NCV. Ngô Vũ Hải Hằng, Tường Minh - Viện Sử học
Thể loại Địa chí 地 志 hay còn gọi là Dư địa chí 輿 地 志, Địa phương chí 地 方 志, Phương chí 方 志… ra đời từ rất sớm ở phương Tây, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, v.v… Theo Từ Nguyên, thì sách Địa chí 地 志: 記 輿 地 志 書 也。凡 方 域,山 川,風 俗,物 產,皆 載 之。四 庫 入 史 部,通 作 地 誌. (Phiên âm: Địa chí: Ký dư địa chí thư dã. Phàm phương vực, sơn xuyên, phong tục, vật sản, giai tái chi. Tứ khố nhập sử bộ, thông tác Địa chí. – Dịch nghĩa: Địa chí, là loại sách ghi chép về địa dư. Phàm tất cả từ phương vực, núi sông đến phong tục, sản vật… đều ghi chép cả. Tứ khố toàn thư[1] xếp loại sách này vào Sử bộ, cũng viết Địa chí)[2].
Thời cổ, người ta gọi loại sách này là Phương chí 方 志. Trương Tiện đời Đường (618-907) đã từng chú thích đơn giản hai chữ “Phương chí” là: “Phương chí, tức là ghi lại vật thổ bốn phương”.
Tư Mã Quang đời Tống (960-1279) gọi địa phương chí là “sách bác học”. Quan lại thống trị đời Minh (1368-1644) cho rằng: “Người trị thiên hạ lấy Sử làm Giám; kẻ trị nước lấy Chí làm Giám”. Chữ Giám 鑒 là cái gương để người ta soi vào.
Chương Học Thành đời Thanh (1644-1911) cho rằng sách địa phương chí là “bổ sung chỗ khuyết trong lịch sử, sửa lại chỗ sai trong sử, nói kỹ những cái nói lược trong sử, nói tiếp những chỗ chưa có trong sử”.
Địa chí hay Địa phương chí có từ rất sớm. Trong sách Kinh Thư phần Hạ thư (sách của nhà Hạ) có thiên Vũ Cống 禹 貢 được coi là thiên Địa chí đầu tiên trong lịch sử. Trong sách Chu Lễ cũng nhiều lần nói đến ngoại sử “ghi chép chí của bốn phương”, “giữ chí của bốn phương dùng để soi việc”. Ngô đô phú của Tả Tư đời Tây Tấn (281-345) cũng có câu: “Biên soạn phương chí, cả trung châu hâm mộ”.
Địa phương chí thịnh hành vào đời Đường, Tống. Đến đời Thanh là thời kỳ cực thịnh của việc biên tập địa phương chí. Các ông vua nhà Thanh như Khang Hy (1662-1722), Ung Chính (1723-1735), Càn Long (1736-1795) đã từng ra lệnh cho chính quyền các cấp địa phương trên toàn quốc phải sửa sang địa phương chí 60 năm một lần. Như thế, trên phạm vi cả nước có Nhất thống chí, tỉnh có Thông chí, phủ có Phủ chí, châu có Châu chí, huyện có Huyện chí, thậm chí một số thành trấn lớn cũng có Chí.
Trong lịch sử Việt Nam, các vương triều đầu thời kỳ độc lập, tự chủ cũng quan tâm đến việc bảo vệ đất nước và soạn sách về môn địa lý, địa chí.
Vào đời Lý (1009-1225) trong Nghệ văn chí sách Đại Việt thông sử, Học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) cho biết sách Nam Bắc phiên giới địa đồ 南 北 藩 界 地 圖: 1 quyển của Lý Anh Tông làm, năm 1172.
Sang đời Trần (1225-1400), hiện còn bộ An Nam chí lược 安 南 志 略 của Lê Trắc. Sách này vốn có 20 quyển, nhưng nay chỉ còn 19 quyền. An Nam chí lược được Lê Trắc biên soạn vào khoảng năm 1333 dưới thời Nguyên (1279-1368) ở Trung Quốc. Sách này tuy tàn khuyết, nhưng vẫn bổ ích nhiều cho việc tham khảo trong khi nghiên cứu cổ sử Việt Nam.
Trong thời kỳ giặc Minh xâm chiếm nước ta (1407-1427), Trương Phụ cũng có soạn sách Giao Châu dư địa chí 交 州 輿 地 志 dâng lên triều đình nhà Minh. Cuối đời Minh, Cao Hùng Trưng, khi làm Giáo thụ Tư Minh, thuộc Quảng Tây, ở gần nước ta, có làm sách An Nam chí 安 南 志[3]. Hai bộ sách trên, tuy đều là người trong tầng lớp thống trị Trung Quốc làm, nhằm mục đích hiểu biết nước ta để mưu đồ xâm lược, thống trị, nhưng cũng giúp cho việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam. Nhưng khi sử dụng các tài liệu ở trong hai bộ sách ấy, cần phải có phương pháp phê phán một cách thận trọng.
Sang thời Lê sơ (1428-1527), vào năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), vua Lê Thái Tông mới sai Nguyễn Trãi (1380-1442) làm sách Dư địa chí 輿 地 志. Sách này, Nguyễn Trãi chép theo lối của thiên Vũ Cống 禹 貢 trong Kinh Thư, nên còn được gọi là An Nam Vũ cống 安 南 禹 貢. Dư địa chí của Nguyễn Trãi có lời tập chú của Nguyễn Thiên Túng, cẩn án của Nguyễn Thiên Tích, và thông luận của Lý Tử Tấn. Sách gồm 54 mục, trình bày về vị trí địa lý, hình thế núi sông, lịch sử, thổ nhưỡng, đặc sản, một số nghề thủ công truyền thống và tập quán của cư dân các đạo. Một số mục còn kèm theo số lượng và tên gọi của các đơn vị hành chính như phủ, huyện, xã, thôn thuộc các đạo đó.
Qua đó, ta thấy loại sách Dư địa chí rất cần cho các nhà cai trị. Muốn cai trị tốt một vùng đất nào đó, nhà cai trị cần phải biết toàn bộ tình hình địa lý, quá khứ lịch sử, phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa và thổ sản… của vùng đất ấy như thế nào. Từ đấy, họ mới có thể đề ra những chính sách cụ thể, thích hợp, giúp cho việc cai trị đạt được hiệu quả tốt nhất. Vì thế, ngay sau khi thành lập triều Nguyễn, vua Gia Long đã có những chỉ thị để chuẩn bị cho việc biên soạn bộ Nhất thống chí của triều đại mình.
Thời bấy giờ, đất Bắc thành là vùng đất mới, lẽ đương nhiên vua Gia Long phải lệnh cho Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành phải hết sức quan tâm tới vấn đề nói trên. Chính sử triều Nguyễn, mặc dù ghi chép khá sơ lược về vấn đề này, nhưng cũng có đôi dòng hé lộ cho chúng ta biết những đóng góp cụ thể của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành trong việc biên soạn bộ Dư địa chí ở đầu triều Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tháng 10 năm Quý Hợi (1803). Sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường kinh lược các trấn ở Bắc thành, lấy Nguyễn Văn Trương quyền lãnh việc thành”[4].
Chữ Kinh lược 經 略 là từ nói tắt của “Kinh dinh thiên hạ, trù lược tứ hải”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là đi thám sát, tìm hiểu tình hình cụ thể của các địa phương, sau đó về lập kế hoạch để cai trị.
Sách Đại Nam thực lục lại chép ngay ở dưới sự kiện trên rằng: “Tháng 10 năm Quý Hợi (1803). Sai Chưởng dinh Trương Tấn Bửu và Tham tri Nguyễn Văn Lễ lấy trượng đo từ thành Thăng Long đến cửa Nam Quan xem số dặm đường xa gần thế nào”[5].
Tháng 11 năm Quý Hợi (1803). Triều đình sai các trấn từ Nghệ An ra Bắc đều xét hình thế trấn lỵ, vẽ đồ bản để dâng lên[6].
Tháng 2 năm Giáp Tý (1804). Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành tâu xin phong tặng cho các vị thần linh thiêng ở các địa phương thuộc Bắc thành. Từ đó, sức cho các quan địa phương khai rõ sự tích của các thần. Phàm vị nào có công đức với dân, các triều đại có phong tặng, thì làm danh sách tâu lên[7]. Đây rõ ràng là công việc chuẩn bị về mặt tư liệu cho việc biên soạn sách Nhất thống chí sau này. Vì trong các bộ Dư địa chí, bao giờ cũng có mục biên khảo về các Đền – Miếu của các địa phương.
Tháng Giêng năm Ất Mùi (1805). Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành dâng cho vua Gia Long, hai quyển Thiên Nam dư hạ tập 天 南 餘 暇 集.
Sách Thiên Nam dư hạ tập này, sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) cho biết: “Thiên Nam dư hạ tập, 100 quyển. Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 14 (1843) sai văn thần Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, văn thư, điển lệ, cao sắc, đại khái phỏng theo Hội điển các triều Đường, Tống:
“Xét Thiên Nam dư hạ tập, từ sau đời Lê Trung hưng, cả bộ tản mát, mười phần chỉ còn một, hai phần, tuy các triều vẫn tìm mua, nhưng khó mà thu nhặt được. Đời Cảnh Hưng, năm Mậu Tý (1768), Tĩnh Vương [Trịnh Sâm] thu kiếm được độ hơn 20 quyển, đến khi loạn lạc lại gặp binh hỏa cháy mất. Nay các Cố gia[8], còn giữ được, tôi được trông thấy chỉ độ bốn, năm quyển thôi. Sách điển chương của một triều đại làm khuôn phép đời đời mà mất mát như thế, có đáng tiếc không?”[9].
Tháng 8 năm Ất Sửu (1805), triều đình nhà Nguyễn lại hạ lệnh cho các địa phương đo đạc đường quan và các đường thủy bộ thường đi lại; phàm thôn xóm xa gần, quán xá dày thưa, cho đến sông bến cầu đò, núi khe rừng rú, cùng những nơi danh thắng cổ tích, có bằng chứng ghi chép thì đều biên lấy làm bản tâu lên[10].
Đây là đợt điều tra tư liệu địa phương cuối cùng để biên soạn bộ sách Nhất thống dư địa chí của triều Nguyễn. Vì lẽ, sách Đại Nam thực lục cho ta biết: “Tháng 11 năm Bính Dần (1806): Sách Nhất thống dư địa chí làm xong. Trước là Vua sai Thượng thư Binh bộ Lê Quang Định kê cứu sách vở bản đồ cả nước, các thành, dinh, trấn, đạo từ Kinh sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn (Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Gia Định trấn, Phiên Trấn, Trấn Biên, Nghệ An, Thanh Hoa, Thanh Bình, Bắc Thành, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng), phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép, soạn làm 10 quyển. Sách làm xong, [Lê] Quang Định trình biểu để dâng”[11].
Sách này tên chính thức là: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 皇 越 一 統 輿 地 志, 10 quyển, gồm có 2 phần:
- Phần thứ nhất gọi là Dịch lộ: ghi rõ đường đi, lâu chóng, dài ngắn, từ Kinh thành Phú Xuân (Huế) vào đến Gia Định và từ Kinh thành ra đến Thăng Long rồi đến mãi Mục Nam quan (từ quyển 1 đến quyển 4).
- Phần thứ hai gọi là Thực lục, ghi chép rõ đường đi ở các trấn, từ đường cái quan đi ra, lấy lỵ sở các trấn làm nơi bắt đầu (từ quyển 5 đến quyển 10). Ngoài ra, còn nói rõ chiều dài từng dặm (lý 里), từng tầm 尋, dùng trong sách như thế nào. Còn về phong tục tập quán, thổ sản thì chỉ nói sơ qua.
Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là một bộ địa lý - lịch sử đầu tiên của Vương triều Nguyễn. Bộ sách này cũng là bộ địa lý - lịch sử đầu tiên ghi chép về toàn bộ đất nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Sách tuy biên soạn sơ lược theo lối địa lý - lịch sử cổ, nhưng về dịch lộ, đường đi và các trạm dịch thì khá chính xác, rõ ràng.
Mặc dù, các bộ sử của nhà Nguyễn không ghi chép cụ thể sự đóng góp của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành vào việc biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, nhưng chúng ta đã thấy công sức không nhỏ của ông trong việc chuẩn bị tư liệu cho bộ sách, thông qua những dòng ghi chép của bộ Đại Nam thực lục, chúng tôi vừa dẫn ở trên.
Bằng chứng của việc Nguyễn Văn Thành tham gia “chuẩn bị tư liệu” cho Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, cũng được Nguyễn Gia Cát viết trong bài Tựa, như sau: “Kính nghĩ: Hoàng thượng, tự mình coi muôn việc, để lòng nơi thiên hạ, mới giao cho Thượng thư bộ Binh là Mẫn Chính hầu Lê Quang Định sức cho các trấn quan ghi chép đo đạc đường sá, chia đặt dịch trạm, thời gian đi đường châm chước, cứ lấy nửa ngày làm mốc theo sức của người bình thường, lại còn kê rõ lộ trình trong hạt mình, tổng hợp lại để làm thành sách.
Phàm sự khó dễ của núi sông, gần xa của đường sá, giới hạn của bờ cõi, nguồn gốc của biển sông, cho đến cầu kè chợ điếm, phong tục thổ sản, nhất nhất đều ghi vào, làm thành 10 quyển”[12].
*
* *
Để tạm kết bài luận văn này, chúng tôi xin rút ra đây mấy nhận xét như sau:
1. Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành từ năm 1802 đến năm 1810, trong thời gian ấy, nhà Nguyễn đang cố gắng hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trên các lĩnh vực: xã hội, hành chính, kinh tế, văn hóa… Để giúp cho việc cai trị đất nước tốt hơn, nhất là vùng đất Bắc thành, đất rộng, người đông, tiền của nhiều lại “mới về” với triều đình, vua Gia Long nhận thấy cần nhanh chóng biên soạn một bộ Nhất thống dư địa chí đầu tiên của vương triều.
Sử triều Nguyễn ghi chép rõ các quan đứng đầu 11 trấn (5 nội trấn, 6 ngoại trấn) Bắc thành phải điều tra kỹ lưỡng và ghi chép rõ ràng theo các mục của sách Dư địa chí để nộp cho triều đình. Rõ ràng, công việc này, người đầu tiên chịu trách nhiệm có tính chất chung, toàn cục là vị quan Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành. Tiếc rằng, sau vụ án oan sai vào tháng 5 năm Đinh Sửu (1817), Nguyễn Văn Thành buộc phải tự sát, sử thần nhà Nguyễn và kể cả Nguyễn Gia Cát (1760- ? )[13], người viết lời Tựa cho bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, sợ liên lụy, không dám nhắc tới tên ông trong quá trình làm bộ sách trên.
2. Nguyễn Văn Thành, vốn xuất thân võ tướng, nhưng là người yêu thích văn học, nên ông thường kết giao với các danh sĩ Bắc Hà như: Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ, Cao Huy Diệu, v.v… Bản thân ông lại được vua Gia Long sai soạn bài Tế trận vong tướng sĩ nổi tiếng. Điều đó, cho thấy khi làm Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành đã lưu tâm tới việc biên soạn bộ Dư địa chí để giúp cho việc cai trị vùng đất mà ông được giao phó trách nhiệm là điều cũng dễ hiểu.
3. Nhìn nhận một cách khách quan, trong thời kỳ làm quan với triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1817, Nguyễn Văn Thành đã có nhiều đóng góp đối với lịch sử dân tộc, cụ thể là trên các lĩnh vực: ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế, bồi trúc đê điều, xây dựng các công trình văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội…
Vì thế, chúng tôi cho rằng Nguyễn Văn Thành xứng đáng được tôn vinh là “Danh nhân lịch sử của dân tộc vào đầu thế kỷ XIX”, và cần được hậu thế chúng ta ghi nhận và biết ơn./.
[1]. Tứ khố toàn thư 四 庫 全 書: Sách làm xong vào năm Càn Long thứ 37 (1772), chia toàn bộ thư tịch của Trung Quốc làm 4 loại là Kinh - Sử - Tử - Tập. Kinh bộ là những bộ sách kinh điển của đạo Nho như: Thi - Thư - Lễ - Dịch - Xuân Thu… Sử bộ là những bộ sử như: Sử ký, Hán thư, Tam quốc chí… Tử bộ là các bộ sách của các nhà tư tưởng như: Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh, Mặc tử, Tuân tử… Tập bộ là những bộ sách về văn nghệ, tiểu thuyết, v.v…
[2]. Từ Nguyên: tập Sửu, bộ Thổ.
[3]. An Nam chí 安 南 志 của Cao Hùng Trưng. Nhưng có nhiều người gọi nhầm là An Nam chí nguyên.
[4]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 572.
[5]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 573.
[6]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 574.
[7]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 588.
[8]. Cố gia: Các nhà học hành và hiển đạt lâu đời.
[9]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1962, tập 4, tr. 43.
[10]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 639.
[11]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 684.
[12]. Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu. Nxb Thuận Hóa - Huế 2005, tr. 11.
[13]. Nguyễn Gia Cát 阮 嘉 吉 (1760- ? ): hiệu Địch Hiên, người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Đỗ Tiến sĩ Chế khoa xuất thân Khoa Đinh Mùi (1787). Làm quan với Tây Sơn, đến Đốc học Bắc thành. Sau làm quan với nhà Nguyễn, đến chức Tả tham tri Lễ bộ, tước Quỳ Giang hầu. Trong đời Gia Long (1802-1819), ông từng đi sứ sang nhà Thanh. Tác phẩm có Hoa trình thi tập.