Theo Hội quán di sản 30/08/2018
Câu nói cửa miệng của dân gian người Việt “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” vừa phản ánh tâm thức hướng về cội nguồn, vừa là một thực hành nghi lễ hàng năm của con người Việt Nam từ bao đời nay.
Người Việt coi trọng ngày giỗ, tức ngày con người qua đời hơn là sinh nhật, kiểu như người phương Tây. Họ còn coi trọng ngày giỗ, coi trọng mồ mả bởi tin rằng có sự liên hệ nào đó giữa thế giới người chết với cuộc sống con cháu nơi trần gian, nên “sống vì mồ mả hơn cả bát cơm”. Ngày giỗ, tất cả con cháu dù ở nơi xa cũng đều hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tề tựu, sum họp, làm cỗ dâng cúng người thân đã quá cố. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất của đời sống tâm linh của gia tộc, dòng họ, của mỗi con người Việt Nam ta.
Người Việt có truyền thống lấy gia tộc làm cái khung ứng xử cho cả xã hội, cộng đồng xã hội, thậm chí ra cả quốc gia, dân tộc. Do vậy, hàng năm, gia tộc, dòng họ có giỗ tổ tiên, thì cả nước cũng có giỗ tổ Hùng Vương. Gia đình có Cha Mẹ, có giỗ Cha Mẹ, có “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Do vậy, tổ quốc Việt Nam ta tựa như một gia đình lớn mở rộng, có tổ tiên, có cha mẹ, có con cháu.
Cha Mẹ của quốc gia, dân tộc là ai? Theo huyền thoại cổ xưa đó là bố Lạc Long (bố Rồng) và mẹ Âu Cơ (mẹ Tiên), sau này, theo truyền thống đó lại được nhân dân ta lịch sử hoá thành Đức Thánh Trần theo dòng thuỷ tộc Long Vương và Thánh Mẫu Liễu Hạnh, theo dòng Tiên chúa. Cha có công diệt giặc trừ tà, Mẹ có công chở che, ban phúc, lộc.
Theo truyền thống xuân thu nhị kỳ đó, hàng năm, cứ đến tháng ba, nơi nơi có đền phủ thờ Mẫu đều mở hội từng bừng, nhất là ở các đền phủ lớn ở trung tâm, như Phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), điện Hòn Chén (Huế), Bà Đen (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang)… ngày hội giỗ Mẹ có rước Mẫu lên chùa thỉnh Phật Bà Quan Âm, có hát văn, hầu bóng, kéo chữ… Tháng tám giỗ Cha, đó là ngày hoá của Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, nhất là ở Kiếp Bạc (Hải Dương), Bảo Lộc, đền Trần (Nam Định). Hội Cha có rước thuyền trên sông nước, múa rồng, thực hiện các phép thuật trừ tà, giải bệnh…
Tâm thức “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, ngoài phạm vi thực hành nghi lễ cổ truyền, nó còn hàm chứa một triết lý vũ trụ luận âm dương sâu sắc, sự tương tác hài hoà giữa con người và tự nhiên. Tháng ba thời khắc vụ trụ đạt tới đỉnh điểm của dương thịnh, thì giỗ Mẹ là biểu tượng của âm, khiến âm dương tương khắc tương sinh. Tháng tám, khi vũ trụ đạt tới trạng thái thịnh thì giỗ Cha, biểu tượng của dương, làm trời đất và con người bù đắp, trung hoà. Mà trong quan niệm vũ trụ luận cổ xưa của dân tộc ta, sự hài hoà, thăng bằng bao giờ cũng là nguồn cội của mọi sự tốt đẹp, sinh sôi, an khang, thịnh vượng.
Theo Hội quán di sản 30/08/2018