LỜI GIỚI THIỆU

Website  honguyenquancong.com là kênh thông tin chính thức của dòng họ

Nguyễn Huế - Gia Định, là diễn đàn trao đổi giữa các chi họ Nguyễn trong

và ngoài nước. Ban quản trị Website mong muốn nhận được bài viết, hình

ảnh về các hoạt động của các chi họ để trang Web thêm phong phú, đa dạng.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ Email: honguyenquancong@gmail.com hoặc

duyhung12258@gmail.com. 

Tổng trấn Bắc Thành với việc xây dựng Văn miếu ở các Trấn của Bắc Thành vào đầu thế kỷ XIX

Ths. Trần Nam Trung - Viện Sử học

Một trong những kiến trúc văn hóa quan trọng của Nhà nước quân chủ phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…) nói chung và Việt Nam nói riêng, là Văn miếu. Các vương triều quân chủ Việt Nam khi xây dựng Văn miếu, một mặt để khẳng định, họ dựa vào các tín điều của đạo Nho trong việc trị quốc yên dân, mặt khác cũng để tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của những bậc thánh sáng lập nên Nho giáo. Giống như trong một ngôi chùa, vị thế tôn sùng tối cao được dành cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì trong Văn miếu, vị thế đó là thuộc về Khổng tử, người có công sáng lập nên Đạo Nho, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu đời nhất ở vùng Đông Á.

            Chúng ta đều biết, Khổng tử (551-479 tr. Cn) là một nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà văn hóa uyên bác và một nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung. Có thể nói những đóng góp của Khổng tử vào nền văn hóa nhân loại là vô cùng lớn lao và có tính chất nhân văn sâu sắc. Suốt chiều dài lịch sử dưới thời quân chủ, kéo dài gần 2.500 năm ở Trung Quốc và hàng nghìn năm tại các nước khác trong khu vực Đông Á, trên nhiều lĩnh vực: kể từ chính trị, văn hóa, giáo dục, cho đến phong tục tập quán đâu đâu cũng chịu ảnh hưởng đậm nét, hoặc có sự chi phối tư tưởng của Khổng tử.

            Cho nên, ở Trung Quốc từ sau khi Khổng tử qua đời, hầu như triều đại nào cũng tiến phong các danh hiệu, các mỹ tự cho Khổng tử, như một sự khẳng định, sự suy tôn đạo học và trọng thị đối với tầng lớp kẻ sĩ.

            Trong số các danh hiệu mà các triều đại Trung Quốc tiến phong cho Khổng tử thì có một vài danh hiệu dưới đây được người đời trân trọng và lưu truyền:

            Năm Khai Nguyên thứ 21 (733), vua Đường Huyền Tông tiến phong Khổng tử là Văn Tuyên vương 文 宣 王.

            Năm Bảo Nguyên thứ 2 (1039), vua Tống Nhân Tông tiến phong là Chí thánh Văn Tuyên vương 至 聖 文 宣 王.

            Năm Chí Đại thứ 5 (1312), vua Nguyên Vũ Tông, gia phong là Đại Thành Chí thánh Văn Tuyên vương 大 成 至 聖 文 宣 王.

            Năm Gia Tĩnh thứ 9 (1530), vua Minh Thế Tông đổi là Chí thánh Tiên sư Khổng tử Thần vị 至 聖 先 師 孔 子 神 位.

            Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), vua Thanh Thế tổ gia phong là Đại Thành Chí thánh Văn Tuyên Tiên sư Khổng tử 大 成 至 聖 文 宣 先 師 孔 子.

            Thật ra, trong tất cả những danh hiệu vừa kể trên, thì theo chúng tôi, vua Khang Hy (1662-1722), triều Thanh ban tặng Khổng tử là Vạn Thế sư biểu 萬 世 師 表 (Bậc thầy tiêu biểu của muôn đời) là chí lý hơn cả.

            Khổng tử là một bậc thầy vĩ đại, ông mãi mãi vẫn còn là tấm gương cho người thầy giáo trên trái đất này. Với Khổng tử, nhân cách của một người thầy là phải Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện 學 而 不 厭 ,誨 人 不 倦. (Học không biết chán, dạy người không biết mệt mỏi – Luận Ngữ - Thuật nhi). Đó là một chân lý thực giản dị nhưng thực hiện được đâu phải dễ!

            Theo Từ Nguyên thì ngay từ khi Khổng tử mất, người Trung Hoa đã lập miếu thờ ông và kéo dài cho đến tận ngày nay. Chỉ có điều, tên gọi một thời có thay đổi chút ít.

            Trong mục Khổng tử miếu, sách Từ Nguyên viết:

            “Khổng tử tốt ư Lỗ Ai công thập lục niên chí thập thất niên, công vi lập miếu cựu trạch, trí tốt thủ yên, thị vi Khổng tử hữu miếu chi thủy. Hậu Tề thời quận học giai ư phường nội lập Khổng – Nhan miếu, vị ngoại quận thiết học lập miếu chi thủy.

            Đường Thái Tông, Trinh Quán tứ niên, chiếu châu huyện giai lập Khổng tử miếu, vi châu huyện học lập miếu chi thủy, kiến Kỳ Bình Cư sĩ tập.

            Án Minh, Thanh giai xưng Văn miếu. Dân quốc tam niên Lễ Chế quán dĩ Khổng tử chi đạo, phi nhất ngôn, nhất hành chi mỹ, khả dĩ tiết huệ, định nhượng giả thử, thủy tòng tối cổ chi xưng, định vi thử danh”.

            (Tạm dịch: Khổng tử mất vào năm Lỗ Ai công thứ 16 (479 tr. Cn) đến năm thứ 17 (478 tr. Cn) nhà vua cho lập miếu thờ Khổng tử ở nền nhà cũ của ông, đặt lính coi giữ. Đó là sự mở đầu cho việc lập miếu thờ Khổng tử. Vào đời Hậu Tề (479-502), các trường học ở quận đều lập tại phủ trong một miếu thờ Khổng tử và Nhan tử[1], đó là việc lập miếu thờ Khổng tử đầu tiên ở ngoài quận. Vào năm Trinh Quán thứ 4 (630) đời Đường Thái Tông, ban chiếu lệnh cho các châu huyện lập Khổng tử miếu, đó là việc lập miếu thờ Khổng tử đầu tiên ở châu, huyện, xem thêm bộ Kỳ Bình cư sĩ tập.

            Xét thấy hai triều đại Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911) đều gọi là Văn miếu 文 廟. Tới năm Dân Quốc thứ 3 (1914), Lễ Chế quan cho rằng cái đạo của Khổng tử, chẳng có lời nào, việc nào mà không tốt đẹp, có thể tiết chế ân huệ, xác lập khiêm nhượng, vì thế lại theo như cách gọi của thời đại xa xưa, khẳng định tên gọi Khổng tử miếu 孔 子 廟).

            Như vậy, qua các dòng ghi chép trên của Từ Nguyên cho ta biết tới đời Minh, cụ thể là vào năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410) mới đổi tên Tiên sư miếu 先 師 廟 thành Văn miếu 文 廟.

            Lịch sử phương Đông chứng minh, trong học thuật và tư tưởng, trong hoạt động và đời sống thực thi Nho giáo “tiến vi quan, đạt vi sư” của giới Nho sĩ, hình ảnh, phẩm cách, tư tưởng, trí tuệ của Khổng tử luôn cổ vũ và soi sáng cho họ. Cho nên, Văn miếu đã trở thành một nơi mặc dù hết sức tôn nghiêm, thiêng liêng nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thiết với họ.

            Ở Việt Nam, Nho giáo truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc (179 tr. Cn – 905 s. Cn), vào khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên. Tuy vậy, vào thời kỳ này, Nho giáo chỉ mới được tiếp nhận trong một số bộ phận của tầng lớp cầm quyền, đại bộ phận nhân dân vẫn sống theo phong tục tập quán của dân tộc Việt có từ trước.

            Sau hơn 100 năm giành được quyền độc lập, tự chủ, vào tháng 8, mùa Thu, năm Canh Tuất (1070), dưới triều vua Lý Thánh Tông, Nhà nước quân chủ Việt Nam mới cho lập Văn miếu ở Kinh đô Thăng Long. Đấy là một hành động có tính biểu tượng cho sự thừa nhận Nho giáo của những người cầm quyền đương thời. Văn miếu dựng xong, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) cho đắp tượng Khổng tử, Chu công và Tứ phối[2], vẽ tranh Thất thập nhị hiền (72 người giỏi) để bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử Càn Đức (vua Lý Nhân Tông sau này) bấy giờ mới 4 tuổi, được cho đến đây để học.

            Từ các triều đại Lý, Trần, Lê đến Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, mặc dù triều đại này lên thay triều đại kia, dòng họ này thay dòng họ kia trị vì đất nước, nhưng không có một triều đại nào, một dòng họ nào phá bỏ Văn miếu, ngược lại, triều đại mới, dòng họ mới lên nắm quyền đều trùng tu và mở rộng quy mô. Đó là một sự thực, thể hiện sự trân trọng di sản Khu di tích Văn hóa – Lịch sử này của tiền nhân.

            Năm 1802, Vương triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long dời Kinh đô vào Phú Xuân (Huế). Từ đó, triều Nguyễn cũng xây dựng khu Văn miếu của Kinh đô tại Phú Xuân (Huế), nhưng với quy mô kiến trúc nhỏ hơn và đơn giản hơn Văn miếu Thăng Long.

            Trên đây là nói về Văn miếu của Kinh đô, tức ngôi đền thờ các vị Thánh nhân Đạo Nho của triều đình quân chủ Việt Nam. Ở nước ta vào các thời Lý (1009-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), không thấy có tư liệu lịch sử nào cho chúng ta biết ở địa phương các lộ, trấn có xây dựng Văn miếu. Có thể sớm nhất vào thời Lê sơ (1428-1527), Nhà nước quân chủ Việt Nam mới có chủ trương cho phép các trấn lớn, quan trọng xây dựng Văn miếu. Nói như thế, bởi cho đến nay, chúng tôi chỉ thấy một số trấn ở phía Bắc, cụ thể là Tứ trấn xung quanh Thăng Long là: Xứ Đoài (Sơn Tây), Xứ Bắc (Kinh Bắc), Xứ Đông (Hải Dương) và Xứ Nam (Sơn Nam) là có Văn miếu từ trước đời Nguyễn.

            Để chấn hưng việc học và khuyến khích kẻ sĩ, noi theo cái học Nho giáo ngay từ những năm đầu sáng lập Vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã lệnh cho các dinh, trấn trên toàn quốc xây dựng Văn miếu thờ Khổng Tử.

            Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Tháng Giêng nhuận, năm Quý Hợi (1803): Sai các dinh, trấn đều lập Văn miếu, mỗi miếu đặt 2 người Điển hiệu, Lễ sinh và Miếu phu đều 30 người”[3].

            Theo như chiếu chỉ của triều đình Nguyễn vào năm Quý Hợi (1803) này, thì các trấn ở Bắc thành dưới quyền của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đều phải xây dựng Văn miếu tại lỵ sở của trấn.

            Trong bài luận văn khoa học này, chúng tôi xin lược khảo một vài Văn miếu tại các trấn của Bắc thành được xây dựng hoặc tu bổ trong thời kỳ Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng trấn, tức từ năm 1802 đến năm 1810.

            Văn miếu Bắc Ninh: tọa lạc trên núi Phúc Sơn, thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30 km. Gọi là Văn miếu Bắc Ninh, vì hiện nay, nó nằm trong địa phận tỉnh Bắc Ninh, nhưng trong thực tế khi mới thành lập vào thời Lê, Văn miếu có tên là Văn miếu Kinh Bắc.

            Sách Đại Nam nhất thống chí và bia Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký đều cho biết: Văn miếu Kinh Bắc – Bắc Ninh xưa được xây dựng ở vùng núi Thị Cầu (“Thị Kiều sơn phận”), huyện Võ Giàng. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Văn miếu (Bắc Ninh – TG) ở phía Đông Bắc tỉnh thành, thuộc địa phận xã Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tu bổ năm Gia Long thứ 1 (1802)…”[4].

            Vùng sơn phận Thị Cầu nói ở trên, có thể nằm ngoài phạm vi thành Thị Cầu thời Lê, tức là ngoài khu vực Viện Quân y 110 hiện nay. Đầu đời Gia Long, năm 1805, nhà Nguyễn cũng cho đắp thành tỉnh Bắc Ninh bằng đất tại vị trí này. Nhưng vị thế này có nhiều điểm bất lợi, nên vào khoảng cuối thế kỷ XIX, tỉnh lỵ Bắc Ninh đã di chuyển về vị trí hiện nay. Cũng vì tỉnh lỵ dời đổi, nên Văn miếu Bắc Ninh cũng được chuyển đến địa điểm núi Phúc Sơn bây giờ.

            Văn miếu Hưng Yên: thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, nên vẫn thường gọi là Văn miếu Xích Đằng.

            Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng từ thời Lê, nhưng quy mô ban đầu còn nhỏ hẹp, đến năm Gia Long thứ 3 (1804) được trùng tu lần đầu. Hiện nay tại Văn miếu Hưng Yên vẫn còn quả chuông có tiêu đề Kim chung Văn miếu 金 鐘 文 廟 (Chuông vàng Văn miếu) ghi niên đại Gia Long năm thứ 3 (1804), và một chiếc khánh đá lớn Ngọc khánh Văn miếu 玉 磬 文 廟 (Khánh ngọc Văn miếu). Văn miếu Hưng Yên tọa lạc trên khu vực đất rộng gần 6 ha, phía trước lấy đầm Vạc làm yếu tố Minh Đường, phía tây có hồ Văn. Công trình kiến trúc đồng bộ hạng mục bố trí theo hình chữ Quốc 國, gồm Tam quan, Tả vu, Hữu vu, tòa Đại bái, Trung từ và Hậu cung.

            Văn miếu Hải Dương: thuộc địa phận xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nên vẫn thường gọi là Văn miếu Mao Điền. Văn miếu Hải Dương, vốn tọa lạc tại xã Vĩnh Lạc, huyện Đường An, đến đời vua Quang Trung (1788-1792), mới dời về vị trí hiện nay. Theo bia Trùng tu Văn miếu bi ký, khắc năm Gia Long thứ 9 (1810), thì: Quy mô Văn miếu Mao Điền xưa khá rộng, diện tích lên tới 10 mẫu Bắc Bộ (khoảng 36.000 m2). Công trình văn hóa - lịch sử này được xây dựng theo hướng Bắc – Nam, quay mặt hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Bái đường, Hậu cung, mỗi tòa 7 gian xây theo hình chữ Nhị 二, nhà Khải Thánh (thờ Cha mẹ của Khổng tử), nhà Đông vu, Tây vu, đài Nghiên, tháp Bút, gác Chuông, gác Khánh, gác Khuê văn, Tam quan, lầu Canh… Tất cả các hạng mục được quy hoạch cân đối và đẹp mắt.

            Văn miếu Yên Quảng: theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Văn miếu Yên Quảng “ở phía đông tỉnh thành, dựng năm Gia Long thứ 4 (1805). Đền Khải Thánh ở phía Bắc của Văn miếu”[5].

            Thể hiện sự tôn sư trọng đạo, vua Gia Long thường cứ vào tháng 2 hằng năm, đều tổ chức Tế Xuân ở Văn miếu tại Kinh đô Phú Xuân. Ngày hôm ấy, nhà vua thân đến làm lễ. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Vua tôn chuộng đạo Nho, rất chú ý đến việc lễ nhạc, từng hỏi Lễ bộ rằng: “Thiên tử thân tế Văn miếu, sau 3 tuần hiến rượu có tiết “Ẩm phước thụ tộ[6], thì ở trong sách Lễ có không?”. Nguyễn Gia Cát thưa rằng: “Không có. Thần xem Hội điển nhà Minh, nhà Thanh thì tiết này chỉ đặt ra cho quan đứng để thay vua mà thôi”. Vua khen phải. Nhân dụ bầy tôi rằng: “Trong Văn miếu trước có tượng, hiệu là Văn Tuyên vương. Trẫm nghĩ rằng tước vương tuy trọng, nhưng không hợp nghĩa tôn thầy, tượng tuy cổ thật, song gần như là khinh nhờn. Đó là vì khi bắt đầu xây dựng còn noi theo chế độ các đời trước, chưa rỗi chỉnh đốn lại. Nay bàn lễ, xét văn là trách nhiệm ở trẫm, bọn khanh nên hiểu ý trẫm, tâu bày việc đó cho trẫm nghe. Bầy tôi xin theo chế độ nhà Minh, đổi làm bài vị, xưng là Chí Thánh Tiên sư Khổng tử, cho hợp lễ ý. Vua cho là phải”[7].

            Tháng 4 năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long sai bộ Lễ bàn định quy thức Văn miếu ở các thành, dinh, trấn trên cả nước. Từ đây trở đi, Văn miếu các trấn Bắc thành được quy định như sau: Chính đường 3 gian, 4 chái; Tiền đường 5 gian, 2 chái; phía hữu dựng đền Khải Thánh, 3 gian, 2 chái[8].

            Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết rõ hơn như sau:

            “Gian chính giữa Văn miếu thờ chính vị (tức Khổng tử - TG), gian thứ nhất bên tả, bên hữu thờ các vị phối hưởng (tức Tứ phối – TG) đều xây bệ gạch, trên bệ đặt một cỗ khám, trạng để bài vị. Gian giữa thứ hai bên tả, bên hữu thờ các vị Tiên triết. Gian thứ ba bên tả, bên hữu thờ các vị Tiên hiền. Gian thứ tư, bên tả, bên hữu và gian hồi, thờ các vị Tiên nho, đều đặt bài vị ở trên bệ gạch…

            … Hằng năm Xuân - Thu 2 kỳ tế: Chính vị, lễ dùng Tam sinh[9] và xôi, các vị Phối hưởng, các vị Tiên triết, các vị Tiên hiền và Tiên nho, lợn dùng 4 con, chia ra dâng lên, xôi cộng 18 mâm”[10].

            Tháng 7 năm Mậu Thìn (1808), triều đình Nguyễn lại hạ lệnh cho Văn miếu các địa phương đều đặt thần vị Tiên sư (tức Chí thánh Tiên sư Khổng tử - TG) để thờ. Nơi nào trước có thần tượng thì chọn chỗ đất sạch mà chôn đi[11].

            Tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1809), Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành dâng sớ về triều đình Phú Xuân xin ý kiến về việc thờ phụng tại Văn miếu Bắc thành như sau: “Văn miếu ở thành từ triều Lê về trước đem Sĩ Vương[12] và Chu An tòng tự. Xét trong Sử ký (tức Đại Việt sử ký toàn thư – TG) thì Sĩ Vương dùng Thi Thư để hóa tục nước, đem lễ nhạc để hóa lòng người, văn hiến của nước ta bắt đầu từ đấy. Chu An thì thanh bạch giữ tiết, lý học tinh thông, là vị đại nho ở đời, cho nên các đời đều nêu rạng, mà đặt vào hàng tòng tự ở Văn miếu. Nay xin tùy bệ hạ quyết định”[13].

            Vua Gia Long giao xuống cho bầy tôi trong bộ Lễ bàn bạc, mọi người đều cho rằng Văn miếu ở Kinh đô Phú Xuân không đưa Sĩ Nhiếp và Chu An vào hàng tòng tự. Văn miếu ở các thành nên lấy Văn miếu Kinh đô làm chuẩn mực, vì thế bỏ không thờ 2 vị tại Văn miếu Bắc thành.

*

*          *

            Qua việc xây dựng Văn miếu tại các trấn ở Bắc thành, và quy định việc tế tự, thờ phụng các vị Tiên sư, Tiên triết, Tiên hiền, Tiên nho ở nơi đó vào đầu thế kỷ XIX, cho thấy những người đứng đầu quốc gia Việt Nam nói chung và Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành nói riêng, không chỉ biểu hiện sự tôn sùng Đạo Nho, sùng kính Khổng tử, mà quan trọng hơn, họ muốn chính thức khẳng định sự đề cao văn hóa, tôn trọng trí thức và sự khuyến học, khuyến tài của chính quyền quân chủ. Một việc làm thể hiện sự tôn vinh những tấm gương cầu học thành tài, được vị Tổng trấn Nguyễn Văn Thành và các viên quan đứng đầu các trấn thời kỳ này tạo nên, sau này trở thành quy chế, truyền thống là cho khắc tên tuổi của những người đỗ đạt trong địa phương mình.

            Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành , vốn xuất thân con nhà võ, ông là một danh tướng của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhưng ông thuộc hàng Nho tướng, tức vị tướng vừa giỏi võ lược, vừa có tài văn chương. Các sử thần triều Nguyễn từng nhận xét về ông là người “có văn võ tài lược”, điều đó là xác đáng.

            Tài văn của Nguyễn Văn Thành phần nào được thể hiện qua bài văn Tế trận vong tướng sĩ nổi tiếng, mà hậu thế còn truyền tụng.

            Nhưng theo chúng tôi văn tài ấy còn được ông bộc lộ qua việc tạo dựng Khuê văn các và tổ chức xây dựng Văn miếu ở các trấn trong phạm vi Bắc thành do ông cai quản. Những hành động có tính chất tôn vinh Đạo học ấy, có tác dụng khuyến khích việc học, việc thi ở đất Bắc Hà. Và thành quả của việc làm tốt đẹp ấy của vị Tổng trấn Bắc thành đáng kính là một loạt các Danh sĩ, Danh nho ra đời vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ XIX, dưới thời Minh Mệnh. Đó chẳng phải là điều rất đáng ghi nhận công lao của vị Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành trong việc xây dựng và tu bổ Văn miếu thờ Khổng tử vào đầu thế kỷ XIX, đó sao?./.

 

T.N.T.

           

 

 


[1]. Nhan tử 顏 子: tên là Nhan Uyên 顏 淵, học trò giỏi của Khổng tử, ông chết trẻ, khi mới hơn 30 tuổi.

[2]. Tứ phối: Bốn vị được phối thờ cùng với Khổng tử tại Văn miếu là:

            1. Nhan tử: được tôn xưng là Phục Thánh

            2. Tăng tử: được tôn xưng là Tông Thánh

            3. Tử Tư: được tôn xưng là Thuật Thánh

            4. Mạnh tử: được tôn xưng là Á Thánh.

[3]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 546.

[4]. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tập 4, tr. 99.

[5]. Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tập 4, tr. 45.

[6]. Ẩm phước thụ tộ: Uống rượu và ăn thịt để tỏ ra được thần ban phúc.

[7]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 724, 725.

[8]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 725.

[9]. Lễ Tam sinh, còn gọi cỗ Thái lao: dùng 3 con vật: Bò - Dê - Lợn.

[10]. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, tập 6, tr. 440.

[11]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 737.

[12]. Sĩ Vương: tức Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao Chỉ (187-226). Vì Nho giáo ở thời Sĩ Nhiếp được truyền bá rộng rãi, nên nhà Nho nước ta đề cao Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương, lại gọi ông là Nam Giao học tổ (Ông Tổ việc học của nước Nam).

[13]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 745.