LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành với việc thành lập cơ quan biên soạn quốc sử của triều Nguyễn

TS. Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học

I. Nhu cầu thành lập cơ quan biên soạn Quốc sử của triều Nguyễn

Trước khi triều Nguyễn thành lập, tuy ở Việt Nam đã có các sử quan với hai cơ quan làm sử là Quốc sử viện và Sử quán, đặc biệt lại có sự tiếp thu những ảnh hưởng tích cực của Quốc sử quán Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh lịch sử mới, thì việc phải có ngay một cơ quan viết sử chuyên biệt của triều đại Nguyễn đã trở thành một nhu cầu cấp bách.

Trải qua hơn 200 năm nội chiến kéo dài, đất nước bị chia cắt cùng với những năm tháng cuối cùng chống chọi với nhà Tây Sơn, triều Nguyễn ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn khá nhiều phức tạp về chính trị.

Năm Nhâm Tuất (1802), vương triều Nguyễn được thiết lập, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long. Đại Nam thực lục ghi về sự kiện trọng đại này như sau: “Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ 1 (1802), mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 1, Canh Ngọ, lập đàn ở đồng An Ninh hợp tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu[1]. Lần đầu tiên trong lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam, triều Nguyễn được quản lý một đất nước rộng lớn và thống nhất chạy dài suốt từ Mục Nam Quan đến Hà Tiên, nên các vua nhà Nguyễn đều ý thức xây dựng cho mình một vương triều vững mạnh.

Dù đất nước đã thống nhất, được quyền quản lý cả một lãnh thổ rộng lớn, nhưng trước tình hình chính trị ở mỗi miền vẫn còn khác nhau, không tạo nên những thuận lợi cho triều Nguyễn trong buổi đầu dựng nghiệp, nhưng các vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là vua Gia Long đã tìm mọi cách sớm ổn định tình hình để bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết quốc gia.

Công việc của một Nhà nước mới được thành lập trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX vô cùng bộn bề và phức tạp. Xã hội Việt Nam đang có những biến chuyển mới, nhu cầu bức thiết lúc bấy giờ là đòi hỏi phải chỉnh đốn và kiện toàn đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hoá giáo dục để phù hợp với xu thế lịch sử đang đặt ra cho vương triều Nguyễn. Gia Long đã phải ứng xử như thế nào, nhằm vừa giữ vững, ổn định được cơ nghiệp đế vương của dòng họ Nguyễn, vừa đẩy mạnh được công cuộc chấn hưng đất nước trong buổi đầu thành lập vương triều.

Gia Long cho kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước từ Trung ương tới các cấp địa phương, đặt mới và bổ sung thêm nhiều cơ quan và các chức quan. Lúc này, ở Trung ương triều Nguyễn, tuy vẫn theo quan chế của nhà Lê, song cũng có thay đổi như bỏ chức Tể tướng, tập trung quyền lực vào nhà vua. Bộ máy hành chính địa phương gần như giữ nguyên cách tổ chức cũ của các chúa Nguyễn (miền Nam) và của triều Lê - Trịnh (miền Bắc), chia cả nước thành 27 trấn, doanh[2].

Sau một thời gian dài loạn lạc, đất nước thường xuyên trong tình trạng bất ổn định, nên vấn đề phục hồi kinh tế được đặt ra hết sức bức thiết cho vương triều Nguyễn. Khi vừa lên ngôi, Gia Long đã ban hành ngay những chính sách về khẩn hoang, quân điền, thuỷ lợi, tập trung chủ yếu ở miền Nam và miền Trung để phục hồi nền sản xuất nông nghiệp vốn đã sa sút trầm trọng trong nhiều thế kỷ trước.

Với những biện pháp vừa kịp thời vừa tích cực của Gia Long như trên, phần nào đã làm ổn định được về mặt chính trị- xã hội và đời sống nhân dân cũng được cải thiện đáng kể trong những năm đầu triều Nguyễn.

Trên cơ sở ổn định về chính trị- xã hội, kinh tế nhanh chóng được phục hồi và có chiều hướng phát triển, vua Gia Long đã chú ý ngay tới việc tạo điều kiện cho mở mang và phát triển văn hoá. Bài chiếu dụ cựu thần nhà Lê và những Hương cống học trò ban hành vào tháng 7, năm Nhâm Tuất (1802) cho thấy sự quan tâm tới công cuộc chấn hưng văn hoá của triều Nguyễn đã có từ rất sớm: “Nay đảng giặc dẹp yên, võ công cả định, chính là buổi chấn hưng văn hoá, xây dựng trị bình[3]. Như vậy, chính ông vua đầu tiên của triều Nguyễn, ngay từ khi lên ngôi, đã đặt niềm tin vào việc đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hoá, hy vọng thông qua phương thức này có thể khiến cho công cuộc “trị bình” quốc gia sớm thu được thành tựu. Sau này, vua thứ hai nhà Nguyễn là Minh Mệnh (1820-1841), cũng đã từng đau đáu một tâm niệm, than phiền với triều thần: “Trẫm từ lúc lên ngôi tới nay, vẫn lo chấn hưng văn hoá, mà sao nhân tài ít ỏi thế[4].

Trong các lĩnh vực văn hoá được các vua triều Nguyễn chú trọng, sử học là vấn đề được quan tâm trước tiên. Theo quan niệm của Nho giáo Trung Quốc cổ đại và sau này được các nhà Nho Việt Nam tiếp thu, vận dụng vào thực tế, Sử (史) là người làm việc ghi chép. Trong Khang Hy tự điển (康熙字典) dẫn sách Thuyết văn (說文): Sử, Ký sự giả dã (史記事者也), tức là Sử là việc ghi chép, sách Ngọc Thiên (玉篇) cũng chép: Sử, chưởng thư chi quan dã (史掌書之官也), tức là Sử là viên quan giữ việc ghi chép. Xưa kia chữ Sử (史, ghi chép) và các chữ Sử (使, sai khiến), Sự (事, sự việc) vốn là một chữ, về sau mới tách ra. Từ việc tìm cát hung (điềm lành, điềm dữ) trong bói toán, đến việc rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử đều thuộc về Sử. Đồng thời, sử cũng thể hiện mối quan hệ giữa vua và trời, quan hệ giữa vua với dân[5]. Nếu như nắm được sử tức là đã thay trời giáo hoá dân chúng “Đại thiên hành hoá”, xác định chắc chắn ngôi vị thiên tử “chính đế vị”.

Sử học là một công cụ tôn vinh dòng họ, khẳng định tính "chính thống", tạo ra tiền đề để vương triều Nguyễn thống trị đất nước. Điều này được các vua nhà Nguyễn luôn nhắc nhở các sử thần phải ghi nhớ và thường xuyên đưa vấn đề “nhất thống” làm tiêu chí căn bản của sử học. Trong Dụ cử các quan Tổng tài phụ trách Đại Nam thực lục, Tự Đức đã nhắc lại mục đích của việc soạn sách Liệt thánh thực lục (tức Đại Nam thực lục tiền biên) dưới triều Minh Mệnh như sau: “sai quan soạn sách Liệt thánh thực lục, chia ra từng kỷ, từ Thái tổ Gia dụ hoàng đế đến Hiếu định hoàng đế làm Tiền biên, tỏ rõ nguyên uỷ của nước nhà; từ Thế tổ Cao hoàng đế  trung hưng về sau làm Chính biên, để  nêu lớn cái nghĩa nhất thống”[6].

Sử học phải có nhiệm vụ biên soạn thành sách, truyền bá sâu rộng trong tầng lớp quan lại cũng như dân chúng về việc kế thừa chính thống tức tính kế thừa một cách chân chính ngôi báu của các vua triều Nguyễn. Vì vậy, trong các bộ quốc sử quan trọng của triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục hay Đại Nam thực lục đều thấm nhuần nguyên lí cơ bản này. Ngay trong bản tấu nghị do tập thể biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, gồm Tổng tài Phan Thanh Giản cùng Phó Tổng tài, Toản tu dâng lên vua Tự Đức nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất trong công việc làm sử, không gì hơn là làm cho tỏ rõ được chính thống”[7]. Tiếp theo, trong phần Phàm lệ, chúng ta có thể liên tục đọc đựợc những dòng viết về nguyên lí nhất thống, chính thống, do các sử thần đưa ra để khẳng định lịch sử dân tộc, lịch sử triều Nguyễn luôn là một mối, được nối tiếp và kế thừa.

Mặt khác, triều Nguyễn muốn đưa sử học trở thành cầu nối để cố kết chặt chẽ với tầng lớp sĩ phu - những người đã được học tập và bồi dưỡng kiến thức Nho học, nhằm sử dụng họ trở thành nhân tố nòng cốt xây dựng bộ máy Nhà nước quân chủ chuyên chế. Trong đó, Sử cục và sau này là Quốc sử quán - cơ quan biên soạn lịch sử Nhà nước có khả năng thu hút được khá nhiều trí thức trong toàn quốc, đặc biệt là các nhân sĩ Bắc Hà để phục vụ triều Nguyễn. Cho nên, việc lập ra một cơ quan biên soạn sử học nhằm thu hút, tập trung các sĩ phu, là một trong những việc làm cần thiết, không những chỉ để chấn hưng văn hoá, mà còn là nhu cầu chính trị phục vụ trực tiếp cho vương triều Nguyễn.

Ý thức được vai trò của biên soạn Quốc sử trong bối cảnh đương thời, nên các quần thần trong triều Nguyễn đã hết sức cổ vũ, đề cao lịch sử. Trong bài Biểu của các quan Nội các, tấu xin ấn hành bộ Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức đã nêu rõ: “Chúng tôi trộm nghĩ, trong những lĩnh vực văn hoá có uy thế lớn lao thì sử là một, hễ chê trách thì dương uy búa rìu, hễ khen ngợi thì rạng ngời hoa cổn[8].

Như vậy, biên soạn quốc sử là công việc trọng đại của một quốc gia, khẳng định tính chính thống của một vương triều, đây chính là tuyên ngôn của các triều đại phong kiến khi thành lập cơ quan biên soạn quốc sử, mà triều Nguyễn là đại biểu xuất sắc nhất.

Chính từ những lý do trên, cơ quan biên soạn Quốc sử triều Nguyễn (Sử cục và sau này là Quốc sử quán) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về văn hoá cũng như chính trị đặt ra sau khi ổn định, thống nhất đất nước.

 

 

II. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành - Tổng tài đầu tiên của Sử cục

II.1. Vài nét về Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành

            Nguyễn Văn Thành, người xã Bác Vọng, tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, huyện Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Cụ nội (Tằng tổ) là Nguyễn Văn Toán chuyển vào đất Gia Định, đến đời Ông nội (Tổ phụ) là Nguyễn Văn Tính lại dời đến vùng đất Bình Hòa. Thân phụ của ông là Nguyễn Văn Hiển lại chuyển về Gia Định.

            Nguyễn Văn Thành được các Sử thần của triều Nguyễn miêu tả: “Thành trang mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ…”[9]. Nguyễn Văn Thành là một trong những công thần từng lập nhiều công tích lớn trong giai đoạn trước khi thành lập triều Nguyễn (1802) và đặc biệt góp phần xây dựng tích cực trong triều vua Gia Long (1802-1819). Triều Nguyễn ra đời, Nguyễn Văn Thành đã được vua Gia Long tin tưởng trọng dụng giao cho chức Tổng trấn Bắc Thành, một chức vụ quan trọng của triều Nguyễn đương thời: “Nhâm Tuất, Gia Long năm thứ  nhất (1802), mùa thu, tháng 9…Bàn đặt chức Tổng trấn Bắc ThànhVua dụ bề tôi : “ …Duy đất Bắc Hà vừa dẹp yên, dân vật đều mới, mà thành Thăng Long lại là nơi quan trọng của Bắc Hà, cần có trọng thẩn để trấn giữ mới được[10]. Triều đình quyết định : “Lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc. Phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng, đều được tùy mà làm rồi sau mới tâu …”[11]. Nguyễn Văn Thành được giao chức Tổng trấn Bắc Thành với địa bàn cai quản rộng lớn suốt từ Lạng Sơn đến Ninh Bình, gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, có quyền hành rất to như một viên Đại tướng cầm quân ra trận có thể “tiền trảm hậu tấu” (chém trước, tâu sau). Quả thật, vua Gia Long đã không lầm khi chọn Nguyễn Văn Thành để trao cho trọng chức vào buổi đầu dựng xây vương triều Nguyễn với bao khó khăn chồng chất, nhất là tại Bắc Hà “nơi trọng trấn ”,  “nơi đất cũ của triều Lê”. 

            Trong thời kỳ cai quản Bắc Thành, Tổng trấn họ Nguyễn đã thực thi được nhiều công việc trọng đại trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa… Theo thống kê, có lẽ Nguyễn Văn Thành là một vị Tổng trấn có nhiều kiến nghị hữu ích đối với việc củng cố và xây dựng thể chế vương triều Nguyễn. Ông đã không ít lần dâng sớ lên vua Gia Long vào các năm 1807, 1808, 1810, 1812 (riêng năm 1810 có ba lần: Tháng giêng, tháng 7 và tháng 10). Những bản kiến nghị công khai hay bí mật (thường gọi là dâng thư kín) đều là những vấn đề quan thiết trực tiếp đến tình hình quan lại, cuộc sống dân chúng ở Bắc Hà… Như bản tấu vào mùa xuân, tháng giêng năm Gia Long thứ 9 (1810), nội dung nhằm đưa ra những hình thức kịp thời cứu đói cho dân Bắc Thành: “Nguyễn Văn Thành dâng sớ nói: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm. Xin bàn cách phát chẩn và cho vay, để đỡ túng ngặt cho dân, cấm chọn tiền để dân tiêu dùng được dễ”[12]. Hay bản tâu kín vào mùa đông tháng 10 có 4 điều : sung bổ dân chúng không kể nội hay ngoại tịch, khai thác nguồn lợi mỏ đồng Tụ Long, Định rõ điều lệ cấm thuế cửa ải, bến đò, tạo thuận tiện cho khách buôn, Xin đổi sổ thường hành ở Thanh Hóa, Nghệ An[13]

            Sử thần khi chép những lần dâng bản tấu, sớ của Nguyễn Văn Thành trong bộ Đại Nam thực lục, thường đều ghi bên dưới những câu như: “Vua khen phải và nhận”, “Vua đều theo lời” hay “Sớ tâu vào, vua sai châm chước bàn làm”… Chưa lần nào sử chép vua bác đi hay không nhận cả.

Có thể nhận thấy, thời kỳ làm Tổng trấn Bắc Thành, Nguyễn Văn Thành bằng tài năng xuất chúng và tấm lòng trung quân, thương dân đã giành được niềm tin tuyệt đối của vua Gia Long. Ông thường xuyên được nhà vua mời vào bàn luận những việc trọng yếu quốc gia. Vị quân vương khai sáng triều Nguyễn từng đánh giá rất cao về Nguyễn Văn Thành như sau: “Văn Thành từ lúc trẻ theo Trẫm có công lao to ”[14] và ông cũng được triều Nguyễn và cá nhân vua Gia Long hậu đãi xứng đáng “Trẫm từ lúc đất một thành, binh một lữ, gian nan trăm trận để có ngày nay không phải là dễ dàng. Nguyễn Văn Thành ngôi cao nhất trong bầy tôi… ”[15]. Tác giả Phan Thúc Trực trong tác phẩm Quốc sử di biên[16] đã cung cấp thêm cho người đọc những chi tiết, nhận định về vị trí và chức quyền to lớn của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành: “Mùa xuân, Tháng 3, năm Bính Dần thứ 5 (1806), Cho Quận Thành lập quân tiền hô. Vệ binh cầm nghi trượng, chọn lấy những người đủ tiêu chuẩn to lớn, đẫy đà, sức vóc khỏe mạnh, cao 3 thước 7 tấc, đều cho đội mũ đầu hổ, mặc áo bào gấm, đi ủng đen gọi là Quân tiền hô. Mỗi khi [Quận Thành] ra thành thì cho hét ba tiếng, người đi phải cho tránh ra, người ngồi phải đứng dậy. Bấy giờ, trong số Chưởng ngũ quân, Bình Tây, Đại tướng, duy có ông Duyệt [Lê Văn Duyệt] và ông Thành được cao quý hơn cả. Bắc Thành gọi Quận Thành là Chúa trấn[17]

II.2. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành - Tổng tài đầu tiên của cơ quan biên soạn Quốc sử triều Nguyễn

            Ngay từ khi chưa lên ngôi, Gia Long đã có ý tưởng kế thừa truyền thống sử học của các triều đại trước và học tập kinh nghiệm của Trung Quốc để thành lập một cơ quan phụ trách về sử học riêng biệt. Trong thời kỳ còn giao tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã có ý thức biên chép lại những việc làm của mình, học tập các hoàng đế Trung Hoa, lập ra chức Khởi cư chú. Đại Nam thực lục chép: “năm 1790 Vua (chỉ Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi) chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗi. Sai Thị Thư viện sung chức Khởi cư chú[18]. Nhiệm vụ chính của chức quan Khởi cư chú là chuyên ghi chép những lời nói việc làm của nhà vua. Bản thân vua Gia Long rất ham thích lịch sử: “vua thích xem cổ sử, ham xem sử các đời trước[19], thậm chí có lần đã tan buổi chầu vua vẫn còn sai bề tôi dâng sách lịch sử triều Minh và đọc đến tận nửa đêm mới thôi [20]. Thông qua việc đọc sách sử, vua Gia Long vẫn thường tìm hiểu những bài học lịch sử nhằm phục vụ trực tiếp vào công việc trị nước của ông vua đầu triều Nguyễn này. Không chỉ tham khảo lịch sử Việt Nam, vua Gia Long còn rất chú trọng tới Bắc sử (sử Trung Quốc), đặc biệt là các triều vua đã thu được hiệu quả trong việc thực thi các chính sách pháp luật. Nắm bắt được tư tưởng trị quốc của vua Gia Long, cùng ý thức được tầm quan trọng của việc thành lập cơ quan biên soạn quốc sử, Nguyễn Văn Thành không ít lần cùng các quần thần dâng lên nhà vua những thư tịch lịch sử Trung Quốc như sách Trinh Quán chính yếu[21], Đại học diễn nghĩa.v.v…Đồng thời, vị Tổng trấn còn đưa ra những lời bàn rất thiết thực về tác dụng của từng bộ sách trong việc trị nước: “… Đầu tiên là lời dạy rõ ràng của thánh hiền, tham hợp với sự tích xưa nay, lại phụ thêm những lời phát minh của tiên Nho chia từng điều, tách từng sợi, thế dụng đầy đủ, không những có thể để giảng ở chốn kinh diên mà những người học giả cần phải biết…Nay Thánh thượng dùng võ công dẹp yên thiên hạ, đem văn giáo mở mang thái bình… Cúi xin ban cho in ra phát hành, khiến người trong nước đều biết ý Thánh thượng muốn nêu ra, để cho nhà nhà cùng truyền, người người cùng đọc, đối với phép dạy dân hóa tục, tin chắc rằng bổ ích không nhỏ vậy”[22].

            Sau năm năm (1802-1807), tích cực điều hành công việc quản lý toàn diện xã hội, kinh tế của Bắc Thành, bước đầu thu được hiệu quả nhất định, năm 1807 Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nhận thấy đã đến lúc có thể  tập trung đẩy mạnh việc chấn hưng văn hóa, mà biên soạn quốc sử là nhiệm vụ trước tiên: “Đinh Mão, Gia Long năm thứ 6 (1807)…Mùa xuân, tháng Giêng…Nguyễn Văn Thành dâng sớ điều trần bốn việc”, trong đó điều thứ ba là: “Đặt sử quan để làm Quốc sử ”[23]. Như vậy, Nguyễn Văn Thành là vị Đại thần đầu tiên đề xuất kiến nghị thiết lập hệ thống quan chức phụ trách công việc biên soạn quốc sử của triều Nguyễn. Vua Gia Long lập tức chỉ thị cho bộ Lễ tham bác điển lệ, đưa ra bàn bạc trong triều đình và đưa ra quy định trình tấu: “Vua khen phải và nhận. Sai Lễ bộ tham khảo điển cố, bàn định điều lệ quy thức tâu lên[24].

Nhằm kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước, Gia Long nghĩ ngay tới việc chỉnh đốn pháp luật, biên soạn một bộ sách luật để có thể điều hành chính sự theo pháp chế. Năm Tân Mùi (1811), nhà vua đã sai đình thần soạn định luật lệ. Trong bài Dụ có đoạn viết:

Các bậc đế vương trị nước, hình pháp đặt ra đã lâu. Hình pháp không đúng thì dân không chỗ mà nắm. Nay luật lệ chưa định, pháp ty không theo vào đâu được, thực không phải ý Khâm tuất minh doãn[25] của Trẫm. Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh, điển lệ của bản triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ tự sửa cho đúng để ban hành[26] .

Người được giao trọng trách làm Tổng tài, chủ biên bộ sách luật pháp này không ai khác, đó là Đại thần Nguyễn Văn Thành[27].

Cùng năm 1811, triều đình thảo luận soạn bộ Quốc triều thực lục và lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Sử cục trong thư tịch Nhà nước triều Nguyễn. Khi đó, nhà vua cho “triệu Thị trung học sĩ là Phạm Quý Thích, Đốc học Sơn Nam là Nguyễn Đường, Đốc học Hoài Đức là Trần Toản về Kinh, sung chức Biên tu ở Sử cục[28]. Không rõ cơ quan này được ra đời từ bao giờ dưới triều vua Gia Long, nhưng theo ghi chép của sử thần triều Nguyễn, cho phép có thể xác định ít nhất đến năm 1811, Sử cục đã hiện diện trong bộ máy Nhà nước triều Nguyễn. Lúc này, Sử cục đã trở thành một cơ quan phiên chế trong chính quyền Nhà nước và Tổng tài, Biên tu là những chức quan đầu tiên của Sử cục được chép trong chính sử triều Nguyễn.

Tiếp theo việc thành lập Sử cục, Gia Long đã sai Võ Trinh là viên Nho thần giữ chức Thị trung Học sĩ dự thảo Phàm lệ soạn sử (tức là những điều quy định chung trong khi tiến hành biên soạn lịch sử). Tháng 12 năm 1811, nhà vua sau khi duyệt xem bản Phàm lệ này đã cử:“Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng tài, Phạm Như Đăng giữ chức Phó Tổng tài[29]. Theo ghi chép của bộ Đại Nam thực lục, Tổng tài đầu tiên của Sử cục triều Nguyễn là Đại thần Nguyễn Văn Thành. Điều này minh chứng thêm về sự tin cậy tuyệt đối của vua Gia Long và sự tín nhiệm cao của các bạn đồng liêu trong triều đình trước trình độ học vấn, năng lực làm việc và phẩm chất đạo đức của quan Tổng trấn họ Nguyễn.

Trong hệ thống quan chức của cơ quan biên soạn sử học, Tổng tài là vị quan đứng đầu, là người phụ trách toàn bộ công trình Quốc sử, từ lúc khởi thảo đến lúc đọc duyệt, sửa chữa lần cuối để trình vua “ngự lãm”. Tổng tài cùng với Phó Tổng tài, Toản tu hợp thành Hội đồng chỉ đạo trực tiếp biên soạn quốc sử. Vì vậy, có thể khẳng định dấu ấn của Tổng tài được lưu lại trên từng trang viết của bộ sử. Cho nên, vai trò của Tổng tài rất quan trọng, có một tác dụng không nhỏ trong quá trình chuẩn bị tư liệu, xây dựng Đề cương, Phàm lệ, biên soạn bản thảo, sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh. Tổng tài là những đại thần có phẩm hàm cao, xuất thân là những người đỗ thứ bậc cao trong các kỳ thi Hội, thi Đình, có thâm niên công tác, đạo đức uy tín, được các quan trong triều nể trọng. Việc tuyển chọn người đảm nhiệm chức vụ Tổng tài ở các triều đại Việt Nam hay Trung Quốc, đều phải do đương kim hoàng đế trực tiếp xem xét, bổ dụng[30].

Tháng 5 Nhâm Thân (khoảng tháng 7 năm 1812), tức là sau hơn nửa năm bản Phàm lệ soạn sử được phê duyệt, Tổng tài Nguyễn Văn Thành đã dâng một bức thư kín, trong đó có 4 kiến nghị. Trong điều kiến nghị thứ ba Nguyễn Văn Thành yêu cầu là: “Xin kén thêm Nho thần bổ sung vào Sử cục. Vua (Gia Long) khen và nhận”[31]. Như vậy, có thể nhận thấy, Sử cục tuy đã được ra đời, nhưng hoạt động của nó vẫn chưa được chú ý đẩy mạnh, cơ cấu tổ chức, số lượng nhân sự tham gia còn rất thiếu; cho nên mới có việc người phụ trách Sử cục dâng kiến nghị lựa chọn, bổ sung thêm người có năng lực vào làm việc. Đồng thời, qua bản kiến nghị cũng thể hiện được sự quan tâm sâu sắc và tinh thần trách nhiệm cao đối với quá trình hình thành, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ cấu cơ quan biên soạn Quốc sử của vị Tổng tài họ Nguyễn.

Tuy tổ chức chưa đầy đủ, nhân viên còn thiếu, nhưng Sử cục dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng tài Nguyễn Văn Thành cũng nhanh chóng thu được thành quả đáng kể với việc biên soạn, sửa định thành công bộ Hoàng Việt luật lệ còn gọi là Quốc triều luật lệ hay Bộ luật Gia Long. Bộ luật này gồm 22 quyển, 398 điều bắt đầu biên soạn vào đầu năm 1811 đến tháng 7 năm 1812 hoàn thành và được ban hành, thực thi vào tháng 8 năm 1815[32]. Cùng với Quốc triều Hình luật (thường gọi là Bộ luật Hồng Đức) được công bố vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) triều vua Lê Thánh Tông, Hoàng Việt luật lệ của Sử cục triều Gia Long đã trở thành hai bộ cổ luật chính thống lớn nhất và có vị trí quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật chế độ phong kiến Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay. Với thành quả này, Sử cục bước đầu đã góp một phần không nhỏ vào quá trình ổn định, kiện toàn bộ máy Nhà nước triều Nguyễn. Đây là sự nỗ lực tích cực của triều Nguyễn đối với sự nghiệp biên soạn lịch sử dân tộc. Trong đó, cần ghi nhận sự cống hiến xuất sắc của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành – Tổng tài đầu tiên của Sử cục triều Nguyễn.

 

Giữa tháng Mạnh Đông, Quý Tỵ (11/2013)

               Viết tại Quan Nhân thư trai

 

 


[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Nxb.Giáo dục, H, 2002, tr. 491.

[2]. Nguyễn Minh Tường, Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Nxb.KHXH, H, 1996, tr. 30.

[3]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 507.

[4]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.II, Nxb.Giáo dục, H, 2004, tr. 8.

[5]. Đinh Công Vĩ, Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn, Nxb.KHXH, H, 1994, tr. 8.

[6]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 193.

[7]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.I, Nxb.Giáo dục, H, 1998, tr.21.

[8]. Dực tông Anh hoàng đế, Ngự chế Việt sử tổng vịnh, T.Thượng, Sđd, tr. 12.

[9]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, T.2, Chính biên, quyển 21, Truyện các quan, mục XVIII, Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.390.

[10]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 528.

[11]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 528.

[12]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 772.

[13]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 800.

[14]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 948.

[15]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 949.

[16]. Quốc sử di biên có nghĩa là: Ghi chép bổ sung những sự kiện mà Quốc sử (ở đây chỉ bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) còn thiếu hoặc bỏ sót. Tác giả sách là Phan Thúc Trực (1808-1852), còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, người làng Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

[17]. Phan Thúc Trực: Quốc sử di biên, Nxb. Văn hóa Thông tin, H, 2009, tr.98.

[18]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 217.

[19]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 826.

[20]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 821.

[21]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 519.

Trinh Quán (627-649) là niên hiệu của Đường Thái Tông (Lý Thế Dân), một vị vua thịnh trị triều Đường. Sách Trinh Quán chính yếu do Ngô Cạnh biên soạn, tóm lược những điều cốt yếu về chính sách triều vua Đường Thái Tông.

[22]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 755-756.

[23]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 687.

[24]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 687.

[25] Khâm tuất  minh doãn nghĩa là: Kính cẩn, thương xót, sáng suốt, tin đúng.

[26]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 807- 808.

[27]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 807.

[28]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 816.

[29] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 828.

[30]. Nguyễn Hữu Tâm: Cao Xuân Dục- vị Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn. TC.KHXH Việt Nam, 2013, số 6, tr.81-82.

[31]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr. 841.

[32]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.I, Sđd, tr.807, 842, 905.