LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành với việc chấn chỉnh bộ máy quản lý và phong tục làng xã ở Bắc Thành đầu Thế kỷ XIX

      PGS.TS Nguyễn Duy Mền - Viện Sử học    

  1. Về thời gian làm Tổng trấn Bắc Thành của Nguyễn Văn Thành

Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Ánh - con trai của Nguyễn Phúc Luân, hậu duệ của dòng dõi chúa Nguyễn đã nhờ sự trợ giúp của phương Tây và quân Đông Sơn ở Nam Bộ, tiêu diệt triều Tây Sơn, thành lập ra triều đại mới- triều Nguyễn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long. Đây là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, các vua Nguyễn cai trị một đất nước thống nhất tương đối hoàn chỉnh về lãnh thổ từ Mục Nam Quan đến Hà Tiên. Song nhà Nguyễn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm đã làm hao tổn sức dân, sản xuất nông nghiệp đình trệ, nông dân lưu tán khắp nơi, cuộc sống muôn vàn cơ cực. Nhiều Nho sĩ Bắc Hà đều không thuận phục, thể hiện sự bất hợp tác với tân triều.

Bộ máy chính quyền Nhà nước trung ương- triều đình dưới thời Gia Long được chia thành: lục bộ- viện- tự- các khoa đạo. Hệ thống chính quyền địa phương gồm: kinh đô Huế và phủ Thừa Thiên; các trấn, trấn thành- (năm 1802, các trấn ở Bắc Hà lập ra Bắc Thành; năm 1808 trấn Gia Định, đổi là Gia Định Thành ở Nam Hà, Nguyễn Văn Nhân được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành đầu tiên). Dưới đơn vị trấn là phủ- huyện (châu)- tổng- xã- sách (động ở miền núi). Nhà nước cũng đã sử dụng quan văn trong bộ máy chưa nhiều, do giáo dục Nho học chưa được mở rộng, còn nhiều hạn chế. Vai trò của các võ quan rất được đề cao. Trước tình hình đó, suốt những năm đầu triều Gia Long đều phải duy trì một bộ máy chính quyền mang tính chất quân quản. Bộ máy chính quyền chủ yếu dựa vào những võ quan cai trị.

           Năm 1802, sau khi đã thiết lập được chính quyền, vua Gia Long cho đổi dinh thành trấn, “lấy Tả quân Quận công (Lê Văn) Duyệt làm Tổng trấn Gia Định, Tổng chưởng quân vụ và dân thứ vụ các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh sau lại có Hà Tiên làm phụ trấn”. Đồng thời cũng vào tháng 9 năm 1802 nhà vua cũng cho lấy Trung quân Quận công Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, trấn lỵ đóng tại thành Thăng Long.

       Tổ tiên của Nguyễn Văn Thành vốn người xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, đến đời cha là Hiền lại chuyển cư vào Gia Định. Cha con Nguyễn Văn Thành sớm theo giúp chúa Nguyễn Ánh, riêng Nguyễn Văn Thành đã lập được nhiều công lao trong các trận chiến chống lại nghĩa quân Tây Sơn, giành lại chính quyền cho nhà Nguyễn. Có lẽ vì thế và cũng do “Thành biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng vua trọng Thành hơn, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán”. Tháng 7, quân nhà vua đã lấy được Bắc Thành, mà Thăng Long lại là một trọng địa của Bắc Thành, nên cần được trọng thần để trấn thủ. Vì thế vào tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802), khi xa giá sắp hồi kinh, vua Gia Long đã cho triệu Nguyễn Văn Thành đến và giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành. Ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc vào cả (gồm 5 nội trấn: Sơn Nam Thượng - Sơn Nam Hạ - Kinh Bắc - Hải Dương - Sơn Tây; 6 ngoại trấn: Cao Bằng - Tuyên Quang- Thái Nguyên - Yên Quảng - Lạng Sơn - Hưng Hóa). Phàm các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tùy mà làm rồi sau mới tâu. Lại cho đặt ba tào Hộ, Binh, Hình ở Bắc Thành. Hộ bộ do Nguyễn Văn Khiêm, Binh bộ Đặng Trần Thường, Hình bộ Phạm Như Đăng đảm lãnh các tào ấy, theo giúp quan Tổng trấn để xét biện công việc [1].

        Sau đó, vua Gia Long còn Dụ rằng: “Việc Bắc Thành đều giao cho ngươi (Nguyễn Văn Thành) cả”. Như vậy, Tổng trấn Bắc Thành có quyền thay mặt vua giải quyết mọi việc xử trị binh, dân, thuế khóa, đảm bảo trị an trong các trấn thống thuộc được quyền “tiền trảm hậu tấu” (chém trước tâu sau).

        Theo Sử Đại Nam thực lục: tháng 11 năm Bính Dần Gia Long thứ 5 (1806) vua cho triệu Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, Hình bộ Phạm Như Đăng và Án trấn Quy Nhơn Nguyễn Hoàng Đức về kinh chiêm cận. Sai Phó tướng Trương Tấn Bửu quyền lãnh công việc Bắc Thành.. Đến tháng 2 năm Đinh Mão Gia Long thứ 6 (1807), cho Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, Hình bộ Phạm Như Đăng và Án trấn Quy Nhơn Nguyễn Hoàng Đức về lỵ sở nhận việc [2].

        Mùa xuân Canh Ngọ, năm Gia Long thứ 9 (1810), Nguyễn Văn Thành có tang mẹ, tâu xin đưa quan tài về táng ở quê, vua y cho. Lấy Nguyễn Hoàng Đức làm Tổng trấn Bắc Thành, thay cho Nguyễn Văn Thành. Lê Chất làm Hiệp tổng trấn, Phạm Như Đăng làm Tham hiệp Tổng trấn[3].

      Trên đường Nguyễn Văn Thành đưa tang mẹ đến kinh đô Huế có vào chầu vua Gia Long, được vua yên ủi và cho 500 quan tiền trợ tang. Vua khuyên Thành nên táng mẹ ở quê Bác Vọng, không nên táng ở Bình Hòa, Gia Định, Thành nghe theo. Xong việc tang Nguyễn Văn Thành muốn vin lệ tang xin nghỉ 3 năm, vua Gia Long không cho, lại phải đi làm việc ở kinh đô.

      Như vậy, từ những tài liệu lịch sử trên cho biết Nguyễn Văn Thành giữ vai trò làm Tổng trấn Bắc Thành từ tháng 9 năm 1802 đến tháng Giêng năm 1810, tổng cộng thời gian khoảng 8 năm. Trong thời gian đó, Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành đã tiến hành rất nhiều công việc như: đánh dẹp tàn dư quân Tây Sơn, quân phò Lê - Trịnh, bọn trộm cướp để an dân; thống nhất đơn vị đo lường (1804); lập sổ  điền (sổ ruộng – 1805 - với việc làm sổ điền quy mô như lần này, nên số lượng lớn sổ điền còn để lại đến ngày nay, giúp các nhà nghiên cứu có tài liệu để nghiên cứu chế độ sở hữu ruộng đất thời Gia Long và thời Nguyễn); dựng Khuê văn các (biểu tượng của Nho học) ở Văn miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội (1805); đổi bổ sổ đinh thường hành (1807); tấu trình để năm Gia Long thứ 8 (1809) ban hành điều lệ đê chính (8 điều).. Tất cả những việc làm đó tạm thời giữ được sự ổn định đời sống dân cư và cương thổ phía Bắc của đất nước. Đặc biệt trong đó, Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành đã có đóng góp quan trọng đối với các làng xã thuộc các trấn Bắc Thành.

2. Chấn chỉnh bộ máy quản lý và phong tục làng xã

      Trong thời gian Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành vẫn cho duy trì cách thức tổ chức bộ máy hành chính ở làng xã như thời nhà Lê- Trịnh. Xã vẫn là đơn vị hành chính cơ sở. Một xã có thể là một làng- “nhất xã nhất thôn”, hoặc một xã gồm từ 2 đến 3, 4, 5 làng. Đứng đầu xã là Xã trưởng, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thu thuế, binh dịch và dao dịch; đồng thời phải giữ được trật tự trị an làng xã. Xã trưởng cũng chính là người đại diện của xã dân đối với Nhà nước quân chủ Nguyễn. Giúp việc Xã trưởng gồm có Xã sử, Xã tư, Xã khán (chức Phó), Trương tuần đảm trách việc tuần phòng giữ gìn trật tự an ninh trong làng xã.

       Đơn vị hành chính trên cấp xã, dưới cấp huyện là cấp tổng. Một tổng có thể gồm 3, 4 hay 5, 6, 7 xã hợp thành. Đứng đầu tổng là Tổng trưởng hay Cai tổng[4], giúp việc có Phó tổng, Tuần tổng.

      Tháng 3 năm 1806, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành ra lệnh cho các xã thuộc Bắc Thành bãi bỏ chức Tuần tổng mà đặt Hương hào, đều dùng người bản thổ để làm. Vì Hương hào là người địa phương, lại có thế lực ở làng xã nên họ biết rõ dân tình ngay, gian và những bọn trộm cướp bất hảo. Nhưng vào tháng 7 năm đó, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành lại cho bãi chức Hương hào, có lẽ do lợi bất cập hại, mà đặt lại chức Chánh Phó trưởng tổng. Để tiện cho công việc và thực thi công vụ đạt hiệu quả, Tổng trấn Bắc Thành đã cấp triện gỗ cho Xã trưởng và Cai tổng. Cai tổng chịu trách nhiệm kiểm sát gian phi, Phó tổng đốc thúc việc điền, lương, thuế. Việc điều chỉnh chức danh cấp tổng kịp thời đã giúp các Trấn thủ và Tổng trấn kiểm soát được các làng xã Bắc Hà chặt chẽ và việc thực hiện ba nghĩa vụ lớn về thuế, phu, lính của người dân đối với Nhà nước đạt hiệu quả hơn.  

      Năm 1803, sau một năm làm Tổng trấn Bắc Thành, Nguyễn Văn Thành đích thân đến nhiều địa phương để tìm hiểu dân tình, đồng thời nghe các quan Trấn thủ  báo cáo tình hình các trấn, đã thân định ra “điều ước Bắc Hà”, nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý dân chúng trong các làng xã thuộc hạt, vốn còn nhiều nghi ngại, thậm chí một số nơi còn chống đối, chưa sẵn sàng hợp tác với tân triều. Tài liệu lich sử cho đến nay chưa cho biết rõ nội dung điều ước Bắc Hà ra sao? Nhưng có lẽ dựa vào các bản tấu trình và “điều ước Bắc Hà” của Tổng trấn Bắc Thành, mà năm 1804, vua Gia Long đã “Định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà” và cho in thành sách (trong đó có 4 điều, 12 tờ[5]) ban hành, nhằm phổ cập giáo hóa, sửa đổi phong tục các làng xã Bắc Hà.

         Ngay từ khi mới lên ngôi, năm 1802 vua Gia Long đã có dịp bàn về việc trị dân, trong đó có nói đến giáo hóa và hình phạt, cho rằng : dân trong nước vừa trải qua loạn lạc, sinh nhiều thói xấu đã lâu, chưa tin vào giáo hóa của triều đình (Nguyễn). Trong khi đó không thể dùng hình phạt để thay đổi phong tục, cho nên đạo trị dân giáo hóa vẫn nên làm trước. Dạy cho dân lễ nghĩa, dần dần dân phong (phong tục của dân) mới ngay ngắn lại được.

          Năm 1804, vua Gia Long ban chiếu, trong đó coi “nước là hợp các làng mà thành...vương chính lấy làng làm trước”. Gần đây do giáo dục trễ nải, chính sự suy đồi, làng không tục hay. Phàm lễ cưới xin, ma chay và thờ thần Phật nhiều việc lấn lễ, quá trớn. Nhân đó bọn Hào mục đục khoét; khiến người cùng dân phải xiêu dạt. Vì thế nên phải châm chước, bỏ chỗ quá đáng, lập lệ định cho hương đảng (làng xã) Bắc Hà. Theo Đại Nam thực lục thì Tổng trấn Nguyễn Văn Thành định “Điều lệ hương đảng” gồm 5 điều:

         1- Về tiết ăn uống: không nên vin vào lệ làng để họp nhau chè chén tiêu phí tiền của một bữa ít nhất là 3-4 quan, nhiều là hơn 10 quan, thu lạm vào thuế rồi quy oán cho quan ty và bóc lột dân nghèo. Từ nay về sau nếu xã dân có việc công phải họp bàn chỉ cho dùng trầu cau làm lễ, cấm dùng rượu thịt.

         2- Về lễ vui mừng: khi có người thi cử đỗ đạt hoặc nhận được bằng sắc, người làng vin vào tục lệ đòi khao đãi ăn uống, có người đền xong khoán làng (trả nợ miệng) thì mất hết gia sản, làm ăn lụi bại. Từ nay các lễ vui mừng, việc lớn thì dùng lợn, xôi. Nếu chủ sự không có thì nộp thay bằng 3 quan tiền. Việc nhỏ thì dùng xôi gà hoặc nộp thay bằng 1 quan 6 tiền. Dân làng phải thương yêu nhau. Chức dịch không được vũ đoán trong làng.

          3- Về lễ giá thú: “Hôn lễ là đầu mối của đạo làm người”, lễ cưới nên châm chước trong sáu lễ (nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh). Tiền cheo nộp cho Hương trưởng, người giầu thu 1 quan 2 tiền, người vừa thu 6 tiền, người nghèo thu 3 tiền. Nếu con gái lấy chồng làng khác thì tiền cheo thu gấp đôi. Nếu (người con gái) “chửa hoang thì phạt gian phụ 30 quan, cha anh 3 quan để giữ phong hóa”.

          4- Về việc tang tế: gần đây có làng đặt ra khoán lệ quá nặng. Nhân đám tang đua nhau bày ra cỗ nhiều món tốn phí, danh là báo hiếu, thực trả nợ miệng. Người giàu thì vượt phận khoe mẽ. Người nghèo thì vay mượn cầm cố mất nghiệp. Từ nay người có tang dân làng nên giúp nhau đừng vì: “một người chết mà muôn người say”. Người giàu giúp của, người nghèo thì giúp sức. Tế, táng, điếu, phúng đều theo như gia lễ của Chu Công. Không gắng theo tục. Cỗ bàn nhiều ít tùy ở tang chủ, không được vin lệ đòi hỏi, hạch sách gây khó cho tang chủ. Việc chọn đất đặt mộ là phận sự của người con hiếu, cốt sao làm bền quan quách, để ấm đất đai. Không cần phải tìm long mạch để cầu kết phát, hư hão. Nghiêm cấm những tin phao đồn nhảm rồi làm càn, mắc họa.

          5- Về việc thờ thần Phật: gần đây có kẻ mượn cớ thờ thần Phật cho xây miếu vũ, cửa ngăn, nóc chồng, chạm xà, vẽ cột, tế khí, nghi trượng trang sức vàng bạc lộng lẫy. Nhân tế Xuân- Thu vào đám hát xướng vài chục ngày đêm, ít thì tám chín ngày đêm; ăn uống xa phí thưởng lèo vô số, tiêu không tiếc tiền của, bắt dân đóng góp, hao của tốn tiền. 

          Từ nay trở đi các vị thần có công đức muốn làm lễ tế bằng trâu, bò thì phải làm đơn xin quan phủ, huyện xét đáng mới cho. Miếu vũ trùng tu hoặc làm mới thì chỉ cho làm một gian nội từ và ba gian trung đường, cột không được chạm khắc sơn vẽ. Miếu không được gọi là điện. Các đồ nghi trượng, tế khí không được sơn son thiếp vàng (lấn lễ). Vào đám hát xướng hàng năm chỉ cho một ngày đêm, thưởng lèo không được lạm phí.

          Khuyến cáo việc thờ Phật nên hiện thực hướng vào bậc quân vương là Phật hiện thời (đề cao đạo Nho- quân chủ) và cha mẹ- Phật sinh thành, không nên cầu Phật viển vông. Từ nay chùa quán đổ nát mới được tu bổ. Việc làm chùa mới tô tượng, đúc chuông, đàn chay hội chùa đều cấm. Sư sãi chân tu thì Lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh, quán chỉ để quan trấn biết rõ.

         Trong dân gian cấm đồng cốt, tà thuật, nếu quen giữ thói cũ tất bị nghiêm trị.

          Từ nay dân các xã, tổng nào có nhà thờ đạo Gia tô đổ nát thì phải làm đơn trình quan trấn mới được tu bổ, việc dựng nhà thờ mới đều cấm.

          Những điều trên đây, đều là khuyên dân các làng xã Bắc Thành nên đổi lệ cũ (hủ tục), kính giữ giáo điều. Nếu họ cứ quen thói làng, can phạm phép nước, có người phát giác thì Xã trưởng phải lưu dày đi viễn châu; dân hạng, nếu nặng thì sung phu dịch, nhẹ thì xử roi hay trượng, để bớt tổn phí cho dân mà giữ được phong tục thuần hậu. Sau khi các điều lệ định trên được ban bố, các làng xã Bắc Thành dần dần đã hướng theo quỹ đạo quân chủ nhà Nguyễn.

         Từ những điều trình bày trên, cho thấy những đóng góp hết sức quan trọng và to lớn của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành đối với việc tăng cường chấn chỉnh kịp thời bộ máy quản lý làng xã và bộ máy trung gian là cấp tổng, cùng với vệc định ra điều lệ cho các làng xã Bắc Thành đã giúp vua đầu triều Nguyễn, Gia Long duy trì được quyền lực và giữ vững được sự ổ định tương đối của các làng xã ở Bắc Thành trong thập niên đầu của thế kỷ XIX. Cũng chính trong thời gian khoảng 8 năm làm Tổng trấn Bắc Thành đã giúp Nguyễn Văn Thành tích lũy thêm được nhiều kiến thức thực tiễn (cả về làng xã) vô giá, đặng giúp ông với vai trò làm Tổng tài, cùng Trần Hựu, Vũ Trinh đã hoàn thành bộ Hoàng Việt luật lệ- (Bộ luật Gia Long- một di sản văn hóa lớn của nhà Nguyễn) trong thời gian hai năm 1811-1812. Lịch sử nhà Nguyễn không thể không ghi nhận đóng góp về văn hóa lớn lao đó của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành.

       Tuy nhiên, thực tế lịch sử cũng cho chúng ta thấy rằng: chế độ Thành- Bắc Thành, Gia Định Thành thống thuộc gồm các dinh- trấn- đạo mang tính chất tạm thời, thiếu sự thống nhất đồng bộ, thể hiện tình trạng phân quyền thiếu sự tập trung. Nếu việc duy trì chế độ quản lý hành chính mang tính chất quân quản lâu dài thì e rằng nhà vua và triều đình khó bề kiểm soát các trấn thành. Quyền lực của các viên Tổng trấn thành ngày một lớn giống như “đuôi to khó vẫy”. Trên thực tế quyền lực của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cũng đã rất lớn. “Mỗi khi [Quận Thành] ra thành, thì cho hét ba tiếng; người đi phải cho tránh ra, người ngồi phải đứng dậy. Bấy giờ trong số Chưởng ngũ quân, Bình tây, Đại tướng, duy có ông  (Lê Văn) Duyệt và ông (Nguyễn Văn) Thành được cao quý hơn cả. Bắc Thành gọi Quận Thành là “chúa trấn””[6]..

       Như vậy, với sự tồn tại của các “chúa trấn” trên cho thấy bộ máy hành chính trong nước thời Gia Long và 10 năm đầu thời Minh Mệnh còn mang tính quân quản tạm thời, chưa được tổ chức chặt chẽ. Qua đó, thể hiện sự hạn chế của các vua đầu triều Nguyễn trong việc tổ chức hệ thống bộ máy hành chính địa phương, trước yêu cầu quản lý một lãnh thổ đất nước thống nhất (thời bình). Để đáp ứng được nhu cầu xây dựng và mở rộng quốc gia Đại Nam cường thịnh, trường tồn, đòi hỏi nhà vua kế vị là Minh Mệnh phải tổ chức lại, hoặc tiến hành cải cách hệ thống bộ máy Nhà nước, trong đó có hệ thống quản lý hành chính các cấp (nhất là ở địa phương) đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

                                                                  Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2013

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Thúc Trực. Quốc sử di biên. Nxb Văn hóa- Thông tin. H 2009.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn:

  - Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục. H 2002. Tập I.

  - Đại Nam liệt truyện. Nxb Thuận Hóa. Huế  2005. Tập II.                                

3. Viện Sử học. Cổ luật Việt Nam Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Nxb Giáo dục. 2009.

 

 


[1]. Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục. Tập I. Tr 528.

[2]. Về việc Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành bị triệu vào kinh, cũng được chép gần tương tự  trong Quốc Sử di biên của Phan Thúc Trực. Người tạm quyền thay Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Tiến Bảo. Theo Quốc Sử di biên , tr 100-103: ngày 24 tháng 11 (mùa đông) Bính Dần năm Gia Long thứ 5 (1806), vua triệu Quận Thành vào chầu. Cho Phó tương Long Vân hầu Nguyễn Tiến Bảo tạm làm Tổng trấn Bắc Thành. Đến ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mão Gia Long thứ 6 (1807) Quận Thành từ kinh về Bắc Thành, tiếp tục đảm trách chức Tổng trấn Bắc Thành.

[3]. Đại Nam thực lục. Sđd. Tr 780.

[4]. Cai tổng: chức đứng đầu một tổng vào triều Nguyễn. Đến đời vua Hàm Nghi (1885) và Đồng Khánh (1886 – 1888) ở ngôi báu, vì tránh tên húy cha là Nguyễn Hồng Cai, nên đổi thành Chánh tổng.

[5]. Quốc sử di biên. Sđd. Tr 68.

[6]. Quốc sử di biên. Sđd. Tr 98.