, ông Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm nhà ở thôn Chiêu Hội cho tiên sinh ở".

Từ chỗ không chịu cộng tác, Phạm Quý Thích đã bị thuyết phục bởi sự ân cần, cởi mở của quan Tổng trấn Nguyễn Văn Thành. Sau khi Nguyễn Văn Thành mất đi, Phạm Quý Thích cũng không muốn làm việc cho triều Nguyễn nữa. Suốt từ năm 1817 - năm ông Tổng trấn Nguyễn Văn Thành mất, Phạm Quý Thích cũng lấy cớ ốm đau mà từ chức, chỉ đóng góp cho xã hội bằng việc đào tạo ra lớp trí thức trẻ, đầy tài năng. Người tác động đến Phạm Quý Thích nhiều lúc đó chính là quan Tổng trấn. Việc quan Tổng trấn chăm lo cho giáo dục, quan điểm kén chọn hiền tài đã có ảnh hưởng không nhỏ tới Tiến sĩ Phạm Quý Thích trong công việc giáo dục. Dù không thể làm thay đổi được quan niệm và định kiến đương thời với nhà Nguyễn (và chính Nguyễn Văn Thành cũng bị chết vì những nhược điểm truyền thống ghen ghét hiền tài của xã hội phong kiến) song Phạm Quý Thích không buông xuôi. Ông đã lui về chuyên tâm dạy học, hy vọng rằng thế hệ trí thức sau ông sẽ làm được việc xây dựng "nước mạnh dân giàu" như ước nguyện của ông và ước nguyện của quan Tổng trấn. Ai cũng biết rằng lúc đó tại giảng đàn của Lập Trai tiên sinh tập hợp những Nho sinh ưu tú từ khắp Bắc Hà - cả một nhóm thanh niên “đồng anh tuấn”, về sau đều thành đạt, nhiều người trở thành danh thần, danh sĩ dưới triều Nguyễn như Hà Tông Quyền (1798-1839), tự là Tốn Phủ, hiệu Mộng Dương, người xã Cát Động, huyện Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822); Bùi Quỹ (1796-1861), tự là Hữu Trúc, người xã Hải Tiên huyện Tiên Lữ, đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829); Ngô Thế Vinh (1803-1856), tự là Trọng Nhượng, người xã Bái Dương huyện Nam Chân, đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829); Nguyễn Văn Lý (1759-1868), tự là Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Hiên, Đông Khê, Chí Am, người phường Đông Các huyện Thọ Xương, đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh thứ 13 (1832); Lê Duy Trung (1795-1863), người xã Thượng Phúc huyện Thượng Phúc, đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838); Nguyễn Văn Siêu tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Phó bảng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Trần Văn Vi (? - ?), tự là Thành Tư, người phường Đông Các huyện Thọ Xương, đỗ Cử nhân năm Minh Mệnh thứ 6 (1825);  Lê Hoàng Diễm (1792-1846), tức Nguyễn Đình Dao, Lê Hoàng Uông, tự là Bảo Nguyên, hiệu là Nhận Trai, người xã Nhân Mục huyện Thanh Trì, đỗ Cử nhân năm Minh Mệnh thứ 2 (1821); …

Từ chỗ không muốn cộng tác với triều Nguyễn, rồi miễn cưỡng nhận chức, đến chỗ thay đổi tư tưởng, muốn thế hệ sau cống hiến xây dựng bản triều hùng mạnh của Phạm Quý Thích, không thể phủ nhận có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ quan điểm của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành. Trong Lập Trai tiên sinh hành trạng có ghi về con đường chuyển biến nhận thức ấy: "vì có việc bang giao vua ra Bắc Thành, tiên sinh bệnh không đến chiêm thành bái được, quan coi thành tâu lên, vua sai nội thị đến thăm hỏi, nhân thế tiên sinh dâng tờ biểu tạ, trong đó tiên sinh viết:

Vũ lộ chi ân, giác thực du ư thường phận.

Quyên ai chi báo, nguyện vĩnh thỉ ư lai sinh.

(Mưa móc[10] ơn sâu, thực đã quá nhiều,

Mảy may báo đáp, xin đợi kiếp sau).

Sự kiện 1817 không được Gia Long minh xét. Nguyễn Văn Thành chua xót kêu lên:“Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung.”, di biểu để lại còn ghi :"sớm rèn tối luyện dệt thành cái tội rất độc ác cho cha con thần, không biết kêu oan vào đâu, chỉ chết mà thôi". Và ông có để lại hai câu tuyệt bút:

Chung dải quan hà bao kẻ đứng?

Chạnh niềm sương tuyết một mình đi...

Chính những việc làm cụ thể và lòng trung quân của Nguyễn Văn Thành đã làm lay động lớp trí thức "thủ cựu" của Bắc Hà như Phạm Quý Thích phải nhìn nhận lại vấn đề "vì dân vì nước và thức thời".  Danh tiết của  quan Tổng trấn đã được nhân dân và giới sĩ phu Bắc Hà tin phục. Đúng như sách Đại Nam liệt truyên đánh giá: "...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước..." . Những việc làm của quan Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với Thăng Long sẽ còn mãi được người đời nhắc đến, ngợi ca…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đại Nam liệt truyện, Chính Biên-sơ tập, quyển 21, trang 390
  2. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển II, trang 225
  3.  Theo Nguyễn Phúc Vĩnh Ba – “Chén rượu rót đầu ghềnh của tiền quân Nguyễn Văn Thành” – Tạp chí Văn hoá Phật giáo – 2011.
  4. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên - Nxb VHTT 2009
  5.  Lược khảo Hoàng Việt luật lệ - Nguyễn Q.Thắng - Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, 2002.
  6. Lập Trai Tiên sinh hành trạng, A.775 và HN.333

 

 

 


[1]  Đại Nam chính biên liệt truyện – sơ tập, quyển 21, trrang 390.

[2]. Đại Nam chính biên liệt truyện, sđd, sơ tập, tr 409, 411.

[3]. Nguyễn Phúc Vĩnh Ba – “Chén rượu rót đầu ghềnh của Tiền quân Nguyễn Văn Thành” – Tạp chí Văn hoá Phật giáo, 2011.

[4]. Quốc sử di biên, tr. 77

[5]. Quốc sử di biên, tr. 77

[6]. Phạm Quý Thích vốn quê ở Hoa Đường, Hải Dương nhưng chuyển đến Thăng Long sống từ lúc còn nhỏ. Ông học hành và cũng thành tài từ đất Thăng Long, vì thế vẫn được coi là con người của Thăng Long.

[7]. Chu Doãn Trí - 朱允緻, tự Viễn Phu, hiệu Tạ Hiên. Con Tiến sĩ Chu Doãn Mại, quê huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Khi còn trẻ ông theo học Phạm Quý Thích, được Phạm Quý Thích coi như con. Khi thầy mất ông đã làm nhà cỏ bên mộ thầy, để tang thầy suốt ba năm theo lệ. Ông là người có công lớn trong việc gìn giữ, sưu tập các tác phẩm của thầy Phạm.  Ông có tài đức, có tiết tháo, không vọng cầu danh lợi, lại rất giỏi y học. Ông đã để lại nhiều bài thơ văn hay. Năm Canh Tý (1840), Nguyễn Đăng Giai tiến cử ông về hàng ẩn sĩ; Nhà vua khiến cấp lộ phí cho ông vào kinh, để bổ sung quan chức. Ông viện lấy bệnh già xin từ tạ. Vua Thiệu Trị khen ông có phong thái xử sĩ, không muốn ép uổng, bèn ban cho rượu hồng hoa dương tử.

 

[8]. Miếu thờ Đức Khổng Tử ở Hà Nội, nay tục gọi nhà Giám.

[9]. Công đường.

[10]. Ơn đức vua thấm nhuần.