Nguyễn Duy Hưng, ghi theo lời kể của Cụ Nguyễn Tự Huy – Hậu duệ đời thứ 5 của Quận Công Nguyễn Văn Thành
GIAI THOẠI VĂN HỌC
Ngày xưa có một Cậu học trò nghèo nhưng hay chữ, theo đuổi học hành để mong đỗ đạt ra làm quan. Cậu phải đi làm thuê làm mướn để có tiền đóng học. Cai quản vùng đó có Quan Tri phủ là người đức độ, rất trọng nhân tài; Nếu học trò nghèo học giỏi Ông thường tìm cách giúp đỡ. Biết tin đó, người học trò nghèo tìm đến Quan để tìm sự giúp đỡ. Người hầu dẫn cậu học trò nghèo vào trình diện; Sau khi lạy Quan, người Học trò bèn nói rõ mục đích đến gặp Quan. Lúc đó có anh lính dắt con ngựa trắng đi qua cuối sân, để thử tài cậu học trò, Quan bèn chỉ con ngựa và bảo Cậu học trò hãy làm thơ vịnh con ngựa.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, Cậu học trò bèn đọc bài thơ như sau:
Bạch mã, mao như tuyết
Tứ chi rắn như Thiếc
Tướng công kỵ Bạch mã
Bạch mã tẩu như phi.
Nghe xong bài thơ, Quan phủ mỉm cười khen bài thơ hay và sai gia nhân mang 01 bịch gạo và 10 quan tiền tặng Cậu học trò. Cậu học trò nghèo cảm tạ Quan Phủ, giắt tiền vào tay nải, tay phải nghiêng người cầm bịch gạo, bỗng Cậu học trò đọc câu: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh” ý nói tay phải thì được gạo mà tay trái thì không có gì. Quan khen thông minh và bảo gia nhân tặng thêm cho Cậu học trò một bịch gạo nữa để xách về cho cân.
Về nhà cậu rất phấn khởi vì được Quan cho gạo, cho tiền. Người bạn cùng trọ học bèn hỏi chuyện, Cậu kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe. Bạn cùng trọ với Cậu học trò nghèo lại là người lười học, hay đua đòi ăn chơi, gia đình giàu có nên thường xuyên phải chu cấp cho cậu. Cậu học trò nhà giàu nổi máu tham bèn học thuộc bài thơ vịnh Bạch mã rồi tìm đến nhà Quan mong kiếm chút trợ cấp để tiêu xài…
Khi gia nhân dẫn Cậu học trò nhà giàu đến gặp Quan Phủ, nhìn bộ dạng bên ngoài quan cười tủm tỉm rồi chỉ một cụ bà tóc bạc trắng lưng còng đi đằng xa nói: Anh hãy vịnh bài thơ về Cụ già kia. Người học trò con nhà giàu, bản chất học dốt, vì đã học thuộc làu bài thơ vịnh con Bạch mã của bạn nên cậu thay chữ Bạch mã thành tên Cụ bà, Bài thơ đọc như sau:
Cụ bà mao như tuyết
Tứ chi rắn như thiếc
Tướng công kỵ bà Cụ
Bà cụ tẩu như phi
Quan nghe bài thơ biết anh học trò vừa ngu dốt, vừa hỗn xược bèn quát lính lôi ra sân đánh cho 20 roi. Mặc dù đau đớn do đòn roi nhưng cậu học trò con nhà giàu còn cố đọc nốt kịch bản: Nhất bên trọng, nhất bên khinh. Quan giận lắm bèn quát lính lọc ra đánh tiếp 20 roi nữa. Đáng đời đồ lêu lổng…